Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

Những ngôi Chùa có kiến trúc độc đáo

Những công trình xây dựng được gắn liền với giai đoạn lịch sữ cũng như điều kiện thiên nhiên tại mỗi nơi. Là những giá trị nghệ thuật mang nét đặc trưng riêng tồn tại với thời gian và những công trình ấy sẽ không còn hoặc bị lãng quên nếu như không có yếu tố kỹ thuật của người xưa , mà ngày nay nhiều nhà khảo cổ, công trình sư, kiến trúc sư vẫn luôn cất công đi tìm lời giải đáp.

NHỮNG NGÔI CHÙA CÓ KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO

HUYỀN KHÔNG TỰ

        Huyền Không tự khiến nhiều người bị choáng khi đến đây, là nơi không dành cho người “yếu tim” và sợ độ cao.

        Huyền Không Tự (ngôi chùa trên không) còn gọi là Tu Viện Treo, là công trình Phật giáo nổi tiếng nằm tại vách núi Hằng, thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Cách thành phố Đại Đông 65 km về phía Bắc. Tọa lạc trên vách núi cheo leo cách mặt đất khoảng 75m, vách núi thẳng đứng như bị dao cắt, có cảm giác như Chùa bị dính trên vách đá. Nếu đứng từ xa ngẩng đầu nhìn lên Chùa sẽ thấy các điện, gác tầng tầng lớp lớp, nóc chùa là những tảng đá vàng sẫm lớn nhô ra phía trước, như sắp đổ sập xuống. Tất cả công trình chỉ được mấy chục chiếc cột gỗ như chiếc đũa chống đỡ mong manh.

        Chùa Huyền Không có tuổi đời khoảng 1.500 năm trước và được xây dựng, tôn tạo lại trong thời nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1911).

        Tầng cao nhất phía bắc Chùa có một điện thờ trong đó có cả Phật tổ, Lão Tử, Khổng Tử đại diện cho ba tôn giáo khác nhau. Đây cũng là nét đặc biệt, ngôi chùa không chỉ nổi tiếng về vị thế trên một vách đá thẳng đứng mà còn là sự tổng hợp các yếu tố của tam Giáo.

        Nhìn từ ngoài, ngôi chùa này trông có vẻ rất nguy hiểm nhưng phần cấu trúc làm giá đỡ nằm khuất vào bên trong. Ngôi chùa có tổng diện tích khoảng hơn 150 m2 và có 40 điện thờ được bố trí cân bằng để đảm bảo sự an toàn cho toàn bộ công trình, nối giữa các điện thờ là một hành lang được xây dựng men theo triền núi và cũng chỉ được chống đỡ bằng cọc và sàn gỗ đơn sơ. Mặc dù có cấu trúc cheo leo nhưng bên trong Huyền Không Tự vẫn có hơn 80 bức tượng đồng, tượng gang có khối lượng khá nặng, thuộc các triều đại khác nhau. Trải qua thời gian hàng nghìn năm, ngôi chùa vẫn có sức chống đỡ những công trình này.

        Các sử gia Trung Quốc cho biết, lý do người xưa xây dựng ngôi chùa cheo leo này là để chống lại những cơn lũ dữ dội thường quét qua địa phận tỉnh Sơn Tây; đồng thời cũng tránh tuyết và nắng nóng. Cọc và sàn gỗ đã cũ và xuống cấp nhiều. Non nước hữu tình của Huyền Không tự đã đi vào thi ca Trung Quốc.

        Mấy năm gần đây, các chuyên gia đã nhiều lần tiến hành khảo sát thực địa đối với chùa, nêu ra rất nhiều quan điểm mới. Có chuyên gia cho rằng, Chùa Treo sở dĩ có thể xây trên vách núi cheo leo, chủ yếu là do “đòn gánh sắt” treo điện, gác trên không. Các chuyên gia còn nói, từ trong hang đá sau điện Tam Quan nghiêng người thò đầu ra ngoài trông lên sẽ phát hiện đường sạn đạo, đường làm bằng gỗ, trên vách đá, men theo núi trên không chỉ có mấy chiếc xà ngang và cột đứng chống. Những chiếc dầm ngang này còn gọi là đòn gánh sắt - những thanh xà gỗ này được làm bằng gỗ Sam sắt - một loại gỗ cứng ở địa phương, những thanh dầm gỗ Sam được ngâm trong dầu trẩu cắm vào đá núi không bao giờ bị mối mọt hoặc mục nát. Đây là phương pháp xây đường sạn đạo trên vách núi để đi ở thời cổ đại. Chùa Treo cũng xây theo phương pháp làm đường sạn đạo. Các bệ đáy lầu các đều nằm trên rất nhiều “đòn gánh sắt”.

