Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

ĐẾN VỚI ĐỒNG BÀO RAGLAI NƠI VÙNG BỊ HẠN HÁN

Theo lời Soeur Cao Thị Quý dòng Mến Thánh giá Nha Trang, người khấn nguyện dấn thân về với làng "cùi" Xuân Lập, thì chúng ta là đoàn đầu tiên về đây giúp cho bà con đang khó khăn do bị hạn hán nặng, kéo dài và đến đúng lúc cần thiết... Trái ngược với nhiều nơi có mưa nhiều và mưa rất to thì tại vùng phía Nam của tỉnh Khánh Hòa và phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận thì gần như không có mưa, hạn hán đã kéo dài và chưa có năm nào hạn hán kéo dài như năm nay và mùa mưa miền nam đang giai đoạn đỉnh điểm, tại đây vẫn không có mưa như vậy năm nay có thể hoàn toàn mất mùa. Bà con dân tộc Raglai tại địa phương cũng sẽ không có được công việc để làm thuê, điều đó đồng nghĩa với sự khó khăn và đói kém còn tiếp diễn.

ĐẾN VỚI ĐỒNG BÀO RAGLAI NƠI VÙNG BỊ HẠN HÁN

        Nếu trước đây, khi nghe nói về biến đổi khí hậu nhiều người vẫn cảm thấy sự mơ hồ . Nhưng vài năm gần đây chúng ta đã có thể cảm nhận rõ nét điều đó. Xin mượn lời của tác giả Trần Thiện Thanh “Không bao giờ, không bao giờ giữa mùa hè lại tuyết rơi….”, đó là lời một bài hát ngày xưa khẳng định chuyện trái ngược không bao giờ có nhưng với ngày nay điều này đã có xảy ra, trên một số quốc gia tuyết đã có rơi giữa mùa hè và tháng trước Sa Pa của chúng ta có đợt rét giữa mùa hè…

        Gần đây nhất mưa gây ra lũ lụt đã xảy ra trên diện rộng tại nhiều vùng phía Bắc đặc biệt là tại tỉnh Quảng Ninh, dù chỉ là mùa mưa thông thường và mưa không do ảnh hưởng tác động bởi vùng nhiễu động nhiệt đới hay bảo tố, có nơi mưa cũng đã gây nên chết người. Có nơi mưa liên tục kéo dài trong nhiều giờ và trong nhiều ngày liên tiếp với cường độ, lưu lượng lớn.

        Trong khi đó, trái ngược với nhiều nơi có mưa nhiều và mưa rất to thì tại vùng phía Nam của tỉnh Khánh Hòa và phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận lại hoàn toàn ngược lại, nếu không muốn nói là gần như không có mưa, hạn hán đã kéo dài và chưa có năm nào hạn hán kéo dài như năm nay, dù mùa mưa bình thường hàng năm tại các vùng đang giai đoạn đỉnh điểm, đồng nghĩa với việc năm nay bà con nơi đây có thể hoàn toàn mất mùa.

        Địa lý vùng phía Bắc tỉnh Ninh Thuận và phía Nam tỉnh Khánh Hòa là “vùng sa thảo độc nhất Asian”. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa (nóng ẩm) và khí hậu nhiệt đới xavan (nóng khô), là hai vùng khí hậu trái ngược nhau, kết hợp địa hình núi, đồi gò bán sơn địa và đồng bằng ven biển nên có lượng bốc hơi mạnh. Mỗi năm có 2 mùa rõ rệt là nắng và mưa, nhưng mùa mưa cao điểm chỉ có 3 tháng, với lượng mưa trung bình thấp hơn nhiều so với vùng lân cận. Nhân tố chính kiểm soát khí hậu nhiệt đới vùng này chính là hướng gió và do nằm khuất hướng gió nên có kiểu khí hậu khác biệt so với các vùng miền còn lại. Bên cạnh đó những dòng sông ngắn cùng khe núi hẹp và cửa biển hẹp đã hình thành nên cái “phễu đón gió”, nên cá biệt có những năm, một phần gió mạnh gây ra mưa rất lớn, nước sông dâng cao gây ra lũ quét.

