Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

ĐẾN VỚI NGƯỜI MÙ, KHUYẾT TẬT và TẶNG NHÀ NHÂN ÁI TẠI BẠC LIÊU

Cuộc sống hàng ngày của bà con những nơi này là cả chuổi ngày thử thách về sự chịu đựng, những nổi khổ niềm đau đã dần biến họ thành những người mất tự tin trong những cơ thể đen sạm, ốm yếu, bệnh tật. Tất cả già, trẻ, bé, lớn, nếu có thể đều phải lao vào cuộc mưu sinh để vật lộn với cuộc sống hàng ngày... Đã đến, đã thấy, đã tin, nhưng tới bây chúng tôi vẫn cứ thắc mắc “không hiểu sao người mù, khuyết tật nghèo tại Bạc Liêu nhiều như vậy mà ít được mọi người biết đến”.

ĐẾN VỚI NGƯỜI MÙ, KHUYẾT TẬT NGHÈO TẠI BẠC LIÊU

        Qua chuyến tiền trạm thực tế, cảm nhận về những khốn khó của những người khuyết tật. Thiện nguyện Lá bồ đề, đã tạm lùi chương trình Tà Lài lại để thực hiện sau và chương trình đến với người mù và khuyết tật tại Bạc Liêu đã được thực hiện đúng tiến độ kế hoạch, nhân dịp ngày quốc tế người khuyết tật (03/12).

       Ban tặng niềm vui, để chia sẻ cùng với những nổi khổ, niềm đau, góp phần nhỏ bé mang lại những niềm vui dù là bé nhỏ nhưng đó chính là niềm hạnh phúc có thể còn có được của bà con, những người bệnh tật, tật nguyền phải sống dưới mức nghèo khổ. Ngày 29 tháng 11 năm 2014, Thiện nguyện Lá bồ đề đã đến với Bạc Liêu, đến với người khuyết tật, bệnh tật và đặc biệt là người mù. Mang theo 300 phần quà cùng một căn nhà "nhân ái", với tổng giá trị chuyến từ thiện lần này trên 170.000.00đ. 

        Thay mặt cho những người thực hiện chương trình thiện nguyện, chân thành tri ân đến Cô Lý cùng Ban Từ thiện GHPGVN thành phố Bạc Liêu, Sư cô Nghĩa Quang chùa Viên Phước Thành, phường 1 Tp. Bạc Liêu. Chị Lộc (gas Tuyền đường Trần Phú, Bạc Liêu), Ông bà nghiệp chủ hiệu sách Vĩnh Liêm (đường Võ Thị Sáu, Bạc Liêu)  đã tạo những thuận lợi tốt nhất giúp cho Thiện nguyện Lá bồ đề có điều kiện để thực hiện nghĩa tình nhân ái tại địa phương. Nhân đây chúng tôi cũng xin tri ân đến hiệu bánh Cát Tường đường Khuông Việt, quận Tân Phú Tp.HCM, gia đình cô Ngọc Nga và nhóm từ thiện SanSan tại Taiwan. Cùng tất cả tấm lòng hành thiện từ tâm, nhân ái gần xa đã đồng hành, ủng hộ cho chương trình mang yêu thương đến với những người bất hạnh tại Bạc Liêu.

        Nói đến Bạc Liêu có lẽ ai trong chúng ta cũng đều biết và hình tượng về một miền đất trù phú, thịnh vượng với những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh, những đồng muối nổi tiếng, bạt ngàn lấp lánh tuyệt đẹp dưới ánh mặt trời, cùng tính với cách hào phóng gắn liền với sự giàu có nổi tiếng của “Công tử Bạc Liêu” vẫn lưu truyền đến ngày nay. Bạc Liêu còn là cái nôi của đàn ca tài tử, nổi tiếng với bài “Dạ cổ hoài lang” bất hủ đã làm thay đổi một phần bộ mặt nghệ thuật cải lương của cố soạn giả Cao Văn Lầu (sinh ra tại Vàm Cỏ, Long An năm 1890 và mất năm 1976 tại Tp.HCM, nhưng có quảng đời sinh sống tại Bạc Liêu)… Cây đàn kiềm đã trở thành biểu tượng của Bạc Liêu.

