Bạn đã tận mắt chiêm ngưỡng được bao nhiêu tượng trong số những tượng này. Nếu chưa có dịp cũng thật tiếc, nhưng không sao ta cùng tìm hiểu trên ảnh trước nhé.
Những tượng đài hùng vĩ
1) Tượng Trung Nguyên Đại Phật (中原大佛)
Tượng còn được gọi là Phật mùa xuân ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Việc xây dựng tượng phật Mùa Xuân được khởi công ngay sau khi các tượng phật Bamiyan ở Afghanistan bị quân lính Taliban đánh đổ. Tượng đài hùng vĩ này khắc họa lại Đức Phật Vairocana. Khánh thành năm 2008 hiện là bức tượng cao nhất thế giới với chiều cao lên đến 153m, trong đó đài sen cao 20m và toà nhà dưới đài sen cao 25m. Kể từ tháng 10 năm 2008, phần đồi ở chân bức tượng được xây dựng thành hai đường lên mới, khiến chiều cao tổng cộng hiện tại của bức tượng là khoảng 208m.được xây dựng trong quần thể kiến trúc ở chân Nghiêu Sơn thuộc hương Triệu Thôn, huyện Lỗ Sơn, Hà Nam, Trung Quốc. Tổng kinh phí của dự án Trung Nguyên Đại Phật là khoảng 55 triệu usd trong đó riêng bức tượng tiêu tốn khoảng 18 triệu. Theo ước tính ban đầu thì tổng trọng lượng đồng dùng để đúc tượng lên tới 1.000 tấn.
Tương quan chiều cao của một số bức tượng khổng lồ:
1. Trung Nguyên Đại Phật 153 m
2. Tượng Nữ Thần Tự Do 93 m
3. Tượng Mẹ Tổ quốc kêu gọi 91 m
4. Tượng Chúa Kito Cứu Thế 39,6 m
2) Laykyun Setkyar
Bức tượng với chiều cao tượng là 116m, cao tổng thể là 130m là bức tượng cao thứ nhì thế giới, được xây dựng trên đỉnh ngọn đồi Po Kaung thuộc thôn Khatakan Taung, gần Monywa, Myanmar. Riêng để hoàn thiện bộ khung thép cũng đã mất đến 10 năm. Tượng được hoàn thành vào năm 2008, là bức tượng cao thứ 2 thế giới vào thời điểm hiện tại. Ngay dưới chân bức tượng hùng vĩ này là tượng Đức Phật nằm lớn nhất thế giới, xây dựng xong từ năm 1991. Là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất Myanmar.
3) Tượng Đại Phật A Di Đà (Ushiku Daibutsu)
Tọa lạc tại thành phố Ushiku tỉnh Ibaraki phía đông bắc của Tokyo của Nhật Bản được xây dựng hơn 10 năm, hoàn thành năm 1995, là bức tượng cao thứ 3 thế giới với bề ngang 28m và tượng cao 71m, chiều cao tổng cộng 120m. Trọng lượng tổng thể: 4000 tấn. Khách du lịch đến thăm tượng Ushiku Daibutsu có thể đi thang máy lên đến độ cao 85 metres phần đài sen và thưởng thức phong cảnh thông qua đài quan sát. Tượng Phật có 5 tầng với tên gọi như sau: Tầng 1: Thế giới ánh sáng (Quang Thế Giới, Hikari no Sekai, Infinite Light and Infinite Life) - Tầng 2: Thế giới đền ơn báo đức (Tri Ân Báo Đức Thế Giới, Chion Hodoku no Sekai, World of Gratitude and Thanksfulness) - Tầng 3: Thế giới đài hoa sen (Liên Hoa Táng Thế Giới: Rengezo no Sekai, World of the Lotus Sanctuary) - Tầng 4, 5: Không gian núi Linh Ưng (Linh Ứng Sơn Gian: Ryojyusen no Aida, Room of Mt. Grdhrakuta).
4) Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát
Nằm ở Sanya Shi phía Nam đảo Hải Nam, Trung Quốc. Tượng có 3 mặt với một mặt quay vào đất liền và 2 mặt khác nhìn về phía biển Đông nhằm dụng ý ban phước cho toàn bộ thế giới. Bức tượng cao 108m là pho tượng cao thứ 4 thế giới. Xây dựng trong 6 năm và được khánh thành vào ngày 24 tháng 4 năm 2005.
5) Tượng 2 vị vua đầu tiên của Trung Hoa
Công trình điêu khắc tượng hai vị vua là Viêm Đế và Hoàng Đế kéo dài 20 năm, và được hoàn thành năm 2007. Tượng đài này cao 106m, được khắc trên một ngọn núi nằm ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Viêm Đế và Hoàng Đế (thời Tam hoàng ngũ đế) được xem là tổ tiên của người Trung Quốc. Viêm Đế, còn gọi là Thần Nông, trị vì từ năm 2737 trước công nguyên đến 2699 trước CN. Còn Hoàng Đế trị vì từ năm 2698 trước CN đến 2599 trước CN. Cạnh hai bức tượng là một quảng trường và một đền thờ tưởng niệm hai vị hoàng đế. Quảng trường rộng khoảng 150.000 m2 và tiếp giáp bờ sông Hoàng Hà. Còn bệ thờ cao 12 m, đặt trên diện tích gần 9 m2.
6) Sendai Daikannon
Daikannon là bức tượng Quán Thế Âm, cao thứ 6 trên thế giới với chiều cao 100m. Được một Công ty xây dựng năm 1980 tại Sendai ( 仙台市)hay Tiên Đài Thị, là trung tâm hành chính, thị trấn lớn nhất trong vùng Tohoku tỉnh Miyagi trên đảo Honshu, Nhật Bản (đây là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi động đất sóng thần năm 2011 vì rất gần tâm chấn). Tuy nhiên người dân địa phương chấp nhận bức tượng một cách miễn cưỡng bởi theo họ Cty làm bức tượng này nhằm mục đích để trốn thuế trong giai đoạn kinh tế nước Nhật đang suy thoái (theo họ đó là hành động tham lam và không yêu nước). Nhưng dù sao đó cũng là một công trình tác phẩm của Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung
7) Tượng Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay
Bức tượng cao thứ 7 là Tượng đồng Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay với chiều cao 99m ở Vi Sơn tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
8) Peter the Great
Bức tượng đặt tại Moscow có tên Peter the Great cao 98m ở Nga năm 2008 trở thành bức tượng cao thứ 8 trên thế giới. Được khởi công xây dựng năm 1997, tượng nặng khoảng 1000 tấn, trong đó 600 tấn là thép không rỉ, đồng thiếc và đồng đỏ. Nhằm để kỷ niệm 300 năm ngày thành lập Hải quân Nga, đồng thời tưởng niệm Peter Đại đế ( Пётр I Великий ) . Pyotr I đại đế (tiếng Anh là Peter I hay tiếng Pháp là Pierre I), ông sinh 10/6/1672 tại Moskva – mất 8/2/1725 tại Sankt Peterburg. Trước năm 1696 đồng tại vị với vua anh là Ivan V - một người yếu ớt và dễ bệnh tật. Ông là một vị vua tuyệt vời của nước Nga vào thế kỷ 17 và 18. Năm 1703, ông đã cho xây dựng thành phố Sankt Peterburg và trở thành kinh đô nước Nga vào năm 1712 là một "thành Venezia của phương Bắc". Dưới triều đại không lâu của ông (1696 – 1725), nước Nga Sa Hoàng trở thành một đế quốc Nga hùng cường trên thế giới thời đó, Hải quân Nga được thành lập. Người Nga đã có đủ sức giành chiến thắng trước hai cựu thù vào thời đó là đế quốc Ottoman và Thụy Điển, nhằm tái chiếm các lãnh thổ đã mất và lấy đường thông ra biển. Từ năm 1721, Ông được tôn là Pyotr Đại đế, là một trong những nhà cải cách kiệt xuất trong lịch sử Nga.
