Trong những ngày chuẩn bị bước sang năm mới, năm Ất Mùi. Nhằm chia sẻ, góp phần giúp người nghèo đặc biệt là người dân tộc có được niềm vui nhỏ để đón tết cổ truyền của dân tộc...Những món quà nghĩa tình trong mùa xuân nhân ái... Đặc tính “săn, bắt, hái, lượm” cũng không còn giúp được nhiều cho cuộc sống hàng ngày bởi nguồn sống bằng sản vật tự nhiên của rừng ngày càng cạn dần...Tại đây chủ yếu vẫn sống bằng cách đi làm thuê, những công việc thời vụ, bấp bênh không ổn định.
‘NGHĨA TÌNH XUÂN NHÂN ÁI”
Đến với bà con nghèo tại Tà Lài và Phú Lập và thăm mái ấm Bạch Lâm
Qua chuyến thực tế tìm hiểu ngày 14.9.2014. Do còn có nhiều chương trình từ thiện khác và sau thời gian ngắn chuẩn bị. Chương trình từ thiện “Nghĩa tình xuân nhân ái” đã được thực hiện đúng với kế hoạch mặc dù khởi động ban đầu có chậm đôi chút.
Tổng kinh phí cho ngày từ thiện lần này là hơn 110 triệu đồng do các tấm lòng nhân ái, gần xa, hạnh phúc là khi biết sẻ chia cùng nhau đóng góp. Qua đây Thiện nguyện Lá Bồ Đề cũng xin thay mặt cho những người nghèo, bất hạnh, chân thành cảm tạ đến tất cả, cùng nhóm từ thiện Sansan (Taiwan) đã ủng hộ nhiệt tình cho chương trình vì người nghèo ở những nơi mà cuộc sống luôn song hành với những khó khăn, đặc biệt là trong những ngày chuẩn bị bước sang năm mới, năm Ất Mùi. Cũng là thời điểm bước vào mùa giáp hạt, mùa đói kém đối với người dân sống bằng nương rẫy.
Xây dựng chương trình lần này ngoài tặng quà còn có chương trình kết hợp cùng Chi hội “Chí Tâm” khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho bà con. Tuy nhiên do hiện nay thủ tục pháp lý trong vấn đề khám bệnh từ thiện có sự chặt chẻ hơn (Sự kiểm soát chặt là cần thiết, rất đúng, tuy nhiên mỗi nơi hiểu theo một cách, nên có những nhiêu khê không cần thiết, thậm chí vô tâm) hơn nữa phía chính quyền địa phương cảm thấy chưa có yêu cầu. Nên lần này chỉ thực hiện tặng quà, địa điểm tại chùa Hưng Thạnh dành tặng 100 phần cho bà con dân tộc ấp 4 xã Tà Lài. Tại chùa Trung Phú, dành tặng 100 phần cho bà con ấp 7 xã Phú Lập. Ngoài ra kết hợp, đến thăm và tặng quà tại mái ấm Bạch Lâm. Trong chương trình lần này cón dành riêng thêm 10 phần quà, dành tặng người nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt tại Tp.HCM ở các quận 1, 4, 8.
Ngày 25.2.2015, đoàn lên đường mang theo nhiều mặt hàng chính là lương thực, thực phẩm thiết yếu, xe lăn, băng ca, các loại bánh kẹo, đồ chơi, thú nhồi bông cùng tiền mặt. hướng theo QL 20 đi Tân Phú – Đồng Nai. Tại điểm dừng chân dọc đường, còn đón nhóm từ Tân Uyên – Bình Dương cùng tháp tùng chung với đoàn.
Tại mái ấm Bạch Lâm, ông Phạm Văn Ngữ, Giám đốc cơ sở nhân ái Bạch Lâm đón đoàn cùng hướng dẫn đoàn đến thăm các khu trại trong mái ấm. Tại đây các thành viên của đoàn đã tặng bánh mì cùng bánh kẹo, sữa cho 25 trẻ em mồ côi, 32 cụ già neo đơn mà hầu hết là có bệnh tật, đặc biệt có hơn 10 người bị liệt phải nằm tại chổ. Cùng khoảng 70 người tâm thần. Tại đây đoàn đã gửi tặng một số lương thực thực phẩm thiết yếu (xe tải mang lên trước khi đoàn đến), cùng tiền mặt. Ngoài ra còn tặng 3 chiếc xe lăn (2 mới + 1 đã qua sử dụng) và một băng ca mâm cứng bằng inox, cùng nhiều đồ chơi và thú nhồi bông (đây là những vật phẩm mới, được gửi về từ Taiwan) . Dịp này nhóm từ thiện Sansan cũng đã gửi tặng thêm cho mái ấm một số tiền.