        Có chuyên gia chỉ rõ, chùa Treo sở dĩ có thể treo trên vách đá, ngoài việc dựa vào những thanh dầm gỗ Sam, các cột đứng cũng được coi là điểm tựa vững chắc. Những chỗ đặt chân cột đều được thiết kế tính toán tỉ mỉ, đúng với thiết kế khoa học để đảm bảo có thể chống được toàn bộ ngôi chùa. Có chiếc cột có tác dụng chịu lực, có chiếc cột dùng để cân bằng độ cao thấp của lầu gác, để cây cột không “lắc lư, giao động" cột phải có trọng lượng nhất định ở trên và như vậy mới có thể phát huy tác dụng. 

CHÙA MỘT CỘT

        Chùa “một cột” là tên gọi thông dụng của chùa Diên Hựu, nghĩa là “phúc lành dài lâu”. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa được xây dựng vào nǎm Kỷ Sửu 1049, dưới thời vua Lý Thái Tông.

        Vua Lý Thái Tông (1028-1054) nằm mộng thấy Phật Quan Âm toạ trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua kể lại cho các quan nghe, sư Thiên Tuế liền khuyên nhà vua xây chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, xây chùa hình tòa sen của Phật Quan Âm.

        Chùa xây xong có hình đài sen nghìn cánh đỡ tòa Phật sắc hồng, trong đặt tượng Phật vàng lấp lánh. Các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa niệm Phật cầu phúc cho vua sống lâu, vì thế đặt tên là chùa Diên Hựu.

        Trải qua năm tháng, chùa Một Cột đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Chùa hiện nay xây dựng lại vào năm 1955, đài Liên hoa có kết cấu hình vuông, lợp ngói ta, mỗi chiều dài 3m, bốn mái cong, bốn đầu đao được đắp hình đầu rồng. Trong đài tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Nhìn toàn bộ đài Liên Hoa như một đóa sen lớn vươn khỏi mặt nước. Toàn bộ đài đặt trên trụ đá có đường kính 1,2 m, cao 4 m, chưa kể phần chìm dưới đất. Trụ đá gồm 2 khối gắn rất khéo thoạt nhìn như một khối đá liền. Hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung sườn kiên cố đỡ cho ngôi chùa dựng bên trên, tựa như một đóa hoa sen vươn thẳng từ mặt hồ nhỏ hình vuông.

        Trãi qua thời gian, trước sự xuống cấp, hiện chính phủ đang có kế hoạch trùng tu để bảo tồn toàn bộ khu Chùa Diên Hựu này, tại phường Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thǎng Long thời Lý, nay thuộc phố chùa Một Cột, quận Ba Đình - Hà Nội (giáp với Lăng Chủ tịch HồChí Minh). Một công trình kiến trúc độc đáo mang tính nghệ thuật cao và đó cũng là hình ảnh, biểu tượng gắn liền với lịch sữ, văn hóa Việt Nam.

        Tại Tp.HCM cũng có một phiên bản là "Nam Thiên nhất trụ" (Trời Nam một trụ) gọi nôm na là chùa Một Cột. Chùa tọa lạc ở đường Ðặng Văn Bi, quận Thủ Đức.

        Chùa do Hòa thượng Thích Trí Dũng dựng vào ngày 08.4 năm 1958, hoàn thành năm 1977. Kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức vẽ thiết kế. Chánh điện được bài trí tôn nghiêm. Các pho tượng Phật, hương án, bao lam ở điện Phật do nghệ nhân Bá Nhâm thực hiện trong những năm 1970. Trước ngôi chánh điện là đài Liên Hoa (thường gọi là chùa Một Cột), dạng kiến trúc như đài Liên Hoa chùa Diên Hựu (Hà Nội), bên trong thờ tượng Bồ-tát Quan Âm. Khuôn viên chùa rộng khoảng 1 hecta. Kinh phí xây dựng chùa do hòa thượng và bà Ðỗ Thị Vinh (pháp danh Ðức Hiển) tự lo toàn bộ kinh phí công trình.