57 năm, sau khi ông mất, năm 1782 tượng Pyotr I - tức tượng "Kị sĩ đồng" Sankt-Peterburg được hoàn thành. Người dân Nga đã ca ngợi ông như một vị “Đại đế Ross toàn nước Nga”, hay “Cha của Tổ quốc”. Tuy nhiên do có những phức tạp về nguyên bản, tạp chí Virtual Tourist đã bình chọn tượng Peter the Great là tượng đài xấu thứ mười trên thế giới.
9) Tượng Phật tại Ang Thong - Thailand
Tượng Đức Phật của Thailand là pho tượng cao nhất nước này và cao thứ 9 trên thế giới. Pho tượng có chiều cao 92m và bề rộng là 63m. Thailand bắt đầu xây dựng pho tượng này năm 1990 và hoàn thành năm 2008. Tượng được đặt tại huyện Wiset Chai Chan, tỉnh Ang Thong (อ่างทอง) giáp phía bắc của tỉnh Ayutthaya, một trong những tỉnh miền Trung Thailand, tượng làm bằng xi măng và sơn nhũ vàng.
10) J: Byakue-Kannon (白 衣 觀 音)
Tượng Kannon được xây dựng tại công viên Miyako thuộc tỉnh Hokkaido - Nhật Bản, là pho tượng cao thứ 10 trên thế giới. Được xây dựng hoàn tất vào năm 1989, bức tượng cao 88m. Bên trong, từ tầng 6 đến tầng thứ 20 có cả thảy 8 khu vực thờ tự dành cho việc cầu nguyện và gần đỉnh là nơi để du khách chiêm ngưỡng toàn cảnh khu vực xung quanh.
11) Tượng đài Mẹ nước Nga (Родина-мать зовёт)
Còn gọi là Tiếng gọi Tổ quốc, hay là Tượng đài Mamayev. Tượng đài được xây trên đồi Mamayev Kurgan ở Stalingrad (nay là Volgograd). Là địa điểm diễn ra Trận Stalingrad, một trong những trận đánh ác liệt và đẫm máu nhất trong Thế chiến II. Ngọn đồi này là một cao điểm quan trọng, mắt xích then chốt nhất trong phòng tuyến bảo vệ thành phố Stalingrad năm 1942 - 1943. Nhà điêu khắc Yevgeny Vuchetich, thiết kế tượng đài cũng là cha đẻ của nhiều tác phẩm điêu khắc nổi tiếng khác, ông lấy cảm hứng từ bức tượng thần chiến thắng Samothrace của Hy Lạp và dựa vào hình dáng của Valentina Izotova, một nữ công dân của thành phố Volgograd. Chủ trì việc xây dựng và kết cấu công trình là kỹ sư kiến trúc N.V.Nikitin cũng là người thiết kế nên tháp truyền hình Ostankino ở thủ đô Matxcơva (từng là công trình cao nhất thế giới từ năm 1967 tới 1976). Cũng giống như tháp Ostankino, tượng đài Mẹ Tổ Quốc được làm bằng bê tông cốt thép, buộc các dây thép ở bên trong, rồi được dựng trên một phần móng không lớn, theo kiểu của một tòa tháp. Khi tượng đài được khánh thành vào ngày 15 tháng 10 năm 1967, đây là bức tượng cao nhất thế giới thời bấy giờ, với chiều cao 85m (tính từ mũi kiếm trên tay trái của bức tượng tới bệ tượng). Phần tượng mô tả bà mẹ Nga cao 52 m, phần thanh kiếm dài 33 m, tổng trọng lượng là 7.900 tấn. Để đi từ chân đồi lên bức tượng khổng lồ, người ta sẽ phải bước qua 200 bậc thang, tượng trưng cho 200 ngày khốc liệt của Trận Stalingrad.