        Khi đến Bạc Liêu cảm nhận đầu tiên của chúng ta về một thành phố loại 2 nhưng tấp nập, thịnh vượng không thua kém bất cứ thành phố miền tây nào khác, nếu như không muốn nói là có phần vượt trội. Tuy diện tích nội đô không rộng nhưng có nhiều khu phố mới sầm uất khang trang, đẹp, cùng những công trình xây dựng hoành tráng.

        Bên cạnh sự phồn hoa ấy, cận kề phố thị trung tâm là những khu nhà thô sơ, lụp xụp, tạm bợ chen chúc trên những bãi lầy, trũng nước tù đọng, đan xen trong những bãi tha ma, đầy lau sậy. Người dân ở những nơi này phải tự kiếm sống bằng đủ mọi công việc, ai có được công việc làm thuê ổn định dù đồng lương khiêm tốn giửa thời buổi “củi quế, gạo châu” có lẽ đã được may mắn hơn những người trong cùng khu xóm, bởi thường là những công việc bấp bênh. Cái nghèo ở đây cứ vây lấy, bám riết, đã nghèo thì kèm theo thất học và dân trí thấp “đã nghèo càng nghèo hơn”.  Cuộc sống hàng ngày của bà con những nơi này là cả chuổi ngày thử thách về sự chịu đựng, những nổi khổ niềm đau đã dần biến họ thành những người mất tự tin trong những cơ thể đen sạm, ốm yếu, bệnh tật. Tất cả già, trẻ, bé, lớn, nếu có thể đều phải lao vào cuộc mưu sinh để vật lộn với cuộc sống hàng ngày.

        Nói chung mức sống của những nơi mà chúng tôi tìm đến là những hộ nghèo, nhiều nhà đang sống dưới mức nghèo khổ, trong đó có những gia đình còn phải cưu mang trong nhà một, hai, ba người bệnh tật, khuyết tật với nhiều hình thức, cá biệt có gia đình tại Vĩnh Lợi đến 4 người trong đó ba người mù hai mắt, một người bại não. Một gia đình nghèo mà lại cưu mang người thân bị khuyết tật, bệnh tật đã trở thành gánh nặng thật sự để rồi như một vòng xoáy oan nghiệt nghèo, khổ rồi thành khó nhấn chìm dần tất cả, riêng với người khuyết tật liên quan đến các chi và vùng não thì dù cho có bao nhiêu cái cần câu cũng không thể tự câu cá mà ăn.

        Nói đến người mù không do bẩm sinh tại địa phương, thì có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu được cho là từ củ hành tím (do bụi của chất bảo quản củ hành, không có chất bột làm khô này thì chỉ khoảng vài ba ngày là củ hành sẽ bị thối do ẩm ướt), thì tại Tỉnh Bạc Liêu không thua kém số lượng người mù tại tỉnh Sóc Trăng (hai tỉnh này cùng giáp với nhau). Theo số liệu thống kê y tế, thì người mù tại Sóc Trăng khoảng 1.500 người trong đó mù hai mắt khoảng hơn 270 người, nhưng thật tiếc thời gian qua, nơi được ví như vương quốc bóng tối (người mù) của tỉnh Sóc Trăng là tại ấp Đại Bái xã Lạc Hòa huyện Vĩnh Châu lại ít có đoàn biết để vào đến nơi. Tại tỉnh Bạc Liêu tổng số người mù khoảng hơn 1.200 người nhưng số người mù hai mắt trên 500 người (cũng thật tiếc là gần như chưa được các hội, đoàn, các nhà hảo tâm biết đến) tập trung nhiều tại huyện Hồng Dân và Vĩnh Lợi, Đông Hải tại đây còn có nhiều trường hợp mù nguyên do từ chiến tranh, di chứng của chiến tranh.

