Dak Nong ngày nay cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi được cải thiện nhiều. Tuy nhiên ta có thể thấy hai sắc thái khác hẳn nhau, một bộ phận rất giàu và một bộ phận những hộ nghèo và rất nghèo trong đó cũng có cả người Kinh sống trong điều kiện khó khăn thiếu trước hụt sau mà chúng tôi có dịp chứng kiến trong lần tiền trạm thực tế...Những đứa trẻ đầy bụi đất, nhà thì rách nát...Trong khi miền xuôi đang nao nức chuẩn bị những công việc cuối năm để đón xuân mới thì đồng bào nghèo miền cao nói chung và tại vùng rừng núi DakNong nói riêng đang đối mặt với viễn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc... Đồng bào Dao đỏ đang sống gần như biệt lập nơi vùng sâu rừng núi tiểu khu 1097 thôn E91 xã Dak Mol. Sống biêt lập trong rừng, họ tự thân sinh tồn và không tin người ngoài nên nhiều nhà thường có những khẩu súng tự chế để phòng thân và săn bắn
“NỒNG ẤM MÙA XUÂN” ĐẾN VỚI DAK NONG
Kết nối vào Youtube, từ khóa: Chi hội lá bồ đề, chọn để xem nhiều hình ảnh của chuyến đi
Dak Nong nằm trên cao nguyên M’Nong có độ cao từ 600m đến 1.982m (Nâm N’Jang nơi đoàn đến là khoảng giữa, cao nhất tại Dak R’Măng, Tà Đùng). Vùng phía Nam của Tây nguyên đất rộng người thưa, điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt hơn so với những tỉnh lân cận (đất đỏ Bazan hòa lẫn cát sạn bồi tụ do đó ảnh hưởng nhiều đến việc giữ nước, cấp nước cho mùa vụ cũng như sinh hoạt), Là khu vực chuyển tiếp giữa hai tiểu vùng khí hậu Tây nguyên và Đông nam bộ, nên tạo vùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, kèm theo sự biến động biên độ nhiệt của ngày, đêm khá lớn. Nơi hội tụ hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc M’Nông, H’Mông, Sán Chay (Mán Cao Lan), Tày, Nùng, Thái…
Tại Dak Nong ngày nay cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi được cải thiện nhiều. Tuy nhiên ta có thể thấy hai sắc thái khác hẳn nhau, một bộ phận rất giàu (đa số là người dân từ các tỉnh miền Bắc vào trong những năm trước 1994 thời điểm vẫn còn chính sách khuyến khích khẩn hoang phát triển sản xuất, cần cù và đi lên, có đất rồi phát triển đất trở thành điền chủ) như tại xã Nâm N’Jang (trên con đường đoàn đi qua để đến điểm đầu tiên tại xã Thuận Hà) vẫn tự hào là xã nông nghiệp giàu nhất Việt Nam, trong một xã có không dưới 400 xe ô tô. Nhưng bên cạnh đó cũng còn một bộ phận những hộ nghèo và rất nghèo trong đó cũng có cả người Kinh sống trong điều kiện khó khăn thiếu trước hụt sau mà chúng tôi có dịp chứng kiến trong lần tiền trạm thực tế, những đứa trẻ đầy bụi đất, nhà thì rách nát, chẳng có tài sản gì ngoài cái võng, chiếc giường ọp ẹp cùng một màu đen do ám khói. Tình cờ thấy trên tay một người đàn ông là 3 con cá rô chỉ bằng ngón tay (câu được) làm chất dinh dưỡng duy nhất cho soong cháo ăn chiều của cả nhà 5 người (theo nhận định số cháo loãng trong soong đó bình thường có thể chỉ đủ cho 1 người ăn). Có một điền chủ nói thật khiến ta nghe mà chạnh lòng “thấy đồng bào nghèo thương lắm nhưng mướn để về làm thuê chăm sóc đồn điền thì thường các điền chủ chỉ mướn người Kinh vì họ biết tổ chức để thực hiện công việc phục vụ cho sản xuất”. Bên cạnh đó với đồng bào dân tộc có ít đất thì chuyên trồng cây hoa màu mùa vụ ngắn nhưng loại cây này lại kém phát triển do không phù hợp so với cây café, cây tiêu. Đã nghèo lại càng nghèo hơn là thế.
