Xã Ba Giang là một xã nghèo trọng điểm trong 19 xã của huyện nghèo miền núi Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi... Với ý nghĩa mang yêu thương chia sẻ đến những vùng sâu vùng xa, đặc biệt là vùng rừng núi, nơi mà ít có đoàn từ thiện đặt chân đến và dù ta chỉ mang đến được là “con cá” nhưng con cá đó vẫn là niềm mơ ước của nhiều người vẫn đang cần có... Hình ảnh mọi người đến nhận quà tấp nập từ trong ra ngoài, cùng nói vui đùa, cùng phụ giúp lẫn nhau, tất cả đều cảm nhận một niềm vui dâng trào trong lòng bởi ta đã thật sự đến được với người dân nơi miền núi này... Ngoài chương trình khám bệnh , tặng quà, tặng xe lăn, tặng quà khuyến học, còn có chương trình khám bệnh và tặng xe lăn tại xã An Định huyện Tuy An tỉnh Phú Yên.
ĐẾN VỚI XÃ NGHÈO MIỀN NÚI QUẢNG NGÃI
Với ý nghĩa mang yêu thương chia sẻ đến những vùng sâu vùng xa, đặc biệt là vùng rừng núi, nơi mà ít có đoàn từ thiện đặt chân đến và dù ta chỉ mang đến được là “con cá” nhưng con cá đó vẫn là niềm mơ ước của nhiều người vẫn còn chưa có được. Chi hội Lá Bồ Đề đã xây dựng chương trình đến với bà con nghèo tại xã Ba Giang là một xã nghèo trọng điểm trong 19 xã của huyện nghèo miền núi Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi, một nơi mà sự tiếp cận với ánh sáng văn minh vẫn còn nhiều hạn chế.
Bước đầu khởi động chương trình, tín hiệu phản hồi chậm tưởng chừng như chựng lại, bên cạnh đó lại nhận được nhiều thông tin từ nhiều người, có cả những người có uy tín và đáng kính đã bày tỏ với những thông tin dễ làm nản lòng, tuy nhiên những thông tin ấy như là sự nhắc nhở chúng ta phải chặt chẽ trong tất cả các khâu của chương trình lần này và ta cũng đã có phương án riêng của mình. Bằng sự quyết tâm nổ lực và chương trình đã được thực hiện đúng theo lịch trình với sự phối hợp nhân lực cùng Chi hội Chí Tâm.
Kế hoạch chương trình :
- Khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho 400 người (theo thống nhất dự kiến).
- Tặng 290 phần quà (85% số hộ trong xã) với 15 mặt hàng kèm tiền mặt , giá trị mỗi phần quà khoảng 450 ngàn đồng.
- Tặng 50 phần quà cho học sinh nghèo có thành tích học tập, cùng tặng cho trường cấp 1 và 2 Ba Giang một bộ loa đa năng di động có công suất lớn để phục vụ cho sinh hoạt ngoài trời của các em.
- Tặng 1 xe lăn cho anh Phạm văn Nhóc (xã Nước Lô) và gửi tặng1 xe lăn cho huyện Ba Tơ (thông qua nhóm FQNG sẽ chuyển hình ảnh về sau).
- Kết hợp trong chuyến đi chúng ta còn có 2 chương trình khám bệnh cấp thuốc miễn phí khác tại Quảng Ngãi và Phú Yên.
- Tặng 2 xe lăn tại Phú Yên
Cũng xin nói thêm ngoài chương trình chính tại Ba Giang, chúng ta sẽ đến khám bệnh cấp thuốc tại huyện Tư Nghĩa – Quảng Ngãi (theo đề nghị của chùa An Thanh) và tại xã Hòa Xuân Tây huyện Đông Hòa – Phú Yên (theo đề nghị của chùa Phước Long). Tuy nhiên do chưa được sự đồng thuận của chính quyền địa phương dù có yêu cầu nếu khám bệnh thì đến hội trường của xã, nên điểm tại huyện Tư Nghĩa buộc phải hủy bỏ và điểm tại huyện Đông Hòa cũng rơi vào tình trạng tương tự, cho đến trước ngày lên đường chúng ta cũng buộc phải thông báo hủy vì chưa nhận được sự hồi đáp chính thức. Do đã lường trước mọi tình huống và với những phương án dự phòng. Những tưởng các chương trình kết hợp này sẽ hoàn toàn phá sản nhưng bằng sự nhiệt thành cùng những nổ lực riêng của Đại đức Thích Chúc Thuận, Trụ trì chùa Từ Quang (Đá Trắng) xã An Dân huyện Tuy An – Phú Yên, biết tin đoàn sẽ đi qua miền đất nổi tiếng với địa danh “gành đá dĩa”, với mong muốn giúp cho bà con nghèo nơi vùng sâu, nơi vừa qua đã xảy ra liên tiếp 3 ổ dịch bệnh, theo Thầy Chúc Thuận với sự may mắn vào phút chót (đúng phút 89) chúng ta đã về xã An Định huyện Tuy An – Phú Yên khám bệnh cấp thuốc cho bà con nghèo địa phương.