12) Tượng Quán Thế Âm tại Đà Nẳng
Tượng Phật Bà Quán Thế Âm trong Chùa Linh Ứng với chiều cao 67m, tương đương tòa nhà 30 tầng, đường kính tòa sen chân tượng 35m, Được xem là bức tượng cao nhất ở Việt Nam hiện nay và cao nhất của Đông Nam Á. Chùa Linh Ứng Nằm trong quần thể du lịch Bãi Bụt trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẳng. Chung quanh tượng trong sân Chùa là tượng 18 vị La Hán mỗi một vị là hiện thân của các “hỉ, nộ, ái, ố”. Phía trong lòng tượng còn có 17 tầng, mỗi tầng có 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau gọi là “Phật trung hữu Phật”. 17 tầng tháp này đều có thể ngắm nhìn thắng cảnh rừng núi, biển xanh. Tác phẩm do điêu khắc gia Thụy Lam và điêu khắc gia Châu Viết Thạnh thi công trong 5 năm. Bằng phương pháp bê tông cốt thép. Tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang lênh đênh trên biển kiếm sống. núi rừng nguyên sinh của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà phía sau chùa.
13) Rodina Mat, Mẹ Tổ quốc của thành phố Kiev (Ukraine)
Tượng đài Mẹ Tổ quốc của thành phố Kiev, nổi tiếng nhất của đất nước Xô Viết (nay là thành phố Volgorad nước Cộng hòa Ukraine), hoàn thành vào năm 1981 do nhà điêu khắc Xô viết nổi tiếng Yevgeny Vuchetich thiết kế. Tượng đài cao 62m, tọa lạc trên ngọn đồi Lavra, nếu tính cả tòa nhà bảo tàng nằm dưới chân tượng, độ cao tổng cộng của cả công trình lên đến 102m và nặng 560 tấn. Được làm bằng titan, theo một biểu tượng trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 nhằm để vinh danh những người anh hùng Xô viết đã ngã xuống trong thời kỳ Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941 - 1945). Hình ảnh của tượng đài Mẹ Tổ quốc hai tay giương lên bầu trời, một tay cầm gươm, một tay cầm lá chắn trên đó có hình quốc huy và kỳ hiệu của Liên bang Xô viết. Sau khi Liên Xô sụp đổ, những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc bài Nga ở Ukraina đã yêu cầu phá bỏ tượng đài. Dù vậy, phần lớn người dân vẫn muốn giữ lại tượng đài như một biểu tượng về sự anh hùng của người Ukraina trong Chiến tranh thế giới 2.
14) Lạc Sơn Đại Phật
Có niên đại từ thời nhà Đường, là một tượng Phật được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, nằm ở chỗ hợp lưu của ba con sông là Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y ở miền nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Với chiều cao 71 mét, thân của tượng Phật cao 59,98 m, đầu cao 14,7 m, rộng 10 m, mắt rộng 3,3 m, mũi dài 5,6 m, miệng rộng 3,3 m, tai dài 7 m, cổ cao 3 m, vai rộng 28 m, thân thể rộng 28,5 m, chân dài 10,3 m, rộng 9 m. Đỉnh đầu có 1.021 búi tóc và móng tay nhỏ nhất cũng đủ lớn để có thể đủ cho một người ngồi vào. Đây là tượng Phật lớn nhất thế giới, được làm trực tiếp từ núi. Bức tượng đá đối mặt với Nga Mi sơn, và dòng sông chảy dưới chân của Phật, do hòa thượng Hải Thông chỉ huy thực hiện, khởi đầu vào năm 713, công việc này chỉ được các môn đồ của ông hoàn thành sau 90 năm. Dường như là công trình xây dựng khổng lồ này đã tạo ra nhiều đá được bóc tách ra khỏi vách đá và trầm lắng xuống lòng sông, làm cho các dòng chảy bị biến đổi. Khu vực Nga Mi Sơn với phong cảnh đẹp, bao gồm cả khu vực có Lạc Sơn Đại Phật đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới kể từ ngày 6 tháng 12 năm 1996.
