Căn bệnh tâm thần, không phải là loại bệnh nan y, nhưng dù bệnh ở mức độ nhẹ cũng có thể hủy hoại cả một tương lai, một cuộc đời...Cuộc đời của những người ấy chưa biết tương lai rồi sẽ ra sao bởi họ đang sống vẫn cứ sống, ăn vẫn cứ ăn, nói thì cứ nói nhưng không tự chủ... Những người bệnh tâm thần không có thân nhân gia đình ??...Người điên đã vô tâm thức ấy vậy mà người tỉnh cũng vô tâm đánh mất cả lý trí và đạo lý, đánh mất cả tình yêu thương, những điều cơ bản để hình thành nên nhân cách của một con người... Với người tâm thần trong tâm thức họ vẫn và rất cần tình thương yêu, vẫn có khát vọng sống, cũng có những khao khát được làm mẹ, làm vợ... Chúng ta chỉ biết cầu mong một ngày không xa bất chợt người thân sẽ nhớ đến họ, đưa họ về sống trong vòng tay yêu thương.
ĐẾN VỚI BỆNH NHÂN TÂM THẦN CÙNG CÁC CỤ GIÀ TRONG MÙA VU LAN
Trong mỗi người đều có những hạnh phúc riêng dù là nhỏ bé nhất và ai trong đời cũng có những lúc buồn hay khổ đau, những khổ đau có thể chỉ là thoáng qua đối với người này nhưng có thể là sự tận cùng của người khác. Sau những cú shock nào đó hay sự vấp ngã, buồn đau, có người đã vượt qua yếu tố tâm lý nhẹ nhàng để an ổn nhưng cũng có người quỵ ngã và rồi họ trở thành mất phương hướng, tinh thần bấn loạn, thậm chí vô hồn với chính mình, với cuộc sống, có những người trở nên hung tợn hay tự thu mình không nói một lời. “Điên” hay “tâm thần” là những nổi khổ niềm đau của kiếp người phải vương mang. Cuộc đời của những người ấy chưa biết tương lai rồi sẽ ra sao bởi họ đang sống vẫn cứ sống, ăn vẫn cứ ăn, nói thì cứ nói nhưng không tự chủ, đôi khi chỉ có gào thét, khóc la, phía sau những ánh mắt ngây dại như vô hồn ấy cũng có thể đang ẩn chứa những điều bất ngờ. Trong sự bình thường là sự bất bình thường Những người đang phải vươn mang căn bệnh tâm thần, không phải là loại bệnh nan y, nhưng dù bệnh ở mức độ nhẹ cũng có thể hủy hoại cả một tương lai, một cuộc đời.
Bệnh tâm thần tựu chung xuất phát từ yếu tố do hoạt động của não bộ bị rối loạn, những biến đổi bất thường từ yếu tố neutron não bị thiếu hụt hay khiếm khuyết. Bệnh phát sinh do các nguyên nhân thực thể tổn thương trực tiếp tại tổ chức của não hay ngoài não bao gồm chấn thương thực thể, nhiểm trùng, nhiểm độc thần kinh, các bệnh lý mạch máu não… Các bệnh về chuyển hóa thiếu vitamin (đặc biệt là B1). Bệnh có thể do loạn thần phản ứng cấp, rối loạn sang chấn, rối loạn thích ứng hoặc căng thẳng tâm lý, ám ảnh, lo âu dẫn đến rối loạn phân lý. Cũng có thể do thể chất bất thường, dị tật bẩm sinh dẫn đến thiếu sót về hình thành nhân cách…Từ những yếu tố trên, bệnh tâm thần tiến triển với nhiều dạng, với nhiều cấp độ khác nhau. Theo quan điểm y khoa thì tâm thần không phải như chúng ta nghĩ là những người điên mà ngay như những người hoàn toàn bình thường cũng có những biểu hiện của hội chứng tâm thần như nói nhiều, cứ nghĩ mình như là ai đó …
Với người bệnh tâm thần, trong mức độ nhất định thì tình cảm yêu thương chính là phương thuốc hiệu nghiệm trợ giúp người bệnh vượt qua chuổi ngày đen tối. Nhưng thật tiếc những người bệnh đang phải sống tại Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định lại được xem là những người không có thân nhân, gia đình. Bất hạnh, chồng chất lên những bất hạnh. Thật vậy họ là những người bị bệnh tâm thần, do không tự chủ được, đi lang thang hay sống vật vạ đâu đó nên bị đưa về tập trung, phân loại, điều trị và vì không có thân nhân nên cuối cùng phải đưa họ về với Trung tâm, đây cũng là một gánh nặng cho chính phủ.
