Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

"XUÂN YÊU THƯƠNG" ĐẾN VỚI KON TUM

Đến trại phong Dak Kia và thôn Kon Pak xã Dak Blà - Kon Tum... Người bệnh tật, khuyết tật ngay cả người mù, điên nói chung là sự bất hạnh nhưng riêng với người bệnh cùi thì nỗi đau ấy sự khốn khó ấy, điều bất hạnh vương mang ấy lại khổ đau bội phần nếu không muốn nói là tột cùng bởi bên cạnh nỗi đau về thể xác với những cơn đau thấu xương trong hình hài dị dạng, gớm ghiếc... còn là nỗi đau về tinh thần bởi họ thường bị xa lánh. Họ có thể làm được gì với bàn tay, bàn chân cụt mất chi, hơn nữa có ai dám thuê họ về làm việc không ? Ngay cả với người khỏe mạnh khi mà biết họ là dân của làng cùi ? Một tháng có mấy mươi đoàn từ thiện đến theo thứ tự được sắp đặt như tại một huyện ở miền tây ? hay ở đây một năm cùng lắm chỉ có một hoặc hai đoàn đến, thậm chí là không có đoàn nào ?...

“XUÂN YÊU THƯƠNG” ĐẾN VỚI KON TUM 

        Kon Tum là một tỉnh xa nhất về phía bắc của khu vực Tây nguyên, có cửa khẩu với Lào và Cambodia, nên còn được gọi là ngã ba Đông Dương. Trong tiếng Banar, Kon có nghĩa là làng và Tum có nghĩa là hồ bởi địa phương có nhiều hồ, được bao bọc bởi dòng sông Dak Blà. Kon Tum cũng là nơi bắt nguồn của sông Cái (chảy sang Quảng Nam), Sông Sê San (chảy sang Cambodia), sông Ba (chảy sang Phú Yên). Tỉnh Kon Tum hiện có tất cả 42 dân tộc đang sinh sống trong tổng số 54 dân tộc, trong đó cư dân bản địa chỉ có một số dân tộc như R’Mâm, Banar, Xơ Đăng (Xê Đăng hay Xê Đăng, Mơ Nâm, Con Lan), JaRai (Jrai), Giẻ Triêng (Đgiéh, Triêng, là người Talieng tại Lào), Brâu, Hré, … Mỗi dân tộc gắn với một vùng cư trú. Ngày nay có cả người Mường, Thái, Tày, Nùng…

        Trong một lần đến Kon Tum, chúng tôi được biết về cuộc sống lạc hậu, cơ cực, nghèo khó, thiếu đủ mọi thứ của bà con dân tộc nơi những vùng sâu, đứng trước một cây cầu mà chính chúng tôi cũng ái ngại không dám đi qua, trong khi các em nhỏ, người già vẫn gùi củi đi qua lại rất bình thường (vì quá bất tiện giao thông, cùng những vấn đề chưa thống nhất nhưng chúng ta sẽ cố để một lần đến nơi này) và cũng thật khá bất ngờ khi biết tại Kon Tum không chỉ có một trại phong mà có rất nhiều trại phong như Dak Pnan, Dak Kia, Dak Mot, Kon Thup, Phú Bổn, Châu Khê, Ia Grai … Từ đó Chi hội Lá Bồ Đề đã ấp ủ những chương trình để đến với bà con và kế hoạch đó một phần đã được thành hiện thực bằng tấm lòng nhân ái cùng sự chung tay góp sức của các ân nhân gần xa. 

        Khi chương trình đã khởi động, chủ yếu tập trung đến Dak Kia, Sư cô Thích Nữ Trúc Giác, trụ trì chùa Pháp Hoa, Ủy viên Ban từ thiện – xã hội GHPGVN tỉnh Kon Tum có đề nghị chúng ta nên một lần đến với thôn Kon Pak nơi đó nhiều bà con rất nghèo, có những hoàn cảnh đặc biệt, được biết xã DakBla cũng từng có đoàn từ thiện đến nhưng với thôn Kon Pak thì hình như chưa và chúng ta đã đồng thuận với ý kiến này.

