Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

HÀNH TRÌNH CHIA SẺ YÊU THƯƠNG 2017

Cuộc sống của bà con luôn gắn liền với cái nghèo, cái khó như chính bóng tối của đời ...Có thể nói người mù tại địa phương hầu hết là mù cả hai mắt, có những người đang phải hành khất để mưu sinh ở cái tuổi bóng xế chiều tà...Xóm cùi từng một thời là điểm nóng, từ sự mặc cảm bị xa lánh bức bách về cuộc sống dần biến họ thành những người “bất cần đời”...Dần từng bước giúp bà con cùng hòa nhập với cộng đồng, tự lập để mưu sinh nếu có thể...Tình cảm yêu thương là cái quan trọng, giá trị lớn hơn rất nhiều so với vật chất mà bà con có được và các bạn đã làm được điều đó...Những câu chuyện đau lòng, có những cháu chưa một lần được tận hưởng hương vị ngọt ngào của dòng sữa mẹ, chưa một lần được hạnh phúc trong vòng tay mẹ đã cưu mang.

Hành trình chia sẻ yêu thương 

 Kết nối vào Youtube, từ khóa "Chi hội Lá Bồ Đề" để xem video hình ảnh. 

        Góp phần chia sẻ cùng cộng đồng bằng trái tim và tình yêu thương. Chi hội Lá Bồ Đề đã thực hiện chuyến “Hành trình chia sẻ yêu thương 2017” đến 4 nơi từ Đồng Nai đến Lâm Đồng, đến để sẻ chia cùng những nỗi khổ niềm đau của những người bệnh tật, khuyết tật cùng những trẻ mồ côi, bị bỏ rơi. Đây là một chương trình cố định hàng năm, lần này thời điểm hành trình trùng vào dịp lễ Phục sinh và ngày người khuyết tật VN 18/4.

        Hơn 30 mặt hàng dành cho các nơi với tổng kinh phí bao gồm hiện kim và hiện vật khoảng trên 200 triệu đồng. Qua đây cũng xin chân thành tri ân đến tất cả tấm lòng nhân ái gần xa đã cùng chung tay góp sức để làm nên chương trình, cũng xin tri ân sự hỗ trợ của cô Quyên Cty Song Trang đã tạo điều kiện để cho đoàn có được những con cá to ngon, những con cá mà bà con tại trại phong (cùi) Di Linh luôn mong chờ.

        Tham khảo thêm phần công khai tài chính cùng phân phối vật phẩm đến các nơi (mục tài chính)

        Ngày 14.4.2017, 05 giờ 30 đoàn khởi hành, đến điểm dầu tiên của chương trình là tại xã Bình Lợi huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai. Khi đến nơi, một nơi chỉ cách Tp.HCM khoảng hơn 45 km, tuy không xa nhưng đường để vào đến nơi nhỏ hẹp, quang cảnh miền quê làm ta cứ tưởng như một nơi đâu xa lắm, có lẽ đó là lý do khi đến nơi đã có những câu hỏi “sao mà biết chổ này hay vậy”.

        Khi đến nơi đúng như kế hoạch nhưng đã thấy bà con đã có mặt chờ đoàn, tại đây Sư cô Diệu Bạch trụ trì bổn tự cũng đang hướng dẫn bà con nghi thức để định tâm cùng nhau niệm Phật, đây cũng là bước đầu bởi Sư cô đang mong muốn và nguyện ước có đủ khả năng tài chính để hàng tháng tổ chức khóa tu “Một ngày an lạc” dành cho những người mù, khuyết tật trong huyện Vĩnh Cửu cũng như thành phố Biên Hòa.

        Các thành viên tranh thủ ăn sáng luân phiên tại Chùa, đồng thời nhanh chóng triển khai mặt hàng để sẳn sàng trao cho bà con. Việc bố trí vận chuyển hàng lần này cũng khá hợp lý giúp rút ngắn thời gian triển khai. Riêng hàng còn lại từ xe tải, các lái xe cùng phụ xe khách đã nhiệt tình tự chuyển sang chất xếp vào hầm xe trong khi đoàn tập trung tặng quà cho bà con trong sân chùa.