CHÙA KYAKHTIYO

        Myanmar đất nước nổi tiếng với kiến trúc chùa chiền, đồ thủ công mỹ nghệ, vàng bạc, đá quý, ... vùng đất thiêng của phật giáo với những ngôi chùa vàng, các vị sư áo đỏ và những tu viện cổ kính. Nằm cách thủ đô Yangon hơn 200km, thánh tích Kyakhtiyo này được cho là hình thành hơn 2.500 năm trước, xây dựng vào năm 574, nằm trên một tảng nghiêng, hình cầu, được bao bọc bởi những lá vàng dát mỏng, nằm cheo leo trên bờ một vách đá, đa số người Burna (Myanmar) rất nghèo khó nhưng họ dành dụm chắt chiu để cùng nhau thếp vàng lên toàn bộ hòn đá. Từ dưới chân núi, du khách chỉ nhìn thấy duy nhất chỏm đá nhô ra phía ngoài, những khi lên đến đỉnh, cảnh quan diễn ra trước mắt là một quần thể kiến trúc thống nhất. Chùa kyakhtiyo cao gần 30m (theo chiều thẳng đứng) với vô vàn tượng phật được trang trí bằng hàng nhìn viên đá quý, kim cương.

        Theo truyền thuyết trong lần đức Phật đến đây truyền đạo, ông đưa cho tu sĩ Taik- Tha một sợi tóc. Tu sĩ giấu sợi tóc trong tóc của mình, sau đó trao cho nhà vua với mơ ước rằng “sợi tóc sẽ được cất trong một hòn đá có hình dáng giống như cái đầu của vị tu sĩ”. Nhà vua không thể tìm đâu ra một hòn đá như thế, phải nhờ cha mẹ (thần Zawgyi và nữ thần Naga) tìm giúp. Hai vị thần này đã tìm ra hòn đá dưới lòng đại dương. Hòn đá được đưa lên và đặt ở đồi Kyaikhtiyo. Sợi tóc của đức Phật được cất vào hòn đá và ngôi chùa nhỏ đã được xây dựng lên mang tên Kyaikhtiyo. Theo tiếng của người Mon, Kyaik có nghĩa là chùa và Htiyo là “mang cái đầu của vị tu sĩ”. Kyaikhtiyo có nghĩa là “ngôi chùa được đặt trên cái đầu vị tu sĩ”.

        Chùa này chỉ cao 5.5m, nằm bên cạnh là tảng đá lớn được phủ bởi các lá vàng do những người hành hương dán lên khi đến chiêm bái. Là một trong ba ngôi chùa cất giữ báu vật của Phật. Là một trong những tác phẩm nghệ thuật thăng bằng hoàn hảo, kỳ thú của tự nhiên. Người Myanmar giải thích sự bền vững này là nhờ thần Tawadeintha đã dùng con thuyền thần trục vớt hòn đá và chở nó lên đỉnh đồi. Chiếc thuyền và dây thừng được biến thành đá và nằm cách Hòn Đá Vàng khoảng 300m để giữ hòn đá không rơi. Hòn Đá Vàng dường như đang thách thức với thiên nhiên. Nhìn từ xa tảng đá có chỗ đứng không vững chắc này như có vẻ sắp lăn xuống núi nhưng lại rất vững chắc và khó bị xê dịch.

        Theo tục lệ, chỉ có những người đàn ông có thể lại gần khu vực Hòn Đá Vàng để có thể dán lên những miếng vàng dát mỏng, áp đầu vào hòn đá và cầu nguyện. Còn phụ nữ thì không được đi vào khu vực Hòn Đá Vàng, họ chỉ có thể lặng lẽ thành kính dâng lễ vật cúng lên các bàn thờ rồi quỳ trên nền đất, cầu nguyện.

        Ngôi chùa nhỏ bé Kyaiktyo, Hòn Đá Vàng đã tạo nên một quần thể di tích vô cùng độc đáo, được xem như một trong những kỳ quan của vùng Đông Nam Á. Với du khách, việc chiêm ngưỡng một hòn đá và ngôi chùa được phủ bằng vàng lá nằm cheo leo trên đỉnh núi là điều thú vị có một không hai, tuy nhiên đường lên Chùa cũng khá vất vả, thách thức sức khỏe. Ngày nay đã có dịch vụ khênh kiệu đưa lên, tạo nên sự thú vị riêng.

