Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

Bệnh tim - Những điều cần biết

Nhiều người mắc bệnh về tim mạch đã cảm nhận về những triệu chứng bất thường nhưng do chỉ thoáng qua và cũng đã nhanh chóng quên đi những triệu chứng ấy, những dấu hiệu cảnh báo một nguy cơ. Đến khi bệnh trở nặng và rõ ràng thì cũng có nghĩa là việc điều trị sẽ khó khăn, tốn kém nhiều hơn và thường hiệu quả không cao so với việc phát hiện và can thiệp sớm, kịp thời.

BỆNH TIM – CĂN BỆNH CỦA THỜI HIỆN ĐẠI

        Nhiều người mắc bệnh về tim mạch đã cảm nhận về những triệu chứng bất thường nhưng do chỉ thoáng qua và cũng đã nhanh chóng quên đi những triệu chứng ấy, những dấu hiệu cảnh báo một nguy cơ. Đến khi bệnh trở nặng và rõ ràng thì cũng có nghĩa là việc điều trị sẽ khó khăn, tốn kém nhiều hơn và thường hiệu quả không cao so với việc phát hiện và can thiệp sớm, kịp thời.

        So với trước đây, bệnh tim thường chỉ tấn công những người cao tuổi, thì nay nó đang được trẻ hóa, số phụ nữ mắc bệnh tim từ 35-44 tuổi đang tăng cao. Do đó thay đổi thói quen là cách hiệu quả giảm nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này. Một nghiên cứu thuộc Viện Karolinska, Thụy Điển, cho biết chỉ có 1% những người đàn ông tham gia nghiên cứu là có thực hiện tất cả các thói quen lành mạnh (nói đến phần dưới đây). Họ cũng cho rằng, thói quen ăn uống lành mạnh và uống ít rượu có tác động nhất trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở nam giới, việc loại bỏ thuốc lá là một trong những điều kiện giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở cả 2 giới. Theo chuyên gia tim mạch tại Trung tâm y tế UCLA, Los Angeles và Santa Monica cho biết, các nghiên cứu kể trên rất có ích đặc biệt với những người trẻ, đối tượng đang chịu ảnh hưởng bởi lối sống hiện đại ngày nay với khẩu phần ăn quá nhiều năng lượng , nhưng lại ít vận động, nó khiến cho mối nguy cơ đối với sức khỏe tăng lên đặc biệt là các bệnh tim mạch.

        Người bệnh tim hoặc có nguy cơ cao về bệnh tim như người cao tuổi, thừa cân, béo phì tăng huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol máu, hút thuốc lá nhiều... nên được thăm khám định kỳ tim mạch. Nếu cùng lúc xuất hiện ít nhất 2 triệu chứng trong các triệu chứng dưới đây người bệnh cần phải đến bệnh viện.

        Khó thở, đặc biệt là khi nằm xuống

        Người mắc bệnh tim thường xuất hiện triệu chứng khó thở kể cả khi có gắng sức hoặc không. Khó thở cũng có khi xảy ra vào ban đêm, lúc bạn đang ngủ, đó là do việc đột ngột tim giảm khả năng co bóp, làm gián đoạn quá trình bơm máu từ tim đến phổi gây khó thở. Nếu bạn cảm thấy khó thở như có vật gì đó đè nén ngực hoặc gặp khó khăn khi hít thở sâu, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

        Cảm giác nặng trong ngực hoặc tức ngực

        Cảm giác bị đè nặng lên ngực hoặc tức ngực. Người bệnh có cảm giác đau thắt ngực ở khu vực dưới xương ức, phía trước, cơn đau thường kéo dài 10 phút và hay lặp lại (thường thì trong những thời gian trước đó đã từng có những cơn đau thoáng qua với tần suất càng dài và càng dày hơn nhưng đã bị bỏ qua). Những cơn đau ngực là dấu hiệu của bệnh tim. Khi bị đau ngực kéo dài, người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối và khẩn trương đến bệnh viện vì đây có thể là dấu hiệu của một cơn nhồi máu cơ tim.