        Tuy có lượng mưa hàng năm ít nhưng nếu mưa đều thì việc trồng trọt canh tác vẫn thực hiện được, riêng năm nay thì gần như hoàn toàn tê liệt, nương rẫy khô cằn, nứt nẻ. Ngày 18/7 (ngày chúng tôi đến tiền trạm) có được cơn mưa nhỏ trong khoảng 20 phút ví như “mưa vàng” dù cơn mưa đó cũng chỉ đủ làm ướt đất, nhiều bà con đã vui mừng đón đầu gieo trồng ngay những loại cây ngắn ngày nhưng rồi cũng bị chết khô và ngày 01/8 lại tái diễn và ngày chúng ta đến theo bà con cho biết “nó sắp chết nữa rồi” ngay cả những rẫy có trang bị được hệ thống tưới thì có khá hơn nhưng cũng tưới không lại vì thiếu nước và cây trồng nơi những rẫy đó cũng chung số phận với những rẫy khác chỉ có điều chậm hơn mà thôi.

        Từ chuyến khảo sát thực tế đến vùng dân tộc tại Phú Bình 2 và tìm hiểu về làng người dân tộc bị bệnh “phong” (cùi) tại Ma Rớ (Bác Ái – Ninh Thuận) , Láng Chai, Xuân Lập (huyện Cam Lâm), Đồng Đế (Nha Trang). Được chứng kiến những khốn khó của đồng bào dân tộc Raglai đang bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán, cùng những mảnh đất khô cằn, không có sức sống, mà nếu không tận mắt chứng kiến có lẽ sẻ khó tin bởi hiện nay chúng ta đều chỉ nghe đến mưa, lũ, lụt.  

        Cũng chính sự khô cằn do hạn hán kéo dài ấy nên bà con dân tộc Raglai cũng không có được công việc để làm thuê bởi hầu hết sống chủ yếu bằng việc đi làm thuê cho các chủ đất trong vùng, được gọi là “đi cuốc đất”“đi bò” (chăn bò), nên cuộc sống đã thiếu trước hụt sau giờ thì thêm khốn khó hơn, theo bà con phải ăn kèm khoai, bắp đi mót được hay vào núi đào củ rừng ăn thay cơm, vì nắng hạn kéo dài rồi cũng không còn gì để mót, không còn gì để đào ăn đở qua ngày, mà vay mượn của chủ đất để ăn trước thì “sợ lắm, không dám ăn nhiều, ăn nhiều mai mốt đi cuốc đất trừ nợ thì lại không có gì ăn”. Người lớn thiếu ăn thì có thể chịu được nhưng với các em nhỏ thì thật tội, như câu chuyện em bé “bị đau đói” mà chúng tôi được gặp.

        Dân tộc Raglai, còn  gọi là Oranlai và cũng có tên khác nữa là Noana. Cũng như nhiều dân tộc khác vẫn sống nặng theo tập quán, tuy nhiên dân tộc Raglai có khác là không du canh du cư mà luân canh và sống theo nương rẫy tự khái phá ấy. Ngày nay với chính sách dân tộc, Chính phủ đã xây nên những căn nhà tường gạch và đưa bà con về định cư nơi vùng thấp. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực về việc định cư ấy vẫn còn những tồn đọng bất cập vô tình cách ly với nguồn sống tự nhiên theo tập tính của đồng bào dân tộc, bởi nơi vùng thấp bà con không có đủ đất để canh tác và cũng không có nghề nghiệp hay tiền vốn để làm việc khác, trong khi số người trong gia đình tăng theo hàng năm. Đây cũng là vấn đề theo tập tính lấy chồng sớm và sanh nhiều con mà chúng ta vẫn thường thấy nơi các vùng đồng bào dân tộc (theo tập quán chế độ mẫu hệ nên thường cưới chồng sớm để có người phụ với gia đình, có khi mới 14 tuổi đã lấy chồng, nếu 18 tuổi chưa có chồng thì bị xem là “có vấn đề”). Cũng xin nói thêm tại làng Láng Chai (phía làng mới bên ngoài) bà con đã được cung cấp nước máy đến từng nhà nhưng thực tế bà con nhiều người vẫn tìm và dùng nguồn nước thiên nhiên và hiện đến Nhà thờ xin nước về uống bởi một lý do rất đơn giản theo lời bà con nói “không có tiền, không dám dùng” .

