Phần 2 của chương trình "Tháng bảy mùa Vu Lan" tại chùa Trường Sanh (Mỹ Tho) tặng 100 phần quà cho người nghèo, khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt.. Thăm bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm BTXH tỉnh Tiền Giang... Bằng những hành động thiết thực chia sẻ yêu thương chính là mang ánh sáng "từ bi" của đạo Phật vào đời... Mỗi người hoàn cảnh nào đó có thể khác nhau nhưng tựu chung vẫn có một điều giống nhau có lẽ đó là cái nghèo khó thể hiện rõ qua từng người đến nhận quà... Với những người tâm thần, trong khi mọi việc có thể không còn biết hay không thể kiểm soát nhưng nhu cầu được ăn và muốn ăn vẫn là bản năng, đặc biệt là thích ngọt.
TẶNG QUÀ CHO BÀ CON NGHÈO CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT TẠI Tp.MỸ THO VÀ ĐẾN VỚI NHỮNG NGƯỜI TÂM THẦN TẠI TRUNG TÂM BTXH TIỀN GIANG.
Mùa “Vu Lan” là một nét đặc trưng của đạo Phật, thể hiện sự hiếu kính đối với cha mẹ, và những bậc sinh thành dưỡng dục hiện tiền hay đã hóa vãng, trọng thị tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Trong các Kinh pháp đã dạy phải tôn kính đấng sinh thành, dưỡng dục như chính tôn kính Phật vậy và biết thể hiện sự hiếu đạo bằng nhiều hành động thiết thực, trong đó mang những yêu thương chia sẻ đến với những người kém may mắn, bất hạnh, cũng chính là mang sự từ bi của đạo Phật vào đời, để mọi người đều được hưởng an lạc trong ánh sáng của Như lai, đó chính là sự tu tập và hành trì theo lời Phật dạy trên con đường hướng đến bờ giác. “Tịnh thí” là một trong những nghĩa cử thiết thực, tạo dựng phước duyên, gieo trồng công đức, là những đóa hoa hiếu hạnh và phúc lạc để dâng lên các đấng sinh thành trong mọi thời điểm và đặc biệt là trong mùa Vu lan.
Chữ “Vu-lan-bồn”, phiên âm từ chữ “ura-bon-e”, xuất xứ từ tiếng Phạn Sanskrit “ullambana”, một hình thức đọc gọn chữ “avalambana”, có nghĩa là treo ngược (một hình thức xử tội bằng cách treo ngược rất tàn khốc với tội bất hiếu). Tiếng Trung Hoa dịch nghĩa là “đảo huyền”, Việt Nam ta gọi ngắn gọn là “Vu Lan”. Vu lan bồn là tinh thần nhân văn cao cả thể hiện trong ý nghĩa về lý nhân duyên sinh, thấm đượm tinh thần từ bi, vô ngã vị tha của Đạo Phật. Ngày Vu Lan không chỉ dành riêng cho người phật tử hay trong Đạo Phật, mà còn là mùa lễ hội văn hoá của tình người, mở rộng tâm hồn để kết nối nhịp cầu yêu thương mang tính nhân văn cao cả, ân tình, ân nghĩa trong cuộc sống, khuyến khích mọi người sống có luân thường đạo lý. Tại các nước phương tây cũng có ngày Mother's day (ngày của mẹ), Father's day (ngày của cha) với ý nghĩa thể hiện lòng hiếu kính của con cháu đối với cha mẹ sinh thành dưỡng dục.
Không phải đợi đến “Rằm tháng bảy” chúng ta mới cảm thấy thương nhớ cha mẹ, mà phải tâm niệm rằng ngày nào, giờ nào, phút nào, tình yêu thương cha mẹ vẫn luôn chứa chan trong lòng mỗi người con hiếu hạnh. Tinh thần của mùa lễ hội Vu Lan giáo dục lòng nhân ái của con cháu đối với cha mẹ hiện tiền và những bậc sinh thành đã khuất, khơi mở tấm lòng độ lượng bao dung trong mối quan hệ tương duyên giữa mình và vạn loại. Đây cũng là dịp thể hiện tinh thần cứu khổ độ sanh.