Tổng kinh phí cho chuyến từ thiện lần này là trên 185 triệu đồng (không tính chi chí cho việc vận chuyển và cá nhân)
(Vui lòng tham khảo thêm phần công khai tài chính, tại mục “Tài chính” , folder “Đến với miền núi Quảng Ngãi” trên cùng trang web này)
Qua đây cũng xin chân thành tri ân đến nhóm thân hữu của chị Hồng Yến. Gia đình ông bà Lin Yu Min cùng song thân (Taiwan), Ông bà Ngô Phước Hùng (quận 10), nhóm thân hữu quận 6, cùng tất cả ân nhân gần xa, những người cùng đồng hành với Lá Bồ Đề trên bước đường hành thiện từ tâm đã nhiệt thành đóng góp ủng hộ giúp cho chương trình được thành tựu. Đặc biệt cũng xin chân thành tri ân đến các ân nhân dù chưa một lần được diện kiến nhưng khi biết tin cũng đã âm thầm chuyển tiền đến ủng hộ cho chương trình và cũng đặc biệt tri ân cụ bà dù sức khỏe đang yếu nhưng vẫn cố gắng tận tụy may nối những tấm vải để tạo nên những chiếc mền kịp gửi đến chương trình mang tặng cho bà con, giá trị của tấm lòng cao quí biết bao.
Trong lần đến với Quảng Ngãi này chúng ta cũng đã nhận được sự nhiệt tâm của nhóm face book Quảng Ngãi (FQNG) đã hỗ trợ tích cực, từ liện hệ, sắp đặt mọi chuyện tại địa phương cho đoàn và có thể nói các bạn đã để lại trong mỗi người chúng tôi những hình ảnh cùng tình cảm tốt đẹp. Xin cảm ơn tất cả các bạn, chúng tôi không quên các bạn, những người bạn của mỹ thiện và từ tâm. Mong sao sẽ có nhiều nhóm bạn khác ở khắp nơi biết ứng dụng face book để làm những công việc có ích cho người, cho đời.
Đã từng đến với miền Trung, mảnh đất khô cằn nơi có thừa nắng, gió, cát cùng mưa bão, lũ lụt. Tỉnh Quảng Ngãi, phía Đông của dãi Trường Sơn, giáp biển, miền đất của “núi Ấn, sông Trà”, nơi tự hào là vùng đất của nhiều hào kiệt.
Từ QL 1 rẽ vào theo QL 24 (đường đi Mang Đen và KonTum) khoảng 35km (đường mới hoàn thành hơn 2 năm nhưng hiện đã có nhiều đoạn hư hỏng nặng), qua thị trấn Ba Tơ (từ đây đường khá tốt) đến khu vực xã Ba Dinh thì rẽ vào Ba Giang, từ đây chúng ta đi đi tiếp khoảng 9 km giữa hai bên sườn núi như đang đi uốn lượn dưới thung lũng. Xã Ba Giang, xã vùng sâu của huyện miền núi Ba Tơ, nơi nắng thì rát bỏng da, lạnh thì như cắt từng thớ thịt, cũng là nơi xảy ra chứng “bệnh lạ, dày sừng trên da” trong những năm 2012.
