Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

HÀNH TRÌNH CHIA SẺ NHỮNG YÊU THƯƠNG 2015

Có những cháu chưa một lần được tận hưởng hương vị ngọt ngào của dòng sữa mẹ, chưa một lần được hạnh phúc trong vòng tay mẹ đã cưu mang. Có cháu bị bỏ lại ven rừng hoang vắng đã 3 ngày với cái lạnh ở độ cao 1050m và theo nhận định cháu còn sống cũng là điều lạ thường... Hôm nay chúng ta đã được biết đến một đạo tràng toàn người dân tộc rất trang nghiêm, một hình ảnh rất đẹp, đồng nhất, đều bước nhịp nhàng mà không phải nơi đâu cũng có...

HÀNH TRÌNH ‘CHIA SẺ YÊU THƯƠNG 2015”

        Với ý nghĩa chia sẻ yêu thương bằng hành động thiết thực đến với các trẻ mồ côi, trẻ em nghèo cùng những nơi mà cuộc sống có nhiều khó khăn cùng những người phải sống đời bệnh tật, bất hạnh.

        Ngày 17.4.2015 Thiện nguyện Lá Bồ Đề đã tổ chức thực hiện chương trình nhân ái chia sẻ những yêu thương. Chương trình lần này đến với hai mái ấm nuôi trẻ mồ côi tại Xuân Lộc – Đồng Nai và Đức Trọng – Lâm Đồng. Tặng quà cho bà con dân tộc K’Ho nghèo là Phật tử đạo tràng chùa Pháp Hoa tại Di Linh. Tặng quà cho gia đình bệnh nhân “phong” tại trại phong Di Linh xã Bảo Thuận. Tổng kinh phí cho chuyến từ thiện là trên 130.000.000đ do các ân nhân gần xa cùng nhau đóng góp. (xem thêm chi tiết tài chính tại mục tài chính của trang web).

        Cũng qua đây xin chân thành tri ân đến tất cả tấm lòng nhân ái cùng chia sẻ yêu thương, mang hạnh phúc và niềm vui đến với mọi người, đến với những nơi mà cuộc sống luôn có nhiều khó khăn, đến với những người kém may mắn. Đặc biệt cũng xin chân thành tri ân đến nhóm từ thiện Sansan cùng gia đình cô Nguyễn Ngọc Nga tại Taiwan không những ủng hộ đồng hành cùng chương trình mà còn quyên góp và không ngại vất vả để mang về những thùng quà dành tặng cho các em thiếu nhi. 

        05 giờ 45 ngày 17.4.2015 hai xe của đoàn khởi hành, hướng về Xuân Lộc – Đồng Nai theo trục đường cao tốc Dầu giây. Có thể nói đây là một trục đường mang tính lợi ích thiết thực giúp giải quyết nhiều vấn đề đặc biệt là rút ngắn đoạn đường cùng thời gian rất nhiều nếu đi từ Tp.HCM về hướng ngã ba Dầu Giây.

        Tại mái ấm Tịnh thất Linh Quang, xã Xuân Phú, Xuân Lộc – Đồng Nai, hôm nay là thứ sáu nên hầu hết các em đã đi học chỉ còn lại một số ít em nhỏ ở nhà trong tổng số 60 em được nuôi dưỡng tại chùa. Nếu chúng ta đến vào ngày chủ nhật  sẽ chứng kiến có khoảng 140 người dân tộc về chùa tu tập một ngày (mỗi tuần) và mỗi buổi tối lớp học tình thương vẫn sáng đèn do Sư cô Thích Nữ Phong Điều trực tiếp làm cô giáo.  Sơ lược như thế chúng ta cũng có thể hình dung ra gánh nặng về cơm áo gạo tiền, đặc biệt là tiền để lo cho hơn 50 em đi học tại các trường, một con số không nhỏ đối với tịnh thất Linh Quang, cũng cần lắm những bàn tay chung sức của tất cả mọi người để ươm mầm tương lai.

        Rất tiếc, Sư cô Phong Điều hôm nay có việc đột xuất phải họp Ban tôn giáo cùng chính quyền nên không có mặt để đón đoàn. Sau đó Sư cô đã điện mong đoàn hoan hĩ và có nhã ý muốn mời đoàn trên đường về ghé lại dùng cơm và để Cô được cảm niệm công đức đến với đoàn. Nhưng một lần nữa cũng thật tiếc, chúng ta không về theo trục đường đó và cũng không có thời gian.

        Trong khi chờ đợi xe tải chở hàng đến, đoàn đã tranh thủ vào tác bạch cúng dường Tam Bảo với sự chứng minh của Đại đức Thích Minh Hải (là em ruột của Sư cô Phong Điều về đây phụ lực với cô để chăm sóc quản lý mái ấm). Sau đó các thành viên của đoàn đã mang đồ chơi tặng cho các em và cùng chơi với các em, thương quá các em thấy có đồ chơi là mê mẩn không cưởng lại được.