Trong ý nghĩa đó, phần 2 của chương trình “Tháng bảy mùa Vu Lan”, tiếp tục thực hiện vào ngày 24.8.2014 nhằm ngày 29/7 âm lịch, ngày cuối của tháng Vu Lan, cũng là ngày vía Đức Địa Tạng. (phần 1 của chương trình đã thực hiện ngày 09.8.2014 đến với hai mái ấm dưỡng lão tình thương).
Thiện nguyện Lá bồ đề đã về Mỹ Tho – Tiền Giang, đến chùa Trường Sanh tặng 100 phần quà gồm: gạo, mì ăn liền, bột nui, đường, nước tương, nước mắm, dầu ăn, kem đánh răng P/S “chuyên gia”, quần áo đã qua sử dụng cùng bao thư tiền mặt (bao thư tiền mặt, mỗi phần là 50.000đ, số tiền này trong đó có phụ tiền xe đi lại của bà con vì người được chọn từ các địa phương trong Tp qui tụ về chùa để nhận quà). Trị giá mỗi phần quà là trên 340.000 đ. Tổng giá trị của chương trình lần này bao gồm đến Trung tâm BTXH là trên 47 triệu đồng do những tấm lòng hảo tâm gần xa cùng nhau đóng góp thực hiện. (tham khảo thêm phần tài chính chung của chương trình gồm phần 1 thực hiện ngày 09.8.2014 và phần 2 thực hiện ngày 24.8.2014 trong mục tài chính, folder: “những tấm lòng cùng tháng bảy mùa Vu Lan” trên cùng website này).
Nhân trong ngày Thiện nguyện Lá bồ đề về tặng quà cho người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt sống tại Tp Mỹ Tho, Đại đức Thích Quảng Lộc, trụ trì chùa Trường Sanh, Phó ban Trị sự, Trưởng ban từ thiện – xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp.Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang cũng đã kết hợp tổ chức một đoàn công tác y tế, bác sĩ khám bệnh cấp thuốc cho bà con song hành với việc tặng quà. Phần khám bệnh này do Hội chữ thập đỏ Tp.Mỹ Tho hỗ trợ.
Do cùng lúc vừa khám bệnh và tặng quà, có người khám bệnh nhưng không được nhận quà và cũng có giấy mời vừa khám bệnh vừa được nhận quà nên nhiều bà con không đến tập trung cùng một lúc mà đến rải rác, có lẽ vì tâm lý sợ phải chờ đợi (lúc đầu người nhận quà chỉ tập trung khoảng 50%) nên tiến độ có bị chậm hơn bình thường, tuy nhiên vẫn không kém khí thế đặc biệt là đội tình nguyện phụ giúp bà con nhận quà.
Tuy vậy mọi việc vẫn phải thật tranh thủ, vì còn đếnTrung tâm BTXH cho mọi người tại đây ăn và tặng quà bánh. Trong khi mọi người tập trung cho việc tặng quà thì một bộ phận nấu ăn đã vào Trung tâm trước để nấu món lagu gà (đã chế biến sơ bộ trước) và trong khi đang còn chờ để tặng hết các phần quà còn lại thì từ phía Trung tâm gọi điện liên tục hối thúc đoàn đến sớm mặc dù lúc đó mới 9 giờ 30 (điều này sau đó có thể hiểu và cảm thông, đơn giản vì hôm nay là ngày chủ nhật không làm việc chỉ có người trực mà có đoàn thì phải tập trung nhân viên, nên cũng muốn mọi việc xong sớm để còn về nghỉ). Nên khi còn khoảng 15 phần quà chưa có người đến nhận, bên ngoài thì trời đang mưa, chúng ta đã cho đầy đủ các vật phẩm vào từng phần và để người lại phát sau cho bà con nhưng thật may lúc này trời tạnh mưa cũng là lúc bà con đến và nhận hết các phần quà còn lại.