Nằm ở sườn tây của núi Cao Muôn (phía sau nơi ta khám bệnh và tặng quà), với diện tích đồi núi chiếm 4/5 diện tích của xã, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc H’ré. Một xã thuần nông nhưng vì là vùng đất gò đồi nên chỉ có ít nương rẫy, bắp, khoai … Nhiều hộ vẫn còn thiếu đất canh tác để đủ nuôi sống gia đình nên chủ yếu vẫn chỉ dựa vào “săn, bắt, hái, lượm” và ở đây cũng ít có được công việc để làm thuê và nếu có cũng phải đi rất xa. Hiện nay nhờ có chính sách ưu đãi, phát triển cây keo (bạch đàn) đã là một cứu cánh thực sự cho đời sống của một bộ phận người dân địa phương, tuy nhiên cuộc sống vẫn bội phần vất vã, qua trao đổi với Ủy ban xã được biết với những hộ bên ngoài gần trung tâm xã nếu có đất trên đồi núi để khai thác cây keo thì sau 5 năm, 1 ha cho sản lượng gỗ khoảng 100 tấn, thu về được 115 triệu đồng (giá bán 1 tấn = 1.150.000đ), như vậy sau 5 năm bán gỗ, để dành chi tiêu trong 60 tháng, thì mỗi tháng cũng chỉ có 1,9 triệu (cho ít nhất 5 nhân khẩu/hộ) và không phải hộ nào cũng có được 1ha đất. Theo số liệu báo cáo của địa phương thì thu nhập bình quân đầu người khoảng 6,5 triệu đồng/năm (tháng = 542.000đ), đây là con số đáng ngạc nhiên so với các báo cáo mà chúng ta thường được nghe hiện nay về thu nhập bình quân. Sự nghèo khó, nhọc nhằn, vẫn còn đeo bám đồng bào nơi đây trong những ngôi nhà tạm bợ, mái lá dột nát của từng thôn, từng bản trong xã. Cũng chính vì thế, dù đã có điện lưới quốc gia (chỉ khu vực gần trung tâm xã) nhưng cũng chỉ có khoảng 50% số hộ là có dùng điện và nguồn nước sinh hoạt thì vẫn chủ yếu dùng nước thiên nhiên từ các suối, khe. Riêng thôn Gò Khôn (101 hộ) và Ba Nhà VãKra thì hoàn toàn không có điện (2 khu Gò Xiêng và VãKra thôn Ba Nhà có 104 hộ).
Được có con đường bê tông nối từ QL 24 vào xã, giúp xã Ba Giang không còn bị thế cô lập và thuận tiện hơn trong việc đi lại giao thương, tuy nhiên chỉ đến trung tâm xã, còn đường để vào các thôn làng của bà con thì vẫn còn xa với nhiều khó khăn trắc trở, phải băng rừng, leo dốc, lội suối và men theo các lối mòn lởm chởm đá tảng,... Dù đã được quan tâm phát triển, cải thiện nhiều về cơ sở hạ tầng nhưng xã vẫn được xem là còn nhiều cái “không” của huyện. Rất tiếc vì tại Ba Giang chúng ta không có nhiều thời gian vì đường về Phú Yên vẫn còn xa và mọi người đều tập trung làm việc cật lực nên chưa thể vào thôn bản của bà con để tham quan (đã có kế hoạch bố trí xe máy đưa vào) để trải nghiệm được sự khó khăn, sự nhọc nhằn vất vả mọi mặt của bà con nơi đây cùng tài nghệ như làm xiếc của những người lái xe.
Với 344 hộ toàn xã, ngày nay so thời kỳ bùng phát dịch bệnh lạ đã có nhiều thay đổi tiến bộ như đã nói, nhưng vẫn còn 85% là hộ đạt chuẩn nghèo và cận nghèo (nếu lấy mức thu nhập bình quân theo báo cáo thì phải dùng từ quá nghèo mới đúng nếu so với chuẩn hộ nghèo qui định hiện nay), trong khi nhiều nơi từ ấp, xã, huyện, tỉnh thành báo cáo đã không còn hộ nghèo.
Hầu hết cư dân địa phương đều là người dân tộc H’ré. Dân tộc H’ré còn có tên gọi khác từ thời phong kiến là Thượng Ba Tơ, Mọi Thạch Bích, Mọi Lũy, Mọi Chòm, Chăm Re, Chom Krẹ… Tuy nhiên tên tự của người H’ré thường gọi theo tên của dòng sông lớn trong vùng như : Ba Tơ có dòng sông Ré nên gọi là người Ré, khu vực có dòng sông Niên nên gọi là người Niên. Bên xã Minh Long có sông Vrá nên gọi là người Vrá … Vì không có họ và tên đệm nên dưới thời phong kiến nhất loạt được mang họ Đinh. Sau ngày đất nước giải phóng đặc biệt là sau khi bác Phạm Văn Đồng qua đời người H’ré tại Quảng Ngãi đều được đặt họ Phạm nhưng nhiều người vẫn chưa hoặc chỉ biết ít tiếng Kinh (nên trong lúc khám bệnh chúng ta đã phải nhờ y tế địa phương làm phiên dịch)..