        Sư cô Phong Điều xuất gia tu học tại Tịnh xá Linh Quang (Q.4. Tp.HCM). Trong một lần đến đây, được chứng kiến cảnh sống khó khăn, lạc hậu của người dân tộc Châu Ro dù đang sống rất gần với ánh sáng văn minh đô thị, nhất là với các em nhỏ luôn thiếu ăn, thiếu mặc và gần như hoàn toàn mù chữ. Nghĩ đến điều thiện, làm điều thiện đó là pháp tu cơ bản, là chân lý của người con Phật. Từ trong tâm của một Sư cô trẻ thôi thúc và mong muốn làm gì đó thiết thực để giúp bà con, đặc biệt là các em nhỏ và Cô đã mạnh dạng dấn thân bằng hạnh nguyện từ bi. Năm 2008 Sư cô Phong Điều về đây dựng nên ngôi già lam mái tranh đơn sơ, với tâm nguyện tạo nơi nương tựa tâm linh gieo duyên Phật pháp cho đồng bào thiểu số, cũng thời điểm này một lớp học tình thương do Sư cô làm cô giáo được ra đời, nhằm dạy cho các em có được cái chữ. Theo ngày tháng lớp học ngày càng đông học sinh và một mái ấm nuôi trẻ cơ nhở, mồ côi cũng ra đời đến nay đã có 60 em. Được hồng ân Tam bảo gia hộ, tịnh thất Linh Quang cùng nơi ăn chốn ở của các em ngày nay đã khang trang hơn nhưng vẫn cần lắm những tấm lòng cùng chung tay góp sức để nuôi dạy, xây dựng một cuộc sống tươi đẹp cho các em (trước đây khoảng 5 năm muốn vào được mái ấm phải dùng xe công nông để chuyển vào).

        Nhớ lại những lời tâm sự của Cô với các em “Là một người xuất gia, Sư phụ không có gì để cho các con, Sư phụ chỉ có tấm lòng, các con phải cố gắng học để thành tài để thành người hữu dụng. Tương lai của các con phụ thuộc vào sự học của mình, nếu các con không học đến nơi đến chốn có nghĩa là các con đã phụ lòng của Sư phụ”.

        Trong một lần được nghe Sư Cô tỏ bày vì sao mái ấm đến giờ vẫn chưa hình thành là Cơ sở bảo trợ xã hội mặc dù rất muốn và được chính quyền địa phương tạo điều kiện từ năm năm trước. Cô muốn nơi đây được công nhận là một cơ sở thuộc Giáo hội Phật giáo VN hơn là một Cơ sở bảo trợ xã hội vì như thế các em ở đây sẽ được nuôi dưỡng trong môi trường nghiêng về tu tập nhiều hơn (hiện Sư cô Phong Điều là thành viên của Ban đại diện GHPG huyện). Là người con của Phật, Cô chẳng phải lo ngại gì cả, chỉ ngại các em sẽ phải chịu mặc cảm tự ti, Cô muốn các em sống bình thường như thế này, là con của Cô, sống trong chùa cùng Cô (các em có giấy khai sinh mang tên mẹ là tên Cô). Điều Cô lo ngại, không muốn nhất là với các em lớn nghĩ rằng “mình là con mồ côi, sống trong trại mồ côi”,  mặc dù biết rằng rồi các em cũng biết nhưng sẽ nhẹ nhàng hơn và sẽ an nhiên với số phận của mình, hy vọng các em sẽ nhận thức được hạnh phúc của mình là ở nơi đâu. Bởi trong thực tế cũng có những điều bất cập, biết rằng là cơ sở bảo trợ xã hội thì chùa sẽ có những thuận lợi hơn, các em sẽ có thể được miễn giảm học phí… Và thường như thế, nhà trường, các ban ngành đôi khi sẽ nêu lên như một hành động tiêu biểu của sự chăm lo trong các mặt hoạt động thi đua, như thế vô tình đẩy các em đến chổ tự ti, xa lánh bạn bè hoặc ngược lại bị bạn bè xa lánh vì hai chữ “mồ côi”.

        Thật sự là những người làm công tác từ thiện xã hội đã lâu, đến với nhiều dạng mái ấm, nghe được nhiều điều, nhưng khi nghe những tâm sự của Cô, chúng tôi đã không khỏi trăn trở như bất chợt nhận ra một điều đơn giản mà mình vẫn chưa nghĩ đến và chúng tôi đã đồng cảm với những suy nghĩ của Cô, suy nghĩ và tâm nguyện của người mẹ có 60 đứa con. Cũng giống như chúng ta là bậc cha mẹ hy sinh tất cả chỉ mong sao cho con mình được nên người, có đủ bản lĩnh cho một cuộc sống giữa đất trời bao la. Vâng, chúng ta đã nhận ra sự tâm huyết với một định hướng đúng đắn của tình yêu thương.