Nếu như lần tặng quà trước ta thấy có nhiều người khiếm thị, thì trong lần tặng quà này nhận thấy có nhiều người già yếu, bệnh tật, khuyết tật. Thật tội nghiệp có những cụ già thể trạng khá yếu, trên xe lăn tự đến nhận quà một mình. Cụ ông ốm yếu chậm chạp đưa cù bà ngồi xe lăn đến nhận quà. Mỗi người hoàn cảnh nào đó có thể khác nhau nhưng tựu chung vẫn có một điều giống nhau có lẽ đó là cái nghèo khó thể hiện rõ qua từng người được nhận quà.
Sau đó mọi người đã đến Trung tâm BTXH tỉnh Tiền Giang thăm hỏi động viên, cùng tặng một bửa ăn ngon (lagu đùi gà với bánh mì) kèm theo nước ngọt, bánh cake, bánh trung thu (người một cái mỗi loại, riêng bánh trung thu là bánh thương phẩm mà giá bán trên thị trường tại thời điểm có giá trung bình 35.000đ/cái) cho 295 người đang sống tại đây, đặc biệt trong đó có nhiều người bệnh tâm thần các cấp độ. Cũng xin nói thêm những người sống tại Trung tâm là những người cơ nhỡ, lang thang, riêng với người bệnh tâm thần hầu hết đều bị thất lạc gia đình, sống lang thang nên được đưa về đây, cũng có những trường hợp tìm được gia đình nhưng gia đình vẫn không chịu nhận về.
Hôm nay chúng ta đã mang đến đây một bửa ăn ngon. Được ăn ngon, dù người cơ nhỡ hay cả người tâm thần, hình ảnh cầm cái đùi gà trên tay ăn ngon lành, có người thì ăn bánh mì với lagu xong còn đùi gà thì cầm ăn riêng sau, thương biết bao khi nhìn mọi người ăn mới cảm nhận hết sự sung sướng ấy. Mặc dù đã có ý là cho ăn chính trước sau đó mới phát hai loại bánh cùng nước ngọt sau nhưng một lần nữa ta lại chứng kiến bản năng thèm ngọt của những người tâm thần. Khi bánh vừa phát kèm nước ngọt có người đã ngừng ăn lagu, cầm chai nước ngọt uống một hơi hết chai, hình như chưa đủ nên lấy luôn chai của người kế bên và cũng trong tít tắt chai thứ hai hết sạch và như muốn lấy uống tiếp chai của người khác nữa buộc anh chị em phải ngăn lại, nhưng cũng không dừng lại ở đó một phát một, cái bánh cake đã gọn trong miệng, trong khi tay thì cầm nguyên cái bánh trung thu ăn tiếp ngon lành và thoáng chốc cái bánh trung thu cũng giải quyết xong, lúc ấy mới lại tiếp tục ăn lagu. Cũng có những hình ảnh chạnh lòng, ăn theo phản xạ của nhu cầu khi cầm cả cái bánh trung thu còn nguyên bao đưa lên ăn và hình như cũng cảm nhận là không ăn được nhưng không biết làm sao và anh em của chúng ta đã giúp cho anh.
Nếu như trong những lần đến với các mái ấm dưỡng lão chúng ta đã xác định “tiền các cụ cũng cần nhưng cái chính các cụ cần là tình cảm yêu thương” thì với những người bệnh tâm thần “tiền đôi khi họ cũng cần nhưng cái chính là cần được ăn ngon, đặc biệt là ăn uống ngọt” (tuy nhiên tiền mặt theo nội qui của Trung tâm là không cho phép). Có thể nói với những người tâm thần, trong khi mọi việc có thể không còn biết hay không thể kiểm soát nhưng nhu cầu được ăn và muốn ăn là bản năng vẫn thể hiện rõ, tuy nhiên họ lại không kiểm soát lượng ăn trong một lần và hình như không cảm giác no, đói, chỉ biết ăn được là ăn. Ăn là bản năng sinh tồn vẫn còn có được.