Mùa Đông cũng là mùa giáp hạt. Trong khi miền xuôi đang nao nức chuẩn bị những công việc cuối năm để đón xuân mới thì đồng bào nghèo miền cao nói chung và tại vùng rừng núi DakNong nói riêng đang đối mặt với viễn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc và theo lời của người địa phương trong buổi sáng ngồi quán uống café trong lần khảo sát thực tế “với bà con dân tộc nghèo thì một năm thì ít ra cũng có không dưới 10 tháng bị tình trạng thiếu ăn”.
Góp phần chia sẻ cùng những nhọc nhằn khó khăn của bà con đặc biệt là đồng bào dân tộc. Sau hơn một tháng chuẩn bị, chiều ngày 06/01/2017 Chi hội Lá Bồ Đề đã lên đường mang theo 395 phần/405 phần quà với 40 mặt hàng đến với Dak Nong (chúng ta có dành lại 10 phần quà tết cho bà con nghèo tại Tp.HCM).
Tổng kinh phí chung cho chuyến từ thiện là trên 300 triệu đồng trong đó tiền mặt đóng góp là hơn 180 triệu đồng
(tham khảo thêm phần công khai tài chính tại mục tài chính , folder TC Nồng ấm mùa xuân - có một chút thay đổi phần thu chi (bổ sung nơi tổng hợp thu chi) so với văn bản công khai gửi đến mọi người trong chuyến đi)
Qua đây cũng xin chân thành tri ân đến tất cả ân nhân gần xa đã nhiệt tâm cùng chung tay góp sức, hiệp lực để thực hiện và giúp cho chương trình thành công hơn dự kiến đặc biệt là phần hiện vật. Chân thành tri ân đến ân nhân đã tài trợ toàn bộ cơ số thuốc cho chương trình khám bệnh. Nhóm Bs Huệ - Minh Tú đã hỗ trợ phần kinh phí di chuyển cho đoàn Bác sĩ, y tế của VNMAP. Cũng xin tri ân đến anh Nguyễn Thanh Hà CtyTNHH Nguyễn Lê Gia đã ủng hộ giảm 50% giá xuất xưởng giúp cho các em học sinh có được 207 cái áo ấm đẹp với giá giá rẻ. Sẽ thật thiếu sót nếu không nói đến tấm lòng của một đôi vợ chồng thiện tâm luôn gắn bó với các chương trình, chẳng những đóng góp mà còn vận động cả cha mẹ đóng góp về cho chương trình. Một cụ già tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cần mẫn may từng chiếc mền vải nối lại để gửi đến cho chương trình. Một gia đình huy động con cháu trích tiền tiết kiệm để mua sữa gửi cho các em vùng sâu, giá trị vật chất tuy không cao nhưng có ý nghĩa rất lớn. Một chị Việt kiều nhân chuyến về nước cũng không ngại bất tiện đã mang về nhiều lọ thuốc kèm theo hiện kim gửi đến Lá Bồ Đề để làm những việc thiện. Cùng nhiều ân nhân đã không ngần ngại đi xin những vật phẩm hữu dụng để chuyển về cho chương trình… Cao đẹp biết bao những tấm lòng.
Chân thành tri ân sự nhiệt tình hỗ trợ từ Tổ chức VNMAP trong đó không thể không nói đến sự tận tụy đầy tâm huyết của Giám đốc điều hành tại VN. Các bạn đã góp phần không nhỏ cho sự thành công chung của chương trình, giúp cho chương trình thêm ý nghĩa.
