Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

ĐẾN VỚI CÁC LÀNG CÙI TẠI GIA LAI

Một lần nữa chúng ta đã đến với đồng bào dân tộc nơi vùng xa và thật sự là vùng sâu. Đến với những người bất hạnh mang bệnh phong (cùi) đang sống nơi những làng tách biệt, những làng cùi...Họ cũng có những khát khao như bao người bình thường khác,muốn hội nhập với bên ngoài để có một người chồng, một người vợ, một mái gia đình hạnh phúc nhưng nào có được đâu và ước mơ cũng chỉ mãi là ước mơ mà thôi vì đơn giản là sự ghê sợ, xa lánh vẫn còn hiện hữu và như một cái vòng lẩn quẩn từ thế hệ này đến thế hệ khác vẫn khó thoát khỏi mấy chữ “người làng cùi”.

ĐẾN VỚI CÁC LÀNG CÙI TẠI GIA LAI

        Một lần nữa chúng ta đã đến với đồng bào dân tộc nơi vùng xa và thật sự là vùng sâu. Đến với những người bất hạnh mang bệnh phong (cùi) đang sống nơi những làng tách biệt.

        Người bệnh tật, khuyết tật bình thường ngay cả người điên, người mù nói chung là một nỗi đau, sự bất hạnh và khốn khó nhưng riêng với người bệnh cùi thì nỗi đau ấy sự khốn khó ấy, điều bất hạnh vương mang ấy lại còn khổ đau bội phần nếu không muốn nói là tột cùng bởi bên cạnh nỗi khổ về tinh thần, mặc cảm còn là nỗi đau về thể xác với những cơn đau thấu xương trong hình hài dị dạng, gớm ghiếc.

        Mỗi gia đình có những mức độ bệnh tật khác nhau, những niềm vui nổi buồn khác nhau cùng những bất hạnh khác nhau nhưng lại có chung một cái nghèo, cái khó, buồn tủi, sự chịu đựng, sự mặc cảm giống nhau, ngay cả thế hệ con cháu của họ những người hoàn toàn khỏe mạnh họ cũng không thoát khỏi mặc cảm, họ cũng có những khát khao như bao người bình thường khác, cũng muốn học cao hiểu rộng, cũng muốn cuộc sống đầy đủ sung túc, cũng muốn hội nhập với bên ngoài để có một người chồng, một người vợ, một mái gia đình hạnh phúc nhưng nào có được đâu và ước mơ cũng chỉ mãi là ước mơ mà thôi vì đơn giản là sự ghê sợ, xa lánh vẫn còn hiện hữu và như một cái vòng lẩn quẩn từ thế hệ này đến thế hệ khác vẫn khó thoát khỏi mấy chữ “người làng cùi”.

        Chiều ngày 05/1/2018, đoàn khởi hành chuyến đầu năm 2018 thẳng hướng Tây nguyên. Mang theo 250 phần quà với 30 mặt hàng cùng những vật phẩm tặng hỗ trợ mái ấm Giuse trong đó có 10 xe đạp, với tổng kinh phí trên 280 triệu đồng. Tại mỗi làng ngoài phần tiền mặt của đoàn còn có nhiều thành viên tặng thêm tiền trực tiếp cho bà con trong đó những hộ đặc biệt được nhận thêm không dưới 300 ngàn (ngoài 1 triệu dành cho suất đặc biệt và 200 ngàn theo phần quà của đoàn) 

        Tham khảo thêm phần công khai tài chính, phân bổ vật phẩm (nơi mục tài chính của trang Web)

        Qua đây cũng xin chân thành tri ân đến các ân nhân, các nhóm thành viên gắn kết cùng những hoạt động thiện nguyện của Lá Bồ Đề, những tấm lòng nhân ái đã cùng chung tay góp sức để làm nên chương trình. Cũng xin tri ân nhóm Chị Lan ở San Francisco, Chị Diểm Chi sạp 96B Phan Văn Khỏe Q.6, nhóm anh Ngọc Đức (Long An) dù chỉ nghe nói nhưng đã nhiệt tâm ủng hộ cho chương trình và cũng không quên tri ân đến chị Ngọc Sương ở Âu Cơ, Tân Phú. Thước đo không hẳn từ giá trị vật chất mà chính là từ tấm lòng và thật thiếu sót nếu không nói đến sự nhiệt tình ưu ái của gia đình Bs Hưng (Chư Sê) đã dành cho đoàn.

        06 giờ ngày 06/1 đoàn đến Chư Sê tỉnh Gia Lai đúng như dự kiến. Tại đây chúng ta ráp đoàn lại vì có nhóm đi bằng máy bay và có nhóm đi bằng phương tiện cá nhân. Cùng nhau đến nhà Bs Hưng nghỉ ngơi, ăn sáng.