Trong khi cho các bệnh nhân nam đang ăn, anh chị em của chúng ta đã mang những chiếc áo thun, lựa chọn ngẩu nhiên tùy theo kích cở thực tế, phát tặng mỗi người một cái. Có một hình ảnh vui nhưng lại buồn, một bệnh nhân quá khổ “big big size” nhưng cứ đòi được nhận để mặc ngay cái áo trắng ấy mặc dù anh chị em trong đoàn muốn đổi cho cái khác to hơn nhưng anh vẫn không chịu. Cởi ngay chiếc áo đang mặc, anh cố gắng mặc chiếc áo mà mình thích với sự hỗ trợ của bạn ngồi kế bên, cũng may là chiếc áo ấy chưa toạt ra và anh đã trở thành tâm điểm thu hút mọi người khi áo đã được mặc xong. Ôi thôi chật ơi là chật nhưng lại cười vui và làm dáng cho mọi người chụp ảnh. Cũng xin nói thêm anh cũng là một trong những bệnh nhân có thâm niên tại đây (thích cái gì thì đòi cho được cái đó nhưng lại không nhận thức được tốt xấu, có phù hợp không…).
Sau đó đoàn đã đến khu trại dành cho những bệnh nhân tâm thần nặng, dù tại đây mùi của chất thải khá nồng nhưng anh chị em của chúng ta vẫn từ tốn, chăm chỉ mang đến tặng từng cái bánh cho mọi người. Những cái hồ dành cho mỗi người mà chúng tôi đã từng nói đến hôm nay hình như không còn tróng. Nhân viên phục vụ cũng đã đưa chúng ta vào khu dành cho bệnh nhân nặng mới nhập trại để tặng bánh với những lời dặn và sự cẩn trọng cần thiết, một hình ảnh thật đau lòng nhưng biết làm sao được khi người bệnh trong một phút chốc có thể hoàn toàn không kiểm soát được hành vi hơn nữa họ chưa thích nghi với môi trường mới chung quanh.
Trong khi một nhóm đến khu của nam thì một nhóm khác khác đến khu của nữ và cũng như những nơi tâm thần khác không hiểu vì sao sự trật tự của khu nam vẫn tốt hơn khu của nữ . Tuy nhiên theo những nhân viên phục vụ thì sự phức tạp bên khu nam là nhiều hơn, với khu nữ những lộn xộn có thể giãn hồi dễ dàng hơn so với khu nam. Cũng tại khu nữ, những hình ảnh thật xót xa đau lòng và chúng tôi đã mang điều này hỏi những nhân viên phục vụ “vì sao bên khu nam gần như chưa bao giờ thấy tình trạng không mặc quần áo như vẫn thấy bên khu nữ ?” - “cũng không biết vì sao cứ bắt họ mặc vào rồi họ cũng cởi ra”.
Hôm nay về đây nhận thấy số lượng trại viên nhiều hơn, cả những người cơ nhỡ, lẫn bệnh nhân tâm thần đặc biệt là nhiều trường hợp tâm thần nặng và hôm nay còn thấy có cả trẻ em. Những câu chuyện đau lòng mà khi được cho biết, chúng ta cảm thấy có cái gì đó cứ nghèn nghẹn và một vị mặn đắng trên môi “mấy em bại não đó bị bỏ không biết từ lúc nào, được người ta đưa vào đây” “còn mấy em này là anh em ruột đó, nhà nghèo quá, cha mẹ ly dị, mẹ bỏ đi để lại 4 đứa con, cha thì chỉ đi làm công nhật, buồn tủi lấy rượu để quên đời, rồi quên luôn cả còn có 4 đứa con, tội nghiệp các em phải sống vật vạ bằng lòng tốt của mọi người và rồi đã được đưa vào đây, thỉnh thoảng người cha có vào thăm các em nhưng trong tình trạng say sỉn”. Sự bất hạnh của các em không biết rồi đây có được thay đổi, tương lai các em sẽ ra sao ? Biết trách ai đây? Phải chăng chính vì cái sự nghèo khó, có trách được không sự nghèo khó ấy đã là tiền đề của mọi vấn đề bên cạnh sự thiếu hiểu biết. Nhưng dù sau chính người mẹ ấy, người cha ấy vẫn là người đáng trách trước tiên. Cũng mong một ngày không xa người mẹ đang ở phương nào đó sẽ về lại với các em, dù là âm thầm, người cha không còn vùi trong rượu để đủ sáng suốt nhận định và chú tâm làm kiếm tiền nuôi các con, để cho đoạn đời buồn đã qua sẽ được một kết thúc có hậu hơn.