WAT PA MAHA KEAW

        Ngôi chùa Wat Pa Maha Keaw độc đáo này tọa lạc tại thành phố Khun Han, gần biên giới Cambodia và cách thủ đô Bangkok khoảng 600 km về phía đông bắc.

        Các nhà sư ở tỉnh Siskat của Thailand đã đưa ra một ý tưởng xây dựng ngôi chùa và đền thờ không sử dụng bất cứ vật liệu nào khác ngoài việc sử dụng lại những vỏ chai beer Heineken và vỏ chai beer Chang (beer Thailand). Công việc thu thập vỏ chai bắt đầu vào năm 1980, khi thu thập được gần một triệu vỏ chai đã bắt tay vào công việc xây dựng đầy phức tạp với kiến trúc mới lạ này. Bằng việc khuyến khích mọi người, cùng chính quyền địa phương gửi đến chùa những vỏ chai không dùng nữa.

        Sau gần 25 năm huy động  đã có hơn 1,5 triệu vỏ theo yêu cầu, ngoài việc xây dựng một ngôi chùa,đã tạo ra một khu vực với 20 công trình phức tạp bao gồm chính điện, phòng cầu nguyện, một cái tháp, nhà hỏa táng, phòng tắm cho khách và nhiều hơn nữa… Thậm chí còn tạo ra bức tranh ghép Đức Phật khổng lồ bằng vỏ bia. Các nhà sư có ý định muốn xây dựng nhiều công trình hơn nữa cho các tu sĩ trong thị trấn Khun Han làm nơi trú ngụ. Không chỉ sử dụng vỏ chai, các nhà sư còn tận dụng luôn cả nắp chai để lát tường thật sự khéo léo tạo ra những bức tranh ghép khác nhau, làm điểm nhấn bên trong ngôi chùa.

        Bằng việc tái sử dụng, thay vì vứt bỏ đi những vỏ chai, các vị sư tin vật liệu mới này là giải pháp hoàn hảo, giúp cải thiện điều kiện môi trường tự nhiên quanh nó. Ngoài ra, các nhà sư còn giúp tham gia vào phong trào tái chế rác tại Thailand. Năm 2009, tỉ lệ rác được tái chế ở Thái Lan là 22%, trong khi tại Mỹ là 34%.

        Sự kết hợp hài hòa giữa hai tông màu, xanh lá cây của vỏ chai beer Heineken và màu nâu của vỏ chai beer Chang khiến cho ngôi chùa mang sắc thái hiền hòa thanh tịnh hơn. Hơn nữa, vật liệu bằng vỏ chai rất tốt trong xây dựng: không phai màu, cung cấp ánh sáng tốt và dễ tẩy rửa khi chúng bị vấy bẩn.

        Ngôi chùa bằng vỏ chai bia này còn mang một ý nghĩa tôn giáo rằng mọi người đến với ngôi chùa cảm nhận được sự an lành, xua tan đi những ưu tư phiền muộn trong tâm hồn, vỏ chai là đại diện tích cực cho việc làm sạch đi những suy nghĩ không tốt trong mỗi chúng ta, làm tâm tịnh lại. 


WAT RONG KHUN

        Chùa Rong Khun còn gọi Chùa Bạch Long hay Bạch Long Tự ở tỉnh Chiang Rai, miền bắc Thailand được xem là một trong số những công trình kiến trúc không chỉ đẹp nhất trên đất Thái mà còn trên cả thế giới. Không giống như những ngôi chùa truyền thống mang màu vàng đặc trưng tại Thailand, chùa được phủ hoàn toàn bằng một màu trắng như tuyết. Sự độc đáo về màu sắc và các đường nét thể hiện khiến nó nhanh chóng trở thành một biểu tượng quốc gia.

        Wat Rong Khun được một nghệ sĩ tài hoa người Thái là Chalermchai Kositpipat, là một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất ở Thailand, người từ lâu ấp ủ kế hoạch xây dựng một ngôi chùa chỉ toàn màu trắng biểu trưng với mong muốn tôn vinh trí tuệ và sự thuần khiết của Đức Phật từ bi tỏa sáng rực rỡ trong nhân gian, trên trái đất này, vũ trụ này cùng sự trong sạch trong tâm hồn của con người. Trong quá trình sáng tạo, ông Chalermchai đã đặt tất cả niềm tin tôn giáo của mình vào từng tác phẩm.