15) Tượng Phật tại núi Tuyết Đậu, Trung Quốc
Tượng Phật Di Lặc tại núi Tuyết Đậu, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc là một pho tượng Phật bằng đồng, trong tư thế ngồi, cao 56,74m. Riêng phần thân của Phật cao 33m, Phật ngồi trên tòa sen cao 9m và phần bệ của pho tượng cao 14,74m. Bên cạnh đó còn có các công trình phụ. Tổng diện tích của khuôn viên tượng Phật là 12.000m2. Công trình này được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 2005 và hoàn thành vào tháng 11-2008, với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu nhân dân tệ. Pho tượng được đúc từ 500 tấn đồng, cùng với 400 tấn sắt để tạo cốt sắt ở bên trong.
16) Tượng Thập Phương Phổ Hiền
Tượng Thập Phương Phổ Hiền tọa lạc ở đỉnh núi Nga Mi trên độ cao 3.079m , tượng Phật có bốn mặt cao 48m.
Mùa đông trên đỉnh Nga Mi
17) Tượng nữ thần tự do (Liberty Enlightening the World)
Là món quà do người Pháp tặng cho nước Mỹ nhân kỹ niệm 100 ngày nước Mỹ tuyên bố độc lập, do kiến trúc sư Frédéric Bartholdi thiết kế, có tên là La Liberté éclairant le monde. Tượng cao 47m, tính cả bệ tượng là 93m, thể hiện một phụ nữ khăn quàn cổ, đội vương miện sáng chói, tay phải nắm ngọn đuốc giơ cao lên trời và tay trái cầm tấm đá phiến có khắc ngày tháng năm độc lập của nước Mỹ. Bức tượng được Pháp dựng xong vào năm 1884 và chuyển đến Mỹ năm 1885. Tượng được đặt trên đảo Liberty tại cảng New York
18) Tượng thần Murugan - Hinduism
Là bức tượng Hinduism lớn nhất châu á, bức tượng này được khánh thành năm 2006, sau 3 năm xây dựng. Tượng Murugan được sơn nhữ vàng có chiều cao 42m, tọa lạc dưới chân núi Batu là một ngọn núi đá vôi khoảng 400 triệu năm tuổi cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 13km, nơi có quần thể hang động Batu nổi tiếng thế giới của Malaysia. Đây cũng là nơi thiêng liêng nhất của tín đồ Ấn Độ giáo (đạo Hindu) tại Malaysia. Hang động Batu với những tác phẩm điêu khắc đồ sộ và tinh vi từ những bậc cầu thang, cổng chào cho đến ngôi đền hay những vật trang trí. Để chiêm ngưỡng sự huyền bí của hang động, chúng ta phải vượt qua 272 bậc thang (được xây dựng vào năm 1920). động gồm ba hang lớn và nhiều hang nhỏ nằm rải rác trên rẻo núi đá vôi.
19) Tượng Đức Chúa Jésus Vũng Tàu
Bức tượng Chúa Jésus được đặt trên đỉnh núi Nhỏ (núi Tao Phùng) có độ cao là 176m tại thành phố Vũng Tàu (Vũng Tàu có 2 núi : núi Nhỏ và núi Lớn hay còn gọi núi Tương kỳ cao 245m). Kế hoạch xây dựng tượng có từ năm 1970, đến năm 1972 công việc được khởi sự nhưng đến ngày 18 tháng 3 năm 1974 mới chính thức khởi công do có sự tranh chấp, kế tiếp là sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975, nên đến ngày 28/1/1992 Tòa Giám mục Giáo phận Xuân Lộc mới chính thức tiếp tục công việc xây dựng tượng. Thiết kế mỹ thuật của điêu khắc gia Văn Nhân, kỹ thuật thi công do kỹ sư Nguyễn Quảng Đức phụ trách. Ngày 01 tháng 12 năm 1994, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật đã chính thức khánh thành khu tượng đài Chúa Kitô Vua trên đỉnh núi Vũng Tàu.
