Hàng năm , theo giới luật tất cả Chư tôn đức Tăng Ni đều bước vào mùa An cư Kiết hạ (là những tì kheo chính thức xuất gia có đăng bạ Tăng Ni chúng , bất luận tuổi đời, tuổi đạo)...miên mật tiến tu , thanh tịnh 3 nghiệp để trưởng dưỡng đạo tâm , để tấn triển trên con đường hoằng dương đạo pháp... Việc ngoại hộ của hàng Phật tử tại gia giúp cho chư Tăng ni an tâm tu học cũng là việc làm nhằm tu tạo phước điền .
HÀNH HƯƠNG CÚNG DƯỜNG TRƯỜNG HẠ PL 2568 (2024)
Hàng năm , theo giới luật “Tỷ Ni tạng Phật đà” tất cả Chư tôn đức Tăng Ni đều bước vào mùa An cư Kiết hạ (là những tì kheo chính thức xuất gia có đăng bạ Tăng Ni chúng , bất luận tuổi đời, tuổi đạo) (với người tự tu không thuộc diện của giới luật) .
An cư Kiết hạ là thời gian Chư Tăng Ni cùng nhau cấm túc an cư để giử hạnh từ bi , miên mật tiến tu , thanh tịnh 3 nghiệp để trưởng dưỡng đạo tâm , để tấn triển trên con đường hoằng dương đạo pháp .
Đây cũng là thời gian quan trọng trong đời Tăng lữ , vì sau mỗi mùa Kiết hạ chư Tăng Ni sẽ được thêm tuổi đạo (tuổi Hạ lạp). Cũng nói thêm tuổi Hạ lạp cũng có chứng chỉ sắc phong dành cho những tu sĩ chính thức .
Nhằm gieo trồng công đức , tu tạo phước điền , trong bối cảnh có nhiễu loạn làm tổn hại đến đạo giáo . Lá Bồ Đề có thể nói là tiên phong tổ chức nên chuyến hành hương cúng dường Trường hạ năm PL 2568 (2024) (thời điểm khởi xướng chương trình thì không khí chung vẫn đang yên lặng)
Theo Chư Tăng Ni một số nơi đã chia sẻ như những lời tâm sự khi biết về kế hoạch cúng dường Trường hạ của LBĐ “trong bối cảnh khó khăn và xáo trộn có thể làm lai động niềm tin vào Phật Pháp , Lá Bồ Đề rõ quý vị là những người thật sự tinh tấn , tín tâm và công đức này mới thật sự là vô lượng …”
Thật sự rất hạnh phúc , chương trình lần này đã đón nhận sự phát tâm dõng mãnh của các đạo hữu gần xa , dù khởi đầu có phần chậm nhưng cuối cùng tổng kinh phí cho chuyến hành hương cúng dường Trường hạ năm PL 2568 lần này là trên 160 triệu đồng , một con số ngoài dự kiến khi mà kinh tế xã hội cũng đang có những biến động khó khăn. Ngoài ra còn có thêm sự cúng dường trực tiếp của các đạo hữu trong đoàn ước tính nâng tổng kinh phí lên trên 180 triệu .
Xin nói thêm : Phần tịnh vật phân bổ thì tất cả điểm Hạ trường như nhau về phần tịnh tài của đoàn cúng dường (chưa tính của các đạo hữu cúng dường thêm trực tiếp) có 3 mức : 8 triệu đồng là chùa Pháp Hoa – Chùa Phổ Chiếu . 10,2 triệu đồng là 8 điểm An cư trong lịch trình . Riêng trường TC Phật học Gia Lai là 13 triệu đồng .
Chiều tối ngày 14/6/2024 . Cơn mưa trút nước phủ rộng khắp và đặc biệt có cả mưa đá một số nơi (hiếm thấy tại Sài Gòn) . Ngập đường , tắt đường đã làm ảnh hưởng đến giờ khởi hành muộn so với dự kiến đến hơn 1 tiếng đồng hồ, điều đó chắn chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của ngày hôm sau đã muộn càng muộn hơn và cuộc chạy đua với cái đồng hồ là điều bắt buộc .
Từ Sài Gòn , sau 1 đêm vật vờ trên đường hành trình vượt chặng đường dài trên 550km theo QL 14 . Sáng muộn ngày 15/6 (mùng 10 tháng 5 Giáp Thìn) đoàn hành hương đã đến Kon Tum nơi địa đầu miền bán sơn địa Tây nguyên .