        22 giờ ngày 28.11.2014, hai xe của đoàn khởi hành hướng về miền tây. Trước khi đi hai tài xế cùng trưởng đoàn đã thông nhất lộ trình cũng như các điểm dừng chân theo trục quốc lộ, nhưng thật bất ngờ khi đến đoạn Phụng Hiệp thì xe 30 đi trước rẽ vào trục đường Quảng lộ để đi tắt và thế là xe 45 cũng theo luôn. Nhưng vào đến Phú Lộc thì xe 45 không thể qua được cầu, buộc phải quay xe lại, với chiếc xe dài 12m mà quay xe lại được trên đường hẹp và không có khoảng tróng cần thiết đã là một bài thi khó đối với tài xế. Thay vì khó chịu thì tài xế vẫn nói vui với mọi người “hôm nay ta đi dạo một chút để ngắm cảnh đồng ruộng ấy mà” và cũng thật vui khi cũng có người đáp lại “tối thui có thấy gì đâu mà ngắm cảnh” và cũng vì thế nên xe đến chậm so dự kiến hơn 1 giờ đồng hồ.

        Sau khi ăn sáng tại Chùa Huệ Quang, đoàn đã lên chánh điện dâng hương cúng dường. Thật vinh hạnh hôm nay chúng ta đã được Thượng tọa Thích Quảng Thới, Trưởng ban Trị sự GHPGVN thành phố Bạc Liêu, chứng minh nạp thọ và ban đạo từ.

       Vì nơi phát quà là khoảng tróng bốn phía nên phải đợi đủ người mới cho hàng từ xe tải xuống. Mọi người khẩn trương xuống sân phía trước Chùa để triển khai hàng hóa vật phẩm phát tặng cho bà con, Thượng tọa cũng đã xuống tận nơi chứng minh.  Có một việc, có lẽ là chưa thật hiểu ý nhau dù đã làm việc và thống nhất trước, là chúng ta sẽ triển khai theo chiều dọc của sân, nhưng thực tế lại bố trí cho chúng ta theo chiều ngang, có lẽ theo kinh nghiệm tại chổ, từ các lần tổ chức trước thì khoảng diện tích này là đủ. Nhận thấy điều này nhưng vì bà con ngồi sẳn từ trước rất nhiều mà toàn là người khuyết tật nên không tiện thay đổi. Với chiều ngang của sân thật sự đã là một trở ngai lớn, bởi lượng mặt hàng nhiều khó có thể triển khai ngăn nắp, buộc phải xếp các mặt hàng trước sau, đan xen trong một diện tích quá giới hạn (tại đây ta phát tặng 200 phần quà, chưa nói đến 200 thùng mì, 2 tấn gạo, cùng những vật phẩm khác, riêng 200 phần quần áo thì số bao loại bao 100kg cũng phải trên 20 bao, một phần quần áo của chúng ta trung bình từ 4 – 5kg).  Hơn nửa bà con ngồi, luôn có xu hướng như áp sát tạo nên một khoảng dành làm đường đi vào ra càng chật hẹp hơn. Bên cạnh đó sự quá nhiệt tình của một vài người mới tham gia cùng đoàn đã vô tình gây nên những lộn xộn không đáng có (bởi quá chật hẹp, nhiệt tình nhưng theo cảm tính thương tâm đã nhận phiếu chen ngang, bởi đường đi quá hẹp lại không đi theo vòng theo tuần tự, mà đi ngược chiều lại cho nhanh nên gây ách tắt giao thông tí vậy mà). Nhưng tất cả rồi cũng nhanh chóng ổn định, rút bớt toán tiếp ứng hỗ trợ cho các bạn tình nguyện viên chuyển sang thiết lập thành một hàng rào người và cương quyết ngăn chặn không để tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, nhờ sớm ổn định được nên chỉ trong vòng chưa đến hai tiếng đồng hồ, 180 phần quà đã phát tặng xong. Thật sự chính chúng ta cũng cố gắng hoàn thành càng nhanh càng tốt để chạy đua với bóng nắng đã đến và vì không muốn bà con mình phải ngồi ngoài nắng.

        Cũng như những chuyến từ thiện trước, lần này cũng vậy, lực lượng tình nguyện viên mà chúng ta vẫn thường gọi với nhau như thế, các bạn trẻ khỏe của đoàn thường nhận lãnh phần việc này, đó là phần việc vất vả nhất, từ khâu xuống hàng, chuyển hàng, phụ giúp bà con nhận hàng, rồi chuyển hẳn ra ngoài, sắp đặt lại hàng cho gọn trong bao để bà con thuận tiện mang về. Xác định có nhiều người khuyết tật đi lại khó khăn, chúng ta cũng đã có phương án đội hỗ trợ tiếp ứng kể cả việc phải khênh hoặc cỏng… Nhưng cũng vì vị trí quá chật hẹp nên có những trường hợp buộc các tình nguyện viên phải tự đi nhận quà thay cho bà con. Một lần nữa xin hoan nghênh các bạn.