        Chiều ngày 01.01.2016 đoàn đã lên đường hướng về Kon Tum mang theo 300 phần quà với 22 mặt hàng dành tặng cho 185 hộ tại trại phong Dak Kia xã Đoàn Kết, là những bệnh nhân già yếu cô đơn cùng những bệnh nhân đang sống cùng gia đình con cháu và 115 phần quà dành tặng cho bà con nghèo tại thôn Kon Pak xã DakBla, Tp.Kon Tum. Mỗi phần quà trị giá trên 650 ngàn đồng. Tổng giá trị của chuyến đi (bao gồm một số hiện vật khác) khoảng trên 220 triệu đồng.

        (xem thêm phần công khai tài chính chi tiết tại mục tài chính, file : CK tài chính đến Kon Tum)

        Qua đây chúng tôi cũng xin chân thành tri ân đến tất cả các ân nhân gần xa đã mở rộng vòng tay yêu thương, cùng chung tay góp sức giúp cho chương trình thành hiện thực và có chất lượng, đặc biệt tri ân đến một Cty……., Cty Song Trang mà cụ thể là cô Quyên cùng các thân hữu, chị Tuyết Lan Q.7, đã tạo điều kiện giúp cho chuyến từ thiện lần này được đầy đủ và phong phú.

        Trong chương trình lần này, còn có kế hoạch tặng 16 xe lăn + 1 cặp nạn cho người khuyết tật tại xã Vinh Quang và phần này chúng ta nhận được sự tài trợ của Ban từ thiện Phật giáo, Phân ban Ni giới Tp.HCM. Tuy nhiên do vào dịp đầu năm, lượng hàng nhập khẩu nhiều, kho cảng ứ đọng nên hàng từ thiện sẽ về muộn. Sau tết chúng ta sẽ nhận và cử đại diện lên tặng cho bà con sau.

        06 giờ sáng ngày 02.01.2016, đoàn đến chùa Pháp Hoa, cửa ngõ Tp.Kon Tum, đúng như dự kiến, đó cũng là lý do vì sao xuất phát sớm hơn một giờ là vậy. Không khí ở đây thật dễ chịu chỉ se lạnh, trái với những thông tin mà chúng ta nhận được từ Kon Tum cũng như tại Pleiku “ở đây đang rất lạnh, nhớ nói mọi người lên đây thời tiết giết chết thời trang, còn yêu thời trang thì chết với thời tiết đó nhe” cũng xin thưa không phải một mà là nhiều cuộc gọi về thông báo, thế mới khiếp, làm mọi người ai cũng chuẩn bị đầy đủ để sẳn sàng để chống lạnh. Thật vậy nếu như chúng ta đến sớm hơn hai – ba ngày thì sẽ biết thế nào là cái lạnh tây nguyên mà ngay chính người địa phương còn khó chịu, đặc biệt là tại Pleiku. Theo người địa phương năm nay thời tiết quá thất thường bất chợt lạnh căng kèm mưa phùn dẫn đến rét nứt môi vài ngày rồi nóng nhẹ lại.

        Sau khi vệ sinh, ăn sáng và cúng dường, đoàn đã di chuyển để đến khu bệnh xá phong Dak Kia. Địa điểm mà những người thực hiện chương trình chọn làm nơi phát quà là khu vực nhà rông trong trại (nhà văn hóa thôn Dak Kia). Cũng xin nói thêm, chúng tôi đã buộc phải chỉ định xe tải vận chuyển hàng cho chúng ta xuống toàn bộ hàng hóa trước tại đây từ sáng ngày 01/1 thay vì chờ chúng ta tại chùa Pháp Hoa, để sáng ngày 02/1 theo cùng đoàn (vì gia đình tài xế có người đang cấp cứu, nên đã xin về ngay, nếu xuống hàng tại chùa Pháp Hoa thì tốt hơn nhưng chúng ta lại phải tốn thêm khoảng tiền thuê xe tải khác).

