Bão Hagupit đang trên biển đông sẽ tiếp tục đi vào đất liền, đe dọa trực tiếp các tỉnh từ Phú Yên trở vào, điều này đồng nghĩa với sự đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến chương trình... Biết rằng sẽ có thể có nhiều khó khăn, trong đó điều lo ngại nhất là mưa lũ có thể làm tắt đường, nhưng với quyết tâm phục vụ cho bà con nghèo, đặc biệt là ngay sau bão lũ, đoàn vẫn giữ nguyên kế hoạch chiều 12.12.2014 lên đường, đến Phú Yên...
KHÁM BỆNH, TẶNG QUÀ TẠI TỈNH PHÚ YÊN
Theo dự báo khí tượng chiều 12/12, bão Hagupit đang trên biển đông sẽ tiếp tục đi vào đất liền, đe dọa trực tiếp các tỉnh từ Phú Yên trở vào, điều này đồng nghĩa với sự đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến chương trình từ thiện tại Phú Yên của Chi hội Chí Tâm thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tp.HCM. Biết rằng sẽ có thể có nhiều khó khăn, trong đó điều lo ngại nhất là mưa lũ có thể làm tắt đường, nhưng với quyết tâm phục vụ cho bà con nghèo, đặc biệt là ngay sau bão lũ, đoàn vẫn giữ nguyên kế hoạch chiều 12.12.2014 lên đường, đến Phú Yên để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con nghèo tại xã An Dân huyện Tuy An, kết hợp cùng nhóm tiểu thương chợ Phú Lâm, quận 6 tặng quà cho bà con. Tuy nhiên bão đã chuyển thành áp thấp nhiệt đới và di chuyển chậm lại đồng thời đổ bộ vào Phú Yên - Khánh Hòa đúng vào ngày hôm sau đoàn đến Phú Yên.
Ngày 13.12.2014, vì đường xấu (QL được cải tạo nâng cấp) cộng với thời tiết xấu nên đoàn đến muộn so với dự kiến hơn 4 tiếng đồng hồ. Tội nghiệp bà con đã chờ đoàn từ 7 giờ sáng trong khi mãi đến 12 giờ đoàn mới đến.
Điểm đến đầu tiên đoàn đến là tại chùa Thiền Sơn , tại xã An Hiệp, huyện Tuy An, để tặng 200 phần quà cho bà con nghèo địa phương. Quà gồm gạo, mì cùng các mặt hàng thiết yếu khác.
Trong khi chờ xe tải chở hàng đến, nhóm Y Bác sĩ “Chí Tâm” đã tranh thủ, đi trước đến chùa Từ Quang (Đá Trắng) tại thôn Cần Lương, xã An Dân huyện Tuy An tỉnh Phú Yên, tiến hành tổ chức khám bệnh cấp thuốc miễn phí trước cho bà con nghèo địa phương, dưới những cơn mưa rào liên tục, lúc nặng lúc nhẹ.
Đi cả đêm, đến trưa hôm sau, đến nơi là bắt tay vào làm việc ngay, không để bà con chờ đợi thêm, dù lúc này đoàn vẫn chưa ăn trưa và làm liên tục cho đến lúc không còn người đến khám, thật sự lúc đó trời đã tối. Đại đức Thích Chúc Thuận, Trụ trì chùa Từ Quan đã tổ chức tạo điều kiện tốt nhất, kể cả việc mưa tới đâu, che chắn tới đó để đoàn Y Bác sĩ có thể tiếp tục làm việc phục vụ bà con.
Theo kế hoạch được thông báo thì chỉ khám bệnh cho khoảng 200 người, nhưng trước nhu cầu quá lớn của bà con, lượt người đến khám bệnh nhiều hơn, nên đã tiếp tục làm việc không ngừng và đã khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho khoảng 400 người. Qua khám bệnh cũng đã hướng dẫn bà con cách nhận biết về bệnh trạng cũng như cách phòng tránh với các bệnh như hạ huyết áp (mà nhiều bà con nói là “bị xay bồ bồ” có thể do suy nhược, dinh dưỡng kém, gắng sức làm việc trong lúc bụng đói) và bệnh cao huyết áp. Ngoài ra cũng đã chỉ định và vận động một số trường hợp phải lên tuyến trên kịp thời để có hướng điều trị cần thiết.
Sau khi tặng quà tại chùa Thiền Sơn, buổi chiều nhóm từ thiện chợ Phú Lâm, cũng đến chùa Từ Quang để đã tặng tiếp 200 phần quà cho người nghèo địa phương.
Ngày hôm sau 14.12.2014, lúc 05 giờ đoàn khởi hành về nhưng do còn phải đến một vài nơi (do có sự chưa thống nhất của phía tiểu thương chợ Phú Lâm) nên đến 04 giờ ngày 15.12.2014, đoàn mới về đến Tp.HCM. Kết thúc chuyến công tác từ thiện.
Chùa Từ Quang (còn được gọi là chùa Đá Trắng), xây dựng vào năm 1797 là một trong những ngôi chùa cổ nhất Phú Yên. Tổ khai sơn là Hòa thượng Pháp chuyên thuộc phái Lâm Tế đời thứ 36. Ngôi chùa đã đào tạo được nhiều danh Tăng nên năm 1889 chùa được triều đình nhà Nguyễn ban phong sắc tứ. Chùa Từ Quang là nơi tập hợp nghĩa sĩ ở Phú Yên để tham gia phong trào Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18. Phong trào Cần Vương do Lê Thành Phương lãnh đạo vào cuối thế kỷ 19 và phong trào yêu nước do Võ Trứ và Trần Cao Vân lãnh đạo vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Chùa Từ Quang được công nhận là di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia ngày 23.01.1997. Quần thể cây xoài trong sân chùa được công nhận là cây di sản Việt Nam (đặc biệt là 4 cây xoài trên 200 năm ở bốn hướng của Chánh điện là những cây xoài có trái được dùng để tiến Vua thời bấy giờ).
Chánh Tâm
Tin về hoạt động này, cũng đã được đăng tải trên mục từ thiện báo Giác ngộ và trang tin truyền thông Phật giáo Việt Nam (phatgiao.org) ngày 15.12.2014.