        Trong số các vật phẩm , tiền mặt gửi ủng hộ góp sức cùng mái ấm lần này còn có rất nhiều bút chì các loại dùng trong việc học tập. Cũng xin nói thêm không tính các em đang đi học tại các trường do chùa nuôi dưỡng, riêng lớp học tình thương ban đêm để tạo điều kiện cho các em dân tộc học tập Sư cô phải lo luôn cả phần tập sách, bút viết…

        Rời Tịnh thất Linh Quang, đoàn tiếp tục hành trình hướng về Lâm Đồng. Đến Chùa Pháp Hoa tại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh lúc này đã 13 giờ . Chùa khai sơn từ năm 1970 

        Riêng ngày chủ nhật sẽ có khoảng 200 em thiếu nhi về Chùa tu tập 1 ngày và hàng tháng cũng đều có khóa tu 1 ngày thọ Bát Quan Trai. 

        Hai sư cô nay là Ni sư và Ni sư Minh Hiền hiện là Phó ban Đại diện Phật giáo huyện Di Linh, Ni sư cũng là người khởi xướng đề xuất việc dịch Kinh sang tiếng dân tộc. Ni sư Minh Hiền nói “đến ngày tu Bát Quan Trai thì vợ chồng con cái lớn bé đều đi, cả nhà cùng đi”. Ni sư cũng nói thêm với chúng tôi khi chuẩn bị cho chuyến từ thiện lần này “Bà con nơi đây rất thích mì gói và có tập quán là ăn đồng, chia đủ nên cái gì cũng chia đều” và đó cũng là lý do chúng ta tăng thêm một số vật phẩm của mỗi phần quà từ 1 thành 3 là vậy. Thật tình cũng trong sự chuẩn bị, những người tổ chức chương trình chúng tôi khá bối rối trước việc một phần quà  sẽ được phát 3 phiếu (vì theo kế hoạch chúng ta chỉ tặng 100 phần quà và Ni sư chia cho 285 hộ). Nhưng rồi tại chổ chúng tôi cũng đã đưa ra cách làm giản đơn vì đến đây bà con mới nhận phiếu trực tiếp.  

        Khi đến đây mọi người khá bất ngờ là số trẻ em quá nhiều, có thể nói khoảng 50% người có mặt đều có đèo theo em bé trong đó có những bà mẹ còn rất trẻ và tất cả đều mặc chiếc áo vạt khách tuyền màu nâu. Tại Chánh điện hôm nay chúng ta đã được biết đến một đạo tràng toàn người dân tộc rất trang nghiêm, một hình ảnh rất đẹp, đồng nhất, đều bước nhịp nhàng mà không phải nơi đâu cũng có. Có thể nói hầu hết thành viên trong đoàn đều là Phật tử nhưng vẫn bị cuốn hút trước đạo tràng tại đây và thật sự nể phục hai Ni sư người không chỉ lãnh đạo tinh thần, đưa Phật pháp cùng lời kinh tiếng kệ đến đồng bào dân tộc nơi vùng cao mà còn lập nên được một đạo tràng như chúng ta đã thấy. Cũng xin nói thêm, đạo tràng tại chùa Pháp Hoa là đạo tràng người dân tộc lớn nhất huyện Di Linh nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.

        Cuộc sống của bà con chủ yếu bằng nương rẫy phụ thuộc vào thời tiết nắng mưa, giá cả mùa vụ, mà cũng không phải nhà nào cũng có đất để canh tác và phải sống bằng đi làm thuê. Chúng ta thấy chung quanh có nhiều rẫy café nhưng xin thưa đó không phải là của bà con địa phương, bà con chỉ là người làm thuê mà thôi.

        Cũng vì tỷ lệ trẻ em quá nhiều và đặc biệt là đạo tràng thiếu nhi nên gần như tất cả bánh kẹo, sữa, đồ chơi, quần áo mới (vừa từ Taiwan gửi về) dù đã chia theo định phần mỗi nơi, nhưng trước thực tế các thành viên đã đề nghị và gần như được dồn hết cho nơi này kễ cả các phần của nơi khác, ấy vậy mà cũng không đủ đều. Tại đây còn có 135kg cá tươi đông lạnh chia đều mỗi hộ được 0,5kg cùng rất nhiều loại quần áo, vật dụng, giày dép được bày ra riêng cho bà con tự chọn.

        Sau khi hoàn tất việc tặng quà cho bà con, đoàn mới vào dùng cơm trưa, lúc này đã hơn 15 giờ. Thật tình cơm đã sẳn khi đoàn đến (vì lại phải chờ xe tải chở hàng chưa đến) nhưng làm sao có thể yên vị để ăn trong khi bà con chung quanh đang chờ, mọi người đều đồng cảm với điều này nên mặc dù ai cũng đói nhưng vẫn vui cười và hăng say công việc, vui với niềm vui của bà con.

        Sau khi dùng cơm đã 16 giờ, đoàn nhanh chóng tiếp tục đến trại phong Dinh Linh tại xã Bảo Thuận, chúng tôi đã thành thật xin lỗi bà con vì đến muộn ngoài ý muốn, được biết bà con đã chờ chúng ta từ lúc 13 giờ (như đã thông báo, nếu không bị chậm tại hai nơi trước thì đúng lịch trình ta sẽ đến đây trong tầm từ 13 – 14 giờ).

