Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

ĐẾN BÌNH ĐỊNH và TRẠI PHONG QUY HÒA

Đã từng đến với miền Trung, hiểu được cảnh sống có phần khắc nghiệt, cơ cực, nghèo khó... Khám bệnh cho 500 người tại Bình Định và hơn 300 người tại Phú Yên, các Bác sĩ đã dành nhiều thời gian cho từng trường hợp để giúp bà con hiểu, nhận biết về bệnh trang của mình cũng như biết cách phòng tránh... Đến Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương và Trại phong Qui Hòa tại Qui Nhơn- Bình Định tặng quà cho những bệnh nhân già yếu, cô đơn trong đó có những cụ đang trong giai đoạn không còn tự chủ ...

ĐẾN VỚI BÌNH ĐỊNH VÀ PHÚ YÊN

        Đã từng đến với miền Trung, hiểu được cảnh sống có phần khắc nghiệt, cơ cực, nghèo khó, nơi luôn có thừa nắng hạn và mưa bão. Thương bà con lắm khi lần đầu tiên được đến với những vùng quê xa của dải đất Nam Trung bộ, qua một lần khám bệnh đã phát hiện ra rằng đa số bà con có một chứng bệnh gần giống nhau được xuất phát từ kém dinh dưỡng nếu không muốn nói là suy dinh dưỡng nặng nhưng vẫn phải luôn cố gắng để tự vươn lên với chính mình, để hy vọng có thể cải thiện được cuộc sống của gia đình. Thương lắm những người hiền hòa chất phác, chịu thương chịu khó, một nắng hai sương .

        Nhận lời mời của Sư cô Thích Nữ Đức Nguyên, trụ trì chùa Bửu Thắng tại thôn Nhơn Thuận xã Tây Vinh huyện Tây Sơn – Bình Định và Đại đức Thích Chúc Thuận, trụ trì chùa Từ Quang (Đá Trắng) tại thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An – Phú Yên. Chi hội Chí Tâm đã phối hợp cùng Thiện nguyện Lá Bồ Đề thống nhất lên kế hoạch thực hiện chương trình kết hợp khám bệnh tại Bình Định , Phú Yên và tặng quà cho những bệnh nhân “Phong” già yếu cô đơn đang sống phần đời còn lại tại Trại phong Quy Hòa (Qui Nhơn).

        Khi kế hoạch được xúc tiến, một nhóm mạnh thường quân tại Tp.HCM là Phật tử của chùa Bửu Thắng cùng gia đình chị Diệu Phước (Q.11. Tp.HCM) đã ủng hộ phần chi phí tiền xe, tạo điều kiện thuận lợi để chương trình sớm thực hiện. Phần kinh phí cho cơ số thuốc tân dược do Chi hội Chí Tâm phụ trách, kinh phí phần quà do Thiện nguyện Lá bồ đề phụ trách cùng khâu hậu cần của chuyến đi do cá nhân thành viên Lá bồ đề chịu trách nhiệm. Cũng xin nói thêm trong những chuyến công tác y tế vùng xa thì khoản chi phí về tiền xe, ăn ở… là khá lớn, luôn là nỗi băn khoăn và thường phải vận động tài trợ vì đoàn Y Bác sĩ, Dược sĩ… là khách mời giúp cho chương trình nên không thể thu hay chia sẻ chi phí này, điều đó khác với những lần đi từ thiện khác, các thành viên tham gia đều sẳn sàng cùng nhau chia sẻ chi phí.

        Qua đây Thiện nguyện Lá bồ đề cũng xin tri ân đến Cô P Công ty… cùng những ân nhân trực tiếp hoặc gián tiếp đã gửi tặng nhiều vật phẩm có giá trị giúp cho chương trình từ thiện lần này thêm phần sung túc, ý nghĩa thiết thực, trong đó có những ân nhân chuyển đóng góp qua ngân hàng mà chúng ta chưa một lần gặp mặt. Xin thay mặt cho những người bất hạnh chân thành tri ân đến tất cả.