Cũng như cộng đồng các dân tộc, người H’ré vẫn hiện vẫn còn nặng theo tập tục, trong đó có một tập tục độc đáo mang ý nghĩa tốt đẹp nhưng trái ngược với quan điểm của các dân tộc khác đó là việc tặng nhau cỗ “quan tài” để thể hiện sự hiếu thảo, sự quý mến bạn bè, hay tỏ lòng biết ơn và ngay cả đó là sính lễ trong ngày cưới. Cỗ quan tài được đụt khoét trên thân gỗ làm thành nhưng không được chạm khắc bất cứ gì trên đó vì như thế người chết sang thế giới bên kia không thể hòa nhập được với cuộc sống mới, sẽ sống khó khăn thiếu ăn thiếu mặc… Theo một số già làng (được gọi là Re) quan niệm của người H’ré khi chết sẽ về với Giàng bắt đầu một cuộc sống tốt hơn, không còn đau buồn, cũng theo quan niệm ấy cỗ quan tài được xem là phương tiện để đưa người thân, người mình quý mến đi và là ngôi nhà cho cuộc sống mới của họ.
Tối ngày 21 tháng 10 năm 2015, lúc 22 giờ đoàn khởi hành lên đường hướng về Quảng Ngãi, vượt quảng đường dài 850km. Hơn 18 giờ ngày 22/10/2015 đoàn đã đến Quảng Ngãi và được nhóm FQNG đón tiếp mời bửa cơm đạm bạc theo tiêu chuẩn 5 sao trong đó không thể thiếu món đặc sản “cá bóng sông Trà kho tiêu”. Sau đó đoàn về khách sạn nhận phòng nghỉ đêm. Thật tiếc, theo kế hoạch dự kiến đến sớm (khoảng 16 giờ) và chúng ta sẽ đến viếng chùa Thiên Ấn trên núi Thiên Ấn, từ ngọn núi này có thể nhìn bao quát thành phố Quảng Ngãi và nhìn ra biển, là ngôi chùa cổ nổi tiếng được khai sơn từ giữa thế kỷ thứ 16 với sự tích tương truyền về cái giếng nước (hiện vẫn còn) cùng câu vè truyền khẩu trong dân gian “ông Thầy đào giếng trên non, đến khi có nước ông thì biệt tăm”, cùng câu chuyện của thế kỷ 20, Thầy trụ trì xin Phật cho phép để hành xử theo đời thường nhằm bảo vệ ngôi chùa trước sức ép của một Cty muốn đổi để lấy khu vực Chùa làm khu du lịch. Không đến được Thiên Ấn mọi người đều cảm thấy như thiếu cái gì đó khi đến với Quảng Ngãi.
Trên đường đi, đoàn đã vào viếng chùa lễ Phật tại Niệm Phật đường Phước Ân tại xã Nhơn Hòa huyện An Nhơn – Bình Định, tại đây một ân nhân trong đoàn đã phát tâm cúng dường 100 triệu đồng (là số tiền còn thiếu trong tổng số 148 triệu đồng) để chùa sớm thực hiện việc đúc tiểu hồng chung khoảng 300kg (chuông báo chúng) và đã ủy thác cho Lá Bồ Đề làm trung gian chi theo thực tế tiến độ công trình.
Sáng hôm sau, 23/10/2015 sau khi ăn sáng với món mì Quảng đặc trưng tại quán Thu Búp. Đoàn được FQNG hướng dẫn đi ngược về khoảng 80km tắt theo đường Nghĩa Hành để đến Ba Tơ và vào Ba Giang trên con đường bê tông do chính phủ Ireland tài trợ giám sát thực hiện năm 2012 (với 10km, được thi công trong hơn 3 tháng và con đường này hiện vẫn tốt).