        Tại trại phong, Soeur Maria Bình Minh Giám đốc trung tâm cùng Soeur Térésa Nguyễn Thị Tú là trưởng cộng đoàn của các Soeur đã đón đoàn, mọi người nhanh chóng triển khai vật phẩm và tiến hành tặng 100 phần quà cho bà con là những gia đình bệnh nhân phong sinh sống trong trại. Quà gồm 15 mặt hàng gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu và những vật phẩm khác trong đó có phần quà của Mr Kim Sueong Bok. Tại đây ngoài phần tiền mặt của đoàn và của hai thành viên tặng tiền đã thông báo với đoàn cùng với số phát sinh thêm ngay trong chuyến đi theo mỗi phần quà thêm là 50.000đ, còn có nhiều thành viên trong đoàn gửi tặng trực tiếp thêm tiền cho bà con. Riêng phần cá là 243kg chúng ta dự định chia mỗi phần quà là 2kg số còn lại gửi tặng các Soeur hai trại dùng, nhưng theo Soeur Tú đề nghị nên cho mỗi phần 1kg, một số cho bếp ăn của trung tâm điều trị, còn lại nên chuyển cho các cha các mẹ (gia đình bệnh nhân có khả năng lao động) bên trại 2 (xã Gia Hiệp) và chúng ta đã chấp thuận theo phương án này. Thật bất ngờ khi biết tin Soeur Mậu đã về lại Di Linh và đang ở tại trại 2. Thật tiếc trong chương trình lần này chúng ta lại không có kế hoạch đến trại 2, để được thăm hỏi người nữ tu trọn đời hiến dâng phục vụ cho người bệnh phong hành theo lời Chúa dạy “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em”, yêu tha nhân là là yêu Chúa, đến với tha nhân là đến với Chúa. Đó cũng là sống đức tin, đem tinh thần phúc âm thấm nhuần đời sống và mọi sinh hoạt, làm việc bác ái để giúp chúng ta ra khỏi bản thân, để biết quan tâm đến nhu cầu của người khác, nhạy bén trước nổi đau của tha nhân và giúp đở họ theo gương Chúa Jésus. 

        Trong khi đoàn tranh thủ làm việc trao quà cho bà con thì bên ngoài có những bệnh nhân biết tin đã tìm đến để chào Bác sĩ Huỳnh Đình Đại một người anh, người cha đã có thời gian dài gắn bó với người bệnh phong và thật sự dù sức khỏe đang kém nhưng Bs Đại vẫn quyết tâm lên đây không ngoài mục đích được gặp lại những bệnh nhân của mình. Tay trong tay đầy xúc động như người thân lâu ngày được gặp lại và đã có cả những giọt nước mắt (mỗi năm Bs Đại đều cố gắng để đến thăm bệnh nhân cũ của mình ít nhất 1 lần).

        Sau khi tặng xong 100 phần quà, mọi người nhanh chóng vào trong khu điều trị để riêng tặng 30 phần quà cho những bệnh nhân đang điều trị tại giường bệnh. Quà gồm bánh kẹo, sữa nước của đoàn và còn có phần quà mà ân nhân gửi thêm tặng bệnh nhân mỗi phần 2 lon sữa đặc, 1 gói bánh và tiền mặt thêm mỗi phần là 50.000đ. Bên cạnh đó còn có nhiều thành viên trong đoàn tặng thêm tiền mặt trực tiếp.

        Trong những lần đến đây chúng ta còn có thời gian để gần gũi thăm hỏi bà con nhưng lần này thì phải bắt tay ngay vào việc vì còn một điểm nữa trong khi trời đã xế chiều, sự trục trặc của xe tải chở hàng đã làm mất quá nhiều thời gian.

        Trại phong (cùi) do đức Cha Jean Cassaigne (tên Việt là “Sanh”) sinh ngày 30.1.1895 tại Grenade Sur Adour – France. Trọn đời đức Cha là những chuổi ngày sống và chia sẻ tất cả với người cùi tai Kala (Di Linh) để rồi khi nằm lại ở mảnh đất này ngày 31.10.2973 và trên mộ của mình cũng chỉ có vài dòng chữ Jean Cassaigne 1895 – 1973 « Caritas et Amor (Bác ái và tình yêu) ». Đức Cha đã từng là Tổng Giám Mục tại SàiGòn (Có thể xem thêm thông tin về trại phong cũng như Đức Cha và Soeur Mậu trong những bài viết trước đây trên cùng trang web).

