Cơ thể con người là một bộ máy tự động hoàn chỉnh, hổ trợ liên hoàn giữa các bộ phận với nhau. Đau, nóng sốt, những bất thường biểu hiện có thể chỉ thoáng qua hay tồn tại lâu dài điều là những tín hiệu cảnh báo khi cơ thể, sức khỏe chúng ta có vấn đề. Biết lắng nghe những điều bất thường trên cơ thể mình là điều cần thiết để ngăn ngừa hay phòng tránh bệnh tật
NHỮNG DẤU HIỆU CỦA CƠ THỂ (phần 2)
Tìm hiểu về ổ bụng
Ổ bụng bao gồm từ mũi ức xuống tận đáy chậu, gồm có 4 vùng chính là thượng vị (trên rốn), hạ vị (dưới rốn), hố chậu phải và hố chậu trái. Ổ bụng gồm có các tạng cơ bản như dạ dày - tá tràng, gan, lách, tuỵ tạng, hệ thống mật (ống dẫn và túi mật), ruột (đại tràng, ruột non, mạc treo, trực tràng, hậu môn), hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang), với phụ nữ còn có tử cung, buồng trứng, vòi trứng... Bao phủ các tạng trong ổ bụng là màng bụng (phúc mạc).
Đau vùng bụng trên
Đau thượng vị (dưới ức, trên rốn) thường là bệnh của dạ dày viêm loét hay viêm loét tá tràng, tụy tạng (viêm, u). Đau âm ỉ, liên tục cả khi đói lẫn khi no hoặc đau nhiều lúc đói có thể do loét dạ dày-tá tràng, đau khi ăn no do viêm dạ dày hoặc đau như dao đâm có thể thủng dạ dày. Nếu đau thượng vị lệch sang phải (hạ sườn phải) là bệnh của gan (áp-xe, viêm), đường dẫn mật và túi mật (viêm, sỏi, u). Cơn đau bụng do hệ thống gan mật thường xảy ra sau bữa ăn, thường hay gặp nhất là đau do sỏi mật. Với bệnh sỏi mật, ngoài đau còn sốt và vàng da (ba triệu chứng xuất hiện tuần tự: đau, sốt, vàng da) có thể nôn, buồn nôn. Đau thượng vị lệch sang trái (hạ sườn trái) có thể là bệnh của lách (lách sưng) . Nếu vị trí đau dịch xuống là bệnh của đường tiết niệu (sỏi ,u, lao...).
Đau bụng quằn quại (còn gọi là đau quặn thận) sau khi vận động hay sau khi đi xe bị xóc nhiều có thể là cơn đau của sỏi thận, niệu quản. Cơn đau do sỏi thận, niệu quản, bàng quang cũng dữ dội, lan tỏa, có thể kèm theo đái buốt, đái dắt, đái máu hoặc đái đục..
Đau bụng dữ dội toàn bụng có thể viêm phúc mạc do thấm mật hoặc dịch tuỵ chảy vào ổ bụng hoặc do thủng dạ dày đưa dịch vị, thức ăn vào làm viêm phúc mạc gây viêm cấp và sốc nhiễm trùng, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Đau vùng bụng dưới
Vùng hạ vị cũng rất hay bị đau do nhiều cơ quan định vị trong đó như đại tràng, bàng quang, phần phụ (nữ giới), tiền liệt tuyến (nam giới)
Đau âm ỉ bụng dưới (vùng dưới rốn bên trái hoặc phải) đôi lúc đau quặn khó chịu, cảm giác nặng trì phần bụng dưới, nặng vùng hạ bộ, đau lưng âm ỉ … Có thể là triệu chứng của vấn đề rối loạn tiêu hóa. Riêng đối với nữ giới, khi đau vùng bụng dưới đặc biệt là khu vực hố chậu phải rất dễ bị nhầm lẫn bởi những cơn đau, hay đau âm ỉ vùng đó có thể là do do u nang buồng trứng (giai đoạn đã tiến triển), xoắn buồng trứng hoặc chửa ngoài dạ con, viêm ruột thừa cấp tính, vì vậy, không thể chủ quan.
Để chẩn đoán xác định nguyên nhân đau bụng cần nên đến bệnh viện hay ít ra là tham vấn với Bác sĩ chuyên khoa và kết quả của cận lâm sàng là đảm bảo chính xác nhất đóng vai trò tích cực trong việc chẩn đoán bệnh (xét nghiệm, siêu âm, nội soi, Xquang, CT...)