        Theo kế hoạch ban đầu, chúng ta chuẩn bị 100 phần quà dành tặng cho những bệnh nhân “Phong” già yếu cô đơn đang sống tại Trại phong Quy Hòa (Gành Ráng – Qui Nhơn). Sau đó phía Bệnh viện đã đề nghị xin tăng thêm 15 phần dành cho những bệnh nhân nghèo, khó khăn và người dân tộc đang điều trị tại Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương, tại Qui Nhơn. Sau khi tham khảo thực tế, được biết việc ăn uống của tất cả các cụ là do trại chăm lo hàng ngày, hơn nữa để phòng cháy nên không cho phép tự đun nấu tại phòng ở, và đã gợi ý với chúng ta về một số vật phẩm mà các cụ đang cần. Do đó, lần này ta tập trung vào các vật phẩm cần thiết phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của các cụ thay vì nặng về lương thực, thực phẩm như những lần khác. Quà gồm tổng cộng 16 mặt hàng trị giá hơn 470.000 đ và mỗi phần quà còn có thêm 100.000đ tiền mặt. Ngoài ra đã gửi tặng chung bếp ăn phục vụ cho các cụ một số thực phẩm cùng 2.500.000đ tiền mặt góp phần nhỏ cải thiện thêm trong bửa ăn của các cụ. Riêng 15 phần quà tại Bệnh viện có thêm lương thực nên mỗi phần quà có 20 mặt hàng cùng 100.000đ tiền mặt. Tổng kinh phí của 115 phần quà là khoảng hơn 65.000.000 đồng do các ân nhân gần xa cùng nhau đóng góp (phần tài chính của Chi hội Chí Tâm do Chí Tâm quản lý)

(tham khảo thêm phần đóng góp tài chính và phân bổ vật phẩm tại mục “tài chính” của trang web).

        Trưa ngày 21.5.2015, đoàn công tác khởi hành thẳng tiến đi Bình Định, đêm ngủ trên xe. Khi đến nơi cũng vừa sáng, từ đây vì đường nhỏ lại có những cây nghiêng ra đường nên xe không vào được, đoàn phải đi bộ vào chùa Bửu Thắng khoảng hơn 500m. Sau khi tranh thủ vệ sinh cá nhân và ăn sáng, các thành viên của Lá bồ đề và Chí Tâm đã cùng phối hợp bắt tay ngay vào làm việc. Bằng những kinh nghiệm nhất định, công tác khám bệnh được triển khai tổ chức phối hợp từng bộ phận nhịp nhàng. Đến giữa trưa, công tác khám bệnh, tư vấn các vấn đề liên quan đến sức khỏe cho 500 người và cấp thuốc miễn phí đã hoàn tất sớm hơn dự kiến, trong đó sự nhiệt tình, năng động và trách nhiệm của các anh chị làm công tác hướng dẫn bà con theo trình tự đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì trật tự cần thiết giúp cho các hoạt động được thông suốt.

        Cảm nhận của mọi người nhất là những người khi lần đầu được đến với những nơi vùng xa của mãnh đất miền Trung đã nói lên cảm nghĩ của mình thật ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa "Thương quá miền Trung ơi", bởi trước mắt, nhìn các cụ đến khám bệnh người nào cũng ốm yếu, trên gương mặt của mỗi người là bằng chứng của cuộc sống nghèo khổ và khắc nghiệt. Có vài trường hợp đau lòng, chỉ đơn giản té gãy chân nhưng vì không có tiền nên ai chỉ gì làm nấy, bó lá cây đủ loại để rồi hậu quả chân bị cứng đi không được mà vết gảy thì không lành. Có một bà khi đến khám bệnh, phát hiện bà đi không được anh em đã có ý ẵm bà vào nhưng bà bảo để bà tự lếch vào, thương quá anh em cũng đã ẵm bà vào để lên ghế, trước thực trạng này chúng ta nghĩ ngay đến việc tặng bà một xe lăn nhưng bà không nhận, thật ngạc nhiên vì có người cho mà không nhận, sau đó mới biết hai tay của bà cũng bị dị tật lại bị gãy nên không thẳng, rất yếu và bà cũng sống một mình không con cháu nên cũng không ai đẩy bà đi được "Cám ơn chú nhe, cho người khác đi, tui lếch như vầy cũng được mà, quen rồi", thật thà là thế, chân chất là thế. Đau lòng quá, có lẽ không còn có thể nào bi đát hơn, những cảnh đời nghiệt ngã. 