        Chùa Wat Rong Khun bắt đầu được xây dựng vào năm 1997 hoàn thành phần chính vào năm 2008, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện toàn bộ do kế hoạch của ông Chalermchai muốn tạo lên một quần thể kết hợp gồm 9 công trình chính trải trên diện tích khoảng 3 héc-ta như: chánh điện, sảnh đường, nơi tôn kính di tích của Đức Phật, nhà nguyện cho những người đến tập thiền, bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, khu ăn nghỉ… Mỗi một cấu trúc, mỗi một hình tượng tại Wat Rong Khun đều được chăm chút để không chỉ trở thành một tác phẩm mỹ thuật mà còn chuyển tải cả những thông điệp sâu sắc về Phật  giáo và giáo dục… Ngôi chùa được trang trí hết sức cầu kỳ nhưng vẫn mang những nét cổ kính bằng chất liệu thủy tinh và thạch cao, kính ghép. Bên cạnh rất nhiều kim loại bằng bạc đã được dùng để cùng kiến tạo nên quần thể ngôi rực rỡ, lung linh đặc trưng, đẹp hơn bao giờ hết dưới ánh sáng mặt trời.

        Theo tính toán, để hiện thực hóa được ý tưởng của mình ông sẽ phải mất khoảng 60-90 năm lao động chăm chỉ. Tuy nhiên hiện nay ông Chalermchai đã 55 tuổi. Vì vậy, ông cho phép 5 trong số những sinh viên xuất sắc của mình tới giúp. Đặc biệt toàn bộ kinh phí xây dựng khu quần thể chùa đều là từ tài sản của ông Chalermchai, ông không chấp nhận bất kỳ sự tài trợ tiền bạc nào khác của các tổ chức và cá nhân, ông luôn kiên quyết giữ vững quan điểm trên của mình cho tới khi hoàn thành kiệt tác.

        Để vào ngôi chùa nhỏ trắng như tuyết tượng trưng cho bầu trời này buộc du khách phải đi qua một cây cầu bên dưới là một địa ngục thu nhỏ với vô số bàn tay và khuôn mặt gớm ghiếc, biểu hiện sự ham muốn tầm thường của những kẻ tội lỗi đang giơ lên như cố gắng níu kéo thứ gì đó, là những cánh tay linh hồn mong được siêu thoát. Toàn bộ quần thể được điểm xuyết bởi những bức tượng ác quỷ, đầu lâu, những đầu tượng bị treo lên cây và rất nhiều vật kỳ lạ khác, tượng trưng cho sự xấu xa trên thế giới, những gì mà con người phải vượt qua trước khi bước được vào chốn thiền định. Bao quanh ngôi chùa chính là một công viên có hồ cá và những tác phẩm điêu khắc từ đá mà mỗi bức tượng là một sinh vật huyền thoại có ý nghĩa nhất định. Ngoài ra, ở một khuôn viên ngoài chính điện, còn có khu đặt những miếng nhôm trắng mỏng để mọi người có thể khắc tên, ngày sinh, địa chỉ và điều mong ước lên đó (có người sẽ giúp để ghi khắc cẩn thận, đẹp bằng ngôn ngữ Thailand và English).

        Bước vào trong chùa, chúng ta sẽ bất ngờ khi chiêm ngưỡng những hình ảnh truyền thống về tích Phật giáo giữa những hình ảnh đại diện cho nền văn hóa đương đại. Thay vì khắc họa hình ảnh người anh hùng chiến thắng ác quỷ, nghệ sĩ quyết định vẽ những siêu nhân thời hiện đại, đại diện cho cái thiện thời nay như Batman, siêu nhân, Neo (do Keanu Reeves thủ vai trong phim Matrix) ? ? ?. Bên cạnh đó, hình như ý tác giả muốn thể hiện nội dung giữa quang cảnh hỗn độn quay cuồng của vạn vật  xung quanh nhưng Đức Phật thuần khiết (màu trắng) vẫn thanh thản tọa thiền nổi bật  bên những cánh hoa bằng vàng.