Việc tự tiện dùng thuốc nhất là thuốc có tác dụng giảm đau sẽ làm che khuất dẫn đến chẩn đoán sai lệch làm tình trạng xấu hơn . Sai lầm lớn nhất là tự cho là rối loạn tiêu hóa, hay với những người tiền sử được chẩn đoán là có u nang, viêm phần phụ … nên khi đau cứ nghĩ là do bệnh cũ và tự dùng thuốc theo toa thuốc trước đây. Nên biết rằng đa số vấn đề liên quan đến u nang buồng trứng đều không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên cũng có một số ít trường hợp có các triệu chứng không đặc hiệu như đau bụng, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn đại tiện...
Đau vùng bụng dưới nhất là khu trú nơi hố chậu phải (ban đầu có thể đau âm ỉ, lan tỏa, không rõ ràng sau đó cảm nhận rỏ vị trí đau tại hố chậu phải), nếu có kèm theo cảm giác buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi và sốt thì việc đầu tiên nên nghĩ đến là vấn đề ruột thừa. Có thể tự kiểm tra: Ấn vào đoạn giữa đường thẳng tưởng tượng từ rốn chéo xuống đến giữa bẹn bên chân phải (nên ấn bên trái để kiểm tra chéo với nhau, có thể ấn bất ngờ để loại bỏ yếu tố tâm lý của bệnh nhân) nếu ấn bên trái không đau, ấn bên phải mà cảm giác đau nhói (đau không chịu nổi phải bật dậy) thì 85% có thể đã có vấn đề về đám quánh ruột thừa và phải đến bệnh viện ngay để xử lý kịp thời (xét nghiệm thấy bạch cầu tăng cao), phải biết đây là vấn đề cấp cứu, việc chậm trể (vì nhiều trường hợp không cảm thấy đau hay chỉ âm ỉ) có thể dẫn đến bị vỡ gây viêm phúc mạc những hậu quả khó lường.
Luôn buồn ngủ
Luôn thường xuyên cảm thấy buồn ngủ (nếu trước đó không có vấn đề bị thiếu ngủ thậm chí mới vừa ngủ xong), mệt mỏi, có thể kèm triệu chứng thiếu tập trung, nhịp tim nhanh, đau đầu … Đó có thể có liên quan đến của nhiều vấn đề có ảnh hưởng đến sức khỏe như :
Ngưng thở khi ngủ, đây là một sự rối loạn đặc trưng bởi sự gián đoạn ngắn của hơi thở trong khi ngủ và dẫn tới thiếu oxy trong máu. Ngáy là triệu chứng đặc trưng của chứng ngưng thở, nó khiến cảm thấy mệt mỏi vào sáng hôm sau. Đặc biệt, ngưng thở khi ngủ có thể dẫn tới bệnh tim, cao huyết áp và đột quỵ.
Trầm cảm là căn bệnh ảnh hưởng đến cách chúng ta ăn, ngủ, cảm nhận về bản thân mình và những người khác. Nếu không điều trị, triệu chứng này có thể kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Điều này sẽ làm giảm năng lượng, thay đổi thói quen, giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ, đồng thời các vấn đề về trí nhớ, sự tập trung, cảm xúc tuyệt vọng, tiêu cực cũng xuất hiện.
Thiếu máu, oxy không được cung cấp đầy đủ từ phổi đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Thiếu máu có thể do cơ thể thiếu hụt sắt, vitamin, mất máu, chảy máu bên trong hay do căn bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, ung thư hay suy thận. Ngoài ra, phụ nữ dễ bị thiếu máu trong kỳ kinh và trong thời gian mang thai hay cho con bú vì nhu cầu sắt tăng cao.
Khi chức năng tuyến giáp bị suy giảm, cơ thể lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ (có thể ngủ 14-16 tiếng mỗi ngày). Trong suy tuyến giáp còn có các triệu chứng như đau nhức cơ bắp chỉ sau một hoạt động nhỏ, thiếu tập trung, thân nhiệt thấp, táo bón, rong kinh
Bệnh tiểu đường với những biểu hiện khát nước (nên uống nhiều nước), đi tiểu thường xuyên, đói, sụt cân, dễ bị kích thích, nhiễm trùng nấm men và mờ mắt...Tiểu đường type 2 là những người sử dụng đường glucose không đúng cách khiến lượng đường trong máu tăng cao. Nếu không có đủ năng lượng để giữ cơ thể hoạt động trơn tru, người bị tiểu đường sẽ thường thấy cảm giác mệt mỏi, uể oải, cảm giác luôn muốn ngủ.