        Có một chuyện khá bất ngờ, nhưng ngẩm lại cảm thấy buồn nhiều hơn, một ông sau khi nhân quà đã quay lại cùng anh dân phòng địa phương và chỉ ngay vào anh Trưởng đoàn “ông này ỏng lấy cái bao quà của tui ỏng đem đi đâu mất tiêu rồi”, khá bất ngờ, những người chung quanh cũng bất ngờ vì đây là lần đầu tiên gặp tình huống này, thì ra người này mét với anh dân phòng và dẫn theo anh ấy vào để yêu cầu bắt đền, “ông nhầm người nào rồi, hồi nảy tới giờ tui đứng đây chơi chứ tui đâu có làm gì đâu mà chỉ tui”, sau một lúc ông ấy quay sang tìm người khác “nè, ông này n蔓ủa, ông đi theo tui, tui đưa hàng của ông ra ngoài, Thắng sắp hàng lại cho ông mà, hỏi lại Thắng coi”. Đã chật hẹp giờ lại thêm lộn xộn ách tắc bởi chuyện mất bao quà, mọi người tìm gọi anh Thắng, “ông ơi về coi lại đi, chính tui cột bao lại, ông kêu xe con cháu ông đến, ông lên xe, tui còn bưng cái bao lên xe cho ông mà bây giờ ông nói gì kỳ vậy”. Đã rõ được vấn đề, mọi người tập trung tiếp tục cho công việc không rõ ông lẳng lặng bỏ đi từ lúc nào. Không hiểu ông đảng trí hay .??.

        Theo kế hoạch trong khi tặng quà tại đây, sẽ có một nhóm đưa 20 phần quà (trong tổng số 200 phần của điểm phát tặng đầu tiên) đến tặng tận nhà của bà con (những trường hợp cô đơn, đi lại khó khăn…) nhưng trước tình hình thực tế đã điều chỉnh sẽ đi sau khi phát tặng quà tại đây xong. Trong thời gian tặng quà, theo đề nghị của Ban từ thiện GHPGVN thành phố Bạc Liêu, chúng ta cũng đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tại chổ cho một số trường hợp đặc biệt, kết hợp tư vấn về y tế để bà con nhận biết về bệnh trạng của mình cũng như hướng điều trị cần thiết. Những hình ảnh thật đẹp, Bác sĩ, y tá chen lẫn vào cùng bà con để làm việc, nón thì đội nghiêng để che nắng, những túi thuốc thì đặt ngay dưới đất  làm việc và công việc vẫn nhịp nhàng trôi chảy, những hình ảnh đẹp hiếm thấy trong những lần tổ chức khám bệnh từ thiện.

           (tham khảo thêm phần công khai tài chính trên cùng website – Mục tài chính - folder : Đóng góp cùng CT Bạc Liêu) .

Theo đề xuất của Ban từ thiện GHPG Tp Bạc Liêu, tổ chức khám bệnh tại chổ cho một số trường hợp đặc biệt khó khăn. Thuốc phải để ngay dưới đất để làm việc. Nhưng vẫn theo trình tự và chỉ dẫn cách dùng trên từng loại thuốc 

        Một trường hợp cụ ông bị tai biến, cụ bà thì mù hai mắt, ngoài những phần quà của đoàn, còn được các nhà hảo tâm từ Taiwan gửi về trao tặng thêm 3.000.000 đồng. Rất xúc động khi biết số tiền là 3 triệu cả hai ông bà đã không ngăn được những dòng nước mắt, những giọt nước mắt của sự vui mừng và hạnh phúc bất ngờ.  Một chị người địa phương giúp ông bà đi nhận quà đã nói như thể để mọi người cùng nghe “lần đầu tiên ông bà được có số tiền này đó”. Thật tiếc, có lẽ do công việc cuốn hút nên Ban từ thiện GHPG Tp.Bạc Liêu cũng quên giới thiệu về những trường hợp đặc biệt để có thể được tặng thêm tiền.