        Đau thắt ngực hoặc đau ngực nói chung thường là do các tế bào cơ tim không nhận đủ oxy do lưu lượng máu tới tim giảm. Trong suy tim, do khả năng bơm máu của quả tim bị suy giảm, việc lưu thông máu tới các cơ quan trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Suy tim càng nặng người bệnh càng khó thở, thậm chí người bệnh khó thở khi làm những công việc cá nhân hoặc cả khi ngồi nghỉ. Các cơn khó thở đến mức có cảm giác quần áo, xiết chặt vào cơ thể.

        Hiện tượng phù

        Hiện tượng suy tim có thể xuất hiện cùng lúc với hiện tượng phù, cơ thể có dấu hiệu tích nước. Nếu thấy khi ngủ dậy mặt bị căng phù, mí mắt nặng, hoặc điển hình phù bàn chân vào thời điểm nhất định trong ngày cảm thấy đi dép chật...., tất cả đều cho thấy bạn đang có những triệu chứng của suy tim. Khi lượng máu ra khỏi tim chậm, máu trở về tim qua tĩnh mạch bị ứ lại, khiến dịch tích tụ tại các mô. Thận không thể đào thải muối và nước cũng gây giữ nước trong các mô làm bệnh nhân bị phù.

        Cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức

        Mệt mỏi không rõ nguyên nhân. Nếu thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức nhiều lần trong ngày, thậm chí mệt mỏi cả sau khi ngủ dậy. Nếu hiện tượng này xảy ra một cách thường xuyên, nó báo hiệu bạn đang gặp vấn đề về tim mạch. Thường xuất hiện mệt là do các bộ phận trong cơ thể của bạn không nhận được đủ oxy cần thiết do tim bị suy giảm chức năng co bóp.

        Ho dai dẳng hoặc khò khè

        Người bị suy tim sung huyết là khi chức năng bơm máu của tim không đủ cung cấp cho cơ thể, máu bị ứ lại, gọi là ứ dịch xảy ra ở nhiều cơ quan như phổi : sẽ gây ho mạn tính, thở khò khè, nếu ứ dịch ở gan, ruột gây chán ăn, buồn nôn… Với trường hợp ho dai dẳng dễ nhầm với bệnh phổi như :  hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... Tình trạng ho có thể xấu đi khi nằm hoặc mới ngồi dậy. Ho do bệnh tim thường ho khan hoặc có thể có đờm trắng hoặc chất nhầy đặc.

        Chán ăn

        Một trong những dấu hiệu chính của suy tim sung huyết là người bệnh lúc nào cũng có cảm giác no. Đó là do sự tích tụ của dịch trong gan hoặc hệ thống tiêu hóa của người bệnh. Kết quả là, người bệnh không còn cảm giác muốn ăn và ăn ít hơn. Nếu có thêm triệu chứng mệt mỏi đến mức không muốn ăn, người bệnh cần sớm đến chuyên khoa tim mạch.

        Đi tiểu ban đêm

        Đi tiểu thường xuyên vào ban đêm là một dấu hiệu quan trọng của suy tim. Điều này xảy ra do sự chuyển dịch lượng nước tích tụ trong cơ thể gây phù ở nhiều bộ phận đến thận thông qua các mạch máu. Để tránh hiện tượng này, người bệnh cần kiểm soát lượng nước đưa vào cơ thể vào buổi tối hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu vào buổi sáng. Tuy nhiên cũng cần phải biết rằng tiểu nhiều vào ban đêm còn là triệu chứng của những bệnh khác như viêm tiết niệu, tiền liệt tuyến…

        Nhịp tim bất thường

        Trong suy tim, trái tim người bệnh thường đập với tốc độ nhanh hơn, hay cảm giác như đang chạy hoặc đập dồn dập. Nguyên nhân khiến tim đập nhanh là để bù đắp cho khả năng suy giảm chức năng bơm máu. Các biểu hiện như hồi hộp bất thường, nghe rõ tim đập như đánh trống ngực đều cần được người bệnh lưu tâm. Tuy nhiên cũng có trường hợp trong bệnh lý có liên quan đến dạ dày cũng gây nên tình trạng nhịp đập mạnh bất thường của tim.