        Trại phong Dak Kia được các Cha Thừa sai thành lập năm 1920. Năm 1939 Đức Cha Jannin Phước đã mời các Nữ tử Bác ái dòng Thánh Vinh Sơn về giúp sức chăm sóc bệnh nhân phong. Năm 1967 Bác sĩ người Pháp Christiane Granger tình nguyện sang chăm sóc và thành lập khu phòng xã hội cho người bệnh, lúc này số bệnh nhân hơn 300 người. Soeur Y Phương (người Banar, phụ trách trại), trải qua những nổi bất hạnh từ thới ấu thơ, năm 1950 Soeur chính thức vào tu viện khấn nguyện trọn đời và sau khi tốt nghiệp khóa y tá trong chủng viện, Soeur đã tình nguyện về trại phong Đak Kia, đến với những người mang căn bệnh hiểm nghèo đang chờ đợi những bàn tay bao dung và tấm lòng rộng mở của người mẹ và suốt gần 60 năm qua Soeur Y Phương đã thực sự là người mẹ hiền của tất cả các bệnh nhân nơi đây cùng con cháu của họ mà không ít lần trên truyền thông đã gọi Soeur là “bà tiên”, bà tiên giữa đời thường làm nên những câu chuyện cổ tích tại làng cùi Dak Kia. Soeur cho biết “tôi không ngại bất cứ vết thương nào của bệnh nhân phong, kễ cả phải chịu đựng những cơn thịnh nộ của họ mỗi khi bị hoành hành đau đớn,  tôi không nhớ hết là mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu đứa bé chào đời trong trại này, chỉ nhớ là có nhà tôi đỡ đẻ cho cả hai thế hệ”. Những người hy sinh cả đời như Soeur Phương nói riêng và các Soeur tận hiến phục vụ cho bệnh nhân phong nói chung chúng ta chỉ có thể nói được hai từ là “kính phục” bởi tấm lòng đó quá cao cả, tấm lòng của Đức Mẹ vô nhiểm.

        Trong trại, có nhiều khu: khu bệnh nhân cô đơn, khu bệnh nhân cùng gia đình, khu gia đình bệnh nhân… mỗi căn nhà (căn phòng) khoảng chừng 20m2, có từ 2 đến 3 gia đình cùng chung sống với nhau, đỡ đần cho nhau, ngày nay các khu trại đã được tân trang lại nhưng không xóa hết được dấu tích của cuộc sống cơ hàn cùng màu vàng của khói than củi. Mỗi gia đình có những mức độ bệnh tật khác nhau, những niềm vui nổi buồn khác nhau cùng những bất hạnh khác nhau nhưng lại có chung một cái nghèo, cái khó, cái buồn tủi, cái chịu đựng và cái mặc cảm giống nhau, ngay cả thế hệ con cháu của họ những người hoàn toàn khỏe mạnh, họ cũng có những khát khao như bao người bình thường khác, cũng muốn được học cao hiểu rộng, cũng muốn cuộc sống đầy đủ sung túc, cũng muốn có một người chồng, một người vợ, một mái gia đình hạnh phúc ở đâu đó để được hòa nhập thật sự với cộng đồng nhưng nào có được đâu và ước mơ cũng chỉ mãi là mơ ước mà thôi vì đơn giản là sự ghê sợ, xa lánh vẫn còn hiện hữu và như một cái vòng lẩn quẩn từ thế hệ này đến thế hệ khác và họ vẫn khó thoát khỏi mấy chữ “người trại cùi”.

Sữa Friso gold được pha cho các em uống kèm theo ly nhựa cho mỗi em "hai ba ly cũng được nhe, em nào uống nữa đưa ly đây"

Mấy cô chú lắc hỏng có bằng con, con lắc đẹp nhất !!

        Có lần vô tình trên truyền thông, thấy có ý nói đồng bào những người bệnh phong không chịu vươn lên, chỉ ỷ lại vào tình thương của người khác. Theo riêng chúng tôi thì có lẽ ý đó còn quá phiến diện bởi họ có thể làm được gì với bàn tay, bàn chân cụt mất chi, hơn nữa có ai dám thuê họ về làm việc không ? Ngay cả với người khỏe mạnh khi biết họ là dân của làng cùi  ? Một tháng có mấy mươi đoàn từ thiện đến, được sắp đặt tuần tự như một huyện ở miền tây  ? hay ở đây nói riêng và các trại phong khắp nơi nói chung một năm cùng lắm chỉ có một hoặc hai đoàn đến, thậm chí là không có đoàn nào ? Ngày nay chính phủ tạo nhiều điều kiện để con em bệnh nhân phong được hòa nhập cộng đồng, được động viên đi học (đóng học phí như mọi người) nhưng có mấy em có được bạn học chơi chung là người ngoài trại phong ?