Dễ mệt mỏi
Cảm thấy mệt mỏi sau khi vận động hay làm việc nặng nhọc là bình thường. Nhưng nếu cảm thấy mệt mỏi sau những hoạt động đơn giản như đi cầu thang lên 1 tầng lầu thì cần cảnh giác. Mệt mỏi và xanh xao không giải thích được có thể là dấu hiệu của sự thiếu máu, đau tim… Mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân có thể là triệu chứng của suy gan, thận…
Với bệnh suy thận ngoài sự thường bị mệt mỏi, có xu hướng tăng dần do chức năng thận suy dẫn đến kết tụ nhiều độc chất và chất thải trong máu, còn có dấu hiệu da bị khô, ngứa (có thể là dấu hiệu vấn đề về xương, hay thiếu khoáng chất). Tiểu nhiều, thường xuyên nhất là vào ban đêm (có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tiểu và phì đại tiền liệt ở nam giới). Nước tiểu có máu do khi thận bị tổn hại nên khi lọc chất thải từ máu để tạo nước tiểu các tế bào máu này có thể bị rò rỉ qua nước tiểu (có thể là dấu hiệu của khối u, sạn thận hay viêm nhiễm nào đó). Nước tiểu có nhiều bọt bong bóng tồn tại khó tan (bình thường tiểu có bọt nhuyễn và tan ngay) do trong nước tiểu có nhiều Protein mà chủ yếu là albumin cùng loại với protein có trong trứng. Bọng mắt do mất nhiều protein qua nước tiểu. Sưng chân do sự giữ muối (bệnh tim, gan hoặc các vấn đề về mạch máu ở chân cũng có hiện tượng này), ăn không ngon do tồn đọng nhiều chất thải. Các cơ dễ bị căng đau do mất cân bằng điện phân. Đau lưng hai bên hạ sườn (không phải nơi thắt lưng) (sỏi thận gây giãn đài bể thận hoặc thận đa nang làm cho các nang ứ nước cũng gây đau)
Thèm ăn, nhất là đồ ngọt
Đột ngột cảm giác thèm ăn nhiều đồ ngọt. Đây có thể là dấu hiệu cơ thể bị mất nước. Cơ thể không có đủ nước để giải phóng glycogen, có vai trò như một dạng tích trữ năng lượng và vì vậy khiến bạn có cảm giác thèm ăn. Nếu điều đó xảy ra, đừng ăn bánh kẹo mà thay vào đó là uống thêm nước, ăn hoa quả có hàm lượng nước cao. Dưa hấu là lựa chọn hoàn hảo. Việc ăn nhiều đường, chất ngọt sẽ làm cản trở khả năng diệt vi khuẩn của bạch cầu.
Thiếu tập trung
Tình trạng này được gọi là trầm cảm lâm sàng. Nếu phải mất nhiều giờ để thực hiện những công việc đơn giản mà thường chỉ cần 20 phút, có thể đang có những vấn đề nghiêm trọng hơn là mệt mỏi hay thiếu ngủ. Nếu không thể trình bày suy nghĩ của mình một cách mạch lạc, có thể đang có vấn đề trầm cảm mà không biết. Tình trạng này lâu dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hàng ngày.
Chuột rút kèm vết bầm tím
Chuột rút là hiện tượng co rút cơ khi mệt mỏi hoặc vận động sai tư thế. Nếu cơn đau do chuột rút đi kèm vết sưng tấy đỏ, máu đông có thể đang tồn tại và gây nguy hiểm. Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng máu đông (thrombosis - huyết khối) hiện diện trong một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu trong cơ thể, thường là ở chân. Khi cục máu đông di chuyển nó có thể gây nghẽn mạch phổi đe dọa mạng sống. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây ra đau chân, nhưng thường xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi phát hiện các triệu chứng chuột rút kèm vết tấy đỏ, bạn cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và chẩn đoán các dấu hiệu của bệnh sớm nhất. (Riêng chuột rút thông thường có thể do sự thiếu hụt Cal D, Magne, Kali, suy val tỉnh mạch sâu…)
An Khánh (Lược dịch, tổng hợp, viết riêng cho website Lá Bồ Đề)
By source : Ezyhealth, medicalguide, Medical atlas, Women's Health Advice, Live Science, Fox News, Boldsky, Huffington Post