        Trong 250 phần quà dành tặng cho bà con nghèo tại chùa Bửu Phước lần này trong đó có 80 người mù, 98 người mắc bệnh phong các cấp độ và 72 người tàn tật, là cư dân thuộc xã Bình Lợi, Thạnh phú huyện Vĩnh Cửu và phường Trảng Dài Tp.Biên Hòa.

        Cuộc sống của bà con luôn gắn liền với cái nghèo, cái khó như chính bóng tối của đời mình . Những người mù sống lặng thầm trong những căn nhà tạm bợ và thường ít có con cháu. Thương lắm, người chồng mù ở cái tuổi gần đất xa trời trong sức cùng lực kiệt nhưng vẫn phải cố sức đi bán vé số kiếm tiền nuôi vợ cũng mù mà còn bị tai biến. Trong bộ quần áo tả tơi, đi một đoạn là phải ngồi nghỉ nên cũng không bán được nhiều. Có thể nói người mù tại địa phương hầu hết là mù cả hai mắt, có những người đang phải hành khất để mưu sinh ở cái tuổi bóng xế chiều tà. Riêng xóm cùi từng một thời là điểm nóng, từ sự mặc cảm bị xa lánh bức bách về cuộc sống dần biến họ thành những người “bất cần đời”. Ni sư Như Định, Viện chủ Bửu Phước người đã mang ánh sáng Phật pháp đến với bà con, góp phần không nhỏ dần từng bước giúp bà con cùng hòa nhập với cộng đồng, tự lập để mưu sinh nếu có thể.

        Thương cho bà con quá nhiều người đi lại là cả sự khó khăn nhưng biết làm sao được thật tội bởi có một điều bất cập không chỉ riêng với đoàn chúng ta bởi nếu để người thân đi nhận thì trước mắt mọi người sẽ nói sao tặng cho người tàn tật mà không thấy ai tàn tật … Tuy nhiên cũng có một số trường hợp do người thân đi nhận thay vì trong thực tế từ phường Trảng Dài vào cũng khá xa, riêng người mù thì có tổ chức xe đưa đón. Với những trường hợp đi đứng khó khăn các bạn tình nguyện viên đã đưa ra ngoài ngồi và các bạn cầm phiếu nhận thay.

        Một lần nữa, các thành viên trong đoàn đặc biệt là các bạn tình nguyện viên phụ giúp cho bà con nhận quà đã chứng tỏ tấm lòng nhân ái và tình yêu thương sẻ chia của mình và cũng chính điều đó đã giúp các bạn vượt qua nổi sợ hãi khi tiếp cận với những di chứng của người bệnh cùi mà chính những người bệnh luôn mặc cảm bởi sự xa lánh họ vẫn còn tồn tại trong xã hội. Xin cảm ơn các bạn, cảm ơn đời đã cho chúng ta gặp được những người tốt, hạnh phúc là khi biết sẻ chia và tình cảm yêu thương là cái quan trọng, giá trị lớn hơn rất nhiều so với vật chất mà bà con có được và các bạn đã làm được điều đó.

        Cũng trong chuyến đến xã Bình Lợi lần này chúng ta cũng đã chuyển tặng 2 xe lăn trong đó có 1 trường hợp dành cho Sư cô Phước Tường tại chùa và 1 cho em Lập sinh năm 1988 ngụ tại ấp 2 bị bại liệt gây cứng chi toàn bộ (mà chúng tôi đã có đến nhà thăm, xe lăn được chuyển về nhà em ráp vì em không thể đến nhận được kể cả có xe máy đưa đến) cùng 1 khung tập đi tặng cho chi Hoa sinh năm 1973 bị sốt bại liệt từ nhỏ gây co rút cổ bàn chân.

        Sau khi 250 phần quà đã được trao cho bà con, các thành viên đã tập trung về phía bờ sông nơi bến phóng sinh của chùa Bửu Phước trên sông Đồng Nai. Tiến hành lễ phóng sinh thật trang nghiêm do Sư cô dẫn lễ. Những con cá được phóng sinh lần này là những con cá sắp bán cho người tiêu dùng được gom mua lại từ các chợ địa phương. Nhiều thành viên cũng khá ngạc nhiên hào hứng vì lần đầu được dự buổi phóng sinh, nhiều người đã nói “trên ta ban tặng niềm vui, dưới ta ban tặng sự sống, sao mà tròn vẹn quá”.

