Ngày 01.6.2014, để đến tận ấp của bà con dân tộc, phải vượt thêm 8 km đường rừng cao su bằng xe công nông, nhồi xốc, nhảy lưng tưng, ngã nghiêng, một kỹ niệm rất vui, khó quên, lý thú đối với người dân thị thành. Bao quanh bởi các lô cao su, người Châu Ro ấp 61 vẫn mong có ngày sẽ không còn gọi là dân khu bốn không.
SÔNG NHẠN MỘT NƠI TƯỞNG NHƯ XA LẮM
Nói đến địa danh Đồng Nai chắc có lẽ mọi người điều biết đó là vùng đất rộng, trù phú giáp với Tp.HCM. Huyện Long Thành, Thống Nhất…là những địa danh quen thuộc và lại càng gần Tp.HCM hơn. Nhưng đang xen vào đó là huyện Cẩm Mỹ thì chắc là cũng có nhiều người không biết, cái tên Sông Nhạn lại càng xa lạ hơn. Chỉ cách Tp.HCm khoảng 65 km (theo đường bộ) trên trục Tỉnh lộ 769 nối Long Thành với Dầy Giây, nhưng đi sâu vào thêm khoảng 7 km đường nông thôn tuy là đường nhựa nhưng nhỏ hẹp và hư hỏng nhiều, với những giao lộ mà theo kinh nghiệm của những lần đi vào vùng rừng sâu chúng ta phải ghi nhận tọa độ GPS trước để xác định chính xác trước khi vào ngả rẽ trong những cánh rừng cao su (vào đó khó mà xác định bằng mắt vì bốn phía giống nhau, sóng điện thoại thì không phải lúc nào cũng có hơn nữa cũng không biết là mình đang ở đoạn nào để mà nói với người chỉ dẫn qua điện thoại, cũng không có ai để hỏi đường. Nhớ lại chuyến vào Cù Bị ngay cả người địa phương dẫn đường trực tiếp còn bị lạc bởi họ chỉ quen theo con đường đi hàng ngày bằng xe hai bánh).
Ngày 01.6.2014, điểm đến đầu tiên là sân Giáo xứ Xuân Triệu thuộc ấp 2 xã Sông Nhạn huyện Cẩm Mỹ - Đồng Nai. Tại đây đoàn đã tặng trực tiếp 40 phần quà cho người nghèo địa phương gồm: 10 kg gạo, 1 thùng mì ăn liền, 2 chai nước mắm, 2 chai nước tương, 1 chai (litre) dầu ăn, 1 kg đường, 1 kg muối iod, 800 gr hạt nêm, 1 kg cá, mực tươi đông lạnh, cùng tiền mặt do cô Đồng Thu tặng trực tiếp. Đồng thời cũng gửi tặng 19 phần quà dành cho học sinh nghèo có thành tích học tập tốt gồm cặp học sinh, tập, bút , hộp bút (theo cấp học 1, 2, 3). Nhân ngày QT thiếu nhi đoàn cũng gửi tặng một số bánh kẹo cho tất cả các em thiếu nhi có mặt.
Từ đây đoàn tiếp tục chia ra thành 2 nhóm đi vào trực tiếp tận ấp của bà con để tặng quà. Nhóm thứ nhất đi ngược ra để đến các ấp như Suối Râm, Ấp 4 và ấp 57 tặng 28 phần quà cho bà con nghèo mà đa phần là di dân từ Quảng Trị vào. Tại đây cũng đã gửi tặng 35 phần quà cho học sinh nghèo có thành tích học tốt. Nhóm thứ hai thì đi vào ấp 61 và ấp Suối Đục.
Từ ấp 2, nhóm thứ hai đi vào thêm khoảng hơn 5 km bằng xe công nông, vượt qua những con đường hun hút dốc đồi, đất đỏ với nhiều đoạn hư hỏng, với những đoạn đường bằng thì lại có đá lô nhô, băng ngang qua những cánh rừng cao su để đến với ấp 61, đây là ấp của bà con dân tộc Châu Ro. Tại một bãi đất trước nhà Tộc trưởng, giữa rừng cao su. Đoàn từ thiện đã tặng 21 phần quà cho người nghèo cùng 9 phần quà dành cho học sinh. Ấp 61, dân cư có khoảng 40 hộ, trong đó người dân tộc đều là hộ nghèo, sống biệt lập về hướng nam của xã Sông Nhạn (cách trung tâm xã khoảng 1.500m theo đường chim bay), bao quanh bởi các lô cao su do Công ty Cao su Đồng Nai quản lý. Người dân tại đây vẫn mong có ngày sẽ không còn phải mang danh là dân khu bốn không (không điện, không đường, không trường, không trạm y tế). Cuộc sống của bà con người dân tộc tại địa phương chủ yếu bằng công việc làm thuê mướn, ai thuê gì làm nấy, tự túc tăng gia săn, bắt, hái lượm, chỉ có một số rất ít là được làm công nhân cao su.