        Sau đó đoàn đã tuần tự theo sự hướng dẫn, đến tận nhà để gửi tặng quà cho bà con kết hợp cùng khám bệnh. Đồng thời nhóm từ thiện từ Taiwan cũng kết hợp thực tế đã gửi tặng thêm tiền mặt cho những trường hợp đặc biệt. Một hình ảnh thật xúc động một cụ ông cô đơn trong căn nhà lụp xụp cứ tròn mắt nhìn chúng tôi ngỡ ngàng và khi nhận ra là quà tặng cho mình, còn cho tiền, hai tay ông chắp lại, xá liên tục. Được biết tuy tuổi già sức yếu nhưng vẫn phải kiếm sống bằng cách đi bán những tấm vé may mắn cho người khác, tứ cố vô thân, ông phải cố thôi nhưng rồi bệnh tật, có cố cũng không đi nổi.

        Vì hẹn bà con tại điểm chùa Giác Hoa 11 giờ, hơn nữa xe của đoàn chỉ di chuyển trên lộ lớn nên cũng không vào đến khu nhà của bà con được, ngay cả những phần quà mà các thành viên của đoàn cùng đi bằng xe 2 bánh, có nơi cũng phải dừng xe, khênh bao hàng đi bộ một đoạn đủ lè lưỡi, nên 6 phần còn lại buộc phải nhờ các anh trong Ban từ thiện GHPG thành phố Bạc Liêu, theo từng khu vực phụ trách mang hàng đến tặng cho bà con.

        Sau đó đoàn đã đến khu xóm ấp Cù Lao, khi xe vừa đến mọi người đã nghe nhao nhao một góc trời con nít quá chừng chừng luôn. Trong khi chờ đợi tập trung những phần quà bánh kẹo, bánh bông lan kem, đồ chơi, thú nhồi bông… Những bài hát cộng đồng của thiếu nhi được các anh chị trong đoàn khởi xướng và mọi người cùng nhau hát vang. Tâm điểm có lẽ là lúc nhận quà, ôi thôi vui ơi là vui “cho con các này, cho con cái kia kìa”... “má đẹp hôn nè”... “của tao mới đẹp nè” “mình dìa chơi chung nha” ... Theo ông Trưởng ấp, đây là lần đầu tiên các em mới được cho quà nhiều, chất lượng và vui như thế này. 

        Cũng tại đây trong khi phát quà cho các em, một nhóm khác đã rẽ vào gần đó để chứng kiến và bàn giao căn nhà nhân ái cho gia đình ông Thạch Song. Căn nhà trị giá 29.000.000đ (Thiện nguyện Lá bồ đề 25.500.000 đ, phần còn lại Sư cô Nghĩa Quang vận động thêm) . Từ ngoài đã có thể nhận ra căn nhà ngày nào tả tơi, rách nát giờ đây sáng một màu xanh, một căn nhà đúng nghĩa. Cũng khá bất ngờ con đường đi vào mới cách nay khoảng hai tháng còn là vũng lầy, lau sậy mấy chị phụ nữ không quen sẽ rất khó có thể đi vào (vì phải đi trên khúc gổ, người phải nghiêng tì vào các tấm mộ bia). Theo Sư cô Ngĩa Quang nói “nhờ có căn nhà này mà có con đường và khu này cũng đổi thay theo, mấy cái ao vũng nước tù giờ cũng sạch hơn” (căn nhà hiện đã được thu ngắn để tránh xa ao nước tù đọng). Thật vậy, có thể nói là thay đổi gần như hoàn toàn những căn nhà trong khu này không còn là khu biệt lập, một con đường đất dù gồ ghề nhưng đi lại thoải mái, những ao nước không còn mùi hôi thối, rác cũng được dọn sạch hơn.  Trong nhà ông Thạch Song hiện vẫn hoàn toàn tróng không có vật dụng gì khác, chỉ vỏn vẹn 2 chiếc giường gỗ tạp (đây là tài sản có giá trị nhất và duy nhất mà chúng tôi đã có nói đến) . Cảm nhận của tất cả mọi người khi đến căn nhà là rất hài lòng và không tiếc lời khen ngợi “nhà làm như vầy được quá đi chứ” “Đẹp đó, gạch men làm sáng căn nhà, nằm ra sàn cũng thoải mái”. Vâng đúng như vậy, chúng tôi những người thực hiện chương trình cũng rất vui mừng và hài lòng, vì cũng đã từng trực tiếp xây nhà cho bà con, nhưng trước căn nhà này ta không trực tiếp nhưng với giá thành ấy thì quá đạt yêu cầu về mọi mặt. Trong dịp này chúng ta cũng đã gửi tặng gia đình một số vật dụng với lời chúc mừng an vui, vững tin, cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

