Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

ĐẾN VỚI BỆNH NHÂN SUY THẬN TẠI KIÊN GIANG

Với những người mang chứng bệnh nan y đều có một nét đặc thù chung là nỗi đau, cùng những ước vọng dần bị tước đoạt bởi định mệnh và sự tuyệt vọng... Nếu như với bệnh ung thư (K) ngày nay có những phương pháp điều trị ngăn chặn khá hữu hiệu đặc biệt là khi bệnh trong giai đoạn mới phát nhưng với căn bệnh suy thận thì việc điều trị bằng phương pháp lọc máu cũng chỉ là biện pháp mang tính duy trì nếu không được ghép thận... Những bệnh nhân đang phải điều trị bằng phương pháp lọc máu (chạy thận), thì cuộc đời gần như gắn liền với bệnh viện cùng máy chạy thận, với chiều hướng tần suất tăng dần theo thời gian, đồng nghĩa với sự sống bị rút ngắn...Góp phần chia sẻ cùng những nỗi khổ niềm đau với những bệnh nhân nghèo, giúp bà con phần nào giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống. Ngày 08.10.2016, Chi hội Lá Bồ Đề đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, đến với những bệnh nhân đang điều trị lọc máu duy trì do suy thận mãn...

ĐẾN VỚI BỆNH NHÂN SUY THẬN MÃN VÀ TRUNG TÂM TTXH PHẬT QUANG TẠI KIÊN GIANG   

(Kết nối YouTube, từ khóa: Chi hội Lá Bồ Đề để xem thêm nhiều hình ảnh)  

        Với những người mang chứng bệnh nan y đều có một nét đặc thù chung là nỗi đau, cùng những ước vọng dần bị tước đoạt bởi định mệnh, hủy hoại một cuộc đời kễ cả gia đình họ trong sự tuyệt vọng. Nếu như với bệnh ung thư (K) ngày nay cũng có những phương pháp điều trị ngăn chặn khá hữu hiệu đặc biệt là khi bệnh trong giai đoạn mới phát nhưng với căn bệnh suy thận thì việc điều trị bằng phương pháp lọc máu cũng chỉ là biện pháp mang tính duy trì chứ không ngăn chặn được nếu không được ghép thận.

        Những bệnh nhân đang mang căn bệnh suy thận mãn phải điều trị bằng phương pháp lọc máu (chạy thận), thì cuộc đời gần như gắn liền với bệnh viện cùng máy chạy thận, với chiều hướng tần suất tăng dần theo thời gian, đồng nghĩa với sự sống bị rút ngắn cùng với những tài sản đang có cũng dần dần ra đi, đã nghèo thì càng nghèo hơn bởi chi phí điều trị lọc thận mỗi lần có thể không nhiều lắm so với điều trị với các bệnh nan y khác nhưng điều trị liên tục, phải chi liên tục, một cái chết được báo trước ngay cả khi gia có điều kiện và dù tích cực điều trị như thế nào.

        Trong một lần, được biết thông tin về những bệnh nhân suy thận mãn đang điều trị lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, không có tiền để đóng phí điều trị và cũng chưa có BHYT. Chúng ta đã hướng đến sẽ tặng thẻ BHYT cho bệnh nhân, mang tính hỗ trợ thiết thực lâu dài và khi chuẩn bị thực tế đến tận nơi, chúng tôi cũng đã làm việc trước với các bên hữu quan tại Tp.HCM và Kiên Giang để có phương án hỗ trợ tích cực, trước mắt đã tháo gở được một trong hai vấn đề chính là sẽ giải quyết cho mua BHYT chỉ riêng người bệnh. Sau đó được biết các bệnh nhân khoa Thận đều được Bệnh viện chủ động hướng cho họ đều có BHYT, từ đó chúng ta chuyển sang tặng quà trong đó chủ yếu là tiền mặt vì sự cần thiết.