Theo lời tâm sự của Bác sĩ, Phó giám đốc Trung tâm “nói những người tâm thần ở đây không có thân nhân gia đình là không đúng, mà phải nói rằng chính thân nhân gia đình họ đã cố tình bỏ rơi họ” một sự thật đắng lòng. Có thể một góc độ nào đó tự cảm thông bởi cớ sự cũng tại cái nghèo, cái khó, cái khổ nhưng không tìm đến thăm hay ít ra để được gần hay nhìn người thân của mình dù chỉ một lần, thì thật đáng trách. Đau lòng hơn có những trường hợp bệnh nhân đã bình phục nói rõ từ tên người thân, số nhà, điện thoại (đương nhiên phải kiểm chứng qua nhiều lần), Trung tâm đã thông báo về gia đình và chính quyền địa phương đến đón nhận bệnh nhân về nhưng ngày qua ngày bệnh nhân cứ chờ đợi từ hân hoan dần dần sự chờ đợi ấy là những ngày mỏi mòn đến tuyệt vọng. Người điên đã vô tâm thức ấy vậy mà người tỉnh cũng vô tâm đánh mất cả lý trí và đạo lý, đánh mất cả tình yêu thương, những điều cơ bản để hình thành nên nhân cách của một con người. Theo lời dạy của Thánh hiền mỗi con người sống cần phải có đạo hạnh làm người, sống có ý nghĩa, có đạo lý. Đánh mất nhân tâm cũng chính là đánh mất đức hạnh làm người, làm cho người được an vui cũng chính là sự hiếu hạnh vậy.
Trong chương trình tháng bảy mùa Vu Lan, mùa của sự hiếu hạnh bằng những việc làm thiết thực, mang yêu thương cùng sự an vui đến với những khổ đau cũng chính là thể hiện lòng hiếu kính đến các đấng sinh thành. Đồng thời góp phần nào đó chia sẻ cùng nổi khổ đau của những người bệnh bị bỏ rơi, “nước mắt chỉ chảy xuôi” thì điều này có thể chỉ đúng một phần, với những người tâm thần bị tại đây ta thấy có đủ mọi lứa tuổi từ người già, người trung niên, người trẻ và cả trẻ em. Đặc biệt một điều thiêng liêng còn ghi trong tâm thức của họ vì trong những lúc tỉnh táo thì người họ nhớ tên chính là cha hay mẹ mình, chứ ít khi nhớ tên vợ hay chồng…
Đến với những bệnh nhân tâm thần bằng tình yêu thương, bằng sự ân cần để phần nào đó xóa đi những khoảng cách, bởi dù đang bệnh tật nhưng sâu trong tâm thức họ cũng có thể cảm nhận một chút hạnh phúc của cuộc sống đời thường, một niềm vui dù là nhỏ bé, một sự an ủi động viên là rất cần thiết.
Ngày 05.9.2015, Chi hội Lá Bồ Đề đã thực hiện chương trình đến với 1.310 người bệnh tâm thần các cấp độ đang sống tại Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định tại ấp Vườn ươm, xã Tân Định huyện Tân Uyên – Bình Dương. Tại đây chúng ta đã thực hiện nấu bửa ăn với món lagu gà, bánh mì cùng nước ngọt, bánh ngọt, trái cây cho bệnh nhân, ngoài ra còn tổ chức cắt tóc cho bệnh nhân cùng lương thực, dụng cụ y tế, thuốc tân dược… gửi tặng hỗ trợ cùng Trung tâm. Cũng trong ngày đã kết hợp đến với Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn nơi nuôi dưỡng 56 cụ già neo đơn không có gia đình mà trong đó hơn phân nửa đang ở độ tuổi trên 80, cá biệt có cụ trên 100 tuổi, trong giai đoạn lú lẩn và không tự kiểm soát cá nhân. Cũng trong khuông viên này còn có nhà hưu dành cho các Soeur là những người khấn nguyện trọn đời và đã từng phụng sự các nơi trong đó có những Soeur suốt cuộc đời gắn bó với những người bệnh “phong” đến tuổi già về đây nghỉ an dưỡng. Tổng kinh phí cho chuyến đi lần này là trên 65 triệu đồng do các ân nhân gần xa củng nhau đóng góp.