        Tuy nhiên, không phải mọi công trình kiến trúc ở Wat Rong Khun đều màu trắng cả. Trong khuôn viên của chùa Trắng cũng có một ngôi tòa nhà màu vàng rất đẹp khiến ban đầu du khách có thể nhầm lẫn nó với những ngôi chùa khác. Nhưng trên thực tế, tòa nhà lộng lẫy màu vàng này lại chính là một… nhà vệ sinh công cộng.

        Tại Việt Nam của chúng ta cũng có một ngôi chùa thường được gọi là chùa Trắng tại Thôn Hữu Lễ, xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì  Hà Đông, đó là chùa Bạch Linh. Tuy nhiên kiến trúc thì vẫn bình thường. Tại đây cũng có một phòng thuốc nam nổi tiếng, do chính Thượng tọa Thích Đàm Hưởng trụ trì chùa trực tiếp làm thuốc, chẩn trị kết hợp với những kiến thức mới của y học phương Tây và phương Đông đã hơn 20 năm qua.


CHÙA TIANNING

        Quần thể kiến trúc Chùa Tianning (Thiên Ninh) hình tháp bút tọa lạc ở đường Giải Phóng, phía nam công viên Hồng Mai, Thành Phố Thường Châu (Chanzhou ) tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

        Chùa Thiên Ninh được xây dựng vào khoảng niên hiệu Vĩnh Huy thời Nhà Đường (650- 655), do Thiền sư Pháp Dung khai sơn. Đã hơn 1300 năm lịch sử, trãi qua mấy lần hủy hoại rồi lại trùng tu, rồi mấy đợt thay tên đổi hiệu, nhưng danh hiệu "Đông Nam Đệ Nhất Tòng Lâm" (ngôi Tòng lâm lớn nhất của miền đông nam Giang Nam) hay "Nhất Quận Phạm Sát Chi Quán" (ngôi Chùa lớn nhất quận) đều luôn được xưng tụng. Vua Càng Long hạ Giang Nam, ba lần đến Thường Châu, đều có đến chùa Thiên Ninh dâng hương lễ Phật, và có đề bản và liễn ngự tứ cho chùa, trong chùa hiện ngay có tấm bản ghi bốn chử "Long Thành Tượng Giáo " là bút tích ngự đề của vua Càng Long.

        Chùa Thiên Ninh được trùng kiến ngôi đại Tháp theo phong cách kiến trúc Đường Tống, ngôi Phật tháp được đặt tên là Thiên Ninh Bảo Tháp với ý niệm cung chúc thiên hạ được an lành. Tổng diện tích xây dựng của bảo tháp 27000m2, tháp có 13 tầng, hình bát giác tổng chiều cao153.79m, gồm có 8 Đại Điện, 25 Đường, 24 Lầu , 3 Thất, 2 Các, 1 Đại Tháp, toàn thể diện tích của chùa rộng đến 110 mẫu. Là Phật Tháp cao nhất Trung Quốc và có thể nói tháp Phật cao nhất thế giới. Được làm bằng gỗ quý, loại gỗ vô cùng bền chắc được mang về từ Myanmar và 75 tấn đồng cùng vàng đã được sử dụng trong việc xây dựng công trình đáng kinh ngạc này. Mái chùa được lợp ngói màu vàng. Đỉnh chùa là một tháp nhọn làm bằng vàng ròng nguyên chất,trên đó còn có  chiếc chuông đồng khổng lồ nặng 30 tấn, tiếng ngân vang của nó có thể xa tới hơn 5 km.

        Trong hơn 1.350 năm, do chiến tranh và sự thay đổi của lịch sử chùa Tianning đã từng bị đập đi, xây lại tới 5 lần. Ngôi tháp chùa Tianning được xây dựng lại trong 5 năm, được khánh thành vào ngày 01.5.2007 với tổng kinh phí đầu tư là 39 triệu USD .

         Bên trong chùa được tôn trí nhiều tác phẩm bằng ngọc bích, hai bên tôn trí bốn pho tượng Thiên Vương được đắp bằng đất mỗi pho cao 7.8m, một trong những bộ tượng Thiên Vương to nhất Trung Quốc, chính giữa thờ tượng Đức Phật Di Lặc bằng Hán bạch ngọc, khám thờ phật chạm trỗ 90 tượng phật rất tinh vi, mái khám cong vút rồng bay phượng múa.

              An Khánh (Tổng hợp từ các nguồn. Hình ảnh từ Internet)(24.6.2014)

         Còn tiếp tục 

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 14
Lượt truy cập: 9519408