Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

ĐẾN VỚI NGƯỜI BỆNH, KHUYẾT, TÀN TẬT TẠI BẠC LIÊU

Tại Tp Bạc liêu, người bệnh tật, khuyết tật, tàn tật nhiều đến bất ngờ và ngay số người mù cả 2 mắt cũng nhiều hơn tỉnh lân cận nhưng rất tiếc lại ít được biết đến....Từng đến tận nhà của bà con đan xen giữa bãi tha ma, lau sậy, ao tù, nước đọng... Chứng kiến nhiều hoàn cảnh, nghịch cảnh, những cuộc đời nghèo khó, những mãnh đời bất hạnh, thương tâm mà sức chịu đựng của họ có thể nói là phi thường, với họ sống, phải sống, chóng chọi để chịu đựng, đó là chuổi ngày thử thách nghiệt ngã....Chỉ có phép mầu mới có thể thay đổi nhưng họ vẫn phải cố, cố gắng vì các con....Trong khi bà con người thì bám vai, người thì ôm bụng, người thì nắm tay các bạn tình nguyện viên để tuần tự nhận quà, nhận thấy cũng đã có những giọt nước mắt của một số thành viên vì quá xúc động “sao mà nhiều người khổ quá vậy nè”....

VỀ LẠI BẠC LIÊU

           Kết nối vào You tube, từ khóa “Chi hội Lá Bồ Đề” để xem toàn bộ hình ảnh .

           Hình ảnh trong trang này, sau một thời gian sẽ được tháo bớt để giảm dung lượng

        Trong năm 2014 để tìm hiểu thực tế tình hình người bệnh, khuyết, tàn tật nghèo tại Bạc Liêu, trước khi đi thật tình chúng tôi những người thực hiện chương trình vẫn hoài nghi bởi thông tin về người mù được cho là có nguyên nhân từ củ hành tại một tỉnh miền tây có nhiều điểm chưa đúng sự thật từ số lượng đến địa điểm, nơi được xem là vương quốc của bóng đêm chìm trong sự nghèo khó lại tại một xã khác, không phải là nơi quảng bá mà nhiều người biết đến (trong những bài viết trước đã có đề cập chi tiết vấn đề này). Thật vậy khi đến Bạc Liêu còn có một Pv của một đài truyền hình đi cùng, tiếp cận nguồn thông tin đầu tiên càng cũng cố sự hoài nghi ấy là có cơ sở, nhưng một ngày tự đi quanh thành phố nhận thấy cũng có nhiều người khuyết tật và trong một lần T.T Nhật Từ về giãng cho Chư Tăng Ni tại Trung cấp Phật học Bạc Liêu và tặng quà cho người nghèo tại đây chúng tôi thật sự bất ngờ về số lượng người mù và khuyết tật. Tìm hiểu, tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau và đã thật sự tin về số lượng người mù, đặc biệt là mù cả 2 mắt, người bệnh, khuyết, tàn tật nghèo tại Bạc Liêu là quá nhiều. Nhớ lời Sư cô Nghiêm Thành, Trụ trì chùa Giác Hoa nói “Cô cũng không hiểu sao ở Bạc Liêu này có quá nhiều người bệnh tật, khuyết tật, tàn tật  nghèo khó. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi này, hỏi Cô, Cô biết hỏi ai đây nhưng sự thật thì như chú thấy đó”.

        Hiện nay theo số liệu thống kê của ban từ thiện GHPGVN thành phố Bạc Liêu tỉnh Bạc Liêu nắm bắt được về từng mãnh đời, từng hoàn cảnh cụ thể thì có đến 1.600 trường hợp trong đó có nhiều người từ các huyện về thành phố Bạc Liêu tìm nguồn sống.

        Ngày 24.07.2016, thương cảm cho những phận đời, những gia cảnh buồn đau những người bệnh, khuyết, tàn tật nghèo khó tại Bạc Liêu mà trong đó nhiều người đang phải sống dưới mức nghèo khổ. Bằng những tình cảm yêu thương, góp phần nhỏ bé để sẻ chia xoa dịu cùng những nổi khổ niềm đau, một lần nữa Lá Bồ Đề chúng ta lại về với Bạc liêu và đây cũng chính là đề xuất của nhiều anh chị có đến Bạc Liêu trong năm 2014.