Khi đến Ủy Ban xã Ba Giang khoảng 8 giờ 30 đã thấy bà con 3 thôn là Ba Nhà, Gò Khôn, Nước Lô tập trung đông đủ từ khi nào. Mọi việc được nhanh chóng triển khai theo từng nhóm y tế và tặng quà, Đoàn thanh niên xã cùng nhóm FQNG đã hỗ trợ cùng đưa hàng hóa vật phẩm từ kho ra ngoài xếp theo từng mặt hàng để thuận tiện cho việc phát quà (hàng do xe tải chuyển lên trước gửi vào kho của xã). Tuy nhiên do khu vực khuôn viên này có giới hạn cho việc triển khai hàng hóa theo hàng ngang nên ta chọn phương án xếp theo hình chữ U và như thế một số anh chị em đã tự nguyện đứng hẳn ngoài nắng để thực hiện phần việc của mình, xin cảm ơn các bạn.
Lực lượng y tế xã hỗ trợ làm công tác phiên dịch
Công tác khám bệnh lần này với 8 Bác sĩ, chỉ tiếc là không thực hiện được việc chẩn đoán bằng hình ảnh (siêu âm, có máy nhưng không có được Bác sĩ hình ảnh vì chuyến công tác dài ngày). Khâu dược lần này nhân lực thiếu (vì 2 nhóm chỉ đi giới hạn trong 1 xe) nên các anh chị đã phải nổ lực làm việc và rất nhịp nhàng, trình tự đảm bảo tiến độ ra thuốc nhanh chóng.
Theo kế hoạch thống nhất, bà con sẽ vào khám bệnh trước sau khi nhận thuốc sẽ đến nhận quà với sự xác thực người nhận của 3 trưởng thôn. Khi mới tiến hành khám bệnh và tặng quà, Chủ tịch xã Ba Giang đã đề nghị để bà con Ba Nhà nhận quà trước vì ở xa còn ai muốn khám bệnh thì ở lại, thoạt đầu chúng tôi có nghi ngại về điều này bởi khác với kế hoạch đã thống nhất, nhưng khi hiểu rõ tình cảnh của bà con thôn Ba Nhà Vã Kra chúng ta đã thực hiện ngay sự ưu tiên phát quà trước và chấp nhận có thể lượng người khám bệnh sẽ giảm.
Trong 3 thôn, thì thôn Ba Nhà là xa nhất, Ba Nhà có 2 khu là Gò Xiêng (gần hơn) và Vã Kra vì nằm trong khu rừng phòng hộ nên cũng không có đất và không được phép để canh tác cây “keo” như các thôn khác và tại đây hoàn toàn không có đường (chì có lối mòn trong rừng), không có điện, trường học, y tế… Để đến được nơi nhận quà bà con Vã Kra phải đi bộ từ 3 giờ sáng, mất khoảng 5 tiếng đồng hồ đi bộ (đi và về 10 tiếng, nếu khi ra đến đường bê tông có quá giang được xe máy thì cũng phải đi bộ băng rừng 4 tiếng cho mỗi lượt). Thật thương cho bà con, nếu biết trước được thông tin này, chúng ta sẽ có phương án chọn điểm phát quà sâu vào bên trong Ba Nhà, dù có khó khăn hơn, vất vã hơn nhưng chắc chắn mọi người sẽ cảm thấy vui, vì việc vất vã đó được bù lại bằng sự ý nghĩa hơn của sự sẻ chia, và bà con cũng đở phải nhọc nhằn.
Cũng như thường lệ, trước khi vào nhận quà bà con sẽ được nhận 1 túi xách cùng bao thư tiền mặt và sau khi nhận tuần tự 15 mặt hàng với sự trợ giúp của các thành viên (lần này do nhân lực ít nên ta chỉ phụ giúp đối với người già, sức khỏe yếu…), bà con sẽ được nhận thêm 1 cái bao, đưa ra ngoài chất gọn vật phẩm vào để đưa về nhà. Thật dễ thương khi tình cờ phát hiện nhiều bà con khi vào nhận quà có cái gì đó nơi thắt lưng (áo che phủ), một chị đã tò mò và phát hiện đó là cái bao (cũ rách) bà con mang theo có lẽ để chất hàng vào đó, nhưng lần này thì không cần vì đã có đầy đủ. Nhìn bà con ai cũng hân hoan, rạng rỡ chúng ta cũng cảm thấy vui theo. Vâng, hạnh phúc đâu phải đâu xa, hạnh phúc được bắt nguồn từ những điều đơn giản nhất quanh ta.
Nhiều người cột theo cái bao vì không nghĩ chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ cho bà con từ cái túi xách đến cái bao
Ông Hoài, Chủ tịch xã Ba Giang (áo trắng) đang nói về hoàn cảnh của anh Phạm Văn Nhóc người được nhận xe lăn lần này.