        Góp phần chia sẻ cùng những nỗi khổ niềm đau với những bệnh nhân nghèo, giúp bà con phần nào giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống. Ngày 08.10.2016, Chi hội Lá Bồ Đề đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang tại thành phố Rạch Giá, đến với những bệnh nhân đang điều trị lọc máu duy trì do suy thận mãn.

        Lần này ta dành tặng 120 suất quà theo danh sách bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh đặc biệt do Khoa thận bệnh viện xét chọn, trong đó nhiều người được ghi nhận là thường không có tiền để đồng chi trả cho chi phí điều trị (BHYT chi trả theo qui định phần còn lại bệnh nhân trả). Xin nói thêm theo quản lý của Bệnh viện hiện có 306 bệnh nhân điều trị lọc thận trong đó 256 lọc trực tiếp và 50 lọc qua màng bụng.

        Phần quà lần này gồm mỗi suất là 1.000.000đ kèm theo một số vật phẩm như:  thau nhựa, khăn tắm, khăn mặt, khăn ướt, kem đánh răng, bàn chải, ly nhựa cách nhiệt, sữa đặc, bánh ngọt, cây hít thông mũi, dép kẹp (dép ngoại nhập do ân nhân ủng hộ). Ngoài ra còn tặng thêm 23 bao thư (200.000đ) cùng khăn ướt, dép kẹp dành tặng cho 23 bệnh nhân khoa Ung bướu và khoa Nhiểm do Bệnh viện giới thiệu.

        Trong chương trình lần này đoàn còn đến với Trung tâm từ thiện Xã hội Phật Quang, một trung tâm từ thiện được xây dựng theo mô hình tiên tiến như một trường nội trú, nơi nuôi dưỡng 117 em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm trẻ mồ côi và bị bỏ rơi. Quà đến Trung tâm lần này gồm chủ yếu là lương thực, thực phẩm (theo ý kiến của Thượng tọa Thích Minh Nhẫn Giám đốc Trung tâm), cùng quần áo, bánh kẹo, đồ chơi, thú nhồi bông, bút chì màu, tập vẽ tô màu Lego… và 10.000.000đ

        Tổng kinh phí của chương trình lần này là trên 180 triệu đồng do các ân nhân gần xa cùng chung tay góp sức hiệp lực .

         Tham khảo thêm phần công khai tài chính (mục tài chính) Folder đến với Kiên Giang.

        Qua đây cũng xin chân thành tri ân đến tất cả ân nhân những người từng gắn kết với các hoạt động từ thiện nhân ái của Lá Bồ Đề cùng những thành viên mới tham gia, đặc biệt cũng xin chân thành tri ân đến nhóm Thiện Tâm Nhân Sĩ    善心人士   tại Kee Lung Taiwan, rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của quý vị với các chương trình từ thiện của Lá Bồ Đề.

        Đặc biệt tri ân đến Đại đức, Thích Minh Nhẫn, Thạc sĩ Triết học, Tiến sĩ chuyên ngành giáo dục , Giáo sư danh dự Đại học Apollos (USA). UV Hội đồngTrị sự Trung ương, Phó Tổng thư ký ban Hoằng pháp Trung ương, Chánh thư ký, Phó Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang. Thành viên Hội đồng điều hành nghiên cứu Phật học VN. Giãng sư Học viện Phật giáo tại Tp.HCM, Ủy viên Ban Phật giáo quốc tế GHPGVN. Trụ trì chùa Phật Quang tại Rạch Giá – Kiên Giang.  Đã trợ duyên cho Lá Bồ Đề những gì tốt nhất khi đến Kiên Giang làm công tác từ thiện

        Cũng không quên tri ân đến tập thể y Bác sĩ, điều dưỡng khoa Thận, cùng cô Nam (Phòng Tài vụ Bv), anh Nam Điều dưỡng trưởng Bv … Đã hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn đến tặng quà cho bệnh nhân nghèo trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. 