        Từ những thực tế, Chi hội Lá Bồ Đề đã quyết định dời chương trình đến với 1600 bệnh nhân tâm thần lại và khẩn trương triển khai thực hiện chương trình đến giúp bà con tại vùng đang bị hạn hán trong thời gian sớm nhất.

        Trong vòng chưa được một tháng từ lúc triển khai,  21 giờ, ngày 14 tháng 8/ 2015 đoàn công tác từ thiện Lá Bồ Đề đã lên đường hướng về Cam Lâm – Khánh Hòa mang theo sự đồng cảm sẻ chia cùng những khó khăn của đồng bào dân tộc Raglai nơi vùng sâu tại thôn Xuân Lập và Phú Bình 2,  xã Cam Tân cùng xã Cam Hòa và xã Cam Phước Tây huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa, trong đó có 2 làng người bệnh “phong” là Xuân Lập và Láng Chai. Chương trình ban đầu dự kiến với 200 phần quà có giá trị khoảng 400 ngàn đồng, sau đó tăng lên 250 rồi 305 phần với giá trị thực mỗi phần quà hơn 570 ngàn đồng. Tổng kinh phí cho chuyến từ thiện lần này là trên 185.000.000đ, do các ân nhân gần xa cùng nhau đóng góp. Qua đây Chi hội Lá Bồ Đề cũng xin chân thành tri ân đến tất cả các ân nhân đã dành những tấm lòng nhân ái để mang yêu thương chia sẻ cùng cuộc sống khó khăn nơi vùng xa đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán.

        Đến với bà con dân tộc Raglai lần này chủ yếu chúng ta nặng về lương thực, thực phẩm để góp phần cải thiện cho bửa ăn của bà con đang trong lúc đói kém, gồm có gạo, mì ăn liền, đường, muối, nước tương, dầu ăn, quần áo cũ, mới, vải, giày dép, savon diệt khuẩn, dầu tắm, bánh mì ngọt và tiền mặt… Cùng bánh kẹo, sữa, nước ngọt… dành cho các em thiếu nhi. Biết rằng việc chúng ta đến cũng chỉ giúp bà con được trong thời gian ngắn nhưng “một niếng khi đói bằng một gói khi no” vì bà con đang thiếu ăn. Chúng ta cùng cầu mong tại vùng này sẽ có mưa đều dù nhỏ để cuộc sống của bà con sớm được cải thiện. Cũng xin nói thêm sau đó, theo lời các Soeur thì trong năm hạn hán này chúng ta là đoàn đầu tiên về đây giúp cho bà con và đến đúng lúc cần thiết mà lại còn cho quà nhiều đến bất ngờ, bà con vui mừng lắm. Các Soeur xin gửi lời cảm ơn và xin chúc phúc đến tất những tấm lòng nhân ái đã giúp cho bà con.

        (Xem thêm phần công khai tài chính và chi tiết vật phẩm của từng phần quà tại mục Tài chính, folder “đến vùng hạn hán”).

        Điểm đầu tiên mà đoàn đến là tại xã Cam Tân huyện Cam Lâm. Tại đây chúng ta tặng 154 phần quà gồm có xã Cam Hòa 28 phần (cách đó khoảng 15km, Soeur Quý bố trí xe đưa bà con đi nhận quà) + thôn Xuân Lập (làng xã hội) 35 phần + Thôn Phú Bình 2 là 91 phần. Tại Cam Tân, vì chúng ta không thống nhất với đề nghị là phải đến 3 nơi để phát tặng quà, và đã đề nghị phải chọn một điểm trung gian để tập trung, Souer Nguyễn Cao Quý (dòng Mến Thánh giá Nha Trang) phụ trách làng xã hội đã chọn điểm nhà thờ tại thôn Xuân Lập vì nơi đây có diện tích đủ rộng phục vụ tốt cho công việc của đoàn và cũng chính vì điều này nên lượng trẻ em đến không nhiều như dư kiến vì tuy cạnh thôn nhưng khá xa (sau đó chúng ta có gửi lại quà bánh kẹo để Soeur chuyển tặng cho các em tại mỗi nơi).