  

        Nhớ lại ngày đầu tiên khi đến nơi này, dù không có trong kế hoạch nhưng trước tình cảnh và căn nhà tả tơi, trong nhà chỉ có hai chiếc giường gỗ tạp là tài sản giá trị nhất, còn lại là đủ thứ linh tinh nếu như không muốn nói là phế phẩm, cùng với mùi hôi từ các ao nước tù đọng chung quanh, chúng tôi đã nghĩ đến việc làm lại căn nhà dù chính bản thân ông Thạch Song vẫn chưa nói lời yêu cầu (vì đã thỉnh cầu nhiều lần nhưng không được hồi đáp dẫn đến thất chí),  thật tình ông chỉ muốn xin tiền để đi uống rượu, uống để quên cuộc đời đen tối bởi trước mắt ông chỉ là ngõ cụt. Tất cả mọi việc được xúc tiến ngay từ đấy, nhưng cũng đã có lúc chúng ta buộc phải nói lời từ chối (bởi vấn đề giá và nội dung công trình). Có thể nói sự quyết tâm và nổ lực của Sư cô Nghĩa Quang đã hỗ trợ cho chúng ta có cơ duyên để mang đến cho gia đình ông Thạch Song một căn nhà mới, khang trang này. Từ ngày căn nhà được tháo dỡ đến nay theo nhiều người cho biết ông Song đã không còn uống rượu, tính cách của ông cũng thay đổi so với trước kia. Hy vọng với gia đình ông Thạch Song tất cả rồi đây sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Một căn nhà khang trang sạch đẹp dù chỉ là nhà cấp 4 nhưng đó là mơ ước cả một đời người nhất là đối với những gia đình luôn phải lo vật lộn với cơm áo gạo tiền hàng ngày, nhưng áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn thì làm sao có thể dám mơ ước đến một căn nhà. (Hiện chúng ta cũng đang chờ thông tin của Sư cô Nghĩa Quang để có hướng phục hồi lại cây nước dùng sinh hoạt cho chung 6 căn nhà trong này, đồng thời hỗ trợ để xin cung cấp điện cho gia đình ông Thạch Song).

        Rời xóm Cù Lao, đoàn đến Chùa Giác Hoa. Một lần nữa các bạn trẻ phải vất vả giữa trưa nắng chuyển hàng qua xe tải nhỏ đưa vào (vì đường nhỏ, xe chúng ta không vào được). Thật thương bà con phải chờ, vì chúng ta đến muộn hơn so với giờ thông báo. Nơi phát tặng quà được bố trí tại giảng đường rộng thoáng, bên cạnh sự hỗ trợ của các Phật tử trong chùa nên việc triển khai sẳn sàng tặng quà diễn ra nhanh chóng. Tất cả anh chị em trong đoàn dù đã mệt, lưng đẩm mồ hôi, có người giống như mới vừa tắm mưa, nhưng tất cả đều hăng say, nhiệt tình, bởi có lẽ không nói ra nhưng ai cũng hiểu sự vất vả đôi chút của mình có sá gì so với những khó khăn, nhọc nhằn của bà con, mình mệt một chút mà bà con vui là được rồi. Nhịp nhàng và theo trình tự, 100 phần quà đã được giải quyết trong thời gian ngắn với sự chứng minh của Sư cô Nghiêm Thành, Trụ trì chùa Giác Hoa.