        Trong chuyến từ thiện lần này, nhân mùa An cư Kiết hạ, Lá Bồ Đề đã kết hợp tổ chức cúng dường Trường hạ đến 2 Hạ trường Ni Tp.Bạc Liêu tại chùa Bạch Liên và Trung cấp Phật học Bạc Liêu tại chùa Giác Hoa. Ngoài ra chúng ta cũng cúng dường tại Tịnh xá Ngọc Liên nơi đã tạo điều kiện địa điểm thuận lợi cho đoàn tặng quà cho bà con.

        300 phần quà lần này trong đó dành 130 phần cho người mù và 170 phần cho người bệnh, khuyết và tàn tật, với 15 mặt hàng gồm lương thực, thực phẩm, mùng, mền, áo đi mưa, dép xốp, bánh kẹo…. Tổng kinh phí chung của chuyến đi lần này là hơn 160 triệu đồng. Có thể giá trị vật chất không nhiều lắm nhưng trong đó chứa đựng cả một tấm lòng cùng những tình cảm chân thành. Mỗi người là một mãnh ghép đẹp và những mãnh ghép ấy đã được ghép lại thành bức tranh yêu thương, dành cho những người bất hạnh. Qua đây cũng xin chân thành tri ân đến các ân nhân, những tấm lòng rộng mỡ những trái tim nhân ái gần xa đã cùng nhau đóng góp hiệp lực thực hiện chương trình và thật thiếu sót nếu không nhắc đến sự hỗ trợ nhiệt thành, năng động và chính xác của ban từ thiện GHPGVN thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

Tham khảo thêm phần công khai tài chính chi tiết (mục tài chính)

        Ngày 23/7 đoàn lên đường, đến Bạc Liêu trước một ngày để sẳn sàng cho chương trình từ thiện của ngày hôm sau. Ngay khi đến Bạc Liêu, đoàn đã đến Bạch Liên tự, tổ chức cúng dường Trường hạ cho 100 hành giả an cư tại đây. Ngoài phần tịnh tài, tịnh vật, Pháp bảo của đoàn còn có sự phát tâm cúng dường thêm tiền mặt của các thành viên trong đoàn cùng một buổi chay phạn và 2 cái y . Ni sư trụ trì bổn tự, hóa chủ Hạ trường nói với chúng tôi “khá ngạc nhiên khi biết đoàn chúng ta là đoàn thiện nguyện, chỉ là những Phật tử nhưng biết nghĩ, biết làm và đã làm được những việc cao đẹp”.

        Buổi chiều tranh thủ vào vãng cảnh chùa Hưng Thiện, một ngôi chùa được trùng tu mới, nằm khuất mình trong vùng nông thôn ấp Phú Tòng xã Hưng hội, huyện Vĩnh Lợi hay còn gọi là Quán Âm Đông hải (khác với Nam hải) nơi có 32 tượng Quán Thế Âm hóa thân trong các tư thế khác nhau xếp thành hai hàng đối xứng trước tượng chính cao  43,5m được xem là cao nhất đồng bằng sông Cửu long. Từ xa hàng km ta đã có thể thấy tượng cao sừng sững nổi bật giữa thảm đồng lúa xanh, con đường nhỏ lầy lội, lõm chỏm để vào chùa ngày nào, thời gian gần đây đã được thay bằng đường bê tong thuận tiện. Đây là tượng Quán Thế Âm cao thứ hai tại VN sau tượng tại chùa Linh Ứng (Đà Nẳng) cao 67m. Được biết lượng Phật tử hành hương về đây ngày càng nhiều hơn, riêng trước ta đến một ngày (ngày vía Quán Thế Âm), chung quanh bên ngoài không còn chổ đậu xe, và cũng khó thuê được xe 2 bánh để đưa vào vì lượng người về đây quá lớn.

