Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

HÀNH TRÌNH CHIA SẺ YÊU THƯƠNG 2018

Có nhiều người chưa một lần nhìn thấy ánh mặt trời, những cuộc đời bất hạnh, xin cho những khổ đau hãy chìm sâu và mong cho bóng đêm không phủ kín đời họ...Trại phong Di Linh (Trại 1) tại xã Bảo Thuận một địa chỉ quen thuộc của Lá Bồ Đề, đến trại phong như ta đang về với người thân của mình trong những ngày lễ Vọng, mùa lễ Phục Sinh... Lục Hòa một mái ấm đúng nghĩa nghiêm túc, có tâm huyết, có năng lực và có định hướng cùng sự chăm sóc tốt với cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang.

SẺ CHIA YÊU THƯƠNG

(Trên trang fanpage Chi hội Lá Bồ Đề có nhiều hình ảnh hơn)

        Là chương trình từ thiện cố định hàng năm được thực hiện trong mùa lễ Phục Sinh và thường là vào trung tuần trong tháng 4, ngày người khuyết tật, với ý nghĩa sẻ chia yêu thương bằng tình cảm và lòng nhân ái đến với những người phải sống đời bệnh tật, bất hạnh.

        Có nhiều người chưa một lần nhìn thấy ánh mặt trời, những cuộc đời bất hạnh, xin cho những khổ đau hãy chìm sâu và mong cho bóng đêm không phủ kín đời họ. Chương trình lần này chúng ta cùng hướng đến sự sẻ chia cùng những người mù

        Ngày 06.4.2018 Chi hội Lá Bồ Đề đã tổ chức thực hiện chương trình đến 4 nơi từ Đồng Nai đến Lâm Đồng

        - Đến với người mù huyện Tân Phú – Đồng Nai

        - Đến với những bệnh nhân phong tại Khu điều trị bệnh phong Di Linh

        - Đến với người mù huyện Đức Trọng – Lâm Đồng

        - Thăm mái ấm cô nhi Lục Hòa xã Hiệp An, Đức Trọng – Lâm Đồng

        Tổng kinh phí cho chuyến từ thiện là trên 175.000.000đ do các ân nhân gần xa cùng nhau đóng góp, hiệp lực để làm nên chương trình, trong đó mỗi phần quà với 16 mặt hàng kèm tiền mặt của đoàn là 170.000đ, thực tế tại chổ còn có nhiều thành viên tặng thêm tiền trực tiếp cho bà con, nâng số tiền mặt nhận được khoảng 230.000đ

        (xem thêm chi tiết tài chính tại mục tài chính của trang web).

        Cũng qua đây xin chân thành tri ân đến tất cả tấm lòng nhân ái cùng chia sẻ yêu thương, mang hạnh phúc và niềm vui đến với mọi người, đến với những nơi mà cuộc sống luôn có nhiều khó khăn, đến với những người kém may mắn. Cũng xin chân thành tri ân đến nhóm từ thiện Sansan (Taiwan) cũng đã đồng hành cùng chương trình và cũng xin chân thành cảm ơn cô Thanh Quyên (Cty Song Trang) đã tạo điều kiện để cho đoàn có những con cá tươi ngon mang đến bà con trại phong.

        Rút kinh nghiệm từ những chuyến công tác trên tuyến đường này, toàn bộ kế hoạch chương trình đã được đảm bảo nếu không muốn nói là dư thời gian so với dự kiến, nhưng để làm tốt được như vậy trước tiên phải nói đến sự hợp tác nhịp nhàng, nhiệt tâm của tất cả các thành viêntừ người lớn tuổi đến các bạn trẻ. Sự năng động, nhiệt tình, mẫn cán của các bạn trẻ như ngọn lửa hồng cuốn hút mọi việc đi vào quỷ đạo, đã góp phần rất lớn cho thành công chung, xin dành điểm 10 tuyệt đối đến các bạn.