        Từ trung tâm Chư Sê ta đi vào nhà thờ Giáo họ xã Ia Hlop, được chọn làm điểm tập trung hàng hóa để từ đây phân đi các nơi. Theo kế hoạch ban đầu ta sẽ có 2 điểm phát tặng quà tại Chư Sê là làng Plong và điểm trung gian giữa làng Telyo và Tungket tuy nhiên sau đó phía địa phương thay đổi vì 2 nơi xa nhau mà điểm trung gian lại là nơi ta không tặng quà nên chúng ta phải đến mỗi nơi và chính vì điều này đã làm mất nhiều thời gian cũng như công sức của các thành viên. Cũng xin cảm ơn tất cả các thành viên đã nhiệt tình làm việc đặc biệt là các bạn trẻ, sự nhiệt tình, phối hợp hiệu quả của mọi người là quá tuyệt vời.

Cùng nhau cho tiền vào các loại bao thư để chuẩn bị tặng cho bà con

Chia lại phần bánh kẹo vì lượng thiếu nhi sẽ rất nhiều

        Từ đây đoàn di chuyển vào làng Plong bằng dàn xe Mercedes công nông, bụi mù đất đỏ, ngả nghiêng, dằn sốc ấy vậy mà ai cũng vui đùa thích thú. Đến khi xong việc lên xe của đoàn, dùng khăn lạnh lau qua là khăn đổi màu vậy mà khấn khởi còn khoe cái khăn nữa chứ “cái mặt của tui nè”.

        Trong 130 phần quà tại làng Plong 1 và 2 là hai làng đồng bào dân tộc Jrai và chúng ta chỉ chọn những hộ nghèo. Ngoài phần quà gồm hiện vật và tiền mặt theo phần quà, ta còn tặng thêm 3 suất cho hộ có hoàn cảnh đặc biệt, bệnh tật mỗi suất 1 triệu đồng.

        Đã từng đến, biết sẽ có nhiều trẻ em và cũng đã trù liệu rất nhiều bánh kẹo, sữa, đồ chơi dành cho các em nhưng thật bất ngờ số thiếu nhi nhiều hơn dự kiến, khủng luôn làm cho công tác tặng quà riêng cho các em có gặp phải sự lúng túng ban đầu. Trong khi xếp hàng chờ để được tặng, qua ánh mắt các em đứng nhìn đồ chơi mà thương, bất chợt chúng ta cũng có chút chạnh lòng bởi một niềm vui nhỏ, một hạnh phúc nhỏ bé của tuổi ấu thơ với các em nơi vùng sâu nghèo khó vẫn là chuyện xa vời.

  

        Với các em thiếu nhi nói chung tại các làng mà đoàn đến, rất nhiều nếu không muốn nói là hầu hết hình ảnh các em chân trần, áo quần lôi thôi cũ rít, lắm lem bụi đất, bẩn, mặt thì dính bẩn, mũi dãi tèm lem mà thương xót cho các em. Qua đó ta có thể hiểu các em đang phải sống trong điều kiện thế nào giữa thời đại văn minh trong một xã hội phát triển vượt bậc.

        Công việc tặng 130 phần quà cho hộ nghèo làng Plong 1 và 2 được diễn ra nhanh chóng và trình tự, sau đó đoàn cũng nhanh chóng quay về vì thời gian có ngừng trôi bao giờ.

  

Dàn xe mẹc sơ đì  5 chiếc . Lạ thật, hình như lúc này không ai ngán ngại bụi mù như ở thành phố mà còn cười hết ga, ca hết số luôn.

        Tiếp tục công việc chuẩn bị vật phẩm để đến làng Tungket, cảm ơn nồi cháo gà mà nhà thờ Giáo họ Ia Hlop dành cho đoàn ăn sáng (do ta ăn sáng tại nhà Bs Hưng nên còn nguyên) nhiều anh chị cũng tranh thủ dằn cái bụng. Lần này ta chủ động thay đổi không đi bằng xe công nông mà đi bằng xe của đoàn để tiết kiệm thời gian. Tung ket là ngôi làng bình thường nhưng trong đó có 31 hộ đang được sống tách biệt (là hộ được nhận quà) vì họ là thế hệ thứ hai, bệnh trạng đang tiềm ẩn.