        Người bệnh tật, khuyết tật bình thường ngay cả người điên, người mù nói chung là một nỗi đau, sự bất hạnh và khốn khó nhưng riêng với người bệnh cùi thì nỗi đau ấy sự khốn khó ấy, điều bất hạnh vương mang ấy lại còn khổ đau bội phần nếu không muốn nói là tột cùng bởi bên cạnh nỗi đau về thể xác với những cơn đau thấu xương trong hình hài dị dạng, gớm ghiếc còn là nỗi đau về tinh thần.

        Bệnh phong đã hoàn toàn kiểm soát được, rất nhanh chóng (5 ngày) có thể ngăn chặn sự lây lan, tuy nhiên với những bệnh đã tác phát (nghĩa là có thời gian ủ bệnh khoảng 10 năm) dù đã chận đứng nhưng di chứng để lại trên thân thể là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa trong điều kiện sống đủ dinh dưỡng, thoáng sáng, vệ sinh thì vi trùng gây bệnh sẽ khó có điều kiện để tác phát. Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn cựu giám đốc Bv phong Quy Hòa (Bình Định) và Bv phong Quỳnh Lập (Nghệ An) đã tự tiêm vi trùng cùi vào chính mình như là minh chứng sống để khẳng định ta có thể yên tâm vì nó được kiểm soát hoàn toàn, nếu hiểu bệnh, bệnh sẽ không lây, có thể chữa khỏi và cũng để chứng minh điều mà nhiều người không nên ghê sợ, xa lánh người bệnh phong. Mong rằng sẽ có sự thấu hiểu từ cộng đồng để xóa bỏ định kiến đối với người bệnh phong cũng như với thân nhân gia đình họ, để giúp họ thật sự có cuộc sống bình thường như mọi người.

        Tại trại phong Dak Kia do hàng hóa, vật phẩm toàn bộ đã xuống trước lẫn lộn để dưới nhà rông (như đã nói trên) nên việc triển khai những phần quà tại Dak Kia cũng có sự phức tạp nhất định, bên cạnh đó là sự nhầm lẫn phát hành hai phiếu cho một hộ (Mặt trận tỉnh và trại phong) mà số lượng lại không thống nhất và sự quá nhiệt tình của một số thành viên cũng gây nên những bất đồng, rối đội hình. Nhưng mọi việc cũng đã được giải quyết nhanh chóng ổn định để tiến hành việc tặng quà cho bà con theo tuần tự từng mặt hàng với sự trợ giúp của các bạn tình nguyện viên. Tại đây đã phát sinh thêm 15 phần quà và chúng ta cũng có phương án để giải quyết (lấy 15 phần của Kon Pak chuyền về cho đủ tại Dak Kia, phần tại Kon Pak ta trích bớt phần vật phẩm công nghiệp gửi tặng các Soeur và cúng dường các chuà cùng những vật phẩm khác còn cái gì ta tặng nấy kèm theo đó là bao thư tiền mặt 600 ngàn đồng).

        Từng nhóm thành viên đã làm rất tốt công việc của mình một cách chủ động, linh hoạt, dù là những công việc phía sau hay chỉ hỗ trợ cho đồng đội, đúng như một đội bóng sự thành công phải xuất phát từ sự kết hợp của một tập thể. Qua đây cũng xin cảm ơn các anh chị, các bạn đã thể hiện tấm lòng của mình qua nghĩa cử với bà con là những người bệnh, đặc biệt là các bạn tình nguyện viên phụ giúp cho bà con nhận quà, cường độ làm việc của các bạn rất cao, rất vất vả nếu không có sự nhiệt thành cùng tấm lòng đến là để sẻ chia thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ một cách tận tụy, ân cần và các bạn là khâu then chốt để giúp giải quyết cho việc tặng quà nhanh hay chậm. Từ nhóm sinh hoạt với các em thiếu nhi, nhóm phân cá, nhóm hàng tự chọn… đều làm việc rất nhịp nhàng, chủ động và làm rất tốt ngay như khâu phân cá một việc rất đơn giản nhưng không có sự tính toán thì cũng phức tạp không ít vì chúng ta có nhiều loại cá với trọng lượng khác nhau. Cũng xin nói thêm cá lần này mang tặng bà con toàn là những loại cá ngon, đắt tiền: cá sapa nhập khẩu từ Japan và cá nục suông, fillet cá xuất khẩu… Những con cá tươi xanh, căng tròn và bà con vui mừng khi biết có cho cá "có cá nữa hả, sướng quá".