Sáng kiến chống nắng. Đố biết ai đây.
Đi dạo quanh ra xa bên ngoài, thật cảm động nhiều hình ảnh chị phụ nữ, cụ già đội hay vác cái bao vật phẩm vừa nhận được đi bộ theo đường bê tong về nhà của mình, chúng tôi đã hỏi “nhà có gần đây không” bà chỉ cười và chỉ tay về phía trước (theo kinh nghiệm, thì cái chỉ tay của người dân tộc đồng nghĩa với ở xa mà theo người thị thành chúng ta là đi đuúi luôn), thương làm sao. Hình ảnh mọi người đến nhận quà tấp nập từ trong ra ngoài, cùng nói vui đùa, cùng phụ giúp lẫn nhau, nhớ lại hình ảnh cũng trong lần phát quà từ thiện của 3 năm về trước (do nhóm từ thiện khác tổ chức, chúng tôi cũng đã có dịp đến đây), những hình ảnh hoàn toàn trái ngược với ngày hôm nay, bất chợt một niềm vui dâng trào trong lòng những người thực hiện chương trình chúng tôi bởi ta đã thật sự đến được với người dân nơi miền núi này.
Ngoài những phần quà cố định, chúng ta còn có nhiều vật dụng khác bày ra cho bà con tự chọn cùng những món đồ chơi dành cho các em nhỏ, cầm những món đồ chơi trên tay, các em trầm trồ trong sự thích thú mới thấy thương làm sao.
Khi công việc tặng quà đã xong, trong khi nhóm y tế vẫn tiếp tục làm việc. một phần của nhóm tặng quà đã vào tăng cường cho khâu phát thuốc, nhóm còn lại di chuyển sang trường cấp 1 và 2 Ba Giang cạnh đó, triển khai việc tặng 50 suất quà cho các em học sinh nghèo có thành tích học tập. Mỗi phần quà gồm 1 cái cặp, 10 quyển tập, 2 cây bút, 1 hộp bút, 1 cái nón, 1 đôi dép (cũng xin nói thêm trong dự kiến ban đầu còn kèm thêm 1 cái túi xách du lịch nhỏ (hình ống) mà ân nhân đã gửi tặng, nhưng theo góp ý của nhiều thành viên, chúng ta đã dùng túi xách ấy tặng cho thầy cô giáo, tặng cho một số nhân viên của xã, cùng bộ phận bếp lo cho chúng ta bửa ăn).
Tại đây cũng có nhiều đồ chơi cùng thú nhồi bong dành cho các em. Từ không khí thụ động, nhút nhát qua sự hoạt náo của các thành viên trong đoàn dần dần các em đã dạn dĩ hơn và đến khi cùng nhau nhảy múa theo nhạc mà chúng ta chuẩn bị sẳn để lồng ghép với động tác của 6 bước cơ bản để vệ sinh tay thì ôi thôi mới biết “không vừa đâu nhé” cũng quậy ra trò đấy. Theo một anh người địa phương chắc là đi đón con em của mình “mọi bữa không được vui đâu, hôm nay tụi nó vui lắm”.
Khi nhóm quay trở lại Ủy Ban xã thì nhóm y tế vẫn còn làm việc, lúc này đã giữa trưa và lượng người đến khám bệnh vẫn còn, bà con đến khám bệnh hôm nay nhiều hơn số dự kiến, trong đó đã có một số bà con vì nhà xa đã phải về trước. Có thể nói đây là lần đầu tiên quà đã được phát xong từ lâu mà lượng người khám bệnh vẫn còn và còn tiếp tục đến, điều đó chứng tỏ nơi đây, bà con đang cần đến sự chăm sóc về y tế.
Lần này đi nhân lực ít nhưng công việc lại nhiều và đa dạng nhưng tất cả mọi người bằng tấm lòng của sự sẻ chia đã nổ lực làm việc hết mình liên tục với sự nhịp nhàng và hiệu quả. Việc chú trọng tăng cường nhiều Bác sĩ phục vụ khám bệnh lần này cũng rất thích đáng để giải quyết cho gần 500 người.
Sau khi dùng cơm và cùng thưởng thức ché rượu cần cùng những lời tri ân chân tình, đoàn đã chia tay để về lại Phú Yên. Trong lúc chia tay cùng nhóm FQNG cũng đã có những giọt nước mắt, nước mắt tình cảm của sự chân thành, hy vọng được gặp lại các bạn những người bạn xứ Quảng rất đáng yêu.