       Vừa xong việc đã phải vội vã chia tay các Sœur để tiếp tục hành trình đến với mái ấm Lục Hòa tại Ni viện Nguyên Không (Hiệp An, Đức Trong). Nơi nuôi dưỡng 40 em (từ sơ sinh, đến Đại học và trên Đại học). Quà tặng chung cho mái ấm gồm: gạo, mì ăn liền, bún gạo, bột nui, dầu ăn, nước tương , đường, bột nêm, bột giặt và tiền mặt cùng rất nhiều bút chì các loại và 12 quần dài màu xanh mới (cở trung học vừa từ Taiwan gửi về) Riêng phần quà cho các em chỉ còn lại bánh mì ngọt và 1 thùng đồ chơi thay vì 2 thùng (lý do như đã nói phần trên tại chùa Pháp Hoa).

        Trong mái ấm, có nhiều những câu chuyện đau lòng, có những cháu chưa một lần được tận hưởng hương vị ngọt ngào của dòng sữa mẹ, chưa một lần được hạnh phúc trong vòng tay mẹ đã cưu mang. Có cháu khi mới chào đời đã bị bỏ rơi trước cổng Chùa giữa đêm đông lạnh giá của vùng cao nguyên, có cháu may mắn được người phát hiện bị bỏ lại ven rừng hoang vắng đã 3 ngày với cái lạnh ở độ cao 1050m và theo nhận định cháu còn sống cũng là điều lạ thường, hiện cháu đã 6 tuổi và rất xinh. Vâng có lẽ nghiệp quả và cháu đã trả xong ân sinh thành với người mẹ nhẫn tâm để tiếp tục sống, để đón nhận những ân tình, hạnh phúc mới, để tiếp tục vương lên giữa đất trời.

        Chúng ta cũng đã từng đến mái ấm này, đây là một mái ấm nghiêm túc, có năng lực và có định hướng cùng sự chăm sóc tốt với cơ sở vật chất khang trang. Hàng ngày các Sư cô trẻ phân công cụ thể đưa đón các em đi học bằng đủ loại phương tiện như cha mẹ chăm cho con (một Cô phụ trách toàn diện cho hai hoặc ba em) đối với các em nhỏ sơ sinh các Cô trở thành những bảo mẫu. Nhìn cháu nào cũng hồn nhiên, vui tươi, đầy đặn, hồng hào, xinh xắn, sạch sẽ đã có thể nói lên được tất cả mọi điều.   

        Khi đoàn đến lúc này trời đã tối, các em chạy ùa ra vòng tay chào “con chào cô mới tới” “Con chào chú mới tới”, những điều này cũng thông thường như nhiều nơi nhưng tại đây chúng ta cảm nhận rằng các cháu rất tự nhiên không có sự sắp sẳn. “Con chạy vô nói cô có xe mang ra đây chở đồ vô nhé” “dạ” và lại ùa chạy vào rồi cũng như những đứa trẻ khác các cháu cũng tinh nghịch hồn nhiên, phụ chuyển hàng, đu theo xe, nhảy lên xe… ôi thôi cũng đủ trò.

        Thấy một số cháu tập trung nơi hậu tổ, chúng ta mang đồ chơi lên tặng các em, ôi thôi thích ơi là thích, rồi lại cũng nũng nịu đòi cái này, đòi cái kia.

3 ngày bị bỏ trong rừng ở độ cao 1050m, sự sống của em thật phi thường

        Sau đó đoàn đã dùng cơm chiều tại đây, bửa cơm thanh đạm nhưng rất ngon đậm chất Đà Lạt là các món rau, salade. Sau đó đoàn đã từ giã để lên Đà Lạt nhận phòng nghỉ đêm tại khách sạn Quỳnh Như và Thanh Dung trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa rất gần chợ. Cứ những tưởng mọi người đã mệt sau một ngày hoạt động nhưng không, sau khi vệ sinh cá nhân xong, thì hầu như tất cả đều đi ra chợ chứng tỏ mọi người vẫn còn quá khỏe.

        Ngày hôm sau đoàn tham quan tại Đà Lạt : Buổi sáng đến Công viên Yersin nơi có bức tượng bác sĩ Yersin bằng đá do cố thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng được đặt tại nơi đây để hình thành nên công viên Yersin khôi phục việc ghi dấu công người đã khám phá ra Đà Lạt.

          Sau đó đến chùa Quan Âm lễ Phật.

        Đến vườn dâu biofresh có thể nói chúng ta khá thất vọng bởi cứ những tưởng sẽ có được những bức ảnh cùng với những chùm dâu đỏ chín mộng như quảng cáo, nhưng không trước mắt chúng ta chỉ là những cây dâu trồng theo công nghệ biofresh trong một khu nhỏ vài luống giới hạn dành cho du khách toàn lá với lác đác vài trái non (khu thương phẩm không cho vào), điểm nổi bậc trong các vườn dâu là khu vực dành để bán dâu. “Đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ” . Thực sự đây là điểm mà chúng ta đưa thêm vào chương trình để tạo thêm sự hấp dẫn cho chuyến đi và đã có sự tham khảo kỹ lưởng các điểm vườn tại Đà Lạt để tránh tình trạng vừa mất tiền vé vừa bị ép mua dâu, cùng những phiền toái không đáng có. Theo các em làm công việc tour guy đã góp ý Chú quên vườn dâu đi”. Việc chọn vườn dâu trong hồ than thở cũng là sự kết hợp 2 trong 1, thôi không có dâu ta ra tham quan hồ than với thở để gỡ lại vậy. Nói như thế nhưng cũng nghĩ lại, nếu vườn dâu thương phẩm mà cho du khách tham quan qua một vòng chắc là bình địa quá.