        Hơn 6 giờ sáng ngày 15.8.2015 thì đoàn đến nơi, sau khi vệ sinh và ăn sáng đã nhanh chóng triển khai ngay hàng hóa  vật phẩm chuẩn bị tặng quà cho bà con, trong khi đó một bộ phận khác thì sinh hoạt và tặng quà bánh, kẹo, sữa cho các em có mặt, cũng xin nói thêm lần này chúng ta có nhiều các loại chocolate từ nước ngoài gửi về do ân nhân gửi tặng chương trình, cùng bánh Pie chocolate tất cả đã dành hết cho các em hôm nay, có thể nói phần quà cho các em lần này cũng khá chất lượng.

        Sau khi triển khai xong các mặt hàng, công việc tặng quà được tiến hành ngay và những người đầu tiên được ưu tiên nhận quà trước chính là cụ bà mắc bệnh phong lại còn bị mù và không có gia đình mà chúng tôi đã có lần nói đến, hôm nay trong cụ sáng hơn, sạch hơn nhiều so với ngày chúng tôi đến nhà thăm cụ, rồi những cụ khác dù bệnh tật, sức khỏe yếu nhưng vẫn đến để nhận quà. Những hình ảnh ấy làm cho chúng ta đặc biệt là những người thực hiện chương trình chúng tôi trăn trở rất nhiều và điều đó cũng không riêng gì với đoàn chúng ta, bởi nếu vì thương cảm, bảo bà con ở nhà cho người khác đi nhận giúp thì có thể bị đánh giá là tặng không xác đáng, không đúng đối tượng... Nhưng yêu cầu bà con khuyết tật, bệnh tật, già yếu phải đến nhận quà thì cũng thật tội nghiệp cho bà con quá. Đây là những mâu thuẩn bất cập chưa có cách giãi (thường thì phía cơ sở tại địa phương yêu cầu điều này để chứng minh việc chọn lưa là chính xác và với những trường hợp ấy đoàn chúng ta cũng để bà con ngồi bên ngoài, các bạn tình nguyện viên sẽ nhận giúp hàng chuyển ra).

nhẹ hìu h....è , há họng á

Ông Đoàn Hồng, người đại diện cho những người cùi tại làng xã hội Xuân Lập

        Hầu hết các thành viên trong đoàn đều làm việc hăng say, dưới bóng cây trong khuông viên Nhà thờ Xuân Lập, rất nhiệt tình dù áo đẩm mồ hôi, tay thì nổi con chuột nhưng vẫn vui cười. Tùy theo sức khỏe, người việc này, người thì việc nọ, bởi có rất nhiều công việc để làm, không trực tiếp thì gián tiếp kể cả những công việc thầm lặng phục vụ hậu cần cho chính đoàn của mình. Cũng như thường lệ, ngoài những người lớn tuổi đứng trực tiếp tại từng phần quà, chúng ta còn có lực lượng tình nguyện viên hướng dẫn phụ giúp bà con nhận quà, có thể nói cường độ làm việc của các bạn rất cao, rất mệt nhọc vì phải làm việc quay vòng liên tục không ngơi nghỉ. Riêng lần này có thể nói sự vất vả của các bạn nhiều hơn vì trọng lượng phần quà tương đối nặng bởi chỉ riêng gạo không đã là 15kg. Sự kinh nghiệm cùng sự nhiệt tình đã giúp cho thời gian phát tặng các phần quà được rút ngắn và để có được điều đó thì công sức của các bạn tình nguyện viên là rất lớn. Xin cảm ơn các bạn.