(Xem thêm chi tiết phần công khai tài chính và phân bổ vật phẩm các nơi trong mục “Tài chính” folder “Đến với bệnh nhân tâm thần”).
Lần này chúng ta không tặng quà nặng về lương thực như những chuyến từ thiện khác nhưng số lượng hàng hóa mang theo cũng khá nhiều và cồng kềnh, chỉ riêng nước ngọt đã 60 két, gà thì 19 thùng, cùng hơn 200kg rau củ quả, 200 kg trái Thanh long, bánh 10 thùng, lương thực, các vật phẩm quà tặng đến nhà dưỡng lão… Qua đây cũng xin chân thành tri ân đến ông bà Hùng - Sóng, Cty Sóng Hùng (chuyên ngành nhựa) đã nhiệt tình hỗ trợ một xe tải tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn (mọi lần ta mua nhiều lương thực nên phía kinh doanh vận chuyển luôn cho chúng ta).
Trong chương trình, có nấu bửa ăn ngon cho toàn Trung tâm, thực sự những người thực hiện chương trình chúng tôi rất cân nhắc vì theo sự góp ý của nhiều người trong đó có những hội chuyên nấu từ thiện với số lượng lớn mỗi ngày cũng đã khuyên ta nên nấu đơn giản thôi như: món bánh canh, nui xào hay nước soup hoặc bún… Nấu cầu kỳ thì khó thực hiện trọn vẹn bởi số lượng quá lớn. Khi trao đổi với Trung tâm ta có nói đến những món dự kiến trong đó có món lagu gà với bánh mì thì ngay lập tức được đón nhận trong sự vui mừng “ở đây khi có đoàn đến thăm cũng thường cho bệnh nhân ăn bún hay bánh canh, thỉnh thoảng lắm thì cũng có đoàn cho ăn gà chiên, chứ lâu lắm rồi bệnh nhân không được ăn món lagu”, và thế là chúng ta quyết định nấu lagu gà dù biết rằng để nấu nghiêm chỉnh cùng lúc 1600 phần là điều không hề đơn giản nếu như không muốn nói là cũng có thể sẽ bị thất bại. Cũng qua đây xin chân thành tri ân đến các chị trong nhóm của chị Hải (Quận 4) cùng chị Chi, chị Tuyết, và những chị em khác trong đoàn đã không ngần ngại nhận ngay phần việc quan trọng nhất của ngày từ thiện này, một công việc khá vất vả. Mặc dù trưa nay bệnh nhân ăn trể hơn bình thường, nhưng có thể nói điều đó không còn là vấn đề gì bởi món Lagu của các chị nấu hôm nay quá đạt, chủ quan ta không dám so sánh với ở đâu đó nhưng chắc hẳn là có hơn một số nơi, các chị đã nấu rất nghiêm chỉnh, bài bản, nào là gà đùi ¼ con to ngon, rau củ quả tươi, nước dừa, rượu ướp thịt, beurre France… Đây là một cách nấu của nhà hàng thật thụ và sau khi được thưởng thức theo đánh giá của nhiều thành viên trong đoàn cùng nhân viên Trung tâm và ngay cả bệnh nhân chỉ gói gọn bằng hai chữ “ngon quá”, hôm nay bệnh nhân có được bửa ăn chất lượng, một lần nữa xin cảm ơn các chị.