        Có thể nói chương trình đến với Kiên Giang lần này như là một nhân duyên, bởi sau khi đi thực tế, gặp và làm việc cùng một vị đáng kính là Trưởng …. của Tp.Rạch Giá, chúng tôi khá shock về nhiều câu nói (vì tế nhị chúng tôi không nói hết ra đây) cùng cách mà ông sẽ hỗ trợ cho đoàn thực hiện việc tặng quà cho người khuyết tật tại c... (kế hoạch ban đầu) nói chung ta không nhận được sự đồng thuận bởi ông chỉ muốn ta tài trợ cho ông cùng “ban nữ từ thiện của ông” trực tiếp làm (ta chỉ cử người đại diện chứng kiến), thất vọng bởi chính nơi mà mình đặt niềm tin. Về Sài Gòn chúng tôi tìm phương án khác, dự định sẽ quay lại Rạch Giá và tự mình làm vì chúng tôi cũng có nắm được một số điều cần thiết, nhưng xét ra có nhiều điều bất cập. Cánh cửa về Kiên Giang đã có thể khép lại, tình cờ mang nỗi buồn ấy nói chuyện với một Ni trưởng và “sao về Rạch Giá không gặp thầy Minh Nhẫn” lập tức chúng tôi liên lạc với Thầy “về giúp cho người dân Kiên Giang của Thầy, Thầy rất hoan hĩ , Thầy mời… Mấy việc đó Thầy lo cho…” Cánh cửa lại được mở ra và chúng ta đã đến với Kiên Giang.

        22 giờ ngày 07.10.2016, đoàn khởi hành hướng về Kiên Giang. 05 giờ sáng đến chùa Phật Quang tại phường Vĩnh Quang thành phố Rạch Giá. Tại đây Đại đức Thích Minh Nhẫn đã bố trí chu đáo cho đoàn từ nơi nghỉ tạm (có điều hòa), nơi vệ sinh, ăn sáng. Thật cảm động dù bận việc phải đi sớm dự hội thảo ở một huyện xa nhưng Đại đức vẫn dành thời gian đến chào và thăm hỏi (thật sự chúng ta cũng bất ngờ khi Thầy đến thăm hỏi đoàn và vì Thầy cũng vội nên thật tiếc không cùng chụp ảnh lưu niệm với Thầy) . Do bận việc nên Đại đức đã giao cho Đại đức Thích Tuệ Giãi,  Phó Trụ trì tiếp và hướng dẫn cho đoàn. Cũng xin nói thêm chùa rất rộng và được xây dựng mỹ thuật, logic hài hòa bao gồm công trình chính và phụ ngay cả khâu nhân lực, tổ chức sắp đặt công việc. Nhiều thành viên đã phát biểu "chùa như là một trung tâm Phật giáo", vâng có lẽ vậy nên hầu hết những buổi lễ lớn đều được tổ chức tại đây.

        Trong thời gian tại chùa, các thành viên cùng nhau để tiền vào các bao thư (120 bao loại 1 triệu đồng, 23 bao loại 200 ngàn đồng) để tặng cho bệnh nhân cùng bao thư tiền mặt tặng mái ấm cũng như cúng dường…

        Ăn sáng xong, đoàn tề tựu về Chánh điện cúng dường do Chư Tăng dẫn lễ và đọc kinh hồi hướng công đức. Sau đó đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cũng tại Tp. Rạch Giá.

        Các thành viên triển khai ngay việc chuẩn bị để tặng quà cho bệnh nhân ngay tại hành lang của khoa Thận, xếp từng món hàng vào phần quà, các bạn làm rất nhịp nhàng và nhanh chóng. Do điều kiện giới hạn trong không gian chật hẹp, tuần tự từng nhóm các bệnh nhân được mời lên nhận quà (số người được mời ra nhận quà là những bệnh nhân chưa đến kỳ điều trị do Bv thông báo mời đến), sau đó là những bệnh nhân đang điều trị trên giường bệnh.