        Trong chuyến đi, tại những nơi mà ta đến tặng quà, trong lời cảm tạ, nhiều người cũng có nói thêm với chúng tôi “cũng có đoàn đến tặng quà nhưng có lẽ lần này bà con nhận được nhiều nhất” “đoàn của các anh chị chuyên nghiệp quá”. Có thể đó là những lời nói động viên mang tính ngoại giao nhưng cũng có thể là lời nói chân tình. Với chúng ta không lấy đó để tự hào, mình làm được việc gì tốt nhất thì ra sức mà thực hiện kể cả việc ứng biến cho phù hợp thực tế, không màn đến những lời có cánh bởi đơn giản logan của chúng ta là “Hành thiện từ tâm” những việc làm xuất phát từ trái tim.

        05 giờ 30 hai xe của đoàn khởi hành lên đường hướng theo QL 20 đến điểm đầu tiên của chương trình

        1)    Người mù huyện Tân Phú

        Do có biết vị trí của Hội người mù Tân Phú, theo kế hoạch dự kiến sẽ nhờ sân nhà thờ Ngọc Lâm để làm điểm tặng quà cho bà con, chúng ta được người địa phương có uy tín tích cực lo việc này, tuy nhiên Hội người mù vẫn có ý muốn ta đến tại văn phòng hội (ngay như tại Đức Trọng theo những người có trách nhiệm nghĩ rằng một căn phòng là đủ, bởi chưa hình dung ra lượng hàng và cách làm của chúng ta) và chúng ta đã đến đây, đến với người mù thuộc các xã Núi Tượng, Trà Cổ, Phú Bình, Tà Lài, Nam Cát Tiên, Phú Điền, Phú Lâm, Phú Xuân, Phú Lập, Phú Sơn, Phú Thạnh, Thanh Sơn và thị trấn Tân Phú.

        Với diện tích sân nhỏ hẹp, trong đó một nửa lại dành cho bà con ngồi chờ, một thoáng bối rối nhưng bằng kinh nghiệm và sự nhiệt tình của các thành viên, đã ứng biến phù hợp để triển khai việc tặng quà trong điều kiện khá chật hẹp, có cả những anh chị đã không ngại đứng suốt dưới trời nắng để làm nhiệm vụ của mình và công việc tặng quà cho bà con diễn ra nhịp nhàng, trình tự, nhanh chóng.

Cùng nhau cho tiền vào bao lì xì chuẩn bị tặng bà con

        Theo sự góp ý của Hội, với người mù ta nên công bố cụ thể phần quà và tiền mặt mà bà con sẽ được nhận (để bà con biết), khi chỉ mới công bố đến số tiền 170 ngàn (bao lì xì của đoàn) thì bà con ồ lên và vỗ tay, cũng khá bất ngờ khi ngay lúc đó chúng tôi nghe được mấy người mù nói với nhau “trưa nay có tiền ăn cơm ngon rồi ông hé”, “ăn cơm gì”, “ ăn cơm gà đi”, thoáng chạnh lòng và thương quá, có những hạnh phúc giản đơn nhưng đó lại là niềm mơ ước của nhiều người còn chưa có được.

        Trong khi tiếp xúc với một cụ đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn khỏe và minh mẫn, từ những lời của cụ chúng tôi đã nhắc đến những địa danh cũ của Sài gòn như chợ Đủi, đường Trần Hoàng Quân… hình như cả một vùng ký ức được khơi lại tuôn trào, cụ đã kể cho chúng tôi nghe về một thời sống tại Sài gòn. Nhưng rồi cũng phải xin phép tạm ngừng câu chuyện vì chúng ta còn tiếp tục hành trình

        Người mù ở Tân Phú cũng như những nơi khác cũng có người sống cùng con cháu nhưng cũng có người sống cô đơn, họ làm đủ mọi việc để mưu sinh bán tăm, bông tăm, bán chổi, bán vé số…Cũng có những người đến tập trung, được huấn luyện để hành nghề bấm huyệt, massage nhưng buồn thay thu nhập cũng không đủ sống, thậm chí không đủ để trả tiền thuê nhà, buồn cho thế sự, hình như nhiều người thích massage mệt chứ không thích massage khỏe. Nhưng thật tình nói một cách nào đó với điều kiện thô sơ của một cơ sở xoa bóp bấm huyệt thì cũng khó có khách.