Tượng có chiều cao 32m, chiều dài hai cánh tay là 18,4m, đặt trên bệ khối chạm hình Chúa và 12 tông đồ. Bên trong tượng là cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc, chạy từ bệ lên cổ tượng. Đường lên tượng có 1.000 bậc thang. Trong lòng tượng có thể chứa được 100 khách tham quan cùng một lúc. Hào quang quanh đầu tượng là thiết bị vật lý quan trọng cột thu lôi chống sét. Tà áo tượng có trổ 3 ô cửa sổ tô điểm bằng hoa văn chữ thọ, giúp lòng tượng được chiếu sáng tự nhiên và thoáng khí. Bức tượng này có nét giống Tượng Chúa Kitô cứu thế (Rio de Janneiro) của Brasil nhưng tượng ở Vũng Tàu cao hơn 2 m. Tuy nhiên, bức tượng ở Brasil đứng trên đỉnh núi Corcovado cao hơn 700 mét so với mực nước biển, còn tượng Chúa ở Vũng Tàu đứng trên độ cao hơn 170 mét của núi Nhỏ. Ngoài ra, bệ tượng ở Brasil cao 7m, còn bệ tượng ở Vũng Tàu chỉ cao 4m. Nơi chân tượng dưới lòng núi Nhỏ Vũng Tàu ngày xưa là hệ thống công sự do Pháp xây dựng kiên cố từ cuối thế kỷ 19, gồm 7 căn hầm, mỗi hầm dài 7 m và rộng 4 m. Thời đó quân đội Pháp để 2 khẩu thần công bắn đạn cỡ 240 mm. phía Nam núi Nhỏ hướng ra biển cùng 3 cụm pháo đài nữa khác, một cụm với 5 khẩu thần công bắn đạn cỡ 300 mm, một cụm với 3 khẩu thần công bắn đạn cỡ 140 mm. Cả 3 cụm pháo đài kết hợp hệ thống công sự tạo nên phòng tuyến đặc sắc nhằm kiểm soát tàu thuyền ra vào cửa biển Vũng Tàu - Sài Gòn.
Ngày 15 tháng 5 năm 2006, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã trao cho bức tượng này kỷ lục là "Tượng chúa Giêsu lớn nhất Việt Nam". Là "Tượng Chúa Giêsu lớn nhất khu vực Châu Á " vào năm 2012 do Hội đồng kỷ lục Châu Á xác lập. Ngày 09 tháng 1 năm 2012, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã chính thức công bố 10 sự kiện của kỷ lục Việt Nam năm 2012 với nội dung "Tượng Chúa Kitô Vua " Vũng Tàu là 1 trong 4 điểm đến tâm linh của Việt Nam đạt Kỷ lục châu Á với kỷ lục xác nhận là "Tượng Chúa Kitô lớn nhất". đây cũng là tượng Chúa Giêsu cao nhất thế giới (và sẽ đứng thứ nhì thế giới, nếu tượng Chúa Kitô vua ở Pêru được khánh thành). Mũi Vũng tàu, khi xưa được người Bồ Đào Nha khi đi qua mũi đất này đã lấy tên của thánh Giacôbê đặt cho nó và người Pháp cũng gọi theo là mũi Cap Saint Jacques (nghĩa là mũi đất mang tên Thánh Giacôbê) và vì thế phiên âm theo tiếng Việt thành là mũi “Cấp” mà ngày nay gọi là mũi Nghinh Phong.