        Điểm tiếp theo của buổi sáng là Biệt điện Trần Lệ Xuân (Trung tâm lưu trữ quốc gia 4), nơi bảo quản, lưu giữ hơn 30.000 mộc bản cực kỳ quý giá, đoàn đã được giới thiệu về những mộc bản triều Nguyễn. Mộc bản là những bản in chữ Hán khắc vào gỗ (khắc chữ ngược), kích thước trung bình 43cm x 27cm, dày từ 2 - 4 cm, mỗi tấm nặng chừng 300 - 400g được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Năm 1960, Mộc bản được chuyển từ Huế về Đà Lạt do chi nhánh Văn khố Đà Lạt quản lý. Ông Ngô Đình Nhu sinh viên Việt Nam và duy nhất  tốt nghiệp trường Ecole Nationale des Chartes loại ưu hạng, chuyên ngành lưu trữ cổ tự học được đánh giá là có công đầu trong việc bảo tồn các mộc bản vô giá này.

        Được giới thiệu và tham quan các gian biệt thự Bạch Ngọc, Lam ngọc, Hồng ngọc của bà Trần Lệ Xuân (bà Ngô Đình Nhu) trong tổng khuôn viên 13.000m2 được xây dựng vào năm 1958 là những biệt thự được xếp hàng “đệ nhất trời nam”  trong thời kỳ “đệ nhất cộng hòa”. Bạch Ngọc là nơi giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và các tướng tá, Lam Ngọc dùng làm nơi nghỉ cuối tuần của riêng gia đình Lệ Xuân còn Hồng Ngọc là biệt thự mà "bà Nhu" xây tặng cho Trần Văn Chương, bố đẻ của mình. Chúng ta cũng được nhìn thấy hầm trú ẩn đạn bắn không thủng trong phòng bà Lệ Xuân được ngụy trang dười cái tủ lạnh trong giống như cái tủ nướng bánh lớn ngày nay, cùng đường hầm thoát hiểm trong phòng ông Ngô Đình Nhu ra ngoài sân vườn hoa Nhật Bản phía sau, theo giới thiệu thì ngay cả gia nhân thời bấy giờ cũng không biết đường hầm này điều đó đồng nghĩa với việc tất cả những người thực hiện công trình đều bị giết để giữ bí mật (huyền thoại về một đường hầm từ dây thông ra sân bay Cam Ly có thể nói là không có thật, bởi lẽ khoa học kỹ thuật ngày ấy vẫn còn hạn chế). Vườn hoa Nhật Bản phía sau biệt điện do bà Lệ Xuân mời kỹ sư từ Japan sang thiết kế, ngày nay có lẽ ít được chăm sóc tu bổ dù không rộng lắm nhưng ta vẫn có thể hình dung ra vẽ đẹp của nó ngày nào, điểm nổi bật của khu vườn là hồ nước có hình bản đồ Việt Nam (nếu được bơm dầy nước ta sẽ thấy rõ hình bản đồ hơn) mà theo giới thiệu thì miền Bắc lại là ở hướng Nam ẩn chứa ý đồ thâu tóm miền Bắc của bà Nhu (chúng tôi đã xác định ngay bằng la bàn đúng vậy). Không biết thực hư như thế nào nhưng theo nhiều người thì có thể đó là sự vô tình không định hướng gây nhầm lẫn của người kỹ sư Japan ??. Vì cũng có lập luận nếu cố ý như thế thì ngược lại là sao, không lẽ ẩn chứa miền Nam luôn trong lòng miền Bắc.. Nhức đầu quá... khó quá thôi cho qua.

        Theo người địa phương thì ngày ấy biệt điện là khu biệt lập được bảo vệ nghiêm ngặt, một con chim lạ bay vào cũng có thể bị bắn chết. Sau năm 1975 và những năm sau nữa, ngôi biệt điện này gần như bị bỏ quên và bị xâm hại nhiều, đến năm 1984 mới được phát hoang bắt đầu khôi phục, đến năm 2007 được đầu tư trùng tu phục chế theo nguyên bản và xây mới tòa nhà to trên đồi mà chúng ta thấy để làm trung tâm lưu trữ.

        Buổi chiều đoàn đến tham quan trung tâm hoa khô (vườn hoa không bao giờ tàn), là hoa thật được làm khô để trỡ thành hoa không bao giờ tàn bằng công nghệ sinh học, cũng vì say mê chụp ảnh trước rừng hoa đủ màu sắc nên cũng mất nhiều thời gian so với qui định.