        Dùng cơm trưa xong, theo kế hoạch sẽ đến tham quan Bảo tàng Quang Trung gần đó, một nơi gắn liền với lịch sử Việt Nam, nhưng thật tiếc vì giá vé vào cổng đắt quá mức cần thiết mặc dù đoàn đề nghị và Sư cô, cùng viên chức địa phương đã liên hệ để hy vọng có được sự ưu ái đối với đoàn từ thiện từ phương xa đến với địa phương mình “tôi còn phải trả lương nhân viên nên sao giảm giá được” bên kia tắt luôn máy điện thoại, mọi nổ lực cố đã không thành, hơn nữa trời đang nắng như đổ lữa làm cho một số vị nữ lớn tuổi ngại nên đành nuối tiếc ôm nỗi buồn tiếp tục hành trình về lại Qui Nhơn. Đây là điều tiếc nuối nhất trong chuyến đi vì hầu hết chấp nhận vào với giá cao, chấp nhận tự sấy khô mình dưới cái nắng nóng và cũng biết rằng có thể bên trong chẳng có gì đặc sắc ngoài ý nghĩa lịch sữ. Trên đường về, khi xe dừng để ghé vào một Chùa mà thành viên trong đoàn giới thiệu, đã có những ý kiến “mình thuê taxi đi vào lại bảo tàng nhe” thực tế đường đã quá xa rồi, điều đó nói lên rằng sự nuối tiếc là đến mức nào.

        Tại Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương chúng ta tặng 15 phần quà, các thành viên trong đoàn đã nhanh chóng lấy các mặt hàng theo kế hoạch mỗi phần quà, phân vào từng túi và mang vào tặng cho bà con với sự chứng kiến của Phó Giám đốc Bệnh viện. Sau đó đã hướng dẫn đoàn vào Gành Ráng theo dốc Mộng Cầm đến Trại phong Quy Hòa.

        Vào tận khu trại của các cụ là bệnh nhân già yếu, cô đơn. Công việc tặng 100 phần quà cũng nhanh chóng triển khai theo tuần tự với sự trợ giúp của các thành viên trong đoàn đưa bà con nhận quà, ngoài ra còn mang một số phần quà vào tận giường bệnh để tặng cho các cụ đã trong giai đoạn không tự chủ được. Tại đây chúng ta cũng đã gửi tặng chung cho bếp ăn của trại này một số lương thực, thực phẩm cùng tiền mặt và savon chuyên da liễu dành dùng cho những bệnh nhân có vấn đề về da và một số vật phẩm dành tặng riêng cho nhân viên là những người phục vụ cho các cụ. Những hình ảnh thật đau lòng căn bệnh quái ác ngày nào dù đã được ngăn chặn nhưng di chứng là điều không tránh khỏi, đã vậy lại còn phải chịu cảnh sống cô đơn cho hết phần đời còn lại và càng đau lòng hơn khi được nghe "trong đây nhiều người cũng có thân nhân gia đình đó chứ" nhưng thân nhân và gia đình bây giờ đã là chuyện của quá khứ. Nỗi bất hạnh của thể xác lẫn tâm hồn.

Tham quan mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử và bãi biển Hoàng hậu (bãi trứng)

        Cũng xin nói thêm, theo thông báo có 100 cụ nhưng thực tế chỉ còn 87 cụ, số 13 phần quà còn lại cũng không đủ để tặng cho bà con từ các trại khác đến cũng là những bệnh nhân nhưng có gia đình bình thường, số này khoảng hơn 400 (theo số liệu báo cáo). Số quà này thống nhất chuyển lại về cho bên Bệnh viện để tặng cho các bệnh nhân nghèo khác, riêng tiền mặt của 13 phần quà đó chúng ta đã trích ra cùng với số tiền phát sinh thêm để dành tặng cho nhiều bà con các trại khác đang có mặt.

        Đoàn cũng đã được hướng dẫn tham quan (không mất tiền vé) khu mộ của Thi sĩ Hàn Mạc Tử và khu du lịch bãi biển Hoàng hậu hay còn gọi là bãi trứng.