        Thật cảm động trước khi chia tay, mặc dù sức khỏe đang yếu, Soeur Y Phương đã đến gửi tặng đoàn gói măng khô cùng lời tri ân chân thành. Hiện Soeur đã 79 tuổi, từ năm 2010 Soeur Y Lan dòng Ảnh Phép Lạ (là dòng nữ tu của người dân tộc) đã về đây hỗ trợ công việc điều hành giúp Soeur Phương.

        Tại trại phong, chúng tôi cũng đã gặp lại Bác sĩ Ksor Thu người dân tộc JRai, quê ở buôn Bir, xã Ia Rbol huyện Ayunpa – Gia Lai, gia đình vào làng Dak Kia từ năm 1978 và cô được sinh ra tại đây. Ksor đã vượt qua định kiến, mặc cảm (vào Quy Nhơn để tiếp tục học) với bao ước mơ và cơ hộị đến khi tỉnh Kon Tum có chính sách cử tuyển con em dân tộc vào ngành y. Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y Hà Nội, Ksor không như những bạn khác tìm đường đi riêng, cô đã tình nguyện về lại trại phong Dak Kia để phục vụ cho những bệnh nhân là đồng bào của mình nơi mình được sinh ra và lớn lên.

Từ trái sang: Bs Ksor Thu, chị Thúy Nga, Chị Vân, Soeur Y Lan

Soeur Y Phương (đội khăn đứng giữa)

        Sau khi chuyển hàng còn lại lên xe của đoàn. Rời Trại phong, đoàn tiếp tục đến thôn Kon Pak theo đường trục đường QL 24 (đường này là trục đường để về Quảng Ngãi đi qua khu vực xã Ba Giang mà chúng ta đến trong lần trước). Tại nhà rông Dak Bla trên một gò đất cao, chung quanh không có bóng mát hơn nữa xe không vào được, muốn vào phải chuyển hàng lên xuống bằng xe đầu kéo, khá bất tiện, chúng ta đã quyết định chọn vị trí ngay đường đi vào nhà rông làm nơi phát quà cho bà con và mọi người sẳn sàng cùng làm việc dưới nắng trưa cao nguyên.

Xếp quà gọn vào bao cho bà con tiện mang về

        Được biết có những bà con phải đi bộ 3 tiếng đồng hồ đề đến nơi, nhiều người nhận quà xong đứng dài theo đường là đề chờ người nhà hay người quen đi ngang chở về giúp. Tại đây có nhiều hình ảnh thật xúc động, khi phụ bà con nhận và chuyển quà ra ngoài các bạn tình nguyện viên đã không quên gửi đến bà con lời chúc năm mới tốt đẹp, mạnh khỏe, an lành. Rồi khi một cụ bà nhận quà xong lúc đưa ra ngoài bà đã khóc thành tiếng trong sự bất ngờ và bối rối của anh chị phụ giúp cho bà, bà cho biết có con cháu nhưng nó nghèo quá tui tự sống một mình, lần đầu được cho quà, nhiều quà quá”, sau đó bà đã đến bắt tay nhiều thành viên của đoàn như thể hiện một sự tri ân chân thành. Ông trưởng thôn chuẩn bị một bình rượu cần trên nhà rông dành cho đoàn, vì quá trưa và biết đoàn sắp rời đi, ông đã mang bình rượu xuống đặt ngay giửa đường mời đoàn cùng thưởng thức thay cho lòng biết ơn và cũng thật sự xúc động và khá bất ngờ, khi mọi người đã lên xe chuẩn bị rời đi, nhiều bà con ở gần đó ra dấu hiệu cho xe chậm lại và tất tả mang đến tặng cho đoàn những món quà: người gói nếp, người thì gói măng khô, người thì đòn bánh tét, người thì nải chuối xanh mới vừa mới chặt trên cây. Những món quà cây nhà lá vườn đúng nghĩa. Đây cũng không phải là lần đầu đoàn được tặng quà nhưng trước tình cảm của từng bà con đã tạo cho chúng ta sự bối rối, vì ta đến bằng tấm lòng để sẻ chia chứ không phải là ban ơn để nhận lại sự cảm ơn nhưng trước sự chân thành được thể hiện trên gương mặt mỗi người và cũng đáp lại sự trọng thị của đồng bào dân tộc chúng ta đã nhận những món quà ấy và mọi người cùng vui, vui vì trên những món quà đơn giản này được đong đầy tình nghĩa, là niềm vui và hạnh phúc của bà con.