        Rời chùa Bửu Phước, đoàn tiếp tục hành trình theo trục tỉnh lộ 768 vào QL 20 lên Bảo lộc, cũng rất may là tài xế biết đường chứ nếu không có thể sẽ có những khó khăn nhất định. Cũng xin nói thêm toàn bộ việc ăn dọc đường ta giao cho phía nhà xe sắp xếp.

        Đầu giờ trưa đoàn đến mái ấm Tín Thác tại Bảo Lộc, do các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt đảm trách, nơi nuôi dưỡng 83 trẻ thuộc diện bị bỏ rơi có độ tuổi từ sơ sinh đến 8 tuổi, mà trong đó nhiều em hiện vẫn không phát âm rõ, hoặc có dạng như thiểu năng bởi do bị cắt nguồn sữa quá sớm hơn nữa do bị bỏ rơi bị nhiểm lạnh, bị kiến, côn trùng tấn công nhiều em đã không qua khỏi, những em vượt qua được thì thường không khỏe, dễ bệnh, chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường.

        Trong mái ấm các em được đặt tên thường có chữ Ân (Thiên Ân, Minh Ân, Thảo Ân…) như là ân phúc của Chúa ban cho. Tuy nhiên tại mái ấm bình thường các em được gọi cho dễ nhớ là ớt, cà, bắp, mía, café, sầu riêng, chuối…

        Mái ấm Tín Thác nơi chứa đựng những câu chuyện buồn đau xé lòng, có những em khi được phát hiện vẫn còn dây rốn, nhiều em bị bỏ rơi khi mới vài ngày tuổi, có em thì được quấn trong cái nùi giẻ, quấn trong quần áo cũ, trong túi nylon, chậu nhựa, thùng giấy bỏ lại trên nắp cống, lùm cây, trong rừng, trước cổng nhà thờ …Nhiều em khi được phát hiện đang trong tình trạng tím tái, ngạt thở khiến não bị tổn thương phải đưa bé vào bệnh viện cấp cứu và điều trị suốt nhiều tháng mới tạm ổn.

        Nhìn mấy em nhảy ùm xuống hồ tung tăng, hồn nhiên nô đùa vẫy vùng té nước thương quá và tự nhiên nơi ấy lại thu hút sự chú ý của nhiều thành viên. Trong khi nhiều thành viên khác vào các trại thăm, chơi với các em. Có những bạn trẻ nam có, nữ có điềm nhiên ngồi bế cầm bình sữa cho bé bú thật quá dễ thương. Rất nhiều thú nhồi bông, đồ chơi đã được trao cho các em, thật tội, có những em nhìn thấy con thú nhồi bông mà sợ bỏ chạy, khóc thét.

        Mái ấm còn quản lý một nghĩa trang “những thiên thần vô danh” nơi an nghỉ của hàng ngàn hài nhi bất hạnh cùng chung nỗi đau vì lý do nào đó đã bị tước bỏ quyền được sống khi mới cất tiếng khóc chào đời. Các sinh linh này được nhặt từ trong rừng, bụi cây, thùng rác …Có nhiều xác khi phát hiện đã trong giai đọạn phân hủy nặng, từ nhiều nơi mang về vệ sinh và an táng. Nghĩa trang nơi chứa đựng những nỗi đau, những tội ác do người đời gây ra cùng những câu chuyện xé lòng bởi thỉnh thoảng có những cô gái còn non choẹt đến thắp nhang đi lòng vòng rồi ôm mặt khóc, có lẽ cô đang ân hận vì tội lỗi của mình, thật đau lòng bởi cũng không biết phần mộ con mình ở đâu, do tất cả đều không có tên tuổi, chỉ có số cùng tên Thánh và ngày được nhặt về.

        Soeur Thụy Hường luôn nhắn gửi đến mọi người, mái ấm, nghĩa trang như là một minh chứng của tội lỗi và mong những nỗi đau này sẽ không còn xuất hiện. “Mẹ ơi hãy cho con được sống”.

        Tại đây các em được chăm nuôi tốt, được cho đi học như trẻ bình thường và cũng chính điều đó để có hơn 30 triệu tiền học phí hàng tháng cho các em là một gánh nặng thật sự đối với mái ấm. 

        Nhân chuyến đến đây trước mắt ta cũng đã gửi chuyển tặng 3 xe lăn cho người bệnh và khuyết tật tại địa phương do Soeur Hường giới thiệu.