Từ trên tượng nhìn xuống mũi Cấp, Vũng Tàu
20) Cristo Redentor
"Chúa Kitô Cứu Thế" trong tiếng Bồ Đào Nha là tên của một tượng Chúa Jesus đứng trên đỉnh núi Corcovado độ cao 710 m. Tượng cao 30m đứng trên bệ 7m, được dựng năm 1931, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Brasil độc lập. Từ bệ tượng có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Rio de Janeiro. Tượng được làm theo thiết kế của Heitor da Silva Costa, nhà điêu khắc Carlos Oswald và Paul Landowski thực hiện tác phẩm. Kỹ sư Guglielmo Marconi là người thiết kế đèn chiếu sáng xung quanh tượng.
21) Tượng Phật Di Lặc, núi Cấm
Tượng Phật Di Lặc đặc tả rõ nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả. Chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu tượng là 33,6m, tương đương tòa nhà 10 tầng diện tích bệ tượng 27 x 27 m. thuộc Chùa Phật . nằm trong khuôn viên rộng 2,2 ha, bao quanh là núi rừng, và phía trước là hồ Thủy Liêm. Tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông cốt thép. Tượng được đặt trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, núi Cấm, cao 710 m so với mặt nước biển, là ngọn núi cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn huyền bí, (Núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyệnTịnh Biên, An Giang, Việt Nam). Bức tượng do nhà điêu khắc Thụy Lam (tên thật Phạm Dân Chủ, ngụ ở thị xã Tân Châu) phác thảo bản vẽ và giám sát xây dựng, được thực hiện từ tháng 2 năm 2004 đến tháng 12 năm 2005 với khoảng 60 nhân công làm việc liên tục trong gần 2 năm. Theo nhiều nhà chuyên môn, tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm đạt độ thẩm mỹ cao về kiến trúc và hài hòa giữa không gian núi rừng. Ngày2 tháng 1 năm 2006, tượng Phật Di Lặc được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất Việt Nam” và đến ngày 29 tháng 5 năm 2013, thì tượng được công nhận là "tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở Châu Á"
22) Tượng Nhân sư ở Giza
Là một bức tượng làm bằng đá vôi hình một con nhân sư (thân sư tử và đầu người) trong tư thế phủ phục nằm ở cao nguyên Giza, trên tả ngạn sông Nile tại Giza, Ai Cập. Đây là bức tượng nguyên khối lớn nhất thế giới, dài 73,5m và cao 20,22m và là một trong những bức điêu khắc nguyên khối lâu đời nhất. Bức tượng được cho là do người Ai Cập cổ đại ở thời kỳ Cựu vương quốc xây dựng, dưới triều đại của Pharaon Khafra (2558 – 2532 trước công nguyên).
Trong tương lai, sau 4 năm nữa Ấn Độ sẽ có một tượng đài cao nhất thế giới (cao gấp hai lần tượng "Nữ thần tự do" và gấp bốn lần tượng Chúa Jesus tại Rio de Janeiro - Brazil) . Tượng đã được khởi công vào ngày 31/10/2013. Một chiến dịch thu thập kim loại thừa từ gần 700.000 ngôi làng khắp Ấn Độ đã bắt đầu và kéo dài tới 26/1/2014. Tổng chi phí cho bức tượng ước tính vào khoảng 25 tỷ rupee (300 triệu USD), và sẽ được tài trợ bằng cả tiền công quỹ và quyên góp. Bức tượng là hành động tri ân của Ấn Độ dành cho Bộ trưởng nội vụ đầu tiên của nước này sau khi giành độc lập, ông Sardar Vallabhbhai Patel. Tượng sẽ có chiều cao 182 m, được đặt trên một hòn đảo giữa sông Narmada. Khi hoàn tất dự kiến vào năm 2018, công trình cũng vượt xa bức tượng Phật tại tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, vốn đang giữ kỷ lục bức tượng cao nhất thế giới với chiều cao 128 m.
phối cảnh tượng Sardar Vallabhbhai Patel
Chánh Tâm (tổng hợp và bổ sung tư liệu từ nhiều nguồn). Tất cả ảnh trên từ Internet