        Sau đó cũng đến tham quan nhà Công tử Bạc Liêu và khu du lịch nhà mát, hôm nay trời đẹp và nước đang lớn mọi người có thể theo hành lang của nhà hàng Hương biển để đi ra xa đứng trên biển, ngắm biển, từ đây có thể nhìn ngắm 62 turbine điện gió tại bãi bồi xã Vĩnh Trạch Đông mới được đưa vào hoạt động từ tháng 01/2016 cung cấp cho lưới điện quốc gia 320 triệuKWh/năm. Toàn bộ khu vực này nằm trong qui hoạch lấn biển trong tương lai. Sau khi dùng cơm chiều đã về khách sạn nhận phòng nghỉ. Riêng về phần ăn chiều cũng như ăn sáng dù biết rằng khó được như ý về chất lượng tuy nhiên để có một nơi đủ sức chứa và đủ sức phục vụ cùng lúc cả trăm người mà giá có thể chấp nhận được cũng là điều khó tại Bạc Liêu, nhiều nơi đáp ứng được thì giá lại vượt quá khả năng của chúng ta. Ngay cả dự tính sẽ ăn tại Hương Biển để tận hưởng nét đặc trưng nhưng ngại trời mưa thì khó khăn để ra đến nơi hơn nữa nếu mưa thì bên trong lại không đủ sức chứa mà giá thì khá cao.

        Sau khi ăn sáng, đoàn nhanh chóng đến Tịnh xá Ngọc Liên, xuống hàng, triển khai theo trình tự sẳn sàng cho việc tặng quà với sự hỗ trợ của các thành viên ban từ thiện GHPGVN thành phố Bạc Liêu cùng sự tình nguyện của các anh công quả trong Tịnh xá. Mọi người từ già đến trẻ tùy theo sức của mình, mỗi người một phần việc, đã làm việc hăng say trong không khí khẩn trương, vui tươi hồ hởi. Tại đây 100% những người đến nhận quà đều cần sự hỗ trợ, các bạn tình nguyện viên đã làm việc liên tục, hăng say cật lực, những chiếc ao ướt đẩm mồ hôi nhưng lúc nào cũng nở nụ cười cùng sự nhiệt thành và trân trọng, những túi quà sau mỗi lượt trở nên nặng hơn theo tỷ lệ thuận với sức lực dần tiêu hao. Xin cảm ơn các bạn . Có những bạn lần đầu tiên tham gia đi làm từ thiện nói “mệt thì cũng có mệt nhưng con thấy thương bà con quá, con vui lắm vì được làm việc này”.

        Cũng trong buổi sáng hôm nay, ngoài phần tiền mặt của đoàn gửi tặng theo mỗi phần quà còn có nhiều anh chị đã trực tiếp tặng thêm tiền cho bà con với số tiền nhận thấy vượt trội hơn so với những chuyến từ thiện trước đây, đặc biệt là trước những cảnh thương tâm. Cũng tại đây ông bà Min – Nga còn tặng riêng số tiền mặt có giá trị lớn cho 4 trường hợp đặc biệt.

        Lần trở lại này được biết em gái bị não úng thủy nặng đã qua đời, thương cho em nhưng có lẽ sự ra đi này cũng chính là sự giải thoát cho một kiếp khổ đau trong hình hài con người và giải thoát cho chính người mẹ của em, hy vọng cô sẽ có cuộc sống tốt hơn (em đã hơn 12 tuổi cơ thể bình thường nhưng trọng lượng đầu của em quá nặng và lúc nào người mẹ cũng phải bế trên tay, người cha thì không chịu nỗi sự nghèo khó bức bách đã bỏ ra đi)

        Trong khi bà con người thì bám vai, người thì ôm bụng, người thì nắm tay các bạn tình nguyện viên để được tuần tự đưa đi nhận quà, chúng ta cũng không khó để có thể nhận thấy những ánh mắt buồn và cả những giọt nước mắt của một số thành viên, có chị đã ngồi thẩn thờ, lặng thầm, hỏi thăm tưởng chị bị mệt, lúc này mới thấy nước mắt lưng tròng vì quá xúc động trước những cảnh đời nghiệt ngã bất hạnh “sao mà nhiều người khổ quá vậy nè”.

