Mang hương vị ngày tết đến với những người không có tết...Đêm giao thừa đánh dấu thời khắc chuyển giao để bước sang năm mới, lòng người rộn rã, hân hoan, người du xuân đón tết, người đi đến chùa lễ Phật đầu năm, người vui cùng gia đình, bạn bè bên ly rượu đầu năm, chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp... Nhưng đâu đó ở nơi góc khuất trên hè phố vẫn còn những tiếng thở dài não nuột cho phận đời kém mai mắn của mình, những ánh mắt xa xăm như ngây dại vô hồn, ngấn lệ nhìn dòng người du xuân mà lòng tan nát.
ANG HƯƠNG VỊ NGÀY TẾT ĐẾN VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ TẾT"
Ngày tết là những ngày bắt đầu cho một năm mới. Xuân đúng hẹn lại về, tết năm nào cũng đến mang sắc xuân tươi mới khắp mọi nơi với biết bao điều ước muốn tốt đẹp hơn.
Không khí rộn ràng và càng rộn ràng hơn trong những ngày giáp tết chuẩn bị tiễn năm cũ đón chào năm mới. Khắp phố phường nhộn nhịp đông vui, xinh tươi muôn màu sắc, người xe tấp nập mua sắm tùy theo điều kiện đều chuẩn bị cho riêng mình, cho nhà mình để có một cái tết, tết đoàn viên một nét đẹp văn hóa truyền thống và một lần nữa xin mượn lời bài hát : “tết, tết đến rồi….Dù đi đâu ai cũng nhớ về chung vui bên gia đình”.
Ngày 30 tết, nhà nhà đều đã sẳn sàng những mâm ngủ quả, bánh mứt và không thể thiếu những bông hoa xinh tươi trang hoàng thêm sắc màu để cùng cháu con tề tựu quây quần bên mâm cơm cúng ông bà chuẩn bị đón giao thừa. Đêm giao thừa đánh dấu thời khắc chuyển giao để bước sang năm mới, lòng người rộn rã, hân hoan, người du xuân đón tết, người đi đến chùa lễ Phật đầu năm, người vui cùng gia đình, bạn bè bên ly rượu đầu năm thâu đêm, chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp với đủ đầy thực phẩm biểu trưng cho một năm sung túc, ấm no, con cháu mừng tuổi ông bà, tung tăng chiếc áo mới với những bao lì xì may mắn nhưng đâu đó ở nơi góc khuất nào đó trên hè phố vẫn còn những tiếng thở dài não nuột cho phận đời kém mai mắn của mình, những ánh mắt xa xăm như ngây dại vô hồn, ngấn lệ nhìn dòng người du xuân mà lòng tan nát.
Đêm Sài Gòn có những giấc ngủ ngon trong nệm ấm chăn êm nhưng cũng có những giấc ngủ vùi trằn trọc, chập chờn của những phận người không nhà giữa sương đêm giá lạnh nơi hàng hiên, lề đường là quán trọ qua đêm sau một ngày mưu sinh cật lực, nén những dòng nước mắt, họ chẳng bận tâm gì đến xuân sang tết đến, bởi tết chỉ gợi nhớ trong họ những ký ức buồn đau và tết chỉ mang đến cho họ sự tan nát cõi lòng. Bởi họ họ cũng đã từng có một mái nhà, một gia đình như bao người khác nhưng vì nghịch cảnh trớ trêu nào đó đưa đẩy họ phải sống đời lang thang. Thương lắm những cụ già trong tuổi gần đất xa trời mà vẫn phải thi gan cùng sương gió, những cơ thể bệnh tật có thể nhìn rõ từ bên ngoài nhưng vẫn phải đội nắng, đội mưa thi gan cùng ba chữ “để sinh tồn”.
Thương cảm cho những phận đời kém may mắn, góp phần chia sẻ cùng những nỗi khổ niềm đau, nhiều năm qua Lá Bồ Đề đã thực hiện chương trình “mang hương vị tết đến với những người không có tết” là những người phải sống đời lang thang. Từ ý tưởng của Đại đức Thích Long Bình (Hiện Trụ trì chùa Bửu Thành - Tiên Thủy, Bến Tre) ban tặng lì xì cho người sống lang thang trong đêm sau Giao thừa. Hơn 14 năm qua, theo hàng năm chương trình đã được cải tiến, nâng cấp về số lượng cũng như chất lượng và Lá Bồ Đề là một trong những nhóm khởi phát đầu tiên phong trào này và phong trào đã phát triển rộng trong nhiều hội nhóm theo từng năm.