(Tham khảo thêm phần công khai tài chính – Mục tài chính).
“Tôi kể người nghe… một chuyện tình cay đắng….Nếu duyên không thành thì Điệp ơi Lan cắt tóc…” Tiếng hát của một người tâm thần, như hát cho đoàn chúng ta nghe, tiếng hát cất lên thật bất ngờ, ngoài vòng rào cả đoàn đã hồ hởi vỗ tay theo nhịp của bài hát để cổ vũ anh. Vì thời gian có hạn, còn phải tranh thủ đến Tà Lài bởi bà con đang chờ nên đoàn phải tạm chia tay mọi người trong mái ấm để tiếp tục hành trình.
Tà Lài một địa danh có lẽ khá xa lạ với nhiều người, thuộc huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai. Tà Lài thuở xưa là một chốn rừng thiêng nước độc, nơi thượng nguồn sông Đồng Nai, phía nam rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên. Là nơi hiểm trở, bao bọc bởi rừng và dòng sông Đồng Nai (đoạn sông này nước luôn cuồn cuộn chảy xiết). Cũng chính vì thế thời Pháp thuộc đã dựng nên một nhà ngục tù gọi là trại Tà Lài (camp TaLai) để giam giữ các tù chính trị. Tù nhân vào đây là xem như vô phương có đường ra, vượt ngục chỉ có chết mà thôi. Tuy nhiên năm 1941 đã có cuộc vượt ngục thành công ghi vào lịch sử của cố giáo sư Trần Văn Giàu và tướng Tô Ký.
Trước tháng 4 năm 2005, nơi này vẫn gần như một ốc đảo, biệt lập với thế giới bên ngoài (hiện đã có cầu treo dài 164m rộng 4m nối liền). Tiếc rằng trong lần đi thực tế chúng tôi đã không vào được tận làng của người Mạ vì ngập nước mênh mông, theo lời người dân địa phương “trong đó khổ lắm mấy chú ơi”, “vào trong đó, không ngập nước đi còn khó khăn huống chi bây giờ”. Việc canh tác chủ yếu dựa vào cây bắp, cây đậu … có nơi trồng được lúa trên vài sào đất được chính phủ cấp, hiệu quả thu hoạch phụ thuộc vào thời tiết nên thường không đủ để nuôi sống gia đình, mà khổ gia đình nào cũng đông con. Cuộc sống của bà con luôn có nhiều khó khăn, nghèo, luôn cận kề với cái đói, đặc tính “săn, bắt, hái, lượm” cũng không còn giúp được nhiều cho cuộc sống hàng ngày bởi nguồn sống bằng sản vật tự nhiên của rừng ngày càng cạn dần, bên cạnh những qui định chế tài của pháp luật.
Đến chùa Hưng Thạnh lúc đó đã hơn 11 giờ, muộn hơn dự kiến 30 phút, tội nghiệp bà con phải chờ đợi. Mọi công việc được nhanh chóng triển khai để sẳn sàng tặng quà cho bà con. Lần này cũng vậy chúng ta triển khai vật phẩm theo hàng ngang với 13 mặt hàng gồm: gạo, mì ăn liền, bún gạo, bột nui, đường, muối iod, dầu ăn, nước tương, bột nêm, mền nĩ, áo khoác ấm, quần áo mới và cũ, cùng bao thư tiền mặt 100.000 đ. Ngoài ra còn có nhiều túi xách, giày dép, vật phẩm linh tinh, quần áo trẻ em, sơ sinh bài ra chung, dành tặng thêm riêng theo nhu cầu của bà con. Một lần nữa các bạn tình nguyện viên đã rất nhiệt tình phụ giúp bà con nhận quà, đưa ra ngoài sắp xếp quà vào bao để tiện thuận tiện cho bà con mang về. Qùa lần này chủ yếu dành cho bà con dân tộc Stiêng (S’tiêng Bù Dek- người S’tiêng vùng thấp) và Châu Mạ tại ấp 4 xã Tà Lài, tuy là ấp cạnh nhau (chùa Hưng Thạnh, ấp 1) nhưng bà con đã phải vượt khoảng hơn 10km để đến nhận quà, thương quá nhưng không có địa điểm nào gần hơn, bởi sự trắc trở giao thông (cầu treo Tà Lài chỉ cho xe hai bánh qua lại).