Mới 18 tuổi mà đã có thâm niên tại khoa Thận này và mẹ bệnh tim cũng đang nằm trong viện, còn người cha thì nhẫn tâm ra đi bỏ hai mẹ con  

        Ngoài phần quà cùng tiền mặt của mỗi suất mà đoàn chuẩn bị sẳn, còn có một số thành viên tặng thêm trực tiếp tiền mặt đến với các bệnh nhân, trung bình mỗi bệnh nhân được tặng thêm từ 200 – 300 - 500 ngàn đồng (bao gồm một số bệnh không thuộc diện nhận quà lần này), có những trường hợp đặc biệt được tặng thêm từ 700 –800 ngàn đồng.

        Trước hình ảnh tiều tụy cùng khối u (do nông mạch) trong những cơ thể đen sạm (di chứng của nhiều lần lọc máu), trước những tình cảnh đang điều trị trên giường bệnh nhiều bạn đã quá xúc động không cầm được nước mắt.

        Có điều cũng khá bất ngờ bởi cũng có nhiều bệnh nhân còn trẻ nhưng vẫn mang căn bệnh ác nghiệt này và đau lòng hơn khi một cô (mà ai cũng tưởng là cậu) mới 18 tuổi nhưng đã có thâm niên tại khoa này, mẹ bệnh tim hiện cũng đang nằm trong viện, cha thì bỏ cả hai mẹ con

        Sau đó đoàn được hướng dẫn đến tận giường bệnh khoa Ung bướu và khoa Nhiểm để tặng thêm cho 23 bệnh nhân

        Đã có nhiều bạn hỏi “sao bệnh viện tỉnh mà cò nhiều bệnh nhân quá vậy” . Vâng đây cũng là điều bất ngờ đối với chúng tôi trong lần đến đây để khảo sát, làm việc để chuẩn bị cho chương trình.

        Được biết trước tình cảnh đau lòng của bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chủ động mạnh dạng nhập thiết bị máy móc để đủ sức phục vụ, luôn cố gắng không để bỏ sót bất cứ trường hợp lọc máu thận nào và Bv cũng không thu thêm tiền thuê máy (đầu tư nhập máy thì tùy bệnh viện ấn định thu) hay chi phí khác, kễ cả với một số trường hợp không đủ khả năng để đồng chi trả, mọi việc còn lại, cả khoảng thâm hụt báo cáo để chính phủ có hướng giải quyết. Có thể đây chính là lý do vì sao tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang có nhiều bệnh nhân lọc máu chạy thận bao gồm từ các tỉnh lân cận cũng về đây (có lẽ do cơ chế thoáng của Bệnh viện này). Thật cảm động khi chính các Bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện nói rằng “bằng mọi cách, giải quyết giúp được cho bệnh nhân là mừng, chỉ mong được như thế. Bv em không có thu gì thêm, nên lương tụi em thấp lắm so với nơi khác nhưng tụi em sẳn sàng chấp nhận ”.

        Mỗi ca lọc máu có chi phí thấp nhất cũng trên 1 triệu đồng/ca (riêng BHYT chỉ chi dưới 400 ngàn đồng/ca, ngoài ra còn chi phí ăn ở của bệnh nhân và thân nhân, mua thuốc…). Như vậy với những bệnh nhân nghèo, mỗi năm để có số tiền cùng đồng chi trả trên 50 – 70 triệu đồng và hơn thế nữa với những bệnh nhân nặng phải dùng nhiều thuốc, nhập viện cấp cứu nhiều lần thì số tiền phải đóng thêm lên đến hàng trăm triệu đồng. Những con số không tưởng với bệnh nhân nghèo. Do vậy những câu chuyện phải bán đất, bán nhà, trắng tay vì chạy thận là có thật và cũng có người đã tự ngừng điều trị chấp nhận cái chết để giải phóng cho mình và cho gia đình. “Anh biết không nhiều khi đau lòng lắm, nhìn lịch trình đến lượt nhưng không thấy bệnh nhân đâu, điện thoại gọi, hỏi thì chỉ nhận được sự im lặng và tiếng khóc. Không hỏi thì chúng tôi cũng biết là những người này đã lặng lẽ về quê để chấp nhận chấm dứt chuỗi ngày bệnh tật làm cho gia đình mình đói nghèo. Ở dưới quê nhiều bệnh nhân hiểu biết ít và gia đình cũng nghèo khó nên uống thuốc cầm chừng, việc bỏ lượt vài lần đến khi yếu quá mới vào viện cấp cứu để lọc thận cầm cự qua ngày điều đó làm cho bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn. Thương quá mà không biết làm sao, chúng tôi cũng đã cố hết sức rồi”.

        Sau khi tặng quà tại Bệnh viện xong chúng ta đã chào tạm biệt để tiếp tục đến với Trung tâm Tứ thiện Xã hội Phật Quang tại xã Mỹ Lâm huyện Hòn Đất – KG, nơi đang nuôi dưỡng 117 em từ 6 đến 20 tuổi là các em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm mồ côi, bị bỏ rơi, gia gia cảnh nghèo khó…

        Phật Quang một Trung tâm từ thiện Xã hội được xây dựng trên mô hình tiên tiến như một trường nội trú, với định hướng ngoài mục đích chính là nuôi dạy còn góp phần hỗ trợ xã hội hóa học đường (cơ sở vật chất là của Trung tâm lo, phần quản lý giáo dục giao cho Phòng Giáo dục huyện để cho các em trong địa phương cùng học với chứng chỉ như một trường của nhà nước).

        Riêng với các em gia đình quá khó khăn hay gia cảnh đặc biệt gửi vào Trung tâm, nhằm kích thích tác động qua lại đối với gia đình của các em, để được Trung tâm nhận nuôi dưỡng toàn diện cho các em đến khi thành tài thì gia đình phải cam kết trong thời gian nhất định phải có việc làm, phải vươn lên tự ổn định cuộc sống, nếu không chịu lao động, chỉ ăn ở không  thì Trung tâm sẽ trả không nhận con em đó. Với những điều kiến bắt buộc ấy thực tế đã mang lại những hiệu quả tích cực. Một cách làm hiệu quả được Sở Ban ngành tại Kiên Giang nói riêng và Chính phủ nói chung đánh giá cao. Thiết nghĩ đây là một mô hình cần được nhân rộng.

        Trung tâm ngoài trường học cấp 1 và 2 như nói trên còn có đủ các khu ăn, ở, học tập, sinh hoạt… có Giám hiệu, Quản giáo, trợ giáo, bảo mẫu riêng… Trung tâm cũng có lớp đào tạo chuyên vi tính, sinh ngữ, nghề  riêng cho các em.

        Với cái nhìn của người từng được đến nhiều nơi, ta có thể khẳng định người sáng lập điều hành nơi này có tầm nhìn vĩ mô, có định hướng, có năng lực để thực hiện ý nghĩa mục đích cao đẹp (riêng việc dù là Trung tâm từ thiện nhưng các em ở địa phương cũng vào học chung trường với các em trong Trung tâm đã tạo không khí hòa hợp để các em ít bị mặc cảm là ở trong mái ấm tình thương). Chúng ta nhận định như vậy vì thấy thực tế nhưng có lẽ thừa bởi Thầy Minh Nhẫn, Giám đốc Trung tâm là Tiến sĩ chuyên ngành nghiên cứu giáo dục.

        Tại hội trường Trung tâm, Sau khi Đại đức, Tiến sĩ Thích Tuệ Giãi (phó GĐ Trung tâm) gửi lời tri ân cùng với đoàn đã đến chia sẻ với các em và giới thiệu khái quát về Trung tâm. Các bạn trẻ là thành viên của đoàn đã tổ chức vui chơi sinh hoạt cùng các em cấp 1 vì cấp 2 và 3 còn đi học. Tạo nên bầu không khí sôi động, vui tươi lôi cuốn cả những thành viên lớn tuổi cũng không ngần ngại cùng tham gia vui chơi với các em. Không khí càng lúc càng sung nhưng tiếc quá thời gian không cho phép vì các em còn phải nghỉ  để còn học vi tính và hơn nữa Thầy Tuệ Giãi phải trở về chùa Phật Quang (Phó Trụ trì) để đại dự lễ kỹ niệm 35 thành lập GHPGVN được tổ chức tại đây.