        Thật bất ngờ và có lẽ đây là lần đầu ta mới thấy, phiếu nhận quà của bà con khá to được in nội dung duy nhất “dân làng Tungket xin chân thành cảm ơn…” Công việc tặng 31 phần quà tại đây cũng diễn ra hết sức khẩn trương nhưng vẫn luôn thể hiện được yếu tố trọng thị qua cách tặng. Tại đây chúng ta cũng tặng thêm 2 suất dành cho hộ có hoàn cảnh đặc biệt là những hộ nghèo có từ 2 người bệnh trở lên.

        Từ đây ta quay lại đến mái ấm Giuse tại thôn 1 Ia Hlop lúc này đã trưa xế chiều. Theo kế hoạch thì ta về và cùng cho các em ăn trưa món lagu gà, chả giò chấm nước xí muội, uống Milo. Nhưng vì đã muộn, các em còn đi học chiều nên các chị nhóm nấu ăn đã chủ động cho ăn trước. Theo các chị thuật lại các em không biết và chưa từng được ăn những món này ngay cả việc được uống Milo (với sữa thì có do cũng có ân nhân cho). Nhìn các em cầm cái đùi gà góc ¼ thịt ăn ngon lành, thay vì múc lagu vào cùng cơm để ăn, các em dùng tô để lấy đầy lagu còn cơm thì lấy cái dĩa đựng riêng để ăn chung, có lẽ ta cũng hiểu các em muốn tận dụng sức chứa tối đa của cái tô (ta có đề xuất lagu ăn cùng bánh mì nhưng theo Thầy Minh Nhật “bánh mì không đủ sức mấy em nó đâu”). Còn chả giò chấm với xí muội chua chua, ngọt ngọt, cay cay “nhìn mấy đứa nó ăn mà thương quá hà” nên muốn ăn thêm là các chị chiều ý liền rồi phải dùng luôn phần để dành cho các em lớn đi làm rẫy để chiên thêm nóng giòn cho các em (nói đi làm rẫy thật chất là đi làm thuê để có thêm tiền phụ mái ấm mà ngay cả thầy Minh Nhật cũng phải đi làm thuê). Sau đó các chị đã gửi tiền để nhờ ngày hôm sau ra Chư Sê mua chả giò cho các em đi làm rẫy về. Với hầu hết các em thì đây là lần đầu tiên trong đời được cầm nguyên cái đùi gà có thêm góc ¼ thịt, lần đầu được ăn chả giò một món ăn đặc trưng của VN, cả việc uống Milo với nước đá quá lạ quá hấp dẫn. Chúng ta rất vui vì những gì ta mang đến cho các em hôm nay một hạnh phúc dù là nhỏ bé.

        Tại mái ấm ngoài nhiều vật phẩm cùng tiền mặt ủng hộ, chúng ta còn tặng 10 chiếc xe đạp dành cho các em làm phương tiện đi học, cũng thật thương một em thấy có xe mới là lấy đi học liền. Hôm nay tiếc không có thầy Minh Nhật người được xem là cả gan “dám bẻ nạn chống lại Giàng” vì Thầy phải đưa một em đi cấp cứu trong đêm qua.

        Thầy Minh Nhật xuất thân là thầy giáo dạy học, không có vợ con, trong một lần qua làng dân tộc Jrai phát hiện một đứa bé có tên là Kpuih H’Lui còn trong tháng sắp bị tế sống vì em bị kết tội “dọ tơm ami” bởi theo tục lệ nếu người mẹ chết sau khi vượt cạn thì nguyên nhân cho là do em bé và em bé phải chết theo mẹ. Sau khi thương lượng chuộc không thành, báo chính quyền cũng không can thiệp trực tiếp, Thầy đã giật lấy đứa bé ôm chạy trong sự rượt đuổi của người làng ấy và những người khác đồng thuận nhưng không dám ra mặt (thật tế nhóm này tuy rượt đuổi theo nhưng thật chất là cản trở để cho Thầy chạy thoát). Rồi với một đứa trẻ còn đỏ hỏn đối với một người đàn ông đơn thân là sự “lực bất đồng tâm” chăm như thế nào đây, sữa ở đâu cho bú, rồi làm sao…làm sao đây. Rất may có một sản phụ cho bé bú thép và những phụ nữ gần đó chăm cho bé. Bé được đặt lại tên là Hồng Phước, phước của bé và cũng là phước của Thầy vì nếu lúc đó bị dân làng ấy bắt được thì hậu quả đối với Thầy chắc là không nhỏ. Rồi cũng chính từ đứa bé đã làm thay đổi cuộc đời Thầy, Thầy nguyện đi theo đường tu thực hiện những công việc của Đức Chúa Jésus mang ánh sáng Phúc âm phụng sự cho những người bệnh tật, bất hạnh. Ngày nay mái ấm là nơi cưu mang hơn 90 em mồ côi, bị bỏ rơi mà hầu hết là người dân tộc. Trong điều kiện thiếu vật chất nhưng các em đều được đi học, hiện có 2 em đang học đại học, 3 em học 12 còn lại là các lớp dưới, trong mái ấm ta cũng dễ dàng nhận thấy dù chật hẹp nhưng vẫn dành 1 góc rộng làm nơi học tập của các em và người phụ đạo không ai khác cũng chính thầy giáo Minh Nhật. Thầy Minh Nhật vừa là người cha, người thầy, người quản gia, người bảo mẫu, người thợ may, người thầy thuốc, người lo kiếm tiền cho mái ấm, tất tần tật chỉ một mình. Ngày nay ta thấy còn có hai người đàn ông và phụ nữ khác là những người hàng xóm tự nguyện phụ giúp cho Thầy những công việc vòng ngoài