Từ đây đoàn tiếp tục băng rừng thêm khoảng gần 3 km nữa để đến với ấp Suối Đục, là ấp của người dân tộc Hoa và Nùng. Tại nhà sinh hoạt chung đoàn đã tặng tiếp 25 phần quà cho bà con và 4 phần quà cho học sinh.
Hoàn thành việc tặng quà, hai nhóm cùng về lại Giáo xứ Xuân Triệu để nghỉ ngơi và dùng cơm. Sau đó từ giã ra về, để tiếp tục đến với làng bệnh nhân “Phong” Thiên Trợ.
Một kỹ niệm rất vui, khó quên, khá lý thú đối với người dân thị thành được vào tận rừng sâu bằng phương tiện là xe công nông (xe máy xới kéo thùng phía sau). Với nhiều người đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời. Ngồi bệt trên xe nhảy lưng tưng, ngã nghiêng, nhồi xốc, không có lúc nào yên trong suốt đoạn đường khoảng 15 km đi và về nhưng mọi người trên xe vẫn vui cười vì quá thú vị, thú vị nhất là đường về đi tắt băng rừng có đoạn gần như không có đường đi, phải đi chen lẫn trong các tán lá cây, cùng với ánh mắt ngạc nhiên của người dân địa phương khi nhìn thấy xe đi qua. Có chị trong đoàn đã nói vui khi về đến nơi “chiều về nhà chắc phải kiểm tra lại cái mông..Ha ha”.
Người Thượng là danh từ gọi chung những nhóm sắc tộc bản địa sinh sống trên cao nguyên như Ba Na, JaRai, Ê Đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông…, theo thuật từ Montagnard vốn có nghĩa là "người miền núi" trong tiếng Pháp.
Người dân tộc Châu Ro có nơi còn gọi là Chơ Ro, Dơ Ro, Chro, Thượng. Người Châu Ro ở Việt Nam có dân số 26.855 người, cư trú tại 36 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Cư trú tập trung tại tỉnh Đồng Nai là 15.174 người (chiếm 56,5% tổng số người Chơ Ro tại Việt Nam. Theo thống kê năm 2009). Người Châu Ro không theo chế độ mẫu hệ hay phụ hệ mà coi trọng cả hai như nhau, có quan hệ khá mật thiết với các dân tộc Mạ, Xtiêng… Do cùng địa bàn cư trú và mối quan tâm về nguồn lợi kinh tế. Số đông mang họ Điểu như người Xtiêng, ngoài ra còn có họ Chrau Lun (cá sấu), Bicu (cây gỗ mật)... Người Châu Ro có phương pháp bẫy cá rất đặc biệt, đó là làm ruốc bằng lá độc cho cá say nổi lên mật nước rồi vớt. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm ở đây còn kém phát triển, số lượng chăn nuôi tại mỗi gia đình chỉ dùng trong dịp hiến sinh, ma chay, cưới hỏi… Nghề thủ công đan lát, làm các đồ dùng bằng tre, gỗ chủ yếu phục vụ công việc, sinh hoạt hàng ngày. Văn hóa, văn nghệ dân tộc của người Châu Ro phong phú, nhạc cụ có bộ chiêng 7 chiếc, đây đó còn thấy đàn ống tre, có ống tiêu và một số người còn nhớ lối hát đối đáp trong lễ hội.