        Có lẽ hình ảnh hiện hiện về những mãnh đời thương đau là động lực xúc tác để nhiều người trong lần đầu đoàn đến Bạc Liêu đã đề nghị “mình nên trở lại đây nữa nhe anh, thương bà con quá”. Không thương sau được khi tận mắt chứng kiến, được biết về cảnh tình của nhiều người mà ngay chúng tôi những người thực hiện chương trình trong lần đầu thực tế đến tận nơi sinh sống của bà con, được nghe, được thấy chúng tôi cũng không kiềm được sự xúc động dù tự bảo rằng không được khóc.

        Nhớ lại trong lần tiếp cận ấy đến giờ tôi vẫn không quên câu nói của một bà ngoại trẻ có con gái đã lập gia đình và đã có một con nhưng bất ngờ người con gái bị tâm thần nặng lúc nào cũng trần truồng, khi bị bệnh thì chồng bỏ “đi giăt đồ cho người ta, mà đâu dám đi xa, đi một chút phải chạy về coi chừng nó, nhiều khi đói quá thèm gói mì mà đâu dám ăn, có hôm xỉu luôn… Chị phải ăn thì mới có sức làm để nuôi mấy em nó chứ… Tui ăn thì nó với con nó lấy gì ăn”, rồi khi bà có được thùng mì “bửa nay ăn cho đã thèm”.

        Chính điều đó đã là một động lực củng cố niềm tin, một kg gạo, một gói mì, một hộp sữa, một cái áo… dù chỉ là sự sẻ chia không đáng gì, cũng không giúp được gì nhiều, dù cũng chỉ có thể cải thiện phần nào trong thời gian ngắn nhưng đó là sự mơ ước, hy vọng, là niềm vui, thực tế của những người bất hạnh vẫn cần có. Chúng ta vẫn thường nghe nói “nên cho cái cần câu hơn là cho con cá”, vâng điều đó rất đúng và cần thiết, tuy nhiên ý nghĩa của những từ ấy quá bao hàm. Nhưng nếu con cá được mang đến đúng nơi cần thiết thì giá trị vô cùng, bởi đó không đơn thuần là con cá mà đó là hạnh phúc thật sự với những người thật sự cần và có được. Riêng với người khuyết tật liên quan đến các chi, vùng não… thì dù cho xã hội trợ giúp bao nhiêu cái cần câu họ cũng khó tự câu cá mà ăn. Có cần câu mà không có điều kiện cần và đủ kèm theo thì nó cũng mất tác dụng, trở thành lãng phí.

        Có thể nói tại Bạc Liêu chúng tôi đã có dịp đến khảo sát không phải chỉ một lần, đã được đến nhiều nơi từ nội đến ngoại ô và vùng lân cận, đến những xóm nghèo đan xen trong những gò mã, bùn lầy, ao tù nước đọng, đến những nơi tận trong sâu theo những con đường đất ghồ ghề, đến từng trường hợp tuy không phải là tất cả. Được chứng kiến nhiều hoàn cảnh, nghịch cảnh, những cuộc đời nghèo khó, những mãnh đời bất hạnh, thương tâm mà sức chịu đựng của họ có thể nói là phi thường, với họ sống, phải sống, chóng chọi để chịu đựng, đó là chuổi ngày thử thách nghiệt ngã. Những nổi khổ niềm đau đã dần biến họ thành những người mất tự tin, ốm yếu, bệnh tật đang phải sống dưới mức nghèo khổ. Khi đã nghèo mà trong nhà còn có người bệnh, khuyết tật với đủ dạng khác nhau, có những nhà không phải một mà đến hai, ba người bệnh, khuyết tật. Mẹ mù, con bại não…Cả 3 đứa con đều thiểu năng trí tuệ … Vợ chồng mù… Đã mồ côi lại bị cụt chi .v.v…  Một gia đình nghèo mà còn phải cưu mang người thân bị khuyết tật, bệnh tật đã trở thành gánh nặng thật sự để rồi như một vòng xoáy oan nghiệt, nghèo, khổ rồi thành khó đã nhấn chìm dần tất cả.

        Len sâu vào giữa bãi tha ma, trên ao nước tù đọng được nối liền bằng cây cầu ván chong chênh là một căn nhà tool nóng bức, ọp ẹp mà nền nhà lồi lõm mà theo nhận định thì với người bình thường đi cũng có thể vấp té ngả huống hồ chi ông, một người cô đơn phải đi lại trên đôi nạn.