        Một lần nữa, chúng ta đã nhận về cho mình sự hạnh phúc vì đã mang được niềm vui sẻ chia đến nơi cần đến, đến với đồng bào nơi vùng xa, nơi mà cuộc sống bộn bề vất vã.

        Một cảm nhận chung là bà con tại Dak Kia cũng như tại Kon Pak rất chất phát, hiền hòa qua việc tuần tự chờ đến lượt mình vào nhận, hoàn toàn không có cảnh dành giựt, chen lấn. Ngay cả với các em thiếu nhi khi được cho thêm bánh kẹo, sữa, các em cũng chưa dám nhận con đã có rồi”.

Đây không phải là lần đầu được bà con tặng quà nhưng lần này trước sự trọng thị, chân thành của nhiều bà con chúng tôi đã thực sự bối rối

Nếp, măng khô bà con tặng sau đó chúng ta đã gửi lại cho chùa Pháp Hoa

        Trên đường về ngồi trên xe, nhiều anh chị em có nói với nhau, "nơi mà mình đến hình như nhà nào cũng có mặng khô, có lẽ đây là thực phẩm không thể thiếu hàng ngày", đúng vậy măng khô và nấm rừng là chủ lực nhưng không phải măng khô để hầm với giò heo đâu nhé mà là măng khô kho muối, măng khô luộc chấm muối...  Bất chợt có người nói "bửa nay bà con có cá ngon ăn rồi"  

        Về lại chùa Pháp Hoa để dùng cơm trưa, trên đường đoàn cũng đã đến tham quan cây cầu treo Kon Klor bắt qua dòng sông Dak Blà, bên kia cầu là làng văn hóa Kon K’tu thuộc xã Dak Rơwa, bên đây là nhà rong đặc trưng Tây nguyên (tuy nhiên dù đã đến đây nhiều lần nhưng người viết chưa lần nào được vào vì cửa luôn khóa). Sau đó đã đến tham quan nhà thờ Chánh tòa Kon Tum hay còn được gọi là nhà thờ gỗ bởi được xây dựng bằng gỗ theo lối kiến trúc pha lẫn giửa phong cách Roman phương tây và phong cách văn hóa bản địa nhà sàn của người Banar, do Linh mục người Pháp xây dựng năm 1913, trong 5 năm. Hôm nay rất may mắn đoàn đã được vào bên trong Thánh đường.

        Cũng xin nói thêm làng văn hóa Kon K'tu là nơi mà ban đầu ta định sẽ đến đây ở nhà rông, tối sinh hoạt cồng chiên với đồng bào, tuy nhiên vì biệt lập nên khá buồn hơn nữa có nhiều điều khó phù hợp với đoàn đông người như vấn đề điện, nước, vệ sinh, nơi ngủ, ăn uống... có thể chỉ phù hợp với những nhóm ít người mang tính khám phá. Hơn nữa cũng cần rút ngắn bớt đoạn đường về nên quyết định về Pleiku nghỉ đêm. 