        Rời Bảo Lộc đoàn lên Di Linh đến với Trung tâm điều trị bệnh phong (trại phong) tại xã Bảo Thuận. Ta đến muộn hơn dự kiến, đã vậy còn đi nhầm đường, vì là mùa Phục sinh là những ngày lễ quan trọng của Công giáo, theo Soeur Thuy, Giám đốc trung tâm cho biết chỉ còn khoảng 20 phút là đến giờ bà con về đi lễ. Nên mọi việc khẩn trương và thật khẩn trương. Công việc triển khai, rồi tặng 95 phần quà cho các hộ bệnh nhân trong trại được diễn ra trong khoảng thời gian kỷ lục chưa từng có.

        Cũng xin nói thêm, tại Vĩnh Cửu cũng như tại trại phong, những phần quà gửi tặng bà con gồm hiện vật (17 mặt hàng) kèm tiền mặt . Ngoài ra nhiều thành viên cũng đã gửi tặng thêm tiền mặt cho bà con.

Cá tươi đông lạnh (Sapa) gửi tặng bà con người khoảng 1kg, phần còn lại cùng cá thu Nhật, cá hồi gửi tặng các Soeur cả hai trai phong

        Trung tâm do chính phủ quản lý chuyên môn, phần chăm sóc vẫn do các Soeur Bác ái phụ trách. Bệnh nhân trong trại chủ yếu là đồng bào dân tộc K’Đê, K’Ho… Những người luôn mặc cảm tự ti bởi ấn tượng bị xa lánh, kỳ thị. Người bệnh sống trong trại đã dần hình thành nên những gia đình với thế hệ con cháu hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, tuy nhiên họ khó hòa nhập thực sự cùng cộng đồng bởi đơn giản chỉ vì là “dân trại cùi”, do đó cuộc sống của những bệnh nhân cùng gia đình luôn gặp cảnh thiếu thốn, khó khăn đủ nhiều mặt. Cuộc sống hàng ngày cùng sự học của con cháu đều nhờ vào sự chăm lo của các Soeur và tình thương của các ân nhân. Trong trại mỗi hộ được cấp đất, cấp nhà (đất của dòng Nữ tử Bác ái Vinh sơn) để ở riêng biệt từng gia đình.

        Không riêng tại Di Linh, trong những lần đến với những trại phong các nơi chúng ta đều lưu tâm đến cái mà bà con sướng nhất đó là thực phẩm tươi. Cá tươi đông lạnh gửi tặng bà con hôm nay là những con cá sapa Fujijama nhập khẩu to ngon, ngoài ra cũng không quên gửi cá trong đó có cả cá thu Nhật, cá hồi đến các Souer 2 trại dùng vì chính cuộc sống thường nhật của các Soeur cũng kham khổ mà có lần chúng tôi chứng kiến.

        Soeur Thuy tâm sự “nghe đoàn bác đến bà con nói thế nào cũng sẽ có cá ăn, chiều đó trong trại khói rơm rạ mù trời, bà con nướng cá theo kiểu của đồng bào dân tộc, ăn rồi uống rượu vui lắm, như ngày hội”.

        Sau đó đoàn tiếp tục lên Đức Trọng đến với mái ấm Lục Hòa thuộc Ni viện Nguyên Không tại xã Hiệp An. Nơi đang nuôi dưỡng 43 bé gái (có mấy trẻ sơ sinh mới được nhân về), đa số các em có độ tuổi trên 4.

        Từ những thực tế, theo nhận định chủ quan không chỉ của riêng chúng tôi, đây là một mái ấm có năng lực, có tâm huyết, có định hướng, nghiêm túc. Theo Ni sư Tâm Hạnh “nuôi không có nghĩa chỉ cho ăn, nuôi phải dạy cho tốt, phải có định hướng giúp các con nên người, nên Cô không nhận nhận nhiều vì nhận nhiều mà nuôi dưỡng không tốt, các con không có một tương lai  thì chính mình sẽ có lỗi trước tiên”. Chúng ta cũng tâm đắc về ý nguyện này. Tại đây các em có một môi trường sống tốt, các Ni chúng trong viện được phân công chăm sóc toàn diện cho các em như người mẹ thực thụ (hiện có em đang học đại học, trên đại học trong và ngoài nước). Những suy nghĩ trăn trở của Ni sư cũng là lý do vì sao phải dời mái ấm khỏi khu Vạn Hạnh Tân Thành BR-VT để lên đây.