Chương trình lần này có nhiều mặt hàng, tổng số lượng lớn, làm việc tại nhiều điểm, di chuyển liên tục và ngay tại mỗi điểm việc chuyển hàng từ xe vào nơi tập trung cũng khá xa, trong khi điều kiện ăn và ở có giới hạn và ngay cả không khí lạnh cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của một số người (không thể khác hơn được vì ta đến trong vùng sâu rừng núi như mọi người đã biết) . Cường độ làm việc nặng, vất vả, liên tục nhưng tất cả mọi người vẫn nhiệt tình, nổ lực và hăng say dù ai cũng đuuuối vì thấm mệt, trong đó có những bạn lần đầu tham gia cùng đoàn. Ta đi để được đến, để được chia sẻ cùng những nỗi khổ niềm đau bằng tất cả tâm, trí, dũng. Chân thành cảm ơn tất cả các anh chị, các bạn đặc biệt là các bạn trẻ, nhóm thân hữu DHL … Các bạn rất năng động và hiệu quả.
Sáng 07/01/2017, sau giấc ngủ ngắn tại Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên mọi người tập trung xuống bớt hàng từ xe tải, có thể nói lần này hàng hóa nhiều lại đa dạng và phân phối 4 nơi và 4 nơi cũng không hoàn toàn đồng nhất các mặt hàng, phẩm vật nên công tác xuống và kiểm đếm hàng hóa cũng có không ít khó khăn dù đã lường trước những phức tạp này (vì phải tận dụng tối đa khoảng không gian của xe tải, xe khách nên một số bao hàng xếp không theo trình tự …)
Sau đó đoàn di chuyển hơn 35km để đến Xã Thuận Hà một xã vùng 3 (biên giới) thuộc huyện Dak Song. Tại đây đoàn chia thành hai nhóm : y tế và tặng quà. Vì đến muộn, mọi người khẩn trương triển khai ngay phần việc của mình, trong đó có cả việc láp ráp 09 chiếc xe lăn để tặng theo danh sách đã duyệt lại. Cũng xin nói thêm công tác y tế lần này về phần dược là do Lá Bồ Đề phụ trách, phần khám chuyên môn là do các Bác sĩ VN của Tổ chức Hỗ trợ Y tế cho người Việt Nam (Viet Nam Medecal Assistance Program – VNMAP) có Vp đại diện tại Vn thực hiện.
Công tác khám bệnh được tổ chức khá chặt chẻ, qui mô, chuyên nghiệp theo cơ cấu như một bệnh viện. Trong ngày ta đã khám bệnh bao gồm các chuyên khoa,cùng điện tim, siêu âm và cấp thuốc miễn phí cho khoảng 400 bệnh nhân, trong đó có 68 ca khám thai, phụ khoa và đã có 25 trường hợp được tiến hành lấy mẫu Pap tại chổ để tầm soát ung thư (do Bv Quốc Anh tài trợ mang về xét nghiệm, kết quả sẽ gửi lên sau). Sau khi khám bệnh, trong khi chờ đợi nhận thuốc bà con được mời vào phòng truyền thông, tại đây bà con sẽ được xem và nghe nói về y tế dịch tể và hướng dẫn thực hành 6 bước cơ bản vệ sinh. Sau đó các tình nguyện viên sẽ mang thuốc vào trao cho bà con ra về kèm theo mỗi người 1 cục xà phòng Life Buoy do VNMAP tặng. Trong công tác khám bệnh các Bác sĩ đã dành thời gian để lắng nghe và nói chuyện với bệnh nhân nhằm truyền đạt kiến thức để bà con hiểu và nhận biết về bệnh trạng, biết cách phòng tránh hay cần phải tích cực điều trị, đây là điều trọng tâm chú trọng hơn chỉ là cấp những viên thuốc đơn thuần.