        Có mái ấm gia đình an bình như bao gia đình khác, cha ngồi lau từng cọng lá để mẹ gói từng hạt nếp, cho con gói từng cái chữ làm hành trang vào đời với hy vọng đứa con rồi sẽ không còn khổ nghèo như cha mẹ nó. Gia đình tuy nghèo nhưng đầy hạnh phúc, con ngoan chăm chỉ học hành. Nhưng rồi bạo bệnh ập đến cướp đi người cha rồi lần lượt đến mẹ, đứa con mồ côi ấy vẫn không đầu hàng số phận, bằng cả ý chí nghị lực trên đôi chân của mình bước tiếp, vươn lên, để thực hiện ước mơ còn dang dở của cha của mẹ. Nhưng bóng tối một lần nữa lại ập đến, khi em thành tài cũng là lúc một tai nạn đã cướp mất đôi chân của em, một thử thách quá nghiệt ngã và đau buồn.

        Với nhiều hoàn cảnh, những đám mây nghèo khó bao phủ cuộc đời họ, hy vọng khi lập gia đình riêng  có thêm người gồng gánh để cuộc sống tốt hơn, những tưởng là thế, nhưng cái nghèo vẫn bám riết lấy họ, bởi lẽ đơn giản nhiều người một chữ cắn đôi cũng không biết, không có một đồng trong túi, thậm chí không có lấy cái nghề nuôi thân, họ chỉ biết dùng sức lực sẳn có để mưu cầu cho sự sống, với họ ba bửa, đói một bửa cũng đã là tốt rồi. Chưa một lần dám nghỉ đến hạnh phúc của riêng mình, tất cả lao vào cuộc mưu sinh dầm mưa đội nắng, tảo tần. Trong nhưng căn nhà phên lá tranh tre, rách bươm được che chắn bằng bất cứ thứ gì có thể che được nhưng không lúc nào họ thôi mơ ước, vun trồng cho một thế hệ tương lai. Rồi đứa con ra đời, chưa trọn niềm vui thì một lần nữa bầu trời như sụp đổ khi mà đứa con với biết bao hy vọng lại là đứa trẻ không toàn vẹn.

        Có những nhà vẫn không thôi hy vọng, hai thậm chí ba đứa con lần lượt ra đời và thật nghiệt ngã, lại là những sinh linh sống mà như không. Khi mỗi đứa con ra đời là mỗi lần bầu trời như đen tối hơn, đôi chân họ như không còn trụ vững, trong cơ thể tiều tụy, đen sạm, nhưng họ vẫn phải cố, cố dù sức cùng lưc kiệt, cố nén những giọt nước mắt đau thương, cố để chịu đựng những thử thách mà biết rằng chỉ có phép mầu mới có thể thay đổi nhưng họ vẫn phải cố, cố gắng vì các con. 

        Nhiều trường hợp, những bất hạnh vẫn không chịu dừng lại, bất hạnh lại chất chồng lên những nỗi bất hạnh.  Do phải tận lực đến kiệt sức, dẫn đến bệnh tật không chỉ người cha mà cả người mẹ, rồi một người vĩnh viển ra đi, một người ở lại gánh gồng trong tuyệt vọng. Cũng có những trường hợp do không chịu nổi thử thách ngiệt ngã của cuộc đời người cha hay người mẹ đã vứt áo ra đi như trốn chạy để lại những cuộc đời chong chênh trên ngọn sóng dữ.