Chúng ta thực hiện chương trình bằng tấm lòng của sự nhân ái không bận tâm đến những ý nghĩa của nó nhưng khi nghe một Thượng tọa đã nói “Trong khi mọi người đi xin lộc, hái lộc, dành lộc thì quý vị lại đi gieo mầm phúc lộc, quá quý, đó mới chính là lộc thực sự” và trong buổi tất niên gần đây Bs Uyên đã nói với một Bs sống bên Pháp về thăm quê khi nói về chương trình đêm Giao thừa “việc làm đó tốt lắm, hay lắm, cái đó mới là lộc thật sự”. Những điều đó đã tiếp thêm sức mạnh để tiếp bước trên con đường thiện nguyện của chúng ta.
Năm nay khi khảo sát nhiều tuyến đường số lượng có rất nhiều nhưng theo nhận định lại cũng có không ít người ăn theo, nên những người thực hiện chương trình quyết định chỉ thực hiện 250 phần và chọn đúng đối tượng. Như thường lệ, Lá Bồ Đề chỉ xuất phát sau giờ Giao thừa và thường kết thúc lúc 3 – 4 giờ sáng. Được phân thành 3 nhóm tuyến đường độc lập qua các quận 1, 3, 5, 6, 8, 10, Bình Chánh, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp. Lần này cũng khá bất ngờ có sự tham gia của ông Prakash (HLV thiền Yoga người India từ Mỹ sang VN).
Quà gồm : 1 đòn bánh tét, 5 gói mì, 1 cây bánh biscuit creamo, 3 chai nước trái cây, kẹo the thông cổ kèm bao lì xì 100.000đ cùng lời chúc tốt lành. Ngoài ra còn có 29 cái mềm nĩ (của chuyến Dak Nong còn lại) dành tặng cho những hoàn cảnh đặc biệt.
(Tham khảo thêm phần tài chính nơi mục tài chính folder: TC Giao thừa 2017)
Cũng trong chương trình "Nồng ấm mùa xuân", trong những ngày giáp tết, cũng đã gửi tặng 10 phần quà gồm: 10kg gạo, 1 thùng mì, 2 chai nước tương, 1 chai nước mắm, 1kg đường, 5 gói cafe, 1 gói bột nêm Vifon, kẹo ngậm thông cổ, kèm bao lì xì 100.000đ (nguồn từ chuyến Dak Nong trích lại) dành cho 10 hộ nghèo tại các quận 1, 5, 8, Bình Thạnh.
Đã từng làm công tác thiện nguyện đến với nhiều nơi, đến với những hoàn cảnh thương tâm khác nhau nhưng với chương trình đêm Giao thừa khi nhìn cả gia đình, có cả những người nhìn qua cũng có thể thấy được minh chứng của một thời chưa bị thời gian xóa nhòa, rồi những cụ già mà có những cụ đã lẩn thẩn không còn minh mẫn lắm, không có nỗi đôi dép phải đi trong 2 cái túi ny lon, những em bé, có cả những thanh niên, những người tuổi đã cao vì cuộc mưu sinh trên người vẫn còn đầy bụi đất đang nằm trơ giữa trời sương gió, hay ngồi thẩn thờ trong ánh mắt vô hồn nhìn dòng người du xuân, giọt nước mắt của người thanh niên khi được nhận quà, chúng ta không khỏi xúc động chạnh lòng, cảm giác như tim mình thắt lại. Cầu nguyện để cuộc đời bà con sẽ được bớt khổ đau để có được hạnh phúc như mọi người dù chỉ là hạnh phúc bé nhỏ .
Vẫn còn đó minh chứng của một thời đã qua
Những gương mặt giống nhau, phải chăng đây là cả một gia đình
Anh ơi dậy đi người ta cho quà kìa. Nhận quà xong người em bật khóc
Chi hội Lá Bồ Đề