Tại đây đoàn đã dành nhiều bánh kẹo cùng đồ chơi để tặng riêng các em thiếu nhi nhưng thật tiếc chỉ có một số ít các em có mặt, nên chuyển số còn lại sang chùa Trung Phú. Cũng tại chùa Hưng Thạnh đoàn đã tặng một xe lăn cho một trường hợp bị liệt chân do Thầy Chiếu Phong giới thiệu. Tặng xong 100 phần quà, trước khi chia tay, đoàn cũng đã chụp ảnh lưu niệm cùng Thầy trụ trì, sau đó nhanh chóng di chuyển đến điểm tặng quà thứ hai.
Tại chùa Trung Phú xã Phú Lập, mọi công việc được nhanh chóng triển khai vì đã quá trể so với giờ hẹn bà con. Trong khi triển khai các mặt hàng, có một sự việc ngoài dự kiến, một người đàn ông đi thu gom phiếu nhận quà của bà con rồi giao lại cho đoàn để phát quà. Đoàn không đồng ý phương án này, yêu cầu trả lại cho từng người để vào nhận quà, ông cương quyết không trả lại vì ông biết mọi người, ông sẽ nhận diện. Sự việc này đã gây tranh cải và làm chậm trể không cần thiết. Trước sự cương quyết và chúng ta cũng tạm giải quyết số phiếu đã thu theo tên trong phiếu, không theo sự nhận diện của ông, thế là ông biến mất. Với số phiếu thu sẳn việc gọi tên vào nhận quà cũng gặp những rắc rối không nhỏ vì có phiếu không có tên, tên trùng tên… Thực chất theo lời Sư cô Như Hương thì cô cũng thiếu kinh nghiệm trong vấn đề này hơn nữa cứ tưởng ông ấy là người của đoàn, còn chúng ta thấy thu gom phiếu cứ tưởng ông ấy là người của nhà Chùa và cũng không biết đang làm việc gì, đến khi trao lại cho đoàn mới vở lẻ. Cũng không hiểu ông ấy làm như thế nhằm mục đích gì ???. Bằng những kinh nghiệm qua nhiều chuyến từ thiện các nơi, gặp đủ trường hợp, mọi việc rồi cũng nhanh chóng giải quyết xong.
Tại chùa Trung Phú, Thiện nguyện Lá bồ Đề cũng đã dành tặng hai xe lăn cho hai trường hợp cần thiết mà Sư cô trụ trì giới thiệu (một trường hợp bị liệt hai chân, một trường hợp bị tai biến). Cũng tại đây nhóm từ thiện Sansan (Taiwan) tháp tùng cùng đoàn đã tặng trực tiếp 13 suất học bổng “Thắp sáng ước mơ” (trị giá 7,2 triệu đồng), ngoài ra còn tặng hỗ trợ trị bệnh cho một trường hợp cư ngụ tại xã Núi Tượng trị giá 10 triệu đồng.
Cũng tại đây, các em thiếu nhi được tập trung riêng để tặng bánh kẹo, sữa cùng rất nhiều đồ chơi cùng thú nhồi bông, trong đó có những đồ chơi mới được gửi về từ Taiwan. Các chị nữ trong đoàn dù lớn tuổi nhưng đã rất nhiệt tình cùng sinh hoạt với các em, một chương trình tự phát rất sinh động, các chị cũng rất hồn nhiên, ôn lại một thưở còn là thiếu nhi ngày nào ấy mà, các em rất vui, vui vì được sinh hoạt vui, vui vì còn được tặng nhiều bánh kẹo, sữa cùng đồ chơi tùy thích. Nhìn các em trân trọng cầm những món đồ chơi trên tay mà thương các em quá.