Tại chùa Pháp Hoa là điểm Hạ trường đầu tiên của chương trình, ngoài tịnh tài , tịnh vật cúng dường ngoại hộ An cư, đoàn còn tiến cúng dâng 13 bộ y (pháp phục) . Sau đó đoàn đã đến Tổ đình Huệ Chiếu (vào giờ trí tịnh)
Cũng xin nói thêm trong lễ tác pháp cúng dường , bản ghi phương danh tín chủ phát tâm cúng dường tịnh tài, tịnh vật cũng đã được gửi đến các Hạ trường để chư tôn dức hồi hướng . Tại Tổ đình Huệ Chiếu , Đại đức Quảng Hiển, Trụ trì tổ đình Huệ Chiếu, sau khi bạch Phật về sự cúng dường của các Phật tử Lá Bồ Đề đã hồi hướng tuyên đọc toàn bộ phương danh các Phật tử đã phát tâm cúng dường . Tại Pháp Hoa còn có kèm bản danh sách tín chủ phát tâm cúng dường dâng y 13 bộ.
Từ đây đoàn khẩn trương vì đã quá muộn để tiếp tục hành trình ngược về Gia Lai theo lịch trình đến cúng dường Trường hạ tại chùa Bảo Sơn (Ni) – Thiền viện Trúc Lâm Tây nguyên (Tăng) và Trường TC Phật học Gia Lai (Tăng và Ni) là trường duy nhất nơi vùng Tây nguyên .
Thật cảm động , Hòa thượng Thích Tâm Tường nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Gia Lai , người sáng lập , kiêm Hiệu trưởng trường Phật học Gia Lai , dù sức khỏe yếu , Hòa thượng vẫn không ngại từ Pleiku đến Ia Grai để chờ tiếp đoàn . Cũng thật thương , do đoàn bị muộn do ảnh hưởng từ ngày hôm trước , từ sáng nay , rồi tới trưa nhiều cuộc điện thoại gọi đến “đoàn đã tới đâu rồi…”
Cũng khá bất ngờ trên đường khu vực Gia lai , chúng ta nhận thấy cũng có nhiều đoàn đi (cũng treo bảng từ thiện, cúng dường Trường hạ) , mừng thầm năm nay Tây nguyên được nhiều đoàn đến . Nhưng không , nhầm to . Sau đó được biết họ đi vì sự hiếu kỳ đến sự vụ đang hot ??? ) . Rồi không thấy gì , không thỏa mãn phải tạt qua chùa nơi này nơi khác xin cơm ăn và một lần nữa chùa lại bị mang tiếng xấu (họ có chuẩn bị camera , chởi bới rồi quay clip tố cáo đến chùa xin cơm mà không cho, xin ngủ nhờ mà không cho…) Rảnh thiệt , chán thật .
Hoàn thành 3 điểm tại Gia Lai , áp lực về thời gian cũng đã có phần giảm nhẹ, từ đây đoàn tiếp tục về Buôn ma Thuột - Dak Lak (hơn 3,5 tiếng).
Đến chùa Dược Sư (Ni) là điểm thứ 6 của hành trình . Sau lễ tác pháp cúng dường dùng cơm chiều xong cũng đã hơn 18h30 đoàn đến nhận phòng nghỉ đêm tại Ks Bạch Mã
Hôm sau ngày 16/6 (mùng 11 tháng 5 Giáp Thìn) , tại Buôn ma Thuột đoàn đã đến chùa Sắc Tứ Khải Đoan là điểm Trường hạ thứ 7 theo lịch trình , đoàn đã được Hòa thượng Thích Châu Quang , Phó ban TW GHPGVN , Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Dak Lak quan lâm chứng minh buổi tác pháp cúng dường và chụp hình lưu niệm cùng với đoàn.
Rời Buôn Ma Thuột, đoàn đi Dak Nong . Thực chất vừa vào địa phận Dak Nong là đã đến chùa Phổ Chiếu (Ni) tại Cư Jut . Sau buổi lễ cúng dường được biết vì quá xúc động Ni sư Quảng Tâm trụ trì đã không thể nói đáp từ cùng đoàn mà phải nhờ Sư phó thay thế . Theo Ni sư Quảng tâm “không phải lần đầu mới tiếp đoàn Phật tử, nhưng với quý vị đã toát lên sự tinh tấn, trang nghiêm dù hoàn toàn chỉ là những Phật tử tại gia…nhìn quý vị mà Sư không kềm được sự xúc động” .