        Lo lắng

        Nếu có các hiện tượng cảm thấy lo lắng hoặc cảm thấy bất an (không có nguyên nhân), cộng thêm một trong những triệu chứng thở nhanh, nhịp tim bất thường và lòng bàn tay đổ mồ hôi.  Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến cảnh báo bạn đang bị suy tim , tuy nhiên dấu hiệu này lại rất hay nhầm lẫn và xem thường, không lưu tâm.

        CƠN ĐAU TIM MỘT DẠNG TAI BIẾN THƯỜNG GẶP

        Cơn đau tim là tình trạng có một hoặc nhiều mạch máu đến nuôi tim bị tắc nghẽn đột ngột. Sự tắc nghẽn mạch máu này khiến việc nuôi dưỡng tế bào cơ tim bị sút giảm trầm trọng có thể dẫn đến chết tế bào cơ tim. Những tế bào cơ bị chết này không tham gia được việc dẫn truyền điện tim và co bóp của cơ tim. Tổn thương tế bào cơ tim với số lượng lớn hay tại một số vị trí đặc biệt có thể làmtim ngừng đập.

        Mặc dù đau tức ngực là dấu hiệu phổ biến nhất của đau tim, nhưng nhiều người có thể không có trải qua cơn đau tức ngực này. Nếu có xảy ra dù nhẹ cũng cần lưu tâm không chủ quan. Khi có bất cứ triệu chứng trên kéo dài hơn 5 phút mà không rõ nguyên nhân thì nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nên nhớ các phương pháp điều trị sẽ có hiệu quả nếu bạn được cấp cứu trong vòng 1 giờ sau khi các triệu chứng của cơn đau tim bắt đầu

        Dấu hiệu sớm của cơn đau tim : nếu chú ý ta sẽ nhận biết thường bắt đầu bằng những cơn đau nhẹ, ngắn, theo thời gian tăng dần đau nhiều hơn trong thời gian dài hơn và tầng suất dày hơn. Khi có cảm giác đau ở ngực phía sau xương ức như bị bóp nghẹn, đè nén hay cảm giác như co thắt, như dao đâm, đau dữ dội trong lồng ngực. Đau ngực thường từ phía sau xương ức lan lên cổ, cằm, vai và tay bên trái đôi khi lan xuống cả 2 cánh tay. Kéo dài trên 20 phút . Kèm theo đó là các triệu chứng:

 - Người vã mồ hôi - Mặt tái xanh - Tinh thần hốt hoảng - Cảm giác buồn nôn và nôn - Hơi thở nhanh và ngắn.

        Với những dấu hiệu vừa nêu, khẳng định tim đang tình trạng nguy kịch. Nhiều thống kê cho thấy người bị cơn đau tim nặng dẫn đến tử vong trong 4 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện cơn đau tim. Tuy nhiên trong thời gian này trước khi đến được bệnh viện việc sơ cứu ban đầu là rất cần thiết để cứu sống người bệnh.

        1. Nhận biết rõ các triệu chứng và bình tĩnh kiểm soát tình huống.

        2. Đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm yên ở tư thế thoải mái.

        3. Nới rộng quần áo và không cho phép bệnh nhân cử động. 

        4. Gọi ngay đến trung tâm cấp cứu hoặc bệnh viện gần nhất. Giúp ổn định tâm lý bệnh nhân trong lúc chờ xe cứu thương đến. Nếu phải tự đưa bệnh nhân đi phải chú ý tránh để bệnh nhân lai động hạn chế tổn thương tại cơ tim.