Việc tổ chức cắt tóc lần này chúng ta cũng có sự chuẩn bị với lực lượng nhiều hơn những lần trước đây, bên cạnh mời thêm các tay thợ chuyên nghiệp, tuy nhiên cũng không lường hết được mọi việc, lực lượng cùng dụng cụ kéo cắt tóc nữ thì khá nhiều nhưng đành chịu vì nhu cầu chỉ cắt ngắn đều nên các máy cắt tóc (hair clipper) tỏ ra hữu dụng hơn, nhanh chóng và an toàn hơn. Đây cũng là vấn đề cần rút kinh nghiệm. Thế là chỉ có 1/3 lực lượng cắt tóc là hoạt động và hoạt động liên tục liền tay không ngơi nghỉ (một thợ kết hợp cùng một người phụ vệ sinh tóc) và rồi dù có battery dự trữ nhưng cuối cùng vẫn không đủ đáp ứng, ngay cả máy dùng điện trực tiếp cũng bắt đầu trục trặc (vì các máy chạy liên tục không nghỉ, điều này trái với qui trình sử dụng máy đã được khuyến cáo), thật tiếc chúng ta chỉ cắt được cho khoảng 100 người trong đó các bạn thợ chuyên nghiệp (tiệm tóc thời trang nữ) đã góp phần rất lớn cho công việc này ngày hôm nay. Cũng như những lần đến với các mái ấm, trong khi cắt tóc một bộ phận khác là các thành viên trong đoàn đã tổ chức phục vụ văn nghệ “cây nhà lá vườn” tại chổ, những tiếng hát say sưa, nhiệt tình, những tiếng hát mộc mạc được xuất phát từ trái tim, tiếng hát của tình yêu thương.
Sau khi thức ăn được nấu xong đã nhanh chóng chuyển về cho các trại và cũng thật tiếc chúng ta cũng không thể đi đến hết được các trại vì Trung tâm có 8 khoa trại và 1 khoa nhiểm trong khuông viên rộng nên ta cũng chỉ đến được 2 trại liền kề mà thôi và vì vấn đề quản lý an toàn nên ai đến trại nào chỉ biết trại đó (cửa luôn được khóa và cũng vì thế nên hình ảnh ghi lại cũng không đầy đủ).
Trái ngược với trại nam, bên trại nữ có vẻ ồn ào hơn, có cả những tiến gây gổ và đây cũng là điều mà chúng ta thường cảm nhận khi đến với các trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần. Trước mắt chúng tôi cũng có những người trông bình thường nhưng cũng có người thì chỉ thu mình trong một góc nào đó. Nhìn thấy bệnh nhân mỗi người cầm miếng thịt gà to, ăn ngon lành, có bệnh nhân đã nói “ăn ngon quá hà, ngày mai cho tui ăn zdầy nữa nha”, nghe được như thế chúng ta cũng cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc của người và hạnh phúc của chính mình.
Cũng trong trại G này có những tình cảnh thật thương tâm không biết phải dùng từ như thế nào để chia sẻ, một người tâm thần lại còn bị mù cả hai mắt, một người tâm thần lại còn bị liệt chi, trên đời này còn có những bất hạnh nào hơn thế nữa, bất hạnh đang chồng chất lên sự bất hạnh. Trong hơn 150 người của trại chúng ta cũng nhận ra những khuông mặt xinh xắn, minh chứng cho một thời đã qua. Có một cô trung niên nói rất rõ tên họ của mình là T T M Dung, mẹ tên L..., nhà số 3.... Phan Bội Châu, Tp Buôn Ma Thuột, nhà kinh doanh vật liệu trang trí nội thất, cùng số điện thoại bàn 0500.3812... và đã nhờ chúng tôi gọi thông báo người nhà nhưng gọi mà không có người bắt máy, từ lúc đó đến nay đã qua 3 ngày không hiểu vì sao gọi rất nhiều cuộc vào những thời điểm khác nhau, thậm chí lúc nửa đêm nhưng chỉ có chuông, chúng tôi đã liên hệ qua tồng đài 1080 của Daklak, khẳng định số điện thoại và số nhà là đúng và khi biết chúng tôi tìm hiểu vì mục đích nhân đạo tồng đài viên còn khẳng định máy này vẫn đang hoạt động và còn cung cấp tên chủ nhà là Tr T….(một tuần sau đó thì không còn gọi được, máy luôn bị bận). Cũng đã có, có rất nhiều người nhờ báo cho gia đình lên thăm nhưng chung chung quá không rõ ràng, riêng một số điện thoại khi gọi, rất mai có người bắt máy và khi nghe chúng tôi hỏi có phải số máy nhà cô… thì ngay lập tức giọng nam trả lời ngay như một băng ghi âm “tui biết rồi, anh đi thăm bệnh phải không, tui lên đó hoài, đang chuẩn bị lên đó nè, cám ơn nghe”, nhưng theo nhân viên trại thì có ai đến thăm cô ấy bao giờ đâu.