        Cũng tại đây chúng ta cũng đã gặp Cô Lành giáo viên trường tiểu học Cam Tân, người mà chúng tôi được biết qua một lần tìm hiểu về đời sống của bà con nghèo vùng núi Khánh Sơn, khi gần đến ngày chúng ta lên đường, do không biết chúng ta đang xúc tiến việc đến với bà con tại Phú Bình 2, Cô Lành đã đề nghị xin hỗ trợ lương thực giúp cho phụ huynh của các em học sinh người dân tộc Raglai nghèo đang khó khăn trong cuộc sống bởi hạn hán tại thôn Phú Bình 2, sự vô tình ấy một lần nữa khẳng định chuyến đi lần này của chúng ta là đúng nơi cần thiết. Đoàn chúng ta cũng đã trao một ít quà phù hợp gồm áo dài kiểu (đã dùng nhưng vẫn còn mới nguyện) và giày da nữ (mới 100%) để chuyển đến tặng các cô giáo địa phương. Cô Lành đã nhận và đã xin được chuyển số quà này đến với các cô giáo nơi vùng cao Tây Bắc nơi mà theo Cô Lành các Cô giáo trên ấy vẫn mơ đến chiếc áo dài và có được đôi giày da thời trang này thì sung sướng biết dường nào. Thật tiếc nếu biết trước được ý định của Cô Lành chúng ta sẽ có sự chuẩn bị chu đáo hơn.

        Cũng xin nói thêm về vấn đề nước, Ngay khi đến thực tế khảo sát, trước tình cảnh thiếu nước trầm trọng, chúng tôi đã đề cập đến việc làm giếng nước giúp bà con tại thôn Phú Bình 2 nhưng khi hiểu được thực tế thì thật buồn đành dừng lại ở ý tưởng. Theo lời Soeur Quý người có hơn 30 năm dấn thân về vùng đất này cùng sống với những người cùi tại thôn Xuân Lập (nơi ta phát quà và có xây thêm Nhà nguyện nhỏ tại thôn Phú Bình 2 và Nhà nguyện là nơi hàng ngày các em đến đây vui chơi, tắm giặt rồi mang nước về nhà), ở đây toàn đá granite trắng (hoa cương) và đá Marble nên phải đào rất khó và phải rất sâu, chi phí lớn mà cũng không có nhiều nước và nước cũng không uống được nếu không có dàn, bể lọc. Ngay cả trong nhà nguyện hiện nay có một giếng nước, chỉ đóng cây nước thôi đã 64 triệu nhưng các Soeur cũng không dám dùng tưới cây, chấp nhận cho một số loại cây chết khô để tiết kiệm nước dành cho các em trong làng đến tắm giặt hàng ngày.

        Hoàn tất phần việc tại đây, ông Đoàn Hồng là người đại diện cho những người cùi tại thôn Xuân Lập cũng đã chia sẻ sự biết ơn đến với đoàn, sau đó mọi người từ giã Soeur Quý cùng các Dì để chuyển đến điểm thứ hai cách đó khoảng 35km. Ông Trùm của Nhà thờ đã nhiệt tình dùng xe máy dẩn đường cho chúng ta đi theo lối tắt đến tận Cam Phước Tây.

        Càng đi sâu vào làng, trước mắt chúng ta là những mãnh đất khô cằn, những rẫy đậu, rẫy bắp cháy khô, những cây dại, cây chịu nhiệt cũng queo quắt gần như không còn sức sống, thương cho bà con quá, đã có người buộc thốt lên “trời ơi, chổ nào cũng khô queo zdầy sao sống”. Thật vậy nắng hạn vẫn cứ đợi mưa rào mà đợi hoài cũng chẳng thấy mưa và xem như thêm mùa vụ này đã bỏ chỉ còn chờ vụ kế tiếp trong khi mùa mưa bình thường hàng năm nơi đây cũng chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa mà thôi, nếu tình hình thời tiết không thay đổi khả năng năm nay hoàn toàn mất trắng và như thế bà con dân tộc sẽ chẳng có ai thuê đi cuốc đất, đồng nghĩa với những khó khăn đang tiếp tục chồng chất.