Trong năm, người Châu ro có nhiều lễ cúng, quan trọng nhất là lễ cúng thần Núi (Yang Bơnơm), thần Lúa (Yang Kòi) và lễ hội Sayangva (Mừng lúa mới) với sự tham gia đông đảo của cộng đồng. Ngày trước phụ nữ Châu Ro quấn váy, đàn ông đóng khố, áo là loại áo chui đầu, trời lạnh có tấm vải choàng. Ngày nay cách xây cất nhà ở, cách ăn mặc của người Châu Ro gần giống như cách của người Kinh trong vùng, Nét truyền thống còn lại trong ngôi nhà hiện nay là cái sạp làm bằng tre nứa, chạy dọc theo suốt chiều dài ba gian nhà, bề ngang chiếm nữa lòng nhà. Chỉ còn dễ nhận ra người Châu Ro ở tập quán thường đeo gùi và ở sở thích của phụ nữ hay đeo các vòng đồng, bạc, dây cườm trang sức nơi cổ và tay. Riêng các lễ hội vẫn còn nhưng có sự đơn giản hơn nét truyền thống như xưa.
Người dân tộc Nùng, có 856.412 người (theo số thống kê năm 2009) cư trú ở chủ yếu ở các tỉnh miền núi đông bắc phía Bắc (chiếm 84%). Hiện tại, một lượng lớn đã di cư vào các tỉnh Tây Nguyên (11 %), chủ yếu tại Đak Lak. Tại Đồng Nai, dân tộc Nùng có 15.141 người (chiếm 1%).
Người Nùng có quan hệ gần gũi với người Tày và người Choang (Zhuang) sống dọc biên giới với Trung Quốc. Tại Trung Quốc, người Nùng cùng với người Tày được xếp chung vào dân tộc Choang của Trung Quốc. Người Nùng hay Nồng, tộc danh này lúc đầu chỉ dùng họ Nông, một trong 4 họ lớn ở vùng tả hữu sông Quảng Tây và vùng Đông bắc VN. Trong 4 dòng họ ấy thì vào thời điểm lịch sử phát triển, họ Nông có ưu thế hơn cả so với họ Chu, Vi, Hoàng. Theo các nhóm địa phương còn có dân tộc là Nùng Xuồng, Nùng Giang, Nùng An, Nùng Lòi, Nùng Phàn Sình, Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng Quy Rịn, Nùng Dín. Thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái của hệ ngôn ngữ Thái – Kadai.
Về văn hóa hình thức hát thơ, hay hát Sli thể hiện sự ứng đối tài hoa của mỗi người với những lời Sli ví von, bóng bẩy, tinh nghịch, xa xôi, ẩn chứa rất nhiều hàm ý... Cùng gọi là Sli nhưng Sli của các nhánh dân tộc Nùng có sự khác nhau. Hát Then là một thể loại ca nhạc tín ngưỡng, hát Then là loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp gồm: ca, nhạc, múa và diễn trò. Theo người Tày, Then được hiểu là Thiên, chỉ trời. Hát Then không chỉ đơn thuần là một loại hình âm nhạc hay diễn xướng dân gian mà có sự gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng. Then được hát trong hầu hết các nghi lễ, hội với nhiều đường Then khác nhau tùy thuộc vào mục đích của lễ cúng. Dù hát Then hay những làn điệu Sli mượt mà, đằm thắm của chàng trai cô gái đều không thể thiếu cây đàn Tính. Đàn Tính có loại 2 dây và loại 3 dây (ngày nay bà con vùng núi Phía Bắc vẫn còn giữ truyền thống này).
Trong gia đình, quan hệ giữa cha chồng, anh chồng với nàng dâu có sự cách biệt nghiêm ngặt. Theo phong tục Nùng, dù là con anh, con em, con chị... ai nhiều tuổi hơn được gọi là anh, là chị. Khi đặt tên con phải tuân theo hệ thống tên đệm của dòng họ. Đặc biệt nam, nữ đến tuổi trưởng thành đều bịt một chiếc răng bằng vàng ở hàm trên và như thế được xem là làm đẹp, là người sang trọng. Phụ nữ mặc áo năm thân và cài một hàng cúc bằng nút vải phía bên nách phải. Tùy từng nhóm Nùng địa phương mà áo dài, ngắn, rộng, hẹp khác nhau, nhưng ở đoạn cổ tay và lá sen bao giờ cũng đắp một miếng vải và bốn túi áo không có nắp. Nam, nữ đều mặc một loại quần nhuộm màu chàm, cạp to, ống rộng, dài tới tận mắt cá chân. Phụ nữ Nùng thường đeo tạp dề trước bụng, khi gồng gánh còn mang thêm miếng nệm vai. Điểm khác nhau giữa các nhóm tộc, một trong những biểu hiện là cách đội khăn và các loại khăn trang trí khác nhau đôi chút. Người Nùng có 13 nhánh và mỗi nhánh lại có ngôn ngữ cũng như trang phục khác nhau (Nên rất khó để xác định một trang phục nào là trang phục chuẩn cho người Nùng). Người Nùng thích ăn các món xào mỡ heo, món ăn độc đáo và được coi trọng là sang trọng của người Nùng là "Khau nhục". Tục mời nhau uống rượu chéo chén có lịch sử từ lâu đời, nay đã thành tập quán của người Nùng. Riêng người Nùng An ở Phúc Sen – Quảng Uyên (Cao Bằng) lại có nét văn hóa riêng là uống rượu bằng thìa (muỗng). Cũng như các dân tộc khác hiện đang định cư ở phía Nam, từ cách sinh hoạt, nhà cửa, ăn mặc đều dần giống với người Kinh.
Rời Sông Nhạn, trên đường về theo QL 51, đoàn đã đến Làng Thiên Trợ (Trại Phong Phước Tân) tại ấp Đồng xã Phước Tân huyện Long Thành, do các Soeur dòng Nữ Tử Bác Ái, những người nguyện quên mình để phụng sự cho những người bệnh tật, nghèo khổ, phụng sự cho những bệnh nhân “Phong” (như các Soeur tại Trại Phong Di Linh – Lâm Đồng). “được phục vụ người nghèo khổ đó là niềm hạnh phúc, người nghèo khổ bệnh tật, bất hạnh, đó chính là anh chị em. Được phục vụ săn sóc họ chính là phục vụ, săn sóc cho Chúa, cho anh chị em mình”. Tại đây đoàn đã tặng trực tiếp 88 phần quà gồm cặp học sinh, tập, bút, hộp bút cho học sinh cấp 1, 2, 3. Những em được nhận quà hôm nay là con cháu trong những gia đình bệnh nhân phong đang sống và điều trị bệnh tại làng Thiên Trợ (phần lớn là người gốc Hoa). Trước mắt chúng tôi là những cháu thiếu nhi hoàn toàn khỏe mạnh, ngoan hiền, xinh xắn cả nam lẫn nữ, hình như đó là sự bù trừ của tạo hóa. Sau khi nhận quà đại diện các em đã nói lời cảm ơn, hứa sẽ luôn phấn đấu học giỏi và sau đó cùng ca hát tập thể chung với đoàn.
Rời làng Thiên Trợ chúng ta không quên hẹn sẽ trở lại vào dịp khác.
Chánh Tâm (02.6.2014)
Qua đây cũng xin tri ân sự đóng góp cùng với chương trình qua Thiện nguyện Lá Bồ Đề, để phối hợp cùng nhóm từ thiện của anh Vỹ khu nhà 22 Yersin Q.1, nhóm chị Lan (Nguyễn Khoái Q.4) :
- Chị Năm Mai và Cô Quyên (Cty Song Trang) ủng hộ 150 kg cá, mực tươi đông lạnh
- Tập thể nhóm nhân viên Cty Toàn Thắng = 1.700.000 đ
- Gia đình chị Hạnh và em là Kim Yến (USA) = 2.000.000 đ
- Chị Đồng Thu (France) = 1.000.000 đ
- Tân Lộc = 600.000 đ
- Cô Lan Anh (Nguyễn Thượng Hiền Q.3) = 500.000 đ
- Cô Cơ (tiệm bánh Cát Tường, đường Khuông Việt Q.Tân Phú) = 500.000 đ
- Gia đình cô Lê Nữ Dung + Lệ Anh + Ánh Mai = 500.000 đ
- Phan thị Ánh Hương + Nguyễn thị Thanh Thảo + Pt Thanh Mãn = 500.000 đ
(Tổng cộng thu 7.300.000 đ. Trong đó phụ anh Vỹ mua quà là 6.000.000 đ, phụ chị Lan để tăng thêm phần học bổng là 700.000 đ. Số còn lại 600.000 đ dùng mua quà bánh kẹo cho thiếu nhi và làm bánh mì ăn sáng).
Thiện nguyện Lá Bồ Đề