        Thật cảm niệm công đức, Sư cô liên tục mời đoàn dùng cơm trưa vì đã quá trưa sợ ai cũng đói. Mà đói thiệt, bửa cơm rất ngon, ngon không phải vì ai cũng đói, mà ngon vì những món ăn lạ và ngon qua tài nghệ ẩm thực của các Sư cô, riêng món mắm ăn kèm với đọt “năng” thì quá tuyệt vời, Đọt “năng” là một đặc sản của Bạc Liêu vừa lạ vừa ngon nên bàn nào cũng xin thêm. Sau bửa cơm nhiều người nói vui “hôm nay mới biết ăn năn”.

        Sau đó tất cả tề tựu nơi chánh điện dâng hương tác bạch cùng dường, Sư cô trụ trì đã chứng minh tán thán công đức đến tất cả tấm lòng nhân ái gần xa, có mặt cũng như không có mặt hôm nay đã góp phần mang yêu thương đến với những người bất hạnh. Sư cô cũng cũng nói thêm, Thiện nguyện Lá bồ đề về đây lần này là đoàn đầu tiên cho quà nhiều nhất so với các đoàn khác và mong rằng chúng ta sẽ còn tiếp tục đến với Bạc Liêu đặc biệt là huyện Vĩnh Lợi, bởi còn rất nhiều những trường hợp người khuyết tật, bệnh tật cần trợ giúp.

        Trên đường đi bộ ra xe nhiều người đã trao đổi cùng nhau “mình cũng đi nhiều nơi nhưng hôm nay đến đây mới biết ở Bạc Liêu người khuyết tật sao nhiều thế”“Toàn là những trường hợp nặng không hà”“Hồi đó tới giờ cứ nghĩ là chỉ có Sóc Trăng mới có nhiều người mù, không ngờ ở đây người mù cũng nhiều quá, mà mù hai mắt không hà”“Một nhà 3 người mù, một người bại não, sao mà khổ quá ?”... “thương bà con quá, đã nghèo còn bệnh tật nữa thì cuộc sống khổ đến ngần nào ?”. Vâng với những hiện trạng được chứng kiến tại hai nơi phát quà, làm sao không thương cảm, xót xa. Chúng tôi những người thực hiện chương trình trước khi đi tiền trạm vẫn chưa tin về số lượng người mù, khuyết tật tại Bạc Liêu, rồi đã đến, đã thấy, đã tin, nhưng tới bây chúng tôi vẫn cứ thắc mắc “không hiểu sao người mù, khuyết tật nghèo tại Bạc Liêu nhiều như vậy mà ít có người biết đến”.

        Rời chùa Giác Hoa lúc ấy đã quá trưa. Nhiệm vụ chính của chuyến đi đã được hoàn thành, phần còn lại là chương trình phụ đến các chùa lễ Phật, tham quan thắng cảnh, tuy nhiên đã có những ý biểu thị đang rất thiết tha với cái giường vì quá phê, nhưng nếu về khách sạn thì chắc chắn sẽ mất cả buổi chiều, thế là cùng nhau tiếp tục hành trình đến Tịnh xá Ngọc Liên lễ Phật kết hợp tham quan khu tưởng niệm của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cạnh đó “mấy em ơi lại đây phụ bưng cây đờn này lên tui đờn vài bản nghe chơi” các cô nhân viên cũng không nhịn được cười, nhưng quá thiệt tình “cây đờn bằng đá không đờn được, nặng lắm”.

        Sau khi đi về hướng biển đến lễ Phật tại Quan Âm Phật đài (Quan Âm Nam Hải). Tiếp tục theo đường dọc biển, trên đường đi đến chùa Xiêm Cán, xe đã dừng lại khu nhà hàng Hương Biển để đoàn ra biển ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm trên biển (đi theo đường dẫn trên 200m đến nhà hàng giữa bốn bề biển nước) tuy nhiên khi đến cổng thì mây đen trời và  bắt đầu đổ mưa (ảnh hưởng bởi cơn bão Sinlaku), thế là không vào và đành hủy cả kế hoạch đến chùa Xiêm Cán cùng cây xoài 300 năm, mà đi thẳng đến vườn nhản cổ (tại đây có giống nhãn da bò nổi tiếng của người Triều Châu khi đến định cư đã đưa vào đây trồng trọt)  để thưởng thức món bánh xèo “A Mật” nổi tiếng của Bạc Liêu, cùng món bánh củ cải, bánh đúc (đặt hàng mang đến) những loại bánh đặc sản của người Triều Châu tại Bạc Liêu. Ăn xong, hết mưa định tiếp tục đến chùa Xiêm Cán (đây là một ngôi Chùa cổ, đẹp, một điểm mà tất cả tour đến Bạc Liêu không bỏ qua, được xây dựng vào năm 1887 với kiến trúc đậm sắc thái Khmer, với chánh điện luôn hướng về phía đông, tên Xiêm Cán không phải là tiếng Khmer mà xuất phát từ tiếng "Tiều" của người Triều Châu, có nghĩa là "giáp nước") nhưng cả đoàn đều đề nghị về khách sạn, vì đã thấm mệt (trên xe một đêm và làm việc liên tục cả ngày)  cộng thêm mới ăn no bây giờ chỉ muốn ngủ (thôi xem qua ảnh vậy nhé) . Sau đó đoàn về khách sạn nhận phòng nghỉ đêm.       