Cũng xin nói thêm chúng ta có chuẩn bị sữa đậu nành thay cho sữa bột + cacao vì ngại bà con chưa thích ứng với đạm béo dễ gây tiêu chảy (đặt chùa Hoa Quang nấu cho đoàn) để cho bà con có thể uống mọi lúc trong thời gian tại trạm y tế khám bệnh nhưng tiếc là về phía địa phương đã không làm đúng theo lời hứa bố trí nhân lực hỗ trợ các khâu theo kế hoạch đã trao đổi thống nhất từ trước khi đoàn đến, nên không có người lo các khâu từ hậu cần, trật tự… Ngay cả không có café sáng, nước trà, bánh, trái cây…như địa phương đã tự hứa. Cơm trưa ta chủ động đặt ngoài nhưng cũng chẳng có ai phục vụ, những điều này chính người phụ trách Chữ thập đỏ huyện cũng bất bình (ta có bố trí người các khâu ngay cả phần hậu cần nhưng phía địa phương không cử người phối hợp hỗ trợ). Họ có nấu nồi chè đậu và chỉ cho ta thế là xong. Để giải quyết tình thế ta đã chủ động ra ngoài mua để phục vụ cho đoàn y tế của mình trong lúc làm việc. Nói chung phía địa phương thiếu quan tâm bố trí theo kế hoạch từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thừa lệnh Chủ tịch tỉnh Dak Nong chỉ thị xuống bằng văn bản, cũng như những lời hứa trực tiếp với chúng tôi của Chủ tịch Chữ thập đỏ xã và Phó Chủ tịch xã sẽ hỗ trợ tối đa cho đoàn vì đó là trách nhiệm của địa phương . Ngay việc dùng sân trường đối diện để làm điểm tặng quà cho bà con cũng là do ta tự chủ động (Bà Lê Thị Liên CTĐ xã bảo ta triển khai việc tặng quà nơi khoản sân trước trạm y tế giữa trời nắng, sự thiếu quan tâm này phải chăng xuất phát từ danh sách 80 hộ nhận quà không do xã lập). (80 hộ nhận quà tại Thuận Hà là những hộ đặc biệt được tỉnh đề xuất trực tiếp)
Tại điểm tặng quà trong khi các thành viên tập trung triển khai các mặt hàng của phần quà thì một nhóm tập trung lo việc lắp ráp xe lăn để tặng cho bà con. Tại Thuận Hà chúng đã ta tặng 80 phần quà với 19 mặt hàng cho bà con nghèo và cũng tại đây ta đã tặng 09 xe lăn cho người tàn tật, bệnh tật (duyệt lại đúng đối tượng theo danh sách 43 người do chùa Bửu Thành và Chữ thập đỏ huyện Dak Song gửi đến Lá Bồ Đề). Cũng xin nói thêm 09 người được nhận xe lăn là những người thuộc các xã lân cận là Thuận Hạnh, Nam Bình, Dak D’Rung, Tuy Đức.
Chuẩn bị từng món hàng để tặng cho bà con
Sau khi hoàn tất việc tặng 80 phần quà, trong khi nhóm y tế vẫn ở lại tiếp tục làm việc thì nhóm tặng quà di chuyển tiếp hơn 50km nữa để đến xã vùng sâu Dak Mol. Đến với đồng bào Dao đỏ đang sống gần như biệt lập nơi vùng sâu rừng núi tiểu khu 1097 thôn E91 xã Dak Mol có thể nói là sự quyết tâm của chúng ta (từ 333 tăng lên thành 405 phần quà) . Khi được biết về cảnh sống của đồng bào chúng tôi đã không ngần ngại vượt qua những lo sợ (dân thành phố mà), băng rừng để đến bản của người dân tộc Dao đỏ (còn gọi là Mán Sơn đầu) (vì chúng tôi lúc đó từ Dak R’Măng ra, cứ nghĩ rằng đi tắt xuyên rừng sẽ gần hơn là đi ra đường QL vào nhưng thật tế lại xa hơn và đầy thử thách). Do sống biêt lập trong rừng, họ tự thân sinh tồn và không tin người ngoài nên nhiều nhà thường có những khẩu súng tự chế để phòng thân và săn bắn, đây cũng là vấn đề bận tâm của chính quyền địa phương. Câu chuyện những bé mới 10 tuổi đã biết bắn súng và bắn tốt là có thật.
Để vận động đồng bào ra nhận quà địa phương phải nhờ thông qua trung gian của một người Dao đỏ sống nơi khác đến vận động. Ngoài trừ một số ít hộ có phương tiện tự đi, chính quyền địa phương đã huy động phương tiện của các cá nhân để đưa đón bà con ra xã nhận quà. Chúng ta là đoàn đầu tiên tiếp cận với bà con.