        Sau khi dùng cơm tại đây, đoàn tạm biệt để về Hà Tiên nghỉ. Trên đường cũng đã vào Hòn Chông đến viếng chùa Hải Sơn (chùa Hang), Chùa hình thành trong lòng động đá vôi bên trong lòng núi theo trục Đông bắc – Tây Nam dài khoảng hơn 50m, cửa Đông thẳng ra biển. Phía trái cổng vào chùa Hang giáp núi là nơi tôn 49 tượng Dược Sư. Chùa tồn tại đến nay đã 300 năm (đầu thế kỷ 18). Trải qua nhiều đời Trụ trì trong đó có cả nhà Sư Thailand. Theo tương truyền Công chúa Ngọc Tuyền là em gái của Chúa Nguyễn Ánh, đã mất tại đây. Để tưởng nhớ Nguyễn Ánh cho xây Chùa trong hang núi để thờ phụng. Qua cửa động chùa Hang mọi người dạo biển bãi Dương ngắm cảnh trong đó hòn Phụ tử từng là biểu tượng của tỉnh Kiên Giang (nay chỉ còn tử, phụ thì đã gảy đổ xuống biển năm 2006).

        Đến Hà tiên nhận phòng nghỉ tại khách sạn Pháo đài, một khách sạn biệt lập với khung cảnh đẹp tọa lạc trên núi Pháo đài , đây cũng là một thắng cảnh trong thập cảnh Hà Tiên được ông Mạc Thiên Tích ca ngợi qua bài “Kim Dự lan đào” tức đảo vàng chắn sóng. “Suy hình hài như thả ngọc phong”, ý muốn nói Kim Dự như một hòn đảo ngọc, bập bềnh trôi nổi trên biển (ông Mạc Thiên Tích là con trai và là người nối nghiệp ông Mạc Cửu, người sáng lập nên hội thơ “Tao đàn Chiêu Anh Các”)

 “Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình,
Non non nước nước gẫm nên xinh.
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy,
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.
Tiêu Tự, Giang Thành, chuông trống ỏi,
Châu Nham, Kim Dự cá chim quanh.
Bình San, Thạch Động là rường cột,
Sừng sựng muôn năm cũng để dành ”.

        Chiều đó đoàn ăn cơm tại nhà hàng Hà Tiên 1 bên dòng Tô Châu nhìn ra cầu Tô Châu (cũng là thắng cảnh du lịch của các tour ngày nay). Sau đó mọi người đã không thể bỏ qua chợ đêm với những đặc sản Hà Tiên, vật phẩm Cambodia Thailand.

        Sau khi ăn sáng tại khách sạn, một số anh chị cũng tranh thủ tiếp tục đi chợ Hà Tiên nhưng phần lớn đã dành thời gian này để chụp những kiểu ảnh lưu niệm trong khuông viên khách sạn (một số phòng nhìn ra còn thấy ụ pháo ngày xưa). Một lần nữa thấy rằng việc cân nhắc và chọn khách sạn Pháo đài làm nơi lưu trú cho đoàn là một quyết định đúng, kễ cả việc ăn uống dù giá có đắt hơn so với nhiều nơi (1 triệu đồng bàn/10 người) nhưng nói chung đạt yêu cầu 

        Sau đó đã đến viếng chùa Phật Đà (Phật Đường) nằm dưới chân núi Bình San (gần chùa Phù Dung), được Hòa Thượng Thích Chí Hòa xây dựng năm 1945, đặt tên là Tịnh Xá Chí Hòa. Do vị trí của Chùa ngày xưa là khu lò gạch bỏ hoang nên có tục gọi là chùa Lò gạch hay . Năm 1993, tịnh xá Chí Hòa được đổi tên hiệu thành chùa Phật Đà, được trùng tu tái tạo theo kiến trúc của Nhật Bản nhưng vẫn lưu giữ một lò gạch được tôn trí làm nơi thờ đức Địa Tạng.