        Sau đó đoàn sang thung lũng Tình yêu, một thắng cảnh thiên nhiên trữ tình bậc nhất của Đà Lạt ngày nào. Nơi mà từ thập niên 30 của thế kỷ XX người Pháp thường đến đây ngắm cảnh, tâm tình vào những ngày cuối tuần nên có tên gọi là Valley d'Amour (Thung lũng Tình Yêu), sau đó Vua Bảo Đại đổi tên thành thung lũng Hòa bình, đến năm 1953 mới trả lại tên thung lũng Tình yêu và được công nhận là thắng cảnh quốc gia năm 1998. Tại đây đoàn dùng phương tiện xe lữa để đi vòng hồ tham quan và lên đồi vọng cảnh (chọn xe lữa vì ban tổ chức cũng nhận định để lên đồi vọng cảnh thì đoàn chúng ta khó có thể đi bộ lên hơn nữa không có thời gian),  cùng chiêm ngưỡng khu vườn với trên 130 tác phẩm bonsai và đặc biệt là hai linh vật Rồng (Kim Long Thú Châu) và Công (Thanh Công Trụ Thiên Liên Mộc) trưng bày tại khu du lịch được 270 nghệ nhân Thailand lao động miệt mài trong 369 ngày đêm, nhân dịp mừng thọ lần thứ 85 của vua Rama IX (Thailand) ngài Bhumipol Adulyadej, nhằm thể hiện sự tôn sùng và chúc phúc trường thọ cho nhà vua. (Theo quan niệm của người Thailand, hai linh vật này có ý nghĩa của sự giàu sang phú quý trường tồn, thành công mỹ mãn, quyền quý bất tận và sắc đẹp hoàn mỹ).Thời gian có quá ít nên chúng ta cũng không có dịp để tham quan các nơi trong thung lũng, ngay cả những điểm thống nhất xe lữa dừng lại (ưu tiên theo yêu cầu) cho chúng ta ngắm cảnh chụp ảnh buộc cũng phải đi luôn, vì điểm nhấn của buổi chiều hôm nay chính là chương trình giao lưu văn hóa cồng chiên.

        Biết trước thời gian buổi chiều quá ít nên chúng tôi những người thực hiện chương trình đã thống nhất và được sự ưu ái của ban quản lý Đồi mộng mơ ưu tiên chương trình dành cho ta lúc 16 giờ (không quá 16 giờ). Nhưng thực tế trong buổi chiều này, khả năng chúng ta cũng trể hơn 16 giờ nên một lần nữa đã điện đề nghị thông qua ban quản lý đề nghị các anh chị em diễn viên ở lại chờ phục vụ cho chúng ta sau 16 giờ. (16 giờ là diễn viên được nghỉ ra về). Khi đoàn đến đồi mộng mơ theo vạn lý trường thành đã đi thẳng vào khu sân khấu, bỏ qua tất cả điểm tham quan, lúc này đã là 16 giờ 30, các diễn viên đang chờ riêng chúng ta, đây là một ngoại lệ, một sự ưu ái dành riêng cho chúng ta, xin chân thành cảm ơn tất cả những điều tốt đẹp đã dành cho Thiện nguyện Lá Bồ Đề.

        Chương trình được bắt đầu, bằng những giọng hát cao vút, mạnh mẽ, quá hay, kỹ thuật quá điêu luyện mà nhiều người đã so sánh và bảo rằng “ca sĩ Vpop ngày nay vẫn còn thua xa”. Những điệu múa đậm chất tây nguyên cùng những vòng xoăn (vòng tròn) cũng là lúc bầu không khí sôi động bắt đầu, khán giả là thành viên của đoàn rất háo hức cùng tham gia với các diễn viên, hết các ông rồi lại các bà, ôi thôi đủ các dạng điệu bộ, cười nghiêng cười ngả. 

         Theo nhận định chủ quan đây là điểm nhấn của chương trình tham quan, không có buổi giao lưu văn hóa cồng chiên với dân tộc K’Ho này có thể nói là chương trình tham quan bị mất đi 50%. Vì thế chúng tôi đã cố gắng vận dụng hết khả năng có được để mang đến cho đoàn chúng ta sự toàn mỹ.

        Buổi diễn chấm dứt trên đường ra chúng ta thấy các diễn viên cũng vội vã ra về vì còn suất diễn tối. Sau đó đến nhà hàng Hạnh Phúc trong đồi mộng mơ, dùng cơm (set menu 8 món). Chúng ta đã từng ăn tại đây và tin tưởng, đúng vậy bửa ăn rất đạt yêu cầu, chất lượng. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn ban quản lý khu du lịch thung lũng tình yêu – đồi mộng mơ đã dành những ưu ái cho đoàn, chúng tôi không bao giờ quên những sự tốt đẹp khi đến đây.

        Trên đường về lại khách sạn đã ghé qua tiệm chè kem hoa quả theo xì tai (style) Đà Lạt để mọi người thưởng thức, sau đó nhiều người còn đặt hôm sau mang về Sài Gòn làm quà, đặt cũng ít thôi chỉ có 200 ly chè hà.