Khi mọi việc đã hoàn thành trên đường về dù mệt nhưng ai cũng có niềm vui từ sự cảm nhận của riêng mình và hơn ai hết những người thực hiện chương trình chúng tôi rất vui, vui vì ta đã hoàn thành công việc mình một cách tốt đẹp đúng nghĩa. Thật sự để có được những sự tốt đẹp đó, đầu tiên phải nói đến sự đồng thuận và ủng hộ cho chúng ta từ phía địa phương.
Trên đường về Phú Yên, đoàn cũng đã đi ngược lên thị trấn Mộ Đức để đến chùa Trung Hòa lễ Phật, cúng dường (theo kế hoạch chúng ta sẽ đến trên đường đi Quảng Ngãi nhưng vì không có thời gian nên bây giờ quay lại). Sau đó về thẳng Phú Yên để sẳn sàng cho chương trình của ngày hôm sau. Hơn 19 giờ thì đoàn đã đến thôn Cần Lương, xã An Dân huyện Tuy An tỉnh Phú Yên, đến chùa Từ Quang mà tục gọi là chùa Đá trắng nghỉ đêm.
Sáng sớm hôm sau, nhiều thành viên trong đoàn lần đầu đến đây đã tranh thủ tận hưởng bầu không khí trong lành và để được nhìn ngắm, chụp ảnh lưu niệm cùng những cây xoài cổ trên 200 năm tại khuông viên Chùa, đây là những cây xoài được dành riêng để tiến vua ngày xưa. Theo dự kiến sáng nay ta sẽ tập trung nơi chánh điện để tác bạch cúng dường nhưng vì tối trước đó xe không vào được, vật phẩm cúng dường còn để trên xe, nên mọi người tùy nghi lễ Phật rồi còn lo di chuyển hành lý xuống để đi sang xã An Định kịp giờ đã thông báo với bà con.
Xã An Định huyện Tuy An là một xã vùng sâu, nơi mà năm 2009 lũ về đạt đến đỉnh 3,9m đã gây nên thiệt hại nặng nề cho địa phương và mới đây cũng đã xảy ra 3 dịch bệnh liên tiếp (sốt xuất huyết, Rubela, siêu vi). Khi đến nơi đã có nhiều bà con chờ sẳn tại hội trường của xã và số người đến khám bệnh càng lúc càng nhiều hơn, trong khi theo thông báo dự kiến chỉ khoảng dưới 300 người.
(vì lý do kỹ thuật nên nhiều ảnh từ Phú Yên có chất lượng kém)
Trong công tác khám bệnh cấp thuốc với chúng ta luôn quan tâm chú trọng việc truyền đạt kiến thức để bà con hiểu biết về bệnh trạng cũng như biết cách phòng tránh, đồng thời chỉ định cùng lời khuyên cần thiết nên lên tuyến trên để có hướng điều trị kịp thời. Buổi sáng hôm nay đã khám bệnh cấp thuốc cho hơn 450 người và toàn bộ số bánh chocopie còn lại đã dành tặng hết cho bà con đến khám bệnh và vì một số loại thuốc chuyên trị đã hết nên buộc chúng ta phải tạm dừng, tuy nhiên vẫn giải quyết hết cho số bà con đến muộn. Một lần nữa chúng ta cảm thấy vui vì đã đến đúng nơi cần đến.
Kinh nghiệm trong những lần đến vùng sâu, vùng xa, chuyến đi lần này chúng ta đã có sự chuẩn bị đa dạng, đầy đủ cơ số thuốc cho hơn 1.200 bệnh nhân, chú trọng thuốc để tăng cường thể trạng, huyết áp, tim mạch. Tuy nhiên tại Ba Giang và tại An Định đã có nhiều trường hợp Bác sĩ chỉ định cấp thuốc nhiều hơn bình thường, nên dẫn đến tình trạng một số loại thuốc bị hết (như huyết áp, tim mạch đã cho 30 ngày, các loại vitamin, tăng cường tuần hoàn từ 20 đến 30 ngày, kháng sinh, kháng viêm đến 15 ngày…). Nói chung đây cũng là hợp lý theo thực tế vì với những vùng sâu thì việc để có 1 viên thuốc không phải lúc nào cũng có được.