        Từ đây đoàn tiếp tục đến tham quan Thạch động “Thạch động thôn Vân” (động đá nuốt mây) trong thơ ca “Tao đàn chiêu anh các” là một khối đá vôi cao khoảng 50m với những tượng hình tạo nên bởi xâm thực (tưởng tượng) nên đã gắn truyền thuyết Thạch sanh Lý Thông vào nơi đây. Nơi đây trong chiến tranh biên giới Tây Nam đã từng xảy ra những trận đánh ác liệt, ngay đường vào thạch động chúng ta còn thấy bia căm thù tưởng niệm 130 người bị bọn diệt chủng Pôn Pốt tàn sát ngày 14.3.1978.

        Đoàn tiếp tục tham quan biển mũi Nai, một thắng cảnh được ca ngợi trong bài thơ “Lộc trĩ thôn cư” (xóm mũi Nai) của Tao đàn Chiêu anh các.

“Nắng nhạt Bình San, sương mờ Thạch Động

Mây vượt Tô Châu, giăng trắng Đông Hồ…”.

       Đó là một phần của bức tranh phong cảnh hữu tình ở mảnh đất Hà Tiên. Nhà thơ Đông Hồ đã từng ca ngơi vùng đất phía cực Tây của tổ quốc giáp với biển vịnh Thailand, ví von Hà Tiên như một đảo đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long, có một ít núi đá vôi của Ninh Bình, có một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích, có một ít của Tây hồ, một ít của Hương giang, có một ít của Bắc Ninh, một ít lăng tẩm của Phú Xuân. Có một ít của Đồ Sơn, cửa Tùng, một ít Nha Trang, Long Hải

        Hà Tiên mảnh đất trù phú gắn liền với những thắng cảnh được nói đến trong thơ ca nhưng tiếc là ngày nay nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức và bị xâm lấn của con người nên nhiều nơi chỉ còn là lưu danh, những cảnh đep còn thì xuống cấp không còn như thơ ca (việc ta chỉ chọn điểm tham quan cũng không ngoài những yếu tố này).

        Sau khi dùng cơm trưa tại Hà Tiên, đoàn khởi hành về lại Tp.HCM. Do đặc điểm con đường gợn sóng mà nhiều anh chị em nói vui là con đường chơi thú nhún nên khi về tài xế không đi đường Rạch Giá mà đi vòng tuy xa hơn một ít nhưng tốt hơn. Tại Tịnh Biên đã không quên ghé một cửa hàng để cho anh chị em có dịp thi đua trổ tài với đủ loại hàng hóa của Cambodia, Thailand và cả đặc sản mắm. Đây cũng là ngoài kế hoạch cùng với việc kẹt phà góp phần làm chậm thời gian khoảng 2 tiếng. 

        23 giờ thì về lại đến nơi xuất phát, kết thúc chuyến công tác từ thiện có kết hợp tham quan. Hẹn gặp lại trong những chuyến từ thiện sắp tới.

        Một lần nữa xin chân thành tri ân đến các ân nhân gần xa đã mở rộng vòng tay nhân ái chung tay góp sức tạo nên chuyến từ thiện được đầy đủ, sung túc đến với những người nghèo đang mang căn bệnh nan y cùng những em mồ côi và có hoàn cảnh đặc biệt.

           Chi hội Lá Bồ Đề

Tin về chuyến từ thiện cũng đã được đăng tải trên báo Giác Ngộ - Trang tin Truyền thông Phật giáo VN ngày 11.10.2016


 

 

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 38
Lượt truy cập: 9492441