        Sáng hôm sau 30.11.2014, cùng nhau đến nhà “Công tử Bạc Liêu” ăn sáng và tham quan, trên đường đi không quên cho xe chạy vòng để ngắm quảng trường với tượng đài tiêu biểu là cây đàn kiềm trên đóa sen, cùng nhà hát hoành tráng hình ba chiếc nón lá. Ăn sáng xong từng nhóm vào tham quan bên trong nhà “Công tử Bạc Liêu” có hướng dẫn viên phục vụ cho đoàn, tại đây chúng ta đã được nghe về những câu chuyện thật và không thật về huyền thoại “công tử Bạc Liêu”, được ngắm nhìn những hiện vật vô giá còn lưu giữ. Những hiện vật thì tồn tại với thời gian là đương nhiên nhưng với những viên gạch bông lát sàn nhà từ năm 1919 đến nay mà vẫn sáng, đẹp, bền màu thì thật đáng để suy gẩm về những câu chuyện sản phẩm xưa và nay. Nhiều người đã rất vui chụp ảnh lưu niệm cùng ông Trần Trinh Đức là con của “công tử Bạc Liêu, Trần Trinh Huy”.

     

        Theo kế hoạch sẽ đến chiếm bái tượng Quán Thế Âm, cao 43,5m được xem là tượng Quán Thế Âm cao nhất đồng bằng sông Cửu Long, tại chùa Hưng Thiện cách Bạc Liêu khoảng 7km. Mặc dù đã báo trước và Sư cô sẳn sàng đò để đưa đón (vì đường vào quá xấu). Nhưng vì thời gian không có nhiều, trong khi riêng việc đi vào và ra mất ít nhất phải hơn ba tiếng đồng hồ (vì xe lớn không qua được cầu, phải trung chuyển rồi đi đò vào ). Giữa hai nơi còn lại của chương trình, cuối cùng nhiều ý kiến đã chọn đi về Hộ Phòng đến nhà thờ Tắc Sậy (Cha Diệp), chùa Hưng Thiện chúng ta sẽ đến trong dịp khác.

  

Trong Nhà thờ Tắc Sậy, Hộ Phòng - Bạc Liêu

        Từ Hộ Phòng về thẳng thành phố HCM, trên đường về trong khi dừng chân, đoàn cũng tranh thủ đến chùa Wath Sro Loun mà chúng ta thường gọi là chùa Sà Lôn hay chùa “chén kiểu” cạnh đó để lễ Phật. Ngoài ra cũng không quên dừng chân tại những nơi với các đặc sản địa phương như bánh "Bía", bánh "In"...

        21 giờ 30 đoàn đã về đến nơi, một chuyến hành thiện mang yêu thương chia sẻ cùng người khuyết tật tại Bạc Liêu đã được hoàn mãn. Hẹn cùng nhau trong chuyến từ thiện sắp tới đến với đồng bào dân tộc tại Tà Lài, huyện Tân Phú - Đồng Nai.

         Thiện nguyện Lá Bồ Đề

          Tin về chuyến từ thiện cũng đã được đăng tải trên báo Giác Ngộ, trang Truyền thông Phật giáo Việt Nam ngày 01.12.2014 và trên báo Phật giáo và doanh nhân ngày 02.12.2014.

 

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 27
Lượt truy cập: 9526699