        Trong mái ấm, cũng có nhiều những câu chuyện đau lòng, có những cháu chưa một lần được tận hưởng hương vị ngọt ngào của dòng sữa mẹ, chưa một lần được hạnh phúc trong vòng tay mẹ đã cưu mang.

        Lần này đến không thấy cháu bé 8 tuổi, rất sinh mà sự sống của em được cho là điều kỳ diệu, nhiều thành viên đã hỏi và được Ni sư cho biết em được gửi vào Sài Gòn cho các Cô kèm thêm vì dù cháu rất xinh, trông rất sáng và rất hiền thương lắm nhưng tội là cháu lại chậm phát triển, phải chăng đó cũng là di chứng bị bỏ lại ven rừng hoang vắng 5 ngày đói lả với cái lạnh mùa đông ở độ cao 1050m.

        Với các em đang sống tại Tín Thác và Lục Hòa nói riêng cùng những cơ sở nghiêm túc nói chung có lẽ nghiệp quả các cháu đã trả xong ân sinh thành với người mẹ nhẫn tâm để tiếp tục sống, để đón nhận những ân tình, hạnh phúc mới, để tiếp tục vương lên giữa đất trời.

        Rời Nguyên Không, lúc này đã hơn 20 giờ, đoàn lên Đà Lạt nhận phòng nghỉ đêm.

        Hôm sau, đoàn tham quan một số nơi tại Đà Lạt, quảng trường Lâm Viên, Dinh Bảo Đại (dinh 1), đây là dinh công quyền, trụ sở cai quản 5 tỉnh cao nguyên vùng đất "Hoàng triều cương thổ" vùng đất gắn liền với cuộc đời của Thứ phi Mộng Điệp (Dinh mới được Cty tư nhân trùng tu những năm gần đây). Chùa Linh Phước. Sử quán XQ. Tiêu điểm là giao lưu cồng chiêng cùng đội ca múa dân tộc K’Ho và trong chuyến tham quan lần này nhiều người lần đầu được ôm những trái bí ngô khổng lồ để ghi lại hình lưu niệm.

        Có thể nói chương trình nghỉ dưỡng tại Đà Lạt khá đạt yêu cầu, xin cảm ơn cô Lành chủ Ks 2 sao Tầm Xuân, Cô Vân quản lý nhà hàng (Ks TTC Premium 4 sao), cô Quyên quản lý nhà hàng Hạnh Phúc Mộng mơ đã tạo điều kiện những gì tốt nhất cho đoàn trong việc ăn ở vui chơi chất lượng tốt nhưng với giá rẻ nhất.

        Hôm sau, 16.4.2017 đoàn khởi hành về lại Tp.HCM kết thúc chuyến công tác từ thiện nhân ái nhiều ý nghĩa và niềm vui, niềm vui của người và niềm vui của mình.

        Cũng xin nói thêm, đoàn chúng ta đi mục đích chính là công tác từ thiện, việc tham quan đâu đó chỉ là nhân tiện nếu có điều kiện. Đoàn chỉ gói gọn trong 2 xe/45 chổ, trong khi số lượng người đăng ký nhiều, nên không đủ chổ cho tất cả. Mặc khác mỗi xe chỉ có 4 ghế đầu, do đó cũng không đủ chổ cho nhiều người muốn ngồi hàng đầu, sự bố trí chổ ngồi trên xe được chia theo từng nhóm đều có hàng ghế trên, giữa, dưới và trong nhóm tự sắp lại với nhau. Mong có sự chia sẻ và cảm thông.

        Hẹn gặp lại trong chương trình sắp tới, khám bệnh cấp thuốc tại huyện K’rong Nô - Dak Nong (là một chương trình đột xuất), theo đề nghị của Ban Ni giới Tp.HCM, Ban từ thiện Phật giáo Tp .

          Chi hội Lá Bồ Đề

Tin về chuyến từ thiện cũng được đăng tải trên Báo Giác ngộ ngày 18/4 trên trang Truyền thông PG VN ngày 19/4

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 28
Lượt truy cập: 9533286