Số thuốc tân dược còn lại của chuyến này (rất nhiều loại) sẽ giao lại cho bộ phận dược của Chi hội Chí Tâm quản lý để tiếp tục dùng cho những chuyến khám bệnh cấp thuốc từ thiện sắp tới tại các nơi, trong đó bao gồm 152 chai Cimetidine. (Xin nói thêm Cimetidine có 2 thùng = 192 chai mà ân nhân gửi ủng hộ trước ngày lên đường, do đã mua đủ cơ số thuốc, hơn nữa thuốc date còn dài nên để dùng dần, lần miền Trung này chỉ dùng 10 chai, còn 182 chai. Ngày 31/10/2015 (lần thứ 4/2015), Lá Bồ Đề sẽ dùng 30 chai cho đợt khám bệnh, cấp thuốc định kỳ tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc - Long An).
Sau đó, theo sự bố trí của Thầy Chúc Thuận, đoàn đã đến Niệm Phật đường Giác Sơn tại thôn Phong Hậu lễ Phật, cúng dường và dùng cơm trưa, khá bất ngờ với đường vào đến nơi khá xa lại quanh co, ghồ ghề phải dùng xe hai bánh trung chuyển, việc đi vào ra cũng mất khá nhiều thời gian. Tại đây chúng ta đã dành tặng 2 chiếc xe lăn cho 2 trường hợp khuyết tật trong đó có một trường hợp cụ bà không thể đến nhận được do không thể ngồi được trên xe hai bánh để thân nhân đưa đến.
Đại đức Thích Chúc Thuận, Trụ trì chùa Từ Quang (Đá Trắng) tại xã An Dân, Giãng viên Hán ngữ Phật học Tp.HCM và tỉnh Phú Yên người đã vận động tích cực để đoàn được về giúp cho bà con nghèo tại xã an Định
Xe lăn của Lá Bồ Đề đã được nhóm Facebook Quảng Ngãi chuyển đến tặng cho bà con (ảnh nhận ngày 26/12/2015)
Chia tay Thầy Chúc Thuận, trên đường về Đại Lãnh, đoàn đã không thể không đến với thầy Quảng Kim tại chùa Phước Long bởi những tình cảm và sự ưu ái quá lớn của Thầy “dù không về khám bệnh được nhưng đoàn nhớ phải về đây dùng cơm với Thầy” “Cứ về đây ăn để có sức khỏe, đừng ngại, Thầy muốn góp một phần lo cho đoàn vì đoàn đi làm từ thiện mà, làm những việc lợi ích cho chúng sanh”. Chùa Phước Long là nơi mà theo kế hoạch ban đầu chúng ta sẽ về đây khám bệnh cho bà con địa phương.
Sau đó đoàn đã về khu du lịch Đại Lãnh để nghỉ dưỡng dù có muộn hơn đôi chút. Là một khu vực riêng biệt, biển sạch, cát trắng mịn, thức ăn ngon duy chỉ có điều số lượng phòng cá nhân ở đây có giới hạn (nếu về đến Nha Trang thì quá muộn). Tiếc rằng thời điểm này nước đang kém, nếu không nước sẽ lên gần đến dãy lều lá và mắc võng nằm lấp xấp dưới nước thật thú vị, một hình ảnh độc đáo tại đây.
6 giờ sáng hôm sau, 25/10/2015, đoàn rời Đại Lãnh về qua chợ Nha Trang sau đó về thẳng Tp.HCM. Hơn 19 giờ trở về đến nơi xuất phát kết thúc chuyến công tác sau 4 ngày 4 đêm vượt chặng đường đi và về khoảng gần 2.000km để mang yêu thương đến với bà con nghèo miền núi xứ Quảng. Một lần nữa thay mặt Chi hội Lá Bồ Đề xin chân thành tri ân đến tất cả những ân nhân, những tấm lòng nhân ái, sẻ chia yêu thương, những người có mặt cũng như không có mặt trong chuyến đi, xin hẹn gặp lại tất cả trong những chuyến hành thiện từ tâm sắp tới.
Chi hội Lá Bồ Đề
Để xem clip video (do nhóm FQNG thực hiện) về hoạt động của đoàn tại Quảng Ngãi, các bạn kết nối vào Youtube, search từ : Chi hội Lá Bồ Đề.
Tin về hoạt động tại Quảng Ngãi và Phú Yên cũng đã được đăng tải trên trang Truyền thông Phật giáo VN ngày 26/10 và trên báo Giác Ngộ ngày 27/10.