Đoàn đến Dak Mol muộn hơn dự kiến, thật tội đồng bào phải chờ đợi, hình ảnh ấn tượng tạo sự chú ý thu hút mọi người khi nhìn thấy nhiều bà con đến nhận quà trong trang phục truyền thống đặc trưng của người Dao đỏ với khăn quấn trên đầu nặng hơn 4kg. Trước khi nhận quà, chúng ta đã mang sữa đậu nành rót ra ly mời bà con uống cùng sữa tiệt trùng cho các em nhưng thật tiếc có em chê sữa không đường đã phun bỏ vì lạt. Tại Dak Mol với 72 phần quà gồm 20 mặt hàng trong đó ta ưu tiên dành cho bà con nhiều mặt hàng tốt, đẹp hơn và giá trị trị hơn, ngoài ra còn tăng thêm các thùng sữa để tặng cho các phụ nữ mang thai. Khi chương trình được khởi động, được biết thời điểm đoàn đến cũng đang là thời điểm trước thềm tết của đồng bào Dao đỏ “Tết nhảy” (trước tết nguyên đán) nên chúng ta cũng lưu tâm ưu tiên dành cho nơi nầy nhiều quần áo mới, đẹp và tăng thêm hộp bánh, gói kẹo, hy vọng tết lần này đồng bào sẽ vui hơn, sung túc hơn (người dân tộc không có tết mà chỉ có lễ, hội theo phong tục, riêng người Dao đỏ có tết có năm trùng, có năm trước với tết nguyên đán, vui chơi hội hè với những điệu nhảy ngoạn mục do cá nhân biểu diễn gần giống như các kiểu nhảy của người Kazakhstan mà chúng ta được biết qua các bộ phim Liên Xô trước đây). Trong và sau khi tặng quà xong nhiều thành viên đã không quên chụp ảnh lưu niệm cùng đồng bào trong trang phục truyền thống.
Cộng đồng người Dao gồm Dao tiền, Dao quần , Dao đỏ...Có nguồn gốc từ Vân Nam Trung Quốc, một bộ phận đã di cư vào VN từ thế kỷ thứ 13 đến những năm 1940 của thế kỷ trước, sống tập trung các tỉnh phía Bắc. Nếu người H'Mong thường chọn nơi núi cao để sinh sống thì người Dao thường chọn thung lũng hay lưng chừng núi để tỉa ngô, trồng thảo quả. Người Dao có tín ngưỡng tin rằng loài chó là tổ tiên của họ nên chó rất được quý trọng. Người Dao thường hay cạo đầu và cạo sạch chân mày (ngày nay nhiều người vẫn còn giữ phong tục này như ta đã thấy) tuy nhiên trên đầu thường để lại chỏm tóc vì theo họ đó là nơi trú ngụ của hồn vía của mỗi người do đó việc người lạ sờ đầu ngay cả trẻ em là điều cấm kỵ, Việc trai gái chưa vợ chưa chồng mà chụp hình chung hay để người khác phái chụp hình cũng là điều kiêng kỵ. Người Dao đỏ không coi quan hệ ngoài vợ chồng là phạm trù đạo đức, được ngủ với nhiều người đàn ông càng tốt, điều này trong từ của người Dao được gọi là "coong chình".
Những hộp bánh riêng tặng đồng bào để vui "tết nhảy"của người Dao đỏ trước tết Nguyên đán
Đến nhận quà không có trai chưa vợ, gái chưa chồng nên ta tha hồ chụp ảnh
Rời Dak Mol đoàn tặng quà về lại Thiền viện Đạo Nguyên, bà con cũng đang chờ nhưng do muộn quá bửa, mọi người ai cũng đói nên tranh thủ vào ăn cơm nhanh để ra triển khai tặng quà cho bà con. Với 220 phần quà gồm 18 mặt hàng dành tặng cho bà con mà trong đó 70% người dân tộc, là cư dân thuộc các xã Nâm N’Jang, Quảng Sơn, Dak R’Măng. Thương bà con quá phải đi nhận quà khá xa, ngay cả dân xã Nâm N’Jang đi gần nhất cũng phải đi từ 5 đến hơn 15km hoặc hơn. Khi lên kế hoạch chương trình, chúng ta có tính đến việc sao cho bà con đở phải đi xa, dù ta có cực nhọc nhưng bà con sẽ thuận lợi hơn, ngay cả việc sẽ mang quà tặng cho bà con xã Dak R’Măng khi đoàn vào trường Dak R’Măng nhưng rồi tất cả đã không thể…?..., đành phải để bà con đi lại xa một điều mà chúng ta không bao giờ muốn.