Qua những câu chuyện do các nhân viên kể lại với nhiều cảnh ngộ éo le cùng những trạng thái bệnh không ai giống ai nhưng dù thế nào họ vẫn có một điểm chung giống nhau là khi thấy có người đến thăm là họ rất mừng như thể người thân của mình và càng thương hơn cho những bệnh nhân tâm thần nữ họ cũng khát khao được làm vợ, làm mẹ với những câu chuyện cười ra nước mắt có những bệnh nhân ở trong trại cũng đã lâu bổng tuyên bố đã có người yêu và đang mang thai cùng những biểu hiện nghén như đang mang thai thật. Có những bệnh nhân cười nói huyên thuyên, cũng có người chỉ yên lặng, không cảm xúc. Những câu nói nửa tỉnh nửa mê mỗi người cũng khác nhau nhưng có điều giống nhau là ai cũng nói mình hoàn toàn không có bệnh “tui đâu có bệnh gì đâu, tự nhiên công an bắt đưa về đây” “tui đang đi bị tụi ăn cướp tấn công bắt nhốt ở đây, ai cũng nói tui điên, đúng là đồ điên”…
Nhiều lắm những câu chuyện thương tâm, đau lòng, cô P… còn trẻ xinh đẹp, hát rất hay nhưng trớ trêu cô lại yêu say đắm một người đàn ông đã có vợ. Mặc cho sự ngăn cản của gia đình, từ bỏ cuộc sống khá giả của gia đình để theo người đàn ông đó nhưng sau khi sinh con, người đàn ông bỏ cô mà đi. Nỗi buồn không người thân, không chồng với đứa con gái mới chào đời đã làm cô suy sụp, hụt hẫng... Cô bồng con đi lang thang để tìm nơi tá túc nhưng rồi bất hạnh lại ập đến, bị mấy tên bụi đời cưỡng hiếp, bắt mất con. Áp lực dồn nén bởi cú sốc quá lớn, cô trở nên điên loạn.
Càng thương hơn, khi được biết có những trường hợp 2 người, 3 người trong một gia đình đang phải sống tại Trung tâm cũng có những trường hợp đã bình phục ổn định vẫn hy vọng, chờ đợi người thân sẽ đến đón về, những ước mơ chính đáng cháy bổng, những khát vọng của một con người nhưng thật đau lòng, trong sâu thẳm họ vẫn không biết rằng mình đã bị người thân ruồng bỏ và càng đau đớn hơn với những người đã bình phục như câu chuyện của bệnh nhân D. My chẳng những bình phục mà còn rất ý thức, biết gia đình không đến đưa mình về My vẫn lặng lẽ hàng ngày sống cùng người điên, My có giọng hát hay nên thường được khách các đoàn đến thăm tặng cho tiền, My để dành nhờ nhân viên mua sữa, thức ăn gửi qua cho Chú cũng bệnh đang ở Trung tâm. Đã biết trước về câu chuyện này, chúng tôi cũng đã bày tỏ ý định giúp đưa My ra để có thể đến mái ấm của Chùa hay Nhà thờ nào đó, giúp em có được cuộc sống bình thường nhưng qui chế nhằm bảo vệ bệnh nhân không cho phép làm điều đó chỉ ngoại trừ người thân thật sự. Với một người như D. My, giờ đây lúc nào trong đôi mắt cô cũng hiện lên nỗi buồn sâu thẳm. My cùng nhiều người khác có trường hợp tương tự, không biết rồi phải đi về đâu và tương lai sẽ như thế nào. Thật xót xa, chạnh lòng, trước những nghịch cảnh khổ đau. Chúng ta chỉ biết cầu mong một ngày không xa bất chợt người cha, người mẹ, người vợ, người chồng, người con, người cháu bổng nhớ đến người thân của mình và đưa họ về sống trong vòng tay yêu thương.
Rời Trung tâm, chúng ta vẫn không quên được những ánh mắt, những câu nói của bệnh nhân, những cánh tay qua song cửa, những số phận bi thương của những người bị chính người thân của mình ruồng bỏ. Cùng những nhân viên y bác sĩ những người chấp nhận những thiệt thòi nếu không muốn nói là hy sinh riêng mình để phục vụ cho những mãnh đời bất hạnh. Riêng những người thực hiện chương trình chúng tôi nhận thấy tại đây các khâu đều làm việc rõ ràng thông qua biên bản tiếp nhận với 6 chữ ký, vật phẩm riêng, tiền riêng, y cụ, thuốc tân dược riêng.