        Một bà mẹ hơn 70 tuổi trong cơ thể bệnh tật nhưng vẫn phải cặm cụi để bán vé số mà có bán được nhiều đâu vì không đủ sức đi xa được, chỉ nhờ mọi người chung quanh thương ủng hộ mong có ít tiền nuôi 2 con thiểu năng đã hơn 50 tuổi mà như đứa trẻ thơ. Cô Hoa 57 tuổi sống cô đơn, ở nhà trọ những tưởng cứ thế lây lất cho đến hết đời, nhưng căn bệnh suy thận ập đến, phải lọc máu liên tục đã xô ngã cô hoàn toàn, cũng may là chủ nhà trọ thương tình còn cho có chổ trú thân.  Theo được biết giờ đây cô chỉ muốn được chết, chết sớm ngày nào đở khổ ngày đó. Một cụ tên Hai nay đã 80 tuổi vẫn phải tảo tần trong hơi tàn lực kiệt để nuôi 1 người con tâm thần và 1 người con bị tai biến. Cụ Yến đã 86 tuổi vẫn phải cầu mong có một phép lạ để có thể nuôi người con gái thiểu năng khờ khạo cùng 2 đứa cháu ngoại không cha ra đời bất đắc dĩ. Cụ Hồng đã 68 tuổi phải sống cô đơn không nhà trong cơ thể bệnh tật….. Nhiều còn nhiều lắm những cuộc đời, những gia cảnh bệnh tật, khuyết tật và tàn tật nghèo khó chưa nói hết được, chỉ có thể tóm tắt bằng mấy chữ xót xa và thương cảm. (trong các trường hợp nêu trên có 4 được chọn để nhận thêm phần quà đặc biệt lần này từ ông bà Min – Nga)

        Nhưng trong những hoàn cảnh bệnh tật, nghèo khó bất hạnh ấy cũng có những câu chuyện thật đẹp, những tình cảm vợ chồng rất đáng trân trọng, nghe qua cứ tưởng như  là chuyện cổ tích hay những câu chuyện chỉ có trong văn chương lãng mạn. Những câu chuyện tình đời thường thầm lặng của người khuyết tật, bệnh tật giữa thế kỷ 21 đầy tình người, tình yêu thương chân thành. Vợ tàn tật, chồng vẫn khỏe mạnh bình thường, vợ chồng đều mù, vợ mù chăm cho chồng bị tai biến, vợ chồng đều khuyết tật, vợ chồng già chăm nhau khi bệnh tật. Họ đã vượt qua định kiến, nghịch cảnh cùng sự bất hạnh để đến với nhau, sống với nhau làm nên những câu chuyện tình lãng mạn giữa cuộc đời dâu bể trầm luân.

        Sau 2 tiếng đồng hồ đã hoàn thành việc tặng quà cho bà con, mọi người sau đó tề tựu nơi chánh điện Tịnh xá Ngọc Liên cúng dường Tam bảo.

        Trên đường chuẩn bị rời Bạc Liêu, đoàn đã đến cúng dường Trường hạ tại Trung cấp Phật học Ni chùa Giác Hoa tại huyện Vĩnh Lợi. Trong không khí trang nghiêm, Sư cô trụ trì đã ban đạo từ tán thán công đức “ngày trước Thầy dắt ta đi, giờ đây ta đã tự đi được bằng chính đôi chân của mình, rồi dẫn dắt mọi người cùng đi, Cô mong quí vị luôn vững bước để hành theo chân lý thiện – lành mà đức Phật đã dạy”.

        Dùng cơm trưa xong, đoàn rời Bạc Liêu hướng về lại Tp.HCM. Hơn 21 giờ thì về lại nơi xuất phát (nếu không bị kẹt xe thì ta sẽ về sớm hơn đúng theo dự kiến), một chuyến từ thiện và cúng dường đã hoàn mãn. Một lần nữa xin chân thành tri ân đến tất cả, hẹn gặp lại trong chuyến hành thiện sắp tới.

        Ngày 21.08.2016, tới đây tại Thánh thất Huỳnh Quang Sắc, Chi hội Lá Bồ Đề tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bà con nghèo khu Bà Tàng phường 7 quận 8, một trong những khu vực nghèo trọng điểm của thành phố . Nhân mùa Vu Lan, chúng ta ủng hộ thêm 100 thùng mì chay – 200 chai nước tương và 200 đôi dép (được trích từ kinh phí của chuyến từ thiện lần này), để cùng Thánh thất tặng 200 phần quà cho bà con.

         Chi hội Lá Bồ Đề.

          Tin về chuyến từ thiện cũng được đăng tải trên trên trang truyền thông Phật Giáo Việt Nam (pgvn.org) ngày 25/7 và trên báo Giác Ngộ ngày 26/7

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 88
Lượt truy cập: 9872116