100 phần quà được phát tặng tại chùa Trung Phú lần này chủ yếu dành cho bà con tại ấp 7 xã Phú Lập, ngoài ra còn có nhiều túi xách, balô, cặp học sinh, giày dép, quần áo trẻ sơ sinh, vật phẩm linh tinh được bày ra cho thêm theo nhu cầu của bà con (vì ta không có đủ số theo phần quà). Ấp 7 cũng có bà con người dân tộc nhưng nhiều nhất là người Kinh, những người thuộc diện kinh tế mới từ miền Tây về đây sinh sống, số khác là di dân tự do tha phương cầu thực từ miền Bắc vào. Hầu hết không có đất để canh tác, nếu có thì không nhiều nên cũng chưa đáp ứng được cho cuộc sống gia đình. Tại đây chủ yếu vẫn sống bằng cách đi làm thuê, những công việc thời vụ, bấp bênh không ổn định. Theo lời Sư cô Như Hương, hầu hết là dân nghèo thậm chí có những trường hợp quá nghèo, cái nhà tạm bợ cũng không lành lặn nếu như muốn gọi đó là cái nhà (5 em nhận học bổng đặc biệt 800.000đ mỗi suất là trong số những trường hợp này).
Khi mọi việc được hoàn tất, đã có những câu chuyện thật cảm động, có nhiều bà con cứ hỏi “đoàn này ở đâu vậy” và liên tục cảm ơn chân tình. Theo một Sư cô trong Chùa thì "cũng có đoàn về đây tặng quà nhưng chỉ tặng đơn giản, không nhiều như lần này, bà con mừng lắm".
Sau khi dùng bửa trưa lúc này đã hơn 14 giờ. Đoàn đã tề tựu về Chánh điện để cúng dường Tam Bảo, nhiều thành viên trong đoàn cũng đã phát tâm cúng dường ủng hộ đúc Đại Hồng Chung tại chùa Trung Phú (trong thực tế Đại Hồng Chung đã mang về chùa, nhưng số nợ vẫn còn đó, vì chuông đúc tại Huế nên khi mang vào họ cho mang đồng loạt tất cả những cái đã hoàn thành theo đơn hàng, riêng cái của chùa Trung Phú vẫn còn ghi nợ). Sau đó đoàn khởi hành về lại Tp.HCM. Kết thúc chuyến công tác hành thiện từ tâm.
Thật cảm động trên đường về Sư cô Như Hương đã điện nói những lời chân tình cảm niệm công đức cả đoàn đã đến và mang những niềm vui thật sự đến với bà con nghèo. Sau đó buổi tối Cô còn gửi tin nhắn “A Di Đà Phật, Cô thành tâm cảm niệm công đức đến tất cả quý vị trong đoàn rất nhiều, người nghèo được nhận quà rất mừng và gửi lời cảm ơn đến tấm lòng chia sẻ của quý bác. A Di Đà Phật”. Bà con có được sự vui mừng và hạnh phúc dù là nhỏ bé, đặc biệt là trong những ngày năm hết tết đến, chúng ta cũng cảm thấy và hạnh phúc vui với niềm vui của bà con. Vâng ta đã có đủ duyên để mang tặng niềm vui đến với mọi người để niềm vui ấy lại về cho chính mình “khi ta ban tặng... cũng chính là lúc ta được đón nhận về cho mình” . Chúc bà con được an vui và có cuộc sống tốt hơn trong năm mới. Chắc chắn chúng tôi sẽ có dịp lại về với bà con.
Thiện nguyện Lá Bồ Đề
- ngày 26.02.2015, tin về hoạt động này, cũng đã được đăng tải trên trang truyền thông Phật giáo Việt Nam (phatgiao.org) với đề tựa “Lá Bồ Đề tặng quà nghĩa tình xuân nhân ái”.
- Ngày 26.02.2015, trên báo Giác ngộ, mục từ thiện “Tặng quà, xe lăn đến người nghèo, khuyết tật” trong đề tựa chung “Nhiều chùa, nhóm từ thiện tặng quà” .
- Ngày 27.02.2015, trên báo Phật giáo và Doanh nhân với đề tựa "Lá Bồ Đề tặng quà "Nghĩa tình xuân nhân ái"