        Đã đến ta cũng hiểu, mái ấm tọa lạc trong vùng sâu, nơi vùng xa ắt hẳn không được nhiều người biết đến. Lo việc cho các em học thôi đã là gánh nặng (dù có được miễn học phí, còn các khoản khác thì vẫn không miễn hay giảm). Nên làm sao tránh khỏi những bửa cơm chỉ toàn rau trong khi bản thân Thầy cùng những em lớn vẫn phải đi làm rẫy (thực chất là đi làm thuê, nhận cuốc đất, làm cỏ…) để tạo thêm thu nhập cho mái ấm.

        Tiếc là chúng ta không nhận được thông tin mái ấm mới có người cho 1 tủ đông cũ, nếu biết ta sẽ mua thêm nhiều thực phẩm như cá, gà để dành cho các em ăn dần ít ra cũng được vài ngày cơm sẽ không toàn là rau (vì nghe phải gửi tủ lạnh những nhà chung quanh nên ta chỉ mua 30 kg đùi gà góc ¼ thịt dành cho các em ăn dần).

        Đã quá trễ, chúng ta quyết định ngày mai sẽ tiếp tục đến làng Telyo (cũng trên đường về), chủ động thuê một xe tải tại địa phương chuyển hàng về và gửi tại mái ấm. Đoàn lên đến Pleiku ăn cơm trưa lúc này đã hơn 16 giờ. Ăn vội bửa cơm tại nhà hàng Tre Xanh đoàn tiếp tục đến làng Pleingol thuộc huyện Dakdoa khi màn đêm đang buông xuống. Băng qua đường đất những lô cao su, đi sâu vào thung lũng trong khi chung quanh tối đen. Một lần nữa nhiều người đã hỏi “sao mà biết được nơi này”.

        Tại sân nhà sinh hoạt chung của làng chỉ có mấy bóng đèn không đủ sáng với một không gian rộng, thế là đèn pin, điện thoại được tận dụng tối đa, thấy vậy anh lái xe 15 chổ cho xe vào tận nơi để làm nhiệm vụ là máy phát điện.

        PleiNgol là làng cùi thuộc Giáo xứ Phaolô Haneng với tổng số hộ là 59 trong đó chỉ có 30 hộ là gia đình của bệnh nhân, riêng 29 hộ bệnh nhân là những bệnh nhân nặng đến rất nặng, nhiều nhà có không dưới 2 người bệnh. Đã từng đến đây vào tận nhà bà con, chúng tôi thấu hiểu được sự khổ đau của họ là như thế nào. Trong khi lần đầu đến đây nhìn những cây café chúng tôi đã phân vân nơi đây không khó khăn lắm nhưng thực tế hoàn toàn khác và như câu chuyện được chứng kiến 3 trái bắp của một cô đang mang bầu nấu cho mình và ba mẹ (bệnh nhân cùi) ăn thay cơm. Cụ bà hai tay đã không còn các ngón tay vẫn phải đi mót café mỗi ngày khoảng hơn một nấm để đổi gạo. Làng nhìn tổng quang khá khang trang là do được sự trợ giúp của tổ chức Raoul Follereau của Pháp (mua lại từ nhà nước rồi cấp đất cho mỗi nhà 2 - 3 sào để trồng café, cùng xây căn nhà khoảng 15m2, giếng nước…và xây một trường học). Với từng ấy đất thì dù trồng trọt cái gì cũng làm sao đủ thu nhập để ăn cả năm thậm chí là 6 tháng. Cũng tại đây chúng ta đã dành đến 10 suất đặc biệt bởi nếu như tại TungKet hay Telyo hộ có hoàn cảnh đặc biệt là có từ 2 bệnh nhân thì ở đây có từ 3 đến 4 bệnh nhân (có 2 người cùi hoặc 3, 2 người cùi con thì tâm thần hay bị liệt…).