        Sau đó tiếp tục hành trình về Phú Yên đến chùa Từ Quang “Đá Trắng”. Thật cảm động Chùa đã bố trí đón đoàn tận ngoài quốc lộ, vì đang mở đường nên dốc lên Chùa trở nên quá gắt và cao do đó xe của đoàn không thể lên để vào Chùa được (ngoài dự kiến). Một lần nữa bà con địa phương cùng các Phật tử đã nhanh chóng tạo điều kiện tốt nhất đưa đoàn và hành lý cùng thuốc trị bệnh vào trong để dùng cơm và nghỉ đêm. Cũng như tại Chùa Bửu Thắng (Bình Định), sự trọng thị tiếp đón ân cần của bà con địa phương nói riêng và của ban thủ tự của mỗi Chùa nói chung đã để lại cho chúng ta một tình cảm tốt đẹp. Đã thương càng thương hơn qua câu nói của tiền nhân “nghèo tiền chứ nào nghèo tình cảm”.

        Chùa Từ Quang là ngôi chùa cổ được khai sơn năm 1797, được triều đình (nhà Nguyễn) ban Sắc Tứ năm 1889 bởi có công đào tạo nhiều danh Tăng. Chùa được công nhận là di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia năm 1997. Chùa có tục truyền gọi là chùa Đá Trắng (trước khi có tên Từ Quang) vì tọa lạc trong vùng núi đá trắng, tuy nhiên đá ở đây không đạt độ cứng và tinh như ở Non Nước (Đà Nẳng).

        Một đêm sống gần với núi rừng, gần với thiên nhiên dù qua hai ngày khá vất vả nhưng sáng ngày thứ ba gần như mọi người đều dậy sớm để tận hưởng cái thú vị mà cuộc sống giửa phố thị ngày nay chúng ta không có được. Ngồi nhâm nhi café (tự chọn) giửa trời dịu mát thoảng hương của cỏ cây, mùi của đất cùng ánh bình minh và gần như không ai bảo ai mọi người sau đó đều tranh thủ vãng cảnh Chùa bởi những cây xoài nổi tiếng ngày xưa là xoài dùng để tiến Vua thời triều Nguyễn, quần thể cây xoài cổ này (có những cây đã hơn 200 năm) được chứng nhận là quần thể cây di sản Việt Nam năm 2014. Xoài tiến Vua, trái nhỏ (điều này trái với suy đoán của mọi người là trái to đẹp, có lẽ do chất đất nên từ Phan Thiết trở ra xoài đều nhỏ trái) nhưng đặc biệt là rất thơm khi trái chuyển chín vàng.  (Cũng nói thêm vì đường xa với những bất tiện nhất định nên về khâu hậu cần của đoàn lần này chuẩn bị khá đầy đủ, đa dạng bên cạnh một số thành viên mang theo đưa ra dùng chung, café thì các loại, sữa, ăn uống trên xe cũng như ăn uống giải lao trong lúc làm việc kể cả quan tâm đến bửa ăn của đoàn thêm ngon đã nhờ mua thêm các loại gia vị tại chổ để tăng cường cho nhà bếp... Cho điểm 9 nhe, phát huy lần sau tốt hơn nữa sẽ cho điểm 10 nhé)

        7 giờ sáng bà con đã bắt đầu đến, công tác khám bệnh tiếp tục triển khai thực hiện. Tại đây cũng như tại Bình Định mọi việc đều phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng. Điều đó một lần nữa khẳng định nếu khâu hướng dẫn ở giữa làm tốt, năng động và có trách nhiệm sẽ giúp rất nhiều trong việc vừa ân cần chỉ dẫn vừa giải quyết khâu trật tự. Tại đây chúng ta lại được nghe về chứng bệnh của nhiều người mà chúng tôi vẫn thường hay nhắc đến“seo tự nhiên nó xe bồ bồ”. Có những người huyết áp đang là 18/10 – 19/11… một bằng chứng của huyết áp lâu ngày không được kiểm soát đã ảnh hưởng đến thận,  “leo ròi có bị ceo máu Béc sĩ cho uống thuốc mấy ngày hết bệnh ròi, không uống nữa”.  Tất cả những điều này đã được dự đoán trước nên bộ phận dược lần này đã chuẩn bị đầy đủ, đa dạng thuốc dùng cho bà con.  “Seo tui mệch hoài, leo leo tim cứ như bị ai bóp nghẹt đâu nhói vậy đó”, sau khi khuyên bà không được coi thường, nên đến bệnh viện để kiểm tra hoặc lúc đang bị đau thì đến ngay bệnh viện, thật bất ngờ và thương quá khi nghe bà nói “hỏng seo đâu, bị chút hết hè, tui thấy bình thường mè, en hỏng dám en nữa lấy tièn đâu mua thuốc, bởi dậy nghe Béc sĩ Sè Gòn dìa là tui chạy lợi liền”.