Khi hàng hóa triển khai xong theo vòng cung hành lang chánh điện (cũ) thì cũng là lúc nhóm y tế xong việc bên Thuận Hà vừa về tới, thật cảm động và quá dễ thương các Bác sĩ cùng các bạn của bên VNMAP cũng nhiệt tình tham gia làm tình nguyện viên phục vụ cho bà con trong việc nhận quà, cũng bưng bê, khuân vát, chất xếp hàng gọn vào bao cho bà con tiện mang về… Xin cảm ơn các bạn, các bạn đã tạo nên hình ảnh đẹp, rất đẹp trong lòng mọi thành viên của Lá Bồ Đề.
Buổi tối tại Thiền viện, các bạn trẻ đã cùng nhau sinh hoạt lửa trại với bánh tráng, khoai lang tự nướng trên than hồng, những món đơn giản vậy mà có sức thu hút mãnh liệt, nướng cái nào hết cái đó dù mới ăn cơm xong. Không khí vui tươi của các bạn trẻ cũng đã lai động các bạn già không thể ngồi yên trong phòng. (để đốt lửa trại Thiền viện đã phải xin phép kiểm lâm và cam kết chỉ thực hiện khi không có gió mạnh và giử khoảng cách cũng như sự an toàn chung). Buổi tối sinh hoạt cùng vui dù ai cũng mệt chỉ dừng lại khi luồng không khí lạnh ập đến, sương đọng thành giọt.
Sáng ngày 08/01/2017, trước khi vào Dak R’Măng đoàn cũng đã tranh thủ vào tham quan thác Lưu ly gần đó (theo dự kiến sẽ tham quan từ chiều hôm trước).
Trường dân tộc cấp 2 Dak R’Măng tọa lạc trong vùng sâu, đường đi lên dốc cao quanh co, dù ta có người dẫn đường (người đã hướng dẫn chúng tôi trong lần tiền trạm) nhưng cũng đã không ít lần phải dừng lại hỏi đường.
Chào mừng đoàn là những điệu múa của đồng bào dân tộc do các em học sinh thực hiện tạo nên bầu không khí sinh động khắp sân trường và khi những chiếc áo ấm được tặng cho các em theo từng lớp, tình cờ chúng tôi nghe nhân viên của nhà trường đã nói nhau không chỉ một lần “áo đẹp quá cô ơi – mấy áo này còn đẹp hơn nữa nè cô ơi” .
Trong khi mọi người tập trung tặng quà cho các em chúng tôi có dịp ngồi nói chuyện với một cô giáo chủ nhiệm “có em ở cách trường hơn 20km - Anh biết không có những em đã 20 tuổi rồi nhưng mới học lớp 7 – Học sinh lớp càng lớn sĩ số còn lại càng nhỏ nhất là học sinh nữ, như anh thấy đó ở đây khổ lắm phải vào tận nhà vận động cho các em tiếp tục học nhưng thường thì không có kết quả vì cha mẹ họ nói thẳng tao cần người làm, học nhiêu đủ rồi. Nó lấy chồng thêm người làm cho tao” . Tập quán cũng như cuộc sống thực tại luôn đè nặng nên cuối cùng nhiều em cũng tiếp tục rơi vào cái vòng lẩn quẩn nghèo vẫn tiếp tục nghèo, nhất là với các em nữ phải lấy chồng sớm để gia đình có thêm người phụ giúp, từ đó các em khó có thể tự thoát ra để vươn lên, việc các em người dân tộc tiếp tục học lên cấp 2 rồi cấp 3 và hơn nữa là những con số không nhiều.