Sau khi hoàn tất những công việc trong chương trình tại Trung tâm, đoàn đã quay lại chùa Trường Sanh dâng hương cúng dường Tam Bảo. ĐĐ.Thích Quảng Lộc đã chứng minh và nêu lên những việc làm ý nghĩa, thiết thực của Thiện nguyện Lá bồ đề đã thực hiện từ trước đến nay bằng nghĩa cử vô ngã và tấm lòng vi tha của người Phật tử chân chính hộ trì cho chánh pháp, đó chính là hành trì theo lời Phật dạy trên con đường hướng đến quả vị giác ngộ. Cũng qua đây Đại đức đã thông tin Bảo tháp Liên Hoa đã hoàn thành hiện chỉ còn trang trí, tôn tượng Tam Thánh tại mỗi tầng tháp và sẽ đưa vào hoạt động đầu năm 2015 phục vụ cho tang lễ kèm dịch vụ, đặt hủ cốt … Xuất phát từ thực tế của Tp.Mỹ Tho nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung không có nhà tang lễ nào và ngay việc để hủ cốt cũng gặp nhiều khó khăn. Ý tưởng thực hiện và đưa vào hoạt động hoàn toàn miễn phí của Bảo tháp Liên Hoa là cần thiết, đó chính là phụng sự cho chúng sanh, là sự báo đáp ân của đàn na tín thí đối với người tu sĩ xuất gia. Gấp rút để đưa vào hoạt động phục vụ người dân là vậy nhưng số nợ 200 triệu vẫn còn đó và cũng cần thêm hơn 640 triệu nữa trong việc tôn tượng Tam Thánh tại mỗi tầng tháp, cùng những vật dụng cần thiết khác. Bên cạnh đó đang tiến hành làm thêm nhà nghỉ dành cho thân nhân của tang sự trú ngụ trong thời gian tang lễ, đồng thời lấy đó làm chổ nghỉ cho Tăng, Ni hay Phật tử khi có Phật sự về Mỹ Tho. Vẫn đang rất cần sự hỗ trợ cúng dường tiếp tục của tất cả Phật tử gần xa giúp cho toàn bộ công trình lợi sanh này được hoàn mãn.
Sau đó Đại đức cũng đã mời đoàn lên tháp tham quan và được biết chúng ta là đoàn đầu tiên đặt chân lên tháp.
Bảo tháp Liên Hoa được khởi công xây dựng ngày 16-5-2009, trên diện tích 1.500m2 với 9 tầng, tượng trưng cho 9 cánh sen. Chiều cao của tháp 51 mét, đường kính phần trệt 15 mét, phần đỉnh 7 mét. Tháp được thiết kế theo kiểu hình lục giác. Bảo tháp Liên Hoa được xem là lớn nhất Việt Nam (về độ phình và diện tích).
Dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong 2 năm nhưng rồi đến 3 năm và phải đến bây giờ mới hoàn thành (sự chậm trể này xuất phát từ vấn đề tài chính), với tổng kinh phí dự kiến ban đầu là 15 tỉ đồng nhưng hiện nay kinh phí công trình lên đến 27 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí vận động từ các phật tử, mạnh thường quân xa gần đóng góp.