Sau đó về Dak Mil để đến chùa Hoa Nghiêm (Tăng) . Cúng dường xong đoàn dùng cơm trưa tại đây. Thượng tọa Thích Quảng Tuấn nguyên Truởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Dak Nong cũng đã dành thời gian để đến thăm hỏi mọi người , dù đang là giờ trí tịnh .
Từ đây đoàn đi thẳng về Đồng Xoài . Lần đầu tiên về đến chùa Quang Minh trời vẫn còn sáng . Ni Trưởng Nhật Khương viện chủ, Phó ban Ni giới TW , Trưởng ban Ni giới tỉnh Bình Phước đã tiếp đoàn , một không khí thật trang nghiêm. Ni trưởng đánh giá cao về Lá Bồ Đề , cả về công tác từ thiện , hàng năm đều đến với các Hạ trường nơi những miền cao nguyên xa xôi còn nhiều khó khăn . Đạo tràng trang nghiêm dù chỉ là những Phật tử tại gia , cả về sự tổ chức , tất cả đã thể hiện chỉ có sự tinh tấn, thuần hành mới làm tốt được như thế .
Sau đó đoàn đã đến chùa Tỉnh hội tỉnh Bình Phước, sau khi cúng dường , do là điểm cuối của hành trình để hoàn mãn chuyến hành hương cúng dường Trường hạ 4 tỉnh Tây nguyên là Kon Tum – Gia Lai – Dak Lak – Dak Nong và tỉnh Bình Phước , chư Tăng đã khởi niệm dẫn chúng cùng hòa niện 3 biến “Chú Đại Bi” quyện cùng tiếng chuông mỏ tạo nên một âm thanh vang rền , uy nghiêm .
Sau đó Thượng tọa quyền Trụ trì đã nói “Quý vị đã để lại cho Thầy một ấn tượng đẹp . Kinh kệ là việc bình thường nơi thiền môn nhưng với một sự tín tâm cùng phương cách tổ chức của quý vị đã làm cho Thầy xúc động khi dẫn kinh , hòa niệm uy lực hơn với cùng quý vị”.
Sau chuyến đi cũng có 1 thành viên như nhắn tin với nội dung “tôi từng đi với chùa do Thầy tổ chức . Tôi không nghĩ là các bạn lại có thể làm được tốt đến như vậy” . Cảm ơn về những lới chân tình ấy, chúng ta không ngã mạn về những lời tán dương ấy , mà xem đó như sự động viên để vững tâm hơn , cố gắng làm tốt hơn nữa tiếp nối trên con đường tìm về tỉnh giác
Sau 2 đêm, 2 ngày liên tục chạy đua với cung đường và thời gian để đến kịp 11 Hạ trường (cấp tỉnh) năm PL 2568 (2024) dọc dài theo tuyến QL14 , một hành trình khá vất vả , và cá nhân mỗi người cũng phải tốn kém chi phí nhiều , tổn hao sức lực nhiều hơn . Nhưng trong lòng ai cũng cảm nhận được sự phúc lạc qua sự trọng thị của những nơi mà ta đến , hoan hĩ trong những gì ta đã thực hiện , từ một định hướng đúng thực tế vì sao chúng ta vẫn hướng đến miền đất Tây nguyên . Ta đến với những nơi khó hơn , đến với những nơi có ít đoàn đến , đến với những nơi cần hơn dù ta phải vất vả hơn, tốn kém nhiều hơn .
Phần tài chính chi tiết thu và chi của chương trình cũng đã được in thành văn bảngửi đến mọi người trong chuyến đi , sau chuyến đi cũng đã được cập nhật và lưu trên cùng Website nơi mục tài chính (trong 2 năm) . Trên Facebook cũng có đường Link để mọi người có thể xem trực tiếp : http://thiennguyenlabode.com/.../tc-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-h...
Một lần nữa xin được tri ân công đức đến tất cả . Hẹn tiếp tục cùng nhau đồng hành trong những chuyến từ thiện nhân ái sắp tới
Lá Bồ Đề