        Sau khi dùng cơm trưa tại chùa Pháp Hoa, đoàn đã tạm biệt Kon Tum để về Pleiku. Trên đường cũng đã đến viếng chùa Bửu Minh xã Nghĩa Hưng khu vực sau biển hồ huyện Chư Pah – Gia Lai, với lối kiến trúc đặc trưng tọa lạc giữa khu đồi trà tạo nên một không gian tỉnh lặng và thơ mộng và tuần trước nhóm nghệ thuật Phật giáo (ĐĐ Quảng Mẩn, trụ trì chùa Liên Hoa mà chúng ta có dịp đến chùa của Thầy tại Dak Nong trong chuyến Trường hạ vừa rồi) cũng đã về đây để sáng tác, đây cũng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng tại Gia Lai.

        Vào Tp.Pleiku, đoàn cũng đã ghé qua công viên Đại đoàn kết để tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại quảng trường sau đó đến viếng chùa Minh Thành, dù có người địa phương dẫn đường đi vòng nhưng không thể vào được vì một lý do đơn giản là hai đầu đường để vào đều có bảng cấm xe trên 16 chổ. Hơn nữa lúc này gọi điện cho Thầy Tâm Mãn lại không có trả lời. Xe không dám vào mà buộc phải quay về khách sạn, chúng ta cũng thông cảm điều này cho tài xế dù thật sự tiếc. Đây là ngôi chùa được xây dựng mới (xây dựng đã 90%) với lối kiến trúc mang tính nghệ thuật do chính Đại đức Thích Tâm Mãn thiết kế, Thầy là người đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp thủ khoa Cao học mỹ thuật Phật Giáo tại Taiwan.

        Trên đường về khách sạn mới biết ngay cả những đường vào khách sạn cũng như tất cả tuyến đường vào nội thị đều có bảng cấm xe trên 16 chổ ??? nhưng nếu cần vào đâu thì liên lạc nơi đấy dẫn đường ???

        Tại Pleiku, chúng ta đã có một đêm ăn, nghỉ tương đối tốt. Sự tính toán để chọn lựa đã có hiệu quả, tuy nhiên không phải nơi đâu cũng có thể đạt được yêu cầu, có đủ phòng để cung ứng dù trước khi thực hiện bao giờ chúng ta cũng có sự cân nhắc từ giá cho đến chất lượng, nhưng đôi khi hên xui nhất là khu vực tây nguyên và miền trung, bởi chúng ta cũng đã không ít lần bị động vì bị phía khách sạn chơi chiêu.

        Vì đường về còn dài, không có thời gian, trước khi rời Pleiku chúng ta cũng đã gửi cho người thân để chuyển những vật phẩm đến cúng dường tại chùa Minh Thành.

        Qua Buôn Ma Thuột đoàn cũng đã dừng để mọi người mua những đặc sản địa phương sau đó viếng chùa Sắc tứ Khải Đoan và tiếp tục hành trình về.

        Đoạn đường từ đây về, đã biết là khó có chổ để ăn đối với đoàn đông người, chúng ta đã liên hệ ngay quán cơm tại Buôn Ma Thuột, trên đường đi đã suýt xảy ra tai nạn nên tài xế có đề nghị ra luôn quốc lộ rồi ăn sau, cứ nghĩ là xe biết chổ hoặc chổ quen của nhà xe nhưng như những gì ta đã biết những quán cơm dọc đường cũng như tại Dak Mil hay Gia Nghĩa chỉ đủ cho những xe gia đình (QL 14 là tuyến đường mới chính thức phục hồi lại khoảng hơn năm nay), mặc dù trên xe đoàn cũng có mang những lương thực phục vụ cho đoàn kèm bánh tét bà con tặng nhưng dù sao cũng đã phải lở bửa trưa, rất mong được sự thông cảm.

        Về Đồng Xoài, đến viếng chùa Quang Minh và dùng cơm chiều tại đây, sau đó về thẳng Tp.HCM.  22 giờ 30 thì đoàn về lại nơi xuất phát. Hoàn thành chuyến từ thiện mang xuân yêu thương đến với đồng bào nghèo đặc biệt là với những bệnh nhân phong.

        Chi hội Lá Bồ Đề

         Kết nối You tube , từ khóa “lá bồ đề tại kon tum” xem clip về hoạt động tại Dak Kia

         Tin về hoạt động cũng được đăng tải trên báo Giác ngộ và trang tin truyền thông GHPGVN ngày 05/01/2016 

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 27
Lượt truy cập: 9526700