Sau đó trên đường về, đoàn đã đến Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên, lễ Phật và vãng cảnh Chùa. Hầu hết thành viên trong đoàn là lần đầu mới đến đây. Ngôi thiền viện trong khuông viên rộng do Phật tử Từ Vân tiến cúng, với kiến trúc đẹp theo hệ phái thiền Trúc Lâm đậm chất Việt Nam, do Hòa thượng Thích Nhật Quang (Thường Chiếu) được bổ nhiệm về trụ trị. Một không gian tĩnh lặng như đang ẩn mình giửa bạt ngàn rừng cao su xã Tam Lập, trên trục huyện lộ 502, nối giửa Tân Uyên và Phú Giáo, mới khánh thành vào tháng 9 năm 2014.
Về đến Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn lúc này cũng đã xế chiều, mọi người cùng nhau phân vật phẩm theo 110 phần quà tặng cho các cụ bên nhà dưỡng lão và bên nhà hưu trí cho các Soeur.
Tại nhà dưỡng lão tình thương trong tổng số 56 cụ bà thì hơn phân nửa là đang ở độ tuổi trên 80 và nhiều cụ trong giai đoạn không tự kiểm soát cá nhân và tại khu vực này cảm nhận của tất cả mọi người là nơi đây rất sạch sẽ, ngăn nắp và hoàn toàn không có mùi hôi . Vâng không phải nơi nào cũng giữ tốt được như vậy. Các thành viên đã đến bên giường thăm hỏi các cụ ân cần, cũng khá bất ngờ và cảm động trước hình ảnh một bạn trẻ đã ngồi tâm sự cùng cụ Tám 95 tuổi như thể cháu đang về với bà suốt cả thời gian mà đoàn đến thăm nơi đây, qua đó mới biết cụ Đẹp 90 tuổi là em của bà đang nằm bên giường cạnh đó, thương quá cho hai chị em trong những ngày cuối đời. Có một cụ biết đoàn đến thăm đã ngồi dậy móm mém cất giọng hát thật vui đủ các bài hát từ “con bướm vàng” rồi nào là “Hello là chào buổi sáng, I am thirsty là tôi khát nước, I am hungry là tôi đói bụng…”. Với các cụ còn đi đứng được khi ra nhận quà thì cụ nào cũng thích chọn hay xin đổi lại lấy cái thau nhựa màu đỏ. Hình như màu đậm làm cho các cụ thích hơn thì phải.
Mỗi lần đến với các cụ nơi mái ấm tình thương là mỗi lần ta cảm thấy một vị mặn đắng trên môi. Mỗi cụ là một nghịch cảnh, một phận đời không tỉnh lặng, đong đầy bằng nước mắt. Được về với những mái nhà chung, các cụ đã trả hết những nghịch cảnh cho đời để sống hạnh phúc những ngày còn lại.
Bên nhà hưu, các Soeur phụ trách tiếp đoàn tại phòng khách vì Soeur trong nhà hưu đang cầu kinh. Những câu chuyện thật vui của những người thân quen lâu ngày gặp lại. “Không biết bác có biết bên cạnh có nhà dưỡng lão không, nên lo cho các cụ ấy, các cụ ấy rất cần, đừng lo gì cho Soeur, đến thăm các Soeur là Soeur vui lắm rồi” đó là lời Soeur phụ trách nhà hưu nói khi biết chúng ta sắp đến thăm và thật sự chúng tôi đã xúc động, những người đã phụng sự cả đời cho mọi người, đến giờ vẫn cứ nghĩ đến cho người khác, bất chợt nhớ đến một câu nói “tình yêu thương xin gửi gió mang đi khắp muôn nơi để cho cuộc đời này thêm tươi đẹp".
Một lần nữa, một chuyến đi của tình nhân ái yêu thương đã hoàn thành, cũng xin chân thành tri ân đến các ân nhân gần xa đã góp công , góp của tiếp sức cho chương trình nhân tháng bảy mùa Vu Lan. Xin hẹn gặp lại trong chuyến từ thiện sắp tới đến với miền trung yêu thương.
Chi hội Lá Bồ Đề
Tin về hoạt động từ thiện này cũng đã được đăng tải trên trang truyền thông Phật Giáo Việt Nam ngày 07/9/2015. Trên báo Giác Ngộ và báo Phật giáo và doanh nhân, ngày 8/9/2015.