Tầng trệt rộng nhất được dùng làm nhà tang lễ, 8 tầng còn lại dùng để lưu giữ 45.000 bộ hài cốt người quá cố. Riêng tầng trên cùng dùng để thờ Xá Lợi Phật (thỉnh từ Thailand), và lưu giữ hài cốt các chư vị Thánh Tăng. Đại Hồng Chung nặng 200kg, sẽ gióng chuông vào những thời khắc quan trọng trong ngày như để “báo giờ” cho người dân thành phố Mỹ Tho”. Hiện tầng trên cùng đã an vị tượng Thiên thủ Thiên nhãn cao 2m tạo tác bằng gỗ mít nài và bộ tượng Tam Thánh. Từ trên tháp có thể phóng tầm nhìn toàn bộ thành phố Mỹ Tho và dòng sông Tiền (Mekong).
Sau khi đưa vào hoạt động, sẽ có đội ngũ nhân viên tang lễ, phục vụ... Toàn bộ hài cốt sẽ được vi tính hóa, có mã vạch riêng biệt để thuận tiện cho thân nhân họ dễ dàng tìm kiếm, cúng bái. Trong tương lai, sẽ xây dựng hoạt động của Bảo tháp Liên Hoa theo hướng liên hoàn, tức là khi người dân qua đời, nếu có yêu cầu nơi đây sẽ có trọn gói dịch vụ mai táng, các gia đình nghèo còn được hỗ trợ chiếc hòm từ thiện. Sau khi hỏa táng xong, đưa hài cốt vào bảo tháp. Tất cả những người quá cố ở địa phương nào, là người trong nước hay nước ngoài thực hiện đúng quy định có nhu cầu lưu giữ tại Bảo tháp Liên Hoa đều được giải quyết. Bảo tháp Liên Hoa phục vụ hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người dân có nhu cầu không phân biệt là người sang hèn, trong đạo hay ngoại đạo.
Sau khi dùng cơm trưa xong, tham quan xong cũng là lúc mà cơn mưa nặng hạt hơn, cũng là lúc Thầy Quảng Lộc có việc Phật sự phải đi, vì là giờ chỉ tịnh nên đoàn đã đi qua cầu Rạch miễu vào địa phận Bến Tre tham quan kỹ thuật làm kẹo dừa, một đặc sản gắn liền với miền đất Bến Tre và mua những đặc sản tại đây. Sau đó quay về lại Mỹ Tho đến Tổ đình Vĩnh Tràng lễ Phật và vãng cảnh chùa. Chùa được khai sơn năm 1849, được trùng kiến lại vào năm 1907 với nét kiến trúc kết hợp Á - Âu. Đây là một ngôi chùa cổ, danh thắng không thể thiếu trong các tour miền tây.
Đoàn cũng đã đến chùa Phổ Đức, sau khi lễ Phật, nhiều thành viên trong đoàn đã không quên mua những thức ăn chay mang về gia đình, những thức ăn đơn giản nhưng được chế biến rất ngon. Trên đường về lại thành phố HCM, cũng đã đến chùa Thiên Phước (Long An) mà nhiều anh chị em vẫn gọi vui là chùa “thanh long” vì gần như lần nào đến cũng đều được khoảng đãi trái cây là trái thanh long và hôm nay cũng vậy. Sau đó đến Tổ đình Kim Cang là điểm cuối trong ngày từ thiện.
Một chuyến đi mang ý nghĩa nhân ái “Tháng bảy mùa Vu Lan” đã hoàn mãn. Nhân đây cũng xin chân thành tri ân đến Cty……., tiệm bánh trung thu Mỹ Hương và những tấm lòng nhân ái gần xa cùng chia sẻ những yêu thương đóng góp tài vật giúp cho chương trình được thành hiện thực và phong phú.
Ngoài ra, chúng ta cũng đã phối hợp cùng Chi hội Chí Tâm thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tp, tham gia cùng hoạt động từ thiện tại Thánh thất Huỳnh Quang Sắc, khám bệnh và tặng quà cho hộ nghèo phường 07 quận 8 (khu cầu Bà Tàng) được tổ chức ngày 21.8.2014 vừa qua. Dưới đây là một số hình ảnh về hoạt động này.
Thiện nguyện Lá Bồ Đề
Tin về hoạt động nhân ái tại Mỹ Tho cũng đã được đăng tải trên báo Phật giáo và Doanh nhân, trang truyền thông giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày 26.8.2014.