        Tại Thôn Văn Sơn xã Cam Phước Tây, Chính quyền địa phương đã chỉ định dành cho chúng ta hành lang có mái che trong sân nhà trẻ, nhưng làm sao có thể triển khai công việc trên hành lang đó được vì quá hẹp (sau này mới biết họ chưa hình dung được số quà của chúng ta) và thế là mọi việc cùng mọi người đều chấp nhận đứng dưới trời nắng 100% không có bóng mát. Khi quyết định làm việc ngay trên sân trường vì cũng không có chọn lựa nào khác, ban tổ chức đã hết sức bối rối và rất lo ngại. Trong khi triển khai vật phẩm trên sân dưới cái nắng, cái nóng đầy thử thách có thể làm ngã lòng đối với những người là dân thị thành đặc biệt với cánh phụ nữ “công trình tui dưỡng da cả năm nay, nhưng không sao chấp nhận hy sinh luôn” “mình đến là để chia sẻ với bà con mà chịu nắng một chút có sao đâu, chơi luôn. Thật vậy, mọi người đã hăng say không bận tâm gì đến mặt trời đang chiếu rọi như thiêu đốt trực diện trên đầu. Vâng, có thể nói sức mạnh của tình yêu thương, đến để chia sẻ  là rất mãnh liệt nếu như trong mỗi người không sẳn có lòng bao dung cùng tâm Bồ đề và đây cũng là lần đầu tiên trong những chuyến từ thiện chúng ta phải chịu thử thách có phần khắc nghiệt này. Người thì nóng rát, mồ hôi thì nhuể nhoại, mắt thì nổ đom đóm, nhưng mọi người vẫn làm việc nhiệt tình, nếu không nói là hơn cả bình thường và không riêng gì các bạn trẻ, các anh chị lớn tuổi cũng không thua kém, cố hỗ trợ cho nhau tối đa để nhanh chóng hoàn thành công việc phát tặng 150 phần quà tại đây, một tinh thần đồng đội tuyệt vời trên cả tuyệt vời, rất đáng hoan nghênh. Rồi mọi việc cũng được hoàn tất nhanh hơn bình thường mà theo ông Chủ tịch Chữ thập đỏ xã Cam Phước Tây “đoàn làm việc rất nhiệt tình đến không ngờ, cho nhiều quà mà lại làm rất trật tự”. Cũng xin nói thêm, phía Chính quyền xã cũng có cho chúng ta một điểm phát quà khác gần đó để tùy chọn lựa nhưng sau khi khảo sát thì không thể chọn được dù nơi đó có được ít bóng mát, vì là bờ đất (chỉ rộng hơn hành lang nhà trẻ một chút) lại dốc ngã về mương hào thoát nước rộng, sâu sát đó. Chổ đông người đi lại có thể bị té ngã xuống hào thoát nước ấy hơn nữa đường nghiêng dốc sẽ tăng thêm phần khó khăn với các tình nguyện viên của chúng ta.

        Lúc này đã quá trưa, mọi người di chuyển về Nhà thờ Phú Nhơn cách đó khoảng hơn 2km để dùng cơm và thăm 107 em là trẻ mồ côi và bị bỏ rơi tại mái ấm Nhân Ái trong khuông viên Nhà thờ, tại đây ngoài những vật phẩm chuẩn bị sẳn tặng cho mái ấm, toàn bộ số bánh kẹo còn lại chúng ta đã chuyển hết cho các em đồng thời cũng gửi một số vật phẩm cùng bánh Pie đến mái ấm Đại An do Cha Có chánh xứ Nhà thờ Phú Phong cai quản.

        Đã kinh nghiệm với vùng này trong lần đi tiền trạm, những người thực hiện chương trình chúng tôi đã đề nghị Soeur Tâm mua giúp cho đoàn 4 két nước khoáng mặn có gas tự nhiên và những chai nước ấy thật giá trị với mọi người trong lúc này.  Để chuẩn bị bửa cơm trưa cho đoàn, vì sợ đoàn ăn không ngon miệng nhất là sau khi làm việc mệt nhọc nên đã nhờ người chuyên nấu đám đến giúp và theo Soeur Tâm nếu không chu đáo thì sẽ thất kính đối với đoàn nên lo đi mướn bàn, mướn chén đủa… Nghe được những điều này chúng tôi rất cảm động và có bảo Soeur không phải bận tâm “chúng con đến là để chia sẻ với mọi người có cơm ăn là được rồi, không quan trọng gì ngon hay dở, chổ ngồi hay chén đủa, để ngay dưới đất chúng con vẫn ăn được mà” và khi nhận làm theo ý của chúng ta, không phải đi mướn bàn ghế, chén đủa, Soeur còn cẩn thận nói “Chú nói như vậy cũng được nhưng nếu có ai phiền trách gì là chú phải chịu trách nhiệm đó nghe”. Chân thành là thế, sự chu đáo, cùng tấm lòng của một nữ tu. Cũng tương tự, trong buổi ăn sáng tại nhà thờ Xuân Lập chúng ta đề nghị nấu bún hay phở gì đó một món được rồi nhưng theo Soeur Quý, biết đoàn đi cả đêm mệt nên nấu thêm soup ăn cho khỏe, rồi nào là phở, bánh xèo, bánh mì và cũng không quên café (mặc dù chúng ta cũng có chuẩn bị), thật quá chu đáo. Xin cảm ơn tất cả những gì các Soeur đã dành cho đoàn.