        Một xã ở đây cũng khá rộng, để đến trạm xá của xã cũng khó, nói chi là đến bệnh viện huyện mà theo nhiều người “bệnh chút hè, xa lém, mè có đi cũng khong có tèn” Thương cho bà con chưa. Bà con rất cần, cần lắm những hiểu biết nhất định để ít ra cũng nhận biết được bệnh trạng của mình, vì thiếu thông tin, chỉ dẫn nên chủ quan xem thường mặc dù đã có những trường hợp có triệu chứng báo hiệu của diễn tiến xấu (các Bác sĩ đã cố thuyết phục bằng mọi cách phải đến bệnh viện thậm chí đã phải dùng đến từ giữa sống và chết chọn cái nào). Xác định trọng tâm, qua công tác khám bệnh, các Bác sĩ đã dành nhiều thời gian cho từng trường hợp để giúp bà con hiểu, nhận biết về bệnh trang của mình cũng như biết cách phòng tránh và cũng đã có những chỉ định cần thiết nên sớm tiếp tục theo dõi điều trị tại bệnh viện tuyến trên. Cũng khá bất ngờ khi công việc khám bệnh hoàn thành có người mẹ trẻ đã mang con mới hơn tháng tuổi đến cứ nghĩ xin khám bệnh nhưng không cô chỉ nhờ Bác sĩ chỉ dẫn cách chăm sóc và nhận biết về sức khỏe của bé và Bác sĩ chuyên nhi – tai mũi họng đã giúp cho cô (chúng ta có đủ các Bác sĩ chuyên khoa).

        Công việc khám bệnh cho hơn 300 người cũng đã xong, đoàn dùng cơm trưa tại Chùa trước khi tạm chia tay để tiếp tục hành trình về, dù là giữa trưa nắng rát da nhưng một Đại đức và những Phật tử trong Chùa cũng không ngần ngại hướng dẫn đoàn đi tham quan danh thắng “gành đá đĩa” là một thắng cảnh mà gần đây một tạp chí du lịch nước ngoài đã bình chọn là “một trong mười gành đá ven biển đẹp nhất Á châu”. Vâng đẹp thật, thiên nhiên đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo ban tặng cho chúng ta trong một khoảng gành đá không rộng lắm, những khối đá cắt gọt cẩn thận theo dạng lục giác xếp đan xen tạo hình nên bức tranh sống động, hòa quyện cùng bầu trời xanh, nước trong xanh, sóng vỗ rì rào. Say mê thưởng ngoạn mọi người gần như quên cái nắng nóng như đổ lửa. Trên đường về đoàn cũng đã đến chùa Phước Long tại huyện Đông Hòa và được Đại đức Quảng Kính (trụ trì) đón tiếp. Từ đây đoàn về Nha Trang nghỉ đêm sáng hôm sau tiếp tục hành trình về lại Sài Gòn.

        Một chuyến công tác từ thiện - xã hội đã hoàn thành đầy đủ ý nghĩa cùng với những vất vã nhất định nhưng thật vui, vui vì ta đã đến những vùng quê xa xôi, nghèo khó đến với những bệnh nhân vươn mang căn bệnh quái ác tại miền Trung, được mang những kiến thức, tình cảm cùng sự yêu thương đến chia sẻ với mọi người. Vâng sự vất vã của chúng ta có sá gì so với những khó nhọc, khổ đau của bà con. 

          Thiện nguyện Lá Bồ Đề

                Tin về chuyến từ thiện kết hợp này cũng đã được đăng tải trên trang truyền thông Phật Giáo Việt Nam ngày 25.5.2015 với đề tựa “Mừng Phật đản, khám bệnh tặng quà tại Bình Định và Phú Yên”.

              Trên báo Giác Ngộ ngày 26.5.2015 với đề tựa chung “Các chùa làm từ thiện nhân mùa Phật đản”

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 167
Lượt truy cập: 9872680