Trong chương trình đến trường vùng sâu lần này, có sự thay đổi so với kế hoạch ban đầu khi ta nhận thấy có những thông tin chưa chính xác. Tìm hiểu cùng tham khảo ý kiến đã quyết định đến với trường cấp 2 Dak R'Măng trong đó cũng nhằm mục đích gián tiếp khuyến khích các em bước tiếp trên con đường học vấn để mở cửa tương lai
Sau khi tặng áo, khăn chòang nĩ, áo thun, cùng quà tặng và bánh kẹo, đồ chơi... cho các học sinh, đoàn cũng đã dành tặng 23 phần quà đến các Giáo viên cùng CNV của nhà trường, những chiến sĩ thầm lặng đi gieo cái chữ nơi vùng sâu núi rừng, những người phải chịu nhiều thiệt thòi cho riêng bản thân mình. Quà trao xong, chuẩn bị chia tay cũng là lúc các CNV rồi cả thầy Hiệu trưởng cũng tung tăng, vui đùa, tạo dáng chụp hình kỹ niệm hình như đang tạm quên mình là nhà Giáo, mọi người đang vỡ òa cùng niềm vui. Thật vậy, tất cả CNV đang có mặt trong trường đã thể hiện rõ sự vui mừng, Thầy Hiệu trưởng, cô Hiệu phó, anh Giáo viên chủ nhiệm, một chị lao công đã nói trong sự vui mừng, xúc động nắm chặt tay nhiều thành viên trong đoàn “thỉnh thoảng trước đây cũng có đoàn về nhưng có ai nhớ đến chúng tôi, cảm ơn các anh, các chị nhiều, nhiều lắm”. Tạm biệt trường Dak R’Măng trong không khí tràn ngập niềm vui xen lẫn sự chân thành .
Với những Giáo viên tại Dak R'Măng nói riêng và nơi vùng sâu, vùng cao nói chung, họ là những đóa hoa rừng, hay những chiến sĩ thầm lặng có khi hy sinh cả đời mình để bám bản, bám trường, bám thôn làng vượt qua những khó khăn, thiệt thòi cần mẫn dạy học sinh từng con chữ, đến tận nhà để vận dộng các em đi học. Việc đi lại hàng ngày đến trường cũng hội đủ yếu tố thử thách, riêng mùa mưa nhiều nơi Giáo viên phải ở lại luôn trong trường. Hành trình đi gieo cái chữ cho đồng bào dân tộc nơi vùng sâu còn lắm gian truân nếu không có tâm huyết, lòng yêu nghề, yêu trẻ. Chúng ta không khỏi thán phục và cảm kích trước những tấm lòng ấy, những người vẫn mơ một lần trên bục giãng được các em học sinh tặng hoa trong ngày Nhà Giáo.
Do ngày chủ nhật các em học sinh được nghỉ nhưng có đoàn đến nên nhà trường phải thông báo tập trung (từ chiều thứ bảy là các em về nhà), hơn nữa để các em còn về phụ gia đình đi làm thuê kiếm tiền, nên hối thúc chúng ta đến sớm và ta quyết định đến tặng quà cho các em trước rồi vào tham quan chợ phiên (chợ tình) của người H’Mông sau (ngược lại với kế hoạch). Sau khi tặng áo ấm cho các em xong cũng đã trưa, các Thầy nhiệt tình điện hỏi kiểm tra xem phiên chợ còn hay không để đưa đoàn vào nhưng rất tiếc đã dẹp, nên ta đành lỡ hẹn.
Một chuyến đi với nhiều vất vả nhưng cũng thật nhiều niềm vui. Một lần nữa chân thành cảm tạ đến tất cả ân nhân gần xa đã chung tay góp sức cùng làm nên chương trình nhân ái yêu thương đến với nơi vùng sâu rừng núi Dak Nong. Hẹn gặp lại trong các chương trình sắp tới trong đêm Giao thừa tết Đinh Dậu mang hương vị tết đến với những người không có tết là những người vì lý do nào đó phải sống đời lang thang không nhà.
Chi hội Lá Bồ Đề