        Sau khi đến thăm khu ở của các em trong mái ấm Nhân Ái, đoàn rời vùng đất Cam Lâm để về Ninh Thuận nghỉ. Thật sự khi lên kế hoạch cho chuyến đi nhận định nếu đi ngay về lại Tp.HCM thì mọi người sẽ rất mệt, đặc biệt là với các tài xế, nên đã kết hợp chọn điểm dừng chân tại Ninh Thuận để nghỉ dưỡng một đêm và cũng theo kế hoạch ban đầu sau khi tham khảo, ta chọn điểm đến là Vĩnh Hy, bước đầu khá thuận lợi nhưng khi đã chính thức hợp đồng qua email thì bắt đầu có những vấn đề phiền não, khó chịu phát sinh từ điều này đến điều khác và thậm chí đến gần ngày họ báo chỉ bố trí cho chúng ta 45 người là có phòng, phân nửa số còn lại phải ở ghép trong các phòng đó. Qua đây một lần nữa mới biết thêm về các chiêu của người làm du lịch, họ giảm cho các này nhưng lấy lại các khác nhiều hơn và người bỏ tiền ra để được thụ hưởng du lịch cũng cần phải có sự tỉnh táo và sức chịu đựng. Không thể chấp nhận và thế là chúng ta có ý định chuyển về Ninh Chữ, tuy nhiên thời điểm cận kề cũng khó có hy vọng nhưng một lần nữa may mắn đến khá bất ngờ và thế là chúng ta về nghỉ tại khu resort Hoàn Cầu với giá ưu đãi nhất định khi biết chúng ta là đoàn từ thiện, tính chung tại đây chúng ta còn lợi được một ít tiền và ban tổ chức đã quyết định dùng số tiền đó để đổi một xe từ 30 chổ lên 45 chổ cho đoàn để đi cho thoải mái, êm ái hơn. Cũng xin nói thêm khi quyết định đổi về Ninh Chữ, ban tổ chức cũng đã có kế hoạch và đã liên lạc với Thầy Thông Huệ, Trụ trì bổn tự, trên đường vào thị trấn Khánh Hải đoàn sẽ đến Thiền viện Trúc Lâm Viên ngộ một nơi có kiến trúc với sự hài hòa lưng tựa núi cao mặt nhìn ra biển rộng, để mọi người chiêm bái, vãng cảnh. Nhưng thực tế theo nhiều người sau một đêm trên xe rồi làm việc giữa trời trưa nắng mọi người đã mất sức và khá mệt, hơn nữa Thiền viện ở trên lưng chừng núi nên phải đi bộ vượt qua đoạn đường dốc giửa trưa nắng, thế là đành xin khất lại vào một dịp khác.

        Sáng hôm sau, đoàn đã đi Vĩnh Hy lên motor boat tham quan các thắng cảnh trên biển và cùng ngắm quần thể san hô đủ dạng qua lớp kính dưới đáy tàu. Trưa đó sau khi dùng cơm, đoàn đã khởi hành về lại Tp.HCM.  20 giờ về đến nơi kết thúc chuyến từ thiện chia sẻ cùng đồng bào dân tộc đang khó khăn trong cuộc sống bởi hạn hán kéo dài tại vùng Cam Tân – Khánh Hòa.

        Xin hẹn gặp lại trong chuyến đến với những bệnh nhân tâm thần vào ngày 05.9.2015

         Chi hội Lá Bồ Đề

          Tin về chuyến từ thiện này cũng đã được đăng tải trên trang Truyền thông Phật giáo Việt Nam (phatgiao.org) ngày 17.8.2015 và trên báo Giác Ngộ ngày 18.8.2015

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 48
Lượt truy cập: 9531936