        Sau hai đêm quần thảo chợ Đà Lạt, sáng hôm sau khi đưa hành lý và hàng hóa lên xe anh phụ xế đã nói vui “đi xe cũng chất đầy, về tưởng đâu xe tróng ai ngờ cũng đầy nữa”. Tất nhiên anh cũng nói vui mà thôi chứ anh nào có dám ngăn cản cánh phụ nữ thực hiện sự ham thích mua sắm. Ngăn cản hả ! là xem chừng đấy mấy chị sẽ xắt đẹp anh liền…ha ha ha.

        Rời Đà Lạt, trên đường về đã vào tham quan thác Pongour hay còn gọi là thác bảy tầng, hay thác thiên thai (Pongour phiên âm theo tiếng dân tộc K’Ho bản địa có nghĩa là ông chủ vùng đất sét trắng) vì vùng này có nhiều đất kaolin. Đây cũng là vùng mà Vua Bảo Đại thường tổ chức săn voi và đã phong cho ngọn thác này là “Nam thiên đệ nhất thác”. Thật vậy ngoài sự hùng vĩ, thiên nhiên còn tạo ra một kiệt tác với 7 tầng làm nên bức tranh hoàn mỹ (chúng ta cũng đã từng đến thác Dray Nur tại Daklak, về sự hùng vĩ thì Dray Nur có hơn  vì nước đổ thẳng từ cao xuống nhưng về thẩm mỹ thì thác Pongour đẹp hơn hẳn bởi có đến 7 tầng thác nước) Thác Pongour rộng 120m, cao 30m là ngọn thác hùng vĩ nhất tỉnh Lâm Đồng.

        Ngày nay các thác nước đã bị chi phối nhiều bởi thủy điện nên lượng nước thường không nhiều thậm chí không có nước. Mấy hôm trước có mưa to nên Pongour hôm nay lượng nước cũng có vừa phải nên chúng ta có thể lên đứng trên thành thác ghi lại những bức ảnh tuyệt đẹp. Nếu theo lượng nước ngày xưa mà người viết đã từng đến thì dù mạo hiểm đến đâu cũng không ai dám nghĩ đến việc lên thác. 

        17 giờ30 thì đoàn đã về lại nơi xuất phát, một chuyến hành trình “Chia sẻ những yêu thương 2015” mang ý nghĩa nhân ái kết hợp cùng tham quan du lịch đã được hoàn mãn. Là một đoàn từ thiện, chúng tôi những người thực hiện chương trình dù không chuyên tổ chức tour nhưng bằng sự cố gắng hết mình, cố làm sao tốt nhất để phục vụ nội bộ đoàn trong chuyến tham quan, nếu có gì sơ suất mong được sự đồng cảm chia sẻ cùng những khả năng nhất định của chúng tôi. Kính chúc các thành viên của đoàn luôn được mạnh khỏe, an vui, hạnh phúc. Hẹn gặp lại trong những chuyến hành thiện từ tâm sắp tới.

        Cũng xin nói thêm, trong kinh phí của chuyến đi (bảng công khai tài chính) chúng ta có trích ra 8.000.000đ để ủng hộ chùa Di Đà tại huyện Bảo Lâm - Bảo Lộc (gần thác Dambri) làm mới bộ giếng nước phục vụ trong việc sinh hoạt của trong chùa và cho bà con cư dân sống lân cận chùa (theo Thầy Đồng Châu sẽ làm cả ống dẫn nước). Trong chuyến đi chúng ta cũng đã vận động trực tiếp trên 2 xe thêm được 12.000.000đ, tổng cộng đã đủ 20.000.000đ theo kế hoạch tạo mới bộ giếng nước. Khi bài viết này lên trang mạng, chúng tôi đã chuyển số tiền 20 triệu đồng này đến Thầy Thích Đồng Châu, trụ trì chùa Di Đà (handphone 0903 113647). Sau khi giếng hoàn thành Thầy sẽ chụp ảnh gửi về cho chúng ta và ảnh sẽ được update lên trong bài viết này.

       Cũng xin nói thêm đạo tràng người dân tộc Châu Mạ thuộc chùa Di Đà là một trong ba đạo tràng lớn của đồng bào dân tộc tại Lâm Đồng (ba đạo tràng tại chùa Thanh Sơn, Pháp Hoa, Di Đà). 

        Thiện nguyện Lá Bồ Đề

         Tin về hành trình “chia sẻ những yêu thương” cũng đã được đăng tải trên trang truyền thông Phật giáo VN ngày 20.4.2015 với đề tựa hành trình chia sẻ những yêu thương tại mục từ thiện – sống đẹp

        Báo Giác ngộ ngày ngày 21.4.2015 với đề tựa các chùa tặng quà từ thiện, xây cầu. Mục từ thiện – xã hội.

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 33
Lượt truy cập: 9532262