        5. Chuẩn bị sẵn sàng hô hấp nhân tạo xoa bóp tim ngoài lồng ngực (là một phương pháp hô hấp nhân tạo đơn giản và hữu hiệu, tuy nhiên cũng cần có kiến thức cơ bản nhằm tránh gây tổn thương không đáng có trong động tác đè ép lồng ngực)

        Nếu không phải là Bác sĩ chuyên môn thì không nên tự cho bệnh nhân uống thuốc bất kỳ dù là thuốc tim hay trợ tim… Với bệnh nhân đã từng bị đau tim thì người này thường có mang theo thuốc ngậm dưới lưỡi - một loại thuốc giúp làm giãn mạch máu nuôi tim, tăng cường cung cấp máu cho tim. Nên hỏi bệnh nhân điều này và lấy hộ thuốc cho bệnh nhân, không nên để bệnh nhân tự đi tìm thuốc.

        Để có trái tim khỏe mạnh, chúng ta cần tập theo một thói quen đơn giản mà theo thống kê 92% người có những thói quen dưới đây thì 66% không bị cơn đau tim.

        - Không hút thuốc.

        -  Có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường.

        -  Tập thể dục cường độ trung bình đến mạnh ít nhất 2,5 giờ một tuần.

        -  Xem ti vi tối đa 7 giờ mỗi tuần.

        -  Uống rượu hay đồ uống có cồn vừa phải 1 ly hoặc ít hơn mỗi ngày

        -  Có chế độ ăn uống lành mạnh của các loại trái cây và rau quả , ngũ cốc nguyên hạt , cá , hoặc thực phẩm giàu axit béo omega-3, hạn chế đồ uống có đường, thịt chế biến, các loại thịt đỏ, chất béo trans và natri.

        Theo nhóm nghiên cứu, Andrea Chomistek y tế công cộng, trường Đại học Indiana Bloomington cho biết, với những người có từ 2 thói quen lành mạnh kể trên đã có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn những người không có thói quen nào. Kể cả những nhóm đối tượng có nguy cơ như cao huyết áp, mỡ máu, cholesterol cao, nếu có ít nhất 4 thói quen trên họ cũng giảm nguy cơ mắc bệnh tim cho riêng mình.Tuy nhiên trong 6 thói quen kể trên, việc duy trì chỉ số khối (IBM) của cơ thể được cho là có tác động nhất đối với việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

        BMI = cân nặng kg : (chiều cao m x chiều cao m). Nếu chỉ số kết quả từ 18,5 – 25 là bình thường (dưới 18,5 là suy dinh dưỡng). Từ 25 – 30 là thừa cân (25 – 25 tăng cân nhẹ; 25 – 29,9 béo phì độ 1). Trên 30 là béo phì độ 2.

        Một bài tập nhỏ để tự kiểm tra tình trạng của tim

        Trước khi thực hiện hãy lấy số liệu nhịp tim bình thường trong 1 phút (kết quả 1)

        Bắt đầu thực hiện động tác gập người về phía trước trong 20 lần (khi gập người thì hít vào, khi thẳng lưng thì thờ ra). Đo nhịp tim sau khi thực hiện xong 20 lần. (kết quả 2)

        Nghỉ 1 phút, tiếp tục thực hiện 20 lần như vừa rồi. Đo nhịp tim ta có kết quả 3.

        Tính toán: lấy kết quả 1 + 2 + 3 – 200 : 10 =

        Từ 0 – 3 là tim rất tốt

        Từ 3 – 6 là tim khá tốt

        Từ 6 – 9 là tim bình thường

        Từ 9 – 12 là tim kháu xấu

        Trên 12 là tim có vấn đề - nên đến bệnh viện kiểm tra

        An Khánh

Tổng hợp, nguồn từ New England Journal of Medicine Telegraph, Health me up, Health to You, The Health Today.

 

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 42
Lượt truy cập: 9534111