        2)    Khu điều trị bệnh phong Di Linh

        Là điểm đến thứ hai của “Hành trình chia sẻ yêu thương”, Trại phong Di Linh (Trại 1) tại xã Bảo Thuận một địa chỉ quen thuộc của Lá Bồ Đề, đến trại phong như ta đang về với người thân của mình trong những ngày lễ Vọng, mùa lễ Phục Sinh.

        Đúng hẹn theo kế hoạch, đầu giờ trưa chúng ta đến nơi. Tại đây toàn bộ hàng từ xe tải xuống hết (xe tải về), phần tặng tại chổ, số còn lại đưa qua xe khách để chuyển tiếp lên Đức Trọng. Cũng cảm ơn tài xế cũng như phụ xế hai xe khách đã tích cực sắp xếp để có thể chứa hết vật phẩm còn lại trong hầm xe.

        Khu điều trị bệnh phong Di Linh (trại 1 và trại 2) do các Soeur dòng Nữ tử Bác Ái chăm sóc, những nữ tu khấn nguyện trọn đời, phục vụ cho người bệnh phong như chính cha mẹ, anh em của mình. Là những người thực hiện theo lời dạy của Chúa Jésus “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em”, “yêu tha nhân là là yêu Chúa, đến với tha nhân là đến với Chúa. Đó cũng là sống với đức tin, theo tinh thần phúc âm”. Theo nhận xét của nhiều người việc chăm sóc của các Soeur đối với những bệnh nhân cùi tại khắp các nơi là rất tuyệt vời, còn riêng tôi nhận định thì còn trên cả tuyệt vời.

        Trong trại đa số là đồng bào dân tộc K’Ho, K’Đê, là những bệnh nhân nặng, dù bệnh đã được ngăn chặn nhưng di chứng là không tránh khỏi và họ hoàn toàn mất khả năng lao động.

Cá Sapa mỗi phần khoảng 1kg, hơn 25 kg còn lại tặng cho các Soeur chăm sóc tại trại 1 (xã Bào Thuận, nơi ta đến) và trại 2 (xã Gia Hiệp)

        Nhớ lại trong một lần vào nhà bệnh nhân và nghe họ tâm sự “ở đây Soeur lo cho, không có đói, nhưng không có thịt cá ăn, ăn khô hoài sợ quá” và cũng từ đó chúng tôi luôn chú ý điều này những khi đến với người dân tộc trong các trại phong. ngoài những phần quà, tiền mặt còn có phần cá tươi (1kg) là những con cá sapa Fujijama nhập khẩu to ngon và lần này còn có cả cá khô từ Cà Mau mang lên tặng bà con và chúng ta cũng không quên gửi cho các Soeur tại trại 1 và trại 2 (xã Gia Hiệp) vài mươi kg cá để dành cải thiện bửa ăn vốn kham khổ hàng ngày. Theo lời Soeur Giám đốc “Lần nào đoàn chú lên, chiều đó trong trại  khói rơm rạ mù trời, bà con nướng cá theo kiểu của đồng bào dân tộc, ăn rồi uống rượu vui lắm, như ngày hội”. Vâng chúng ta cũng vui vì bà con được vui với một hạnh phúc giản đơn nhất.

        Việc ta chọn thời điểm này để đến với bà con cũng là hợp lý bởi theo lời Soeur Térésa Nguyễn Thị Tú (trưởng cộng đoàn) nói với chúng tôi trước đây “trước tết thường có nhiều đoàn đến cho ăn không hết, qua tết mấy tháng này thì thường không có gì ăn”

        Như một quy luật tạo hóa nhiều bệnh nhân đã cùng se duyên tạo nên một thế hệ mới hoàn toàn khỏe mạnh, được nhà dòng cấp nhà để sống riêng. Tuy nhiên cuộc sống của các cha, các mẹ (danh xưng của Soeur tôn kính đối với bệnh nhân) vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự chăm sóc của các Soeur. Dù thế hệ con cháu hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng cái vòng oan nghiệt vẫn vây lấy họ. Như bao nhiêu người bình thường khác, họ cũng có những khát khao cháