Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

TRỞ LẠI BÙ ĐĂNG, ĐẾN VỚI BÀ CON DÂN TỘC S'TIÊNG

Trở lại Bù Đăng lần này (13.7.2014) chúng ta tặng quà cho bà con nghèo dân tộc S'Tiêng tại các sóc như Bù Môn, Bù Tôm, Bù Sa, Bù Ramang, Bù Nhùi. Là chủ nhân lâu đời của miền đất Bình Phước nhưng cuộc sống luôn ở mức bằng hoặc dưới mức nghèo khổ. Một chương trình từ thiện kết hợp cúng dường Trường hạ nhân mùa An cư PL 2558.

ĐẾN VỚI BÀ CON DÂN TỘC S'TIÊNG TẠI BÙ ĐĂNG

        Sau một tháng 6 ngày kể từ lúc bắt đầu khởi động, chương trình đã được thực hiện. Nếu như lúc đầu tín hiệu phản hồi tương đối chậm thì trong những thời điểm gần kề thông tin báo về ủng hộ cho chương trình càng lúc càng nhiều, thúc đẩy chương trình thực hiện đúng kế hoạch.

        Ngày 13.7.2014, ba xe của đoàn đã xuất phát từ Tp.HCM hướng về Bù Đăng tỉnh Bình Phước mang theo 350 phần quà với 15 mặt hàng gồm gạo, mì ăn liền, muối iod, đường, bột nêm, nước nước, dầu ăn, kem đánh răng, dầu gội dầu, mền, quần áo mới, cũ, mắm chay xào, bánh mì ngọt cùng một túi xách được dành tặng cho bà con nghèo là người dân tộc S’Tiêng mà trong đó hầu hết là đều Phật tử. Hiểu đặc tính của đồng bào dân tộc, những ngày có tập trung đông người cũng được xem như là ngày hội nên lượng người đi theo đặc biệt là trẻ em rất đông. Cũng như những lần đến với miền đông hay Tây nguyên, lần này cũng vậy những phần quà dành riêng cho các em thiếu nhi là không thể thiếu. 720 phần quà khá chất lượng gồm bánh ly chấm với  Chocolate, strawberry… Kẹo, sữa Vinamilk ADM loại 180ml. Ngoài ra cũng đã chuẩn bị một chương trình vui chơi sinh hoạt cùng các em, tuy nhiên do đoàn đến cũng đã giữa trưa trời nắng, phải tranh thủ để bà con ra về, hơn nửa mặt sân tuy rộng nhưng lại có nhiều đá nên không thuận tiện cho các em vui chơi, vì khi chơi có thể té ngã gây thương tích, nên không thực hiện được.

        Cũng xin nói thêm, trong tuần vừa rồi tại Bù Đăng có mưa suốt với lượng mưa khá lớn nhưng rất may ngày chúng ta đến tặng quà cho bà con là hoàn toàn không mưa, lại có nắng. Theo thông tin nhận được thì trong ngày 14.7, một ngày sau thì Bù Đăng lại tiếp tục mưa to từ sáng sớm. Quả thật chúng ta rất may mắn, thời tiết đã ủng hộ chúng ta “thiên thời địa lợi”. Mặc dù đã có chuẩn bị phương án tặng quà cho bà con trong điều kiện có mưa, nhưng thật tình đó chỉ là giải pháp tình thế với bao điều bất tiện.

        Tổng giá trị của chương trình là trên 175.000.000 đ do nhiều người cùng nhau đóng góp (xem thêm chi tiết bảng công khai tài chính tại mục “tài chính” folder “trở lại Bù Đăng 2014”). Số lượng mặt hàng trong phần quà lần này cũng tạm đủ theo yêu cầu nhưng xét về mặt chất lượng và giá trị thì khá cao : quần áo mới, quần áo cũ đều đẹp hơn, tốt hơn, nhiều hơn, đồng đều hơn, lại còn có thêm kem đánh răng, dầu gội, mền… Qua đây xin thay mặt cho bà con người dân tộc nghèo được nhận quà, chân thành tri ân đến Cty….(tài trợ kem đánh răng, dầu gội), Nhóm bạn MBKE, tiệm bánh Cát tường đường Khuông Việt quận Tân Phú, Cô Hiệp (bạn của chị Diệp), anh TCT (Cty Mark & Milk) cùng tất cả các ân nhân, những nhà hảo tâm gần xa, của ít lòng nhiều cùng chung tấm lòng nhân ái tất cả vì người nghèo.

        Trở lại Bù Đăng lần này chúng ta tặng quà cho bà con nghèo tại các sóc như Bù Môn, Bù Tôm, Bù Sa, Bù Ramang, Bù Nhùi, tất cả đều là người dân tộc S’Tiêng. Trước mắt chúng tôi là những người đượm màu nắng gió, dư âm của cuộc sống khắc khổ. Thật vậy người dân tộc S’Tiêng tại Bù Đăng phần lớn đều sống với mức bằng hoặc dưới mức nghèo khổ cuộc sống gắn liền với nương rẫy, khoai, bắp và cây điều trên phần đất khiêm tốn sẳn có của mình, “người thì cứ nở ra, miệng ăn thì nhiều lên mà miếng đất không nở ra được”. Cuộc sống phụ thuộc nhiều vào mưa nắng, với hy vọng được mùa, được giá nhưng khổ thay những vất vả, một nắng hai sương cũng chỉ mong đủ cái ăn, cái mặc nhưng có được đâu, được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa và tệ hại hơn mất mùa lại còn mất giá, sự thiếu cái ăn là điều không tránh khỏi. Đặc tính “săn, bắt, hái, lượm” phần nào đó vẫn còn có ích cho mỗi gia đình. Rau rừng, rau choai là sản phẩm của thiên nhiên ban tặng cho người dân nghèo khó chốn núi rừng nhưng giờ rừng không còn, thú thì đã ra đi, rau rừng cũng không mọc kịp để cho mà hái. Cái nghèo, cái khó luôn đeo bám họ triền miên đã đưa đẩy một ít người đến những việc làm kiếm sống bất chấp những hiểm nguy. Sư cô Lệ Thành đã từng tâm sự “thấy bà con khổ quá, có khi họ kiếm sống bằng những công việc nguy hiểm, thương quá nhưng Cô chỉ có lời khuyên chứ biết làm sao được lực bất đồng tâm vì Cô chỉ là người tu hành”

        Có thể nói người dân tộc S’tiêng là chủ nhân lâu đời của miền đất Bình Phước tập trung đông nhất ở các huyện Phước Long, Bù Đăng. Chiếm 95,6% trên tổng số người S’Tiêng tại Việt Nam Người Xtiêng hay còn gọi là người S'tiêng hay Giẻ Xtiêng (xin đừng nhầm với người dân tộc Giẻ Triêng). Tại Đồng Nai, người S’tiêng còn gọi là người Xa Điêng. Người S’Tiêng tại Bình Phước thường được gọi là người S’Tiêng Bù Lơ sống theo tập quán vùng cao và theo chế độ phụ hệ khác với người S’Tiêng Bù Dek sống theo tập quán vùng thấp theo chế độ mẫu hệ. Nếu so với cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Việt Nam thì cộng đồng người S’Tiêng, tỷ lệ người theo đạo Phật chiếm tỷ lệ khoảng 65% đây cũng là một nét đặc biệt tại Bù Đăng nói riêng và Bình Phước nói chung. Năm 2011 một đại lễ quy y được tổ chức qui mô cùng lúc cho 6.000 Phật tử người S’Tiêng đã là một sự kiện nổi bật không chỉ riêng của tỉnh Bình Phước.       

        Người S’Tiêng cũng như những đồng bào dân tộc khác thường đều có những tập tục riêng, tuy nhiên những lễ hội, cúng lễ dù tên gọi có khác nhau nhưng nội dung, ý nghĩa thì gần giống như nhau, theo tín ngưỡng thần linh, cúng lễ gắn liền với cuộc sống, đều tôn trọng cúng thần Giàng, đều có lễ đâm trâu… Khi cúng lễ là phải mời và thết đãi cả mọi người trong bon (buôn – wăng). Cúng cơm mới (paba Khiêu) sau vụ mùa thu hoạch, thể hiện tấm lòng tôn kính thần lúa cho mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no. Lễ cầu mưa, để tri ân và cầu xin các vị thần cho mưa thuận gió hoà để vạn vật sinh sôi nảy nở, để gieo trồng, để con người có nước sinh hoạt, có một mùa vụ năm mới bội thu. Tục này thường do người STiêng Bù Lơ tổ chức hàng năm. Theo tương truyền người S’Tiêng đã học cúng lễ này theo người Spa Chal nên từ đó năm nào cũng được có mưa ??.

        Riêng người S’Tiêng có những nghi thức lễ khá đặc biệt như : khi chọn được đất để cất nhà, sau khi cúng lễ, gia chủ sẽ bóp quả trứng gà trong tay nếu bể có nghĩa là thần linh đã ưng thuận cho cất nhà nếu không bể thì ngược lại. Nếu khi vào rừng chặt cây để làm nhà mà nghe tiếng chim chìa vôi kêu liên tục thì phải dừng làm nhà hoặc đi nơi khác.

        Lễ “cột tay bà mụ” (cơ-ty-rờ-nhe) cho đứa con vừa tròn tháng tuổi. Mà ta vẫn thường gọi là lễ “đầy tháng”. Lễ cột chỉ tay có nơi đọc là cơ ty nhưng cũng có nơi đọc là toon ty, tùy theo âm điệu của mỗi vùng.. Các thành viên trong gia đình, họ tộc đến dự lễ lấy dây chỉ bằng sợi vải dệt thổ cẩm nhúng vào huyết gà rồi cột vào cổ tay đứa trẻ vừa đầy tháng. Trong lễ này không thể thiếu món canh BồiKhi đến 13 tuổi thì lại được làm lễ cột chỉ tay (Cờ ty con) nhằm đánh dấu, chúc mừng sự trưởng thành và quà tặng cho cháu bé những bộ khung dệt thổ cẩm, những con vật nuôi (nếu là bé gái) và các bộ cung tên, chà gạc (nếu là bé trai) nhưng hiện nay việc này ngày càng trở nên hiếm. Thay vào đó, khi đến dự lễ, người ta thường tặng tiền thay thế lễ vật. Trong đám cưới cũng có lễ cột chỉ tay cho nhau như một sự cam kết gắn bó, chung thủy “đầu bạc răng long”.

        Người Stiêng cũng ưa thích âm nhạc, nhạc cụ thường thấy nhất là bộ chiêng 6 cái. Cồng (goong), chiêng (ching) bộ chiêng Lơ Trang được xem như vật thờ cúng (Tuy nhiên hiện tại Bù Đăng còn chỉ một bộ). Cồng chiêng xem là tài sản quan trọng vì nó có thể đem đi mua bán, trao đổi, làm của trong cưới hỏi, làm đồ vật trang trí trong gia đình…Ngoài ra còn có kèn bầu (m’buôt), sáo ống (dênh dut), đàn môi (N’tôn), sáo tiêu (ta lét)…

        Về trang phục khá đơn giản, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố. Người S’tiêng để tóc dài búi sau gáy. Mọi người nam, nữ, già, trẻ đều thích đeo các loại vòng. Riêng phụ nữ Bông tai chính là một trong những trang sức quan trọng nhất. Họ thường có thói quen đeo bông tai suốt cả cuộc đời. Những cô gái trẻ S’Tiêng sẽ được cha mẹ căng tai bằng gai cây chanh. Sau khi căng tai, họ sẽ bắt đầu đeo các loại bông làm bằng nhiều thứ đồ khác nhau bằng nứa, gỗ, tre, nanh thú, ngà voi, đồng, bạc, tùy thuộc vào từng điều kiện của gia đình, với kích cỡ tăng dần để lỗ dái tai to thêm và tai sẽ kéo dài ra (cũng có những trường hợp căng quá mức hoặc nhiểm trùng dẫn đến dái tai bị đứt rời. Tất cả những đặc biệt này chúng ta đều được chứng kiến trong ngày tặng quà). Người nào tai càng dài, lỗ dái tai càng to, chiếc bông càng lớn thì người phụ nữ đó càng xinh đẹp. Bông tai đều được chính bản thân họ hoặc người trong gia đình tự chế tác cẩn thận, tuyệt nhiên không có sự mua bán.

        Làng S’tiêng có truyền thống tự quản, đứng đầu là một già làng (Bu Kuông) (hiện vẫn còn phong tục này, tiếng nói của già làng rất quan trọng mặc dù vẫn có hệ thống các cấp chính quyền tại chổ) là người am hiểu tập tục, có uy tín lớn, tháo vát và thường là người giàu có ở làng. Tuy nhiên do sống chung cùng cộng đồng người Kinh lâu đời nên những phong tục, tập quán, lối sống, trang phục … Không còn giữ nguyên nét đặc trưng riêng mà dần giống như người Kinh địa phương. Nhưng do xuất phát và ảnh hưởng từ những phong tục, người S’Tiêng nói riêng và người một số dân tộc nói chung vẫn thường giử tục lệ tổ chức lễ ăn mừng khi được trúng mùa bội thu, khoảng đãi cả buôn làng và còn tặng quà mang về, thường là thịt heo, trâu hay bò… làm tiêu tốn nhiều tiền bạc ảnh hưởng đến sự tích lũy trong cuộc sống gia đình.

        Nhân chuyến từ thiện đến Bù Đăng trong mùa An cư Kiết hạ chúng ta cũng đã không quên trách nhiệm của người Phật tử trong việc hộ cho hành giả cấm túc an cư (chư Tăng, Ni) trong 3 tháng tại một trú xứ chỉ định để thúc liểm thân tâm tu học, trau dồi giới, định, tuệ. Đây là một nét đặc trưng cao đẹp của Phật giáo,  bên cạnh còn mang ý nghĩa tránh dẩm đạp côn trùng sinh vật nhỏ bé vô tình gây nên việc sát sinh trong mùa mưa (theo truyền thống xưa các chư Tăng phải đi khất thực độ nhật, nên khi bắt đầu mùa mưa sẽ an cư không đi khất thực theo ý nghĩa trên. Xin nói thêm ngày nay các người mặc áo tu đi khất thực hoặc quyên góp, vận động, bán nhang … có thể nói đều là Sư giả mạo, vì từ lâu GHPG.VN đã có thông tri đình chỉ các hoạt động khất thực, các hoạt động tài chính bên ngoài bổn tự nhằm để tránh bị lạm dụng).  Một năm các chư Tăng, Ni xuất gia (có đăng ký trong đăng bộ Tăng, Ni chúng) sẽ có 9 tháng để hoằng dương đạo pháp và 3 tháng an cư tu học, tại một trú xứ được chỉ định, có thể luân phiên thay đổi theo định kỳ 2 năm, để sống đời sống lục hòa cộng trụ, cùng nhau tu học, sẻ chia  cũng như học tập lẫn nhau. Mỗi năm an cư được tính là một năm hạ lạp (tuổi đạo, có giấy hoặc sổ chứng nhận, việc sắc phong Thượng tọa, Hòa thượng được tính trên tuổi đạo chứ không theo tuổi đời)

        Trên đường hành trình khi gần đến Đồng Xoài đoàn đã đến chùa Thanh Long là điểm An cư Kiết hạ Tăng sinh của tỉnh Bình Phước. Vì có một trục trặc kỹ thuật của một xe trong đoàn nên đã bị chậm mất hơn một tiếng rưởi. Tại đây trong lễ tác bạch cúng dường đoàn chúng ta đã rất vinh hạnh được Hòa thượng Thích Nhuận Thanh là Ủy viên trung ương GHPG.VN, Trưởng ban trị sự GHPG.VN tỉnh Bình Phước chứng minh nạp thọ và tán thán công đức về những việc làm hành theo lời Phật dạy của thiện nguyện Lá Bồ Đề, đặc biệt là khi biết hôm nay ngoài cúng dường đoàn còn đến Bù Đăng, đến với những người nghèo.

        Rời chùa Thanh Long đoàn đã tiếp tục hành trình, cung đường từ Đồng Xoài đến Bù Đăng là đoạn đường xấu nhưng đã được cải thiện rất nhiều mặc dù vẫn còn nhiều đoạn xe vẫn cứ phải lắc lư “ồ sau bé không lắc..” nhưng mà chỉ lắc rumba thôi. Nếu cách đây hơn ba tháng thì đúng là đoạn đường đau khổ với đầy ổ voi chứ không phải ổ gà đâu nhé, xe chỉ có bò chứ không phải là chạy, mà cứ lắc disco còn kèm theo hiphop nữa và nếu như chụp ảnh sát mặt đường ta sẽ có một bức ảnh lạ với lởm chởm nhiều hố  trũng lớn nhỏ đủ hình dạng giống như ảnh mà phi thuyền Apollo chụp bề mặt của mặt trăng vậy.  

        Khi đến chùa Phổ Quang lúc đó đã hơn 11 giờ 30, nếu như không có sự trục trặc của một xe trong đoàn thì khoảng 10 giờ là ta đã đến nơi.  Thật tội nghiệp bà con phải chờ đợi, việc chuẩn bị bánh mì cho bà con ăn đở đói rõ là không thừa (vì người dân tộc thường không ăn sáng nên sẽ ăn trưa sớm, việc nhận quà xong mà về đến nhà thì sẽ rất đói). Mọi công việc đã được bố trí, sắp đặt sẳn và nhanh chóng triển khai để sẳn sàng cho việc tặng quà. Trong khi đó một nhóm thành viên khác thì lo chuẩn bị quà để tặng riêng cho các em thiếu nhi. Cũng như mọi lần, phương án bố trí nhận quà theo dòng chảy vẫn là phương án tối ưu về nhiều mặt .

        Tất cả mọi người nhanh chóng nắm bắt yêu cầu và vào việc của mình. Với những tình nguyện viên mà ta vẫn thường gọi như thế hoạt động rất tích cực như con thoi liên tục, mỗi người phụ giúp cho một người đồng thời hướng dẫn trong việc nhận quà trình tự đầy đủ, đặc biệt hôm nay chúng ta có 2 tình nguyện viên người nước ngoài một là người France và một là người Malaysia hai thành viên đặc biệt này cũng hoạt động rất tích cực, thành thục và năng động. Các bạn tình nguyện viên ai cũng ướt đẩm mồ hôi, có những bạn nữ thở dốc nhưng vẫn không ngừng công việc. Đặc biệt có một bác lớn tuổi trông dáng người ốm nhỏ không ai nghĩ bác sẽ tham gia vào công việc có phần vất vả và nặng nhọc này. Vâng đó là những tính cách, mỗi người một tính cách, một điều kiện sống, một địa vị xã hội khác nhau, một cá tính khác nhau nhưng khi đã vào việc, hòa cùng mọi người thì tất cả đều như là một, một trái tim rực lửa của tình yêu thương và lòng nhân ái "cùng nhau xớt chia bao đắng cay, cùng tay trong tay để vượt qua gian khó... Hạt thóc chia đôi nỗi đau chỉ còn một nửa, niềm vui chia đều hạnh phúc sẽ nhân đôi". Cũng xuất phát từ tình hình thực tế thay vì phụ giúp nhận và đưa quà ra ngoài là xong, chúng ta đã hình thành thêm một nhóm phụ trợ khác vát hẳn bao hàng hàng ra xe cho bà con (nhiều hàng, lại nặng bà con không thể làm xuể vì có khi còn cả em bé trên lưng), sắp xếp hàng lại cho vào bao gọn (những cái bao đoàn chuẩn bị sẳn) ngay cả việc đi tìm từng sợi dây để cột chặt bao và chuyển hẳn ra ngoài theo từng sóc để bà con tập trung lên xe. Những hình ảnh rất đẹp, đẹp người, đẹp nết còn đẹp cả tấm lòng "của cho không bằng cách cho" là vậy. Công việc tặng quà hôm nay trật tự, nhanh chóng hết lòng vì bà con không thể không nói đến công sức, sự nhiệt tình của các bạn tình nguyện viên. Sau chuyến đi đã có những bạn trẻ lên facebook cá nhân với những lời tâm sự "hai cánh tay rã rời luôn, hôm nay ngủ dậy không biết là tay của ai nữa, nhưng mà được giúp cho bà con như thế nữa mình sẳn sàng. Cực mà vui lắm các bạn ơi" Vâng ! Nói một cách nào đó các bạn tình nguyện viên rất tích cực, nhịp nhàng, năng động, các bạn đã làm bằng cái tâm, sự nhiệt tình của các bạn đã vượt xa so với dự đoán ban đầu, xin cảm ơn các bạn. 

        “Các con tập trung theo từng sóc của mình nhe, nhớ đừng có lên lộn xe đi về sóc khác là khổ lắm đó nhe…” đó là lời của Sư cô Lệ Thành vị sư tinh thần của các phật tử người dân tộc S’Tiêng tại Bù Đăng. Tấm lòng của một người thầy lo cho đệ tử của mình là như vậy, và không chỉ có vậy, Cô đã thuê xe theo từng sóc để đưa bà con đến chùa Phổ Quang tập trung nhận quà sau đó đưa về lại tận sóc, rồi còn lo cho đệ tử của mình ăn trong khi chờ đợi vì sợ đệ tử của mình đói. Thật tốt đẹp biết bao, thật đáng trân trọng biết bao, một lần nữa giá trị tinh thần cao đẹp “từ bi” là chủ nghĩa nhập thế đã được thị hiện bằng hành động, nghĩa cử thiết thực . Sư cô Thích Nữ Lệ Thành người đã từ bỏ ý nguyện tu học Thạc sĩ tại India để đến Bù Đăng góp phần mang ánh sáng Phật pháp đến với đồng bào dân tộc S’Tiêng. Xuất thân trong một gia đình có đến 8 người xuất gia, Thầy Tâm Đức , Phó viện Phật học Vạn Hạnh Tp.HCM là anh cả của cô.

        Sau khi công việc tặng quà xong, mọi người đã dùng cơm trưa tại chùa, với những món ăn rau rừng được chế biến cẩn thận, đơn giản là vậy nhưng đối với chúng ta, những người dân thị thành thì rất hấp dẫn, lạ miệng, cùng sự tò mò “rau này là rau gì vậy cô…,còn rau này…” và cũng chính vì thế trong thời gian ngắn tốc hành những người phụ công quả trong chùa đã tìm mua giúp kễ cả đọt mây, theo yêu cầu của nhiều thành viên trong đoàn (đọt mây là nguyên liệu chính cùng với gạo, thịt nướng và lá Nhau để nấu món “canh Bồi”, món canh truyền thống của người S’Tiêng trong lễ “cột tay bà mụ” (cơ-ty-rờ-nhe)” như đã nói phần trên. Canh Bồi như là một món súp sền sệt, có vị hơi đắng của đọt mây, vị ngọt của lá Nhau và thịt nướng.  Lá Nhau là một loại lá rừng được dùng như một thứ “bột ngọt” tự nhiên của người S’Tiêng, thiếu lá Nhau thì chưa phải là canh Bồi).

        Sau khi dùng cơm mọi người đã tề tựu về Chánh điện trang nghiêm tác bạch cúng dường. Cũng trong ngày hôm nay một chương trình vui chơi Trung thu sắp tới với các em tại Bù Đăng, cơ bản đã được hình thành do nhóm bạn sinh viên một số trường tại Tp.HCM cùng phối hợp thực hiện. Ngoài ra một mạnh thường quân cũng đã xúc tiến việc tài trợ suất học bổng trọn gói dài hạn thông qua Sư cô Lệ Thành dành cho một học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt với tiêu chí kết quả học tập phải đạt và giữ từ mức khá trở lên. 

        Rồi cũng đến lúc phải tạm chia tay với Sư cô Lệ Thành, tạm biệt bà con dân tộc S’Tiêng để ra về. Trước khi ra về chùa cũng đã gửi tặng cho đoàn những trái bắp nấu, ngon, ngọt, những trái bắp mới vừa được hái trên rẫy và trên tay ai cũng có một chiếc gậy, chiếc gậy ấy chính là món “cơm Lam” một món đặc sản do chính bà con dân tộc tự làm bằng những hạt nếp rẫy của mình, nướng trong ống tre. Đó là những tặng phẩm của bà con gửi tặng cho đoàn như một sự tri ân. Cũng xin nói thêm, khi biết ý định này chúng tôi đã cương quyết từ chối từ trước hoặc đề nghị mua lại vì làm như thế bà con sẽ phải tốn kém, nhưng trước tấm chân tình thì không thể khác hơn được (vì với người dân tộc khi họ đã có nhã ý tặng mà bị từ chối thì đó là điều dễ dẫn đến sự xúc phạm), xin chân thành cảm ơn bà con.

        Khi về đến thị xã Đồng Xoài, đoàn đã đến chùa Quang Minh để tiếp cúng dường Trường hạ đến các hành giả Ni chúng an cư. Thật là một duyên lành, hôm nay chúng ta đã có đầy đủ phước duyên như khi ta đến chùa Thanh Long, tại chùa Quang Minh chúng ta được Ni sư Thích Nữ Nhật Khương, Phó ban Trị sự GHPG.VN tỉnh Bình Phước, Trưởng phân ban Ni giới đón tiếp ân cần, nồng hậu. Trong phần chứng minh nạp thọ, Ni sư đã hoan hĩ ban cho đoàn bài Pháp dài khoảng hơn nửa giờ với những lời Pháp thoại sâu lắng, ý nghĩa công đức cúng dường, bố thí, đạo làm người trung nghĩa, đạo làm con hiếu kính, trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, mà sau đó nhiều người đã nói trong sự thán phục “có viết ra giấy rồi đọc cũng còn không được như vậy, bởi ngoài lời thoại còn là sự biểu cảm đầy thanh thoát và sâu lắng của Ni sư”. Sau khi lễ cúng dường kết thúc Ni sư đã mời đoàn dùng bửa ăn nhẹ, nói là ăn nhẹ nhưng khá thịnh soạn và nếu như không nói lời khen ngợi quả là một thiếu sót bởi các món ăn rất ngon qua tài nghệ và sự đảm đang của các Sư cô.

        Rời Chùa Quang Minh lúc ấy đã khoảng 17 giờ, cũng là lúc bắt đầu có những giọt mưa càng lúc càng nặng. Ba xe tự ra về trong đó có một xe 19 giờ 30 đã về đến nơi xuất phát trong khi hai xe còn lại về muộn hơn cả giờ. Một chuyến từ thiện kết hợp cúng dường đã được hoàn mãn với đầy đủ ý nghĩa, "khi một niềm vui được ban tặng, ta sẽ được nhận về sự hạnh phúc". Vâng! hạnh phúc chính trong mỗi người chúng ta khi cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc của bà con trong ngày hôm nay.

          Thiện nguyện Lá bồ đề

(tất cả hình ảnh nếu thích có thể copy về máy tính của bạn, chú ý ảnh đã được resize). Tất cả các tin bài đều có sẳn những đường link để chuyển tiếp đến người mà bạn muốn chuyển bài đó (kễ cả hình ảnh trong đó)

Tin về chuyến từ thiện và cúng dường này, ngày 14.7.2014 đã được đăng tải trên báo Giác ngộ, mục từ thiện xã hội, với đề tựa “Thiền viện Van Hạnh  & Lá bồ đề cúng dường…”.

Trang Truyền thông Phật giáo Việt Nam (phatgiao.org) mục từ thiện sống đẹp với đề tựa “ thiện nguyện Lá bồ đề cúng dườ…tặng quà cho Phật tử người dân tộc…”.

Ngày 15.7.2014 đăng tải trên báo Phật giáo và doanh nhân mục chia sẻ với đề tựa “Thiện nguyện Lá bồ đề tặng quà cho người dân tộc…”

 

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 32
Lượt truy cập: 9492397