         Tại đây chúng ta còn tặng mốt số dụng cụ học tập ủng hộ cho phân hiệu trường PleiNgol (nói trường chứ chỉ có 2 lớp 1 và 2 cùng 1 lớp mẫu giáo)

        Nhận quà xong bà con vẫn cứ ở lại chờ chào tiển đoàn, một cử chỉ đơn giản biểu thị lòng tri ân. Hoàn tất công việc tại Dakdoa đoàn quay về lại Pleiku lúc này đã hơn 20 giờ 30, tiếp tục ăn cơm chiều tại nhà hàng “Cơm Quê”, nhận phòng nghỉ đêm tại khách sạn Tre Xanh.

Chuẩn bị cơm chiều lúc 20 giờ 30 tại nhà hàng "Cơm Quê"

        Một ngày làm việc khá vất vả bù lại chổ ăn, chổ nghỉ tương đối tốt, nhiều bạn đã nói “ăn ở cứ như thế này lần sao phấn đấu cao hơn nữa nhe”. Tuy nhiên như ta từng biết không phải nơi nào cũng đáp ứng được yêu cầu vừa sang, vừa rẻ, ngay cả số lượng phòng cũng không phải nơi nào cũng đủ đa dạng theo yêu cầu.

        Sáng hôm sao, đoàn tiếp tục lên đường về Telyo để tặng những phần quà còn lại, trước khi rời Pleiku đoàn đã đến viếng vãng cảnh chùa Minh Thành một công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật theo phong cách nữa Japan nữa Taiwan bởi Thầy Tâm Mãn học và tốt nghiệp thủ khoa mỹ thuật kiến trúc tại Taiwan.

        Quay lại mái ấm Giuse, hôm nay Thầy Minh Nhật có ở nhà, dự tính lấy hàng là đi ngay nhưng rồi những câu chuyện xoay quanh về mái ấm, về những đứa trẻ gần như khó dứt ra được nhưng rồi cũng phải từ giả vì đường còn xa.

        Tại Telyo là làng cùi, công việc tặng 29 phần quà khá nhanh gọn, khẩn trương. Tại đây chúng ta cũng tặng thêm 2 suất cho hộ có hoàn cảnh đặc biệt. Cũng xin nói thêm tại Telyo, Tungket ta tặng quà chỉ chọn hộ bệnh nhân.

        Từ đây rời Gia Lai quay về Tp.HCM lúc này đã 11 giờ

        23 giờ 30 thì về đến nơi xuất phát, kết thúc chuyến công tác “nhân ái mùa xuân” đợt 1

        Một chuyến đi với cường độ làm việc cao, mệt và có cả đói vì trể bửa nhưng ai cũng cảm thấy vui vì ta đã đến được nơi cần đến, một vùng xa, vùng sâu thật sự và bà con thật sự thương tâm, nơi thật sự vẫn cần lắm những tấm lòng. Qua đó cho thấy rằng nếu 1 kg gạo, 1 gói mì mà mang được đến đúng nơi thì giá trị của nó sẽ được nhân lên bội phần chứ không đơn thuần chỉ là vật chất tầm thường ăn là hết.

        Một lần nữa cảm ơn các thành viên đã đến với những người bệnh phong cùi bằng sự nhiệt thành, ân cần và trọng thị, đó là điều quí nhất vì điều đó đã mang đến cho bà con một niềm vui to lớn hơn cả những phần quà. Bởi trong tiếp xúc với những người cùi hay ngay cả thân nhân của họ chỉ cần một biểu lộ nào đó cũng có thể làm họ tổn thương do trong họ sự mặc cảm vẫn luôn tồn tại. Một chuyến đi với nhiều trãi nghiệm cùng những niềm vui về nhiều mặt và hơn tất cả là ta vui vì niềm vui của bà con.

        Hẹn gặp lại trong chuyến từ thiện nhân ái sắp tới, “Nhân ái mùa xuân” đợt 2  ngày 04/2/2018 khám bệnh cấp thuốc, tặng quà cho bà con nghèo khu Bà Tàng một khu vực nghèo trọng điểm của thành phố tại P.7 Q.8 và chương trình “Nhân ái mùa xuân” đợt 3 tặng quà mang hương vị tết đến những người không có tết là những người sống lang thang, thực hiện sau 01 giờ sáng ngày mùng 1 tết Mậu Tuất.

        Chi hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Lá Bồ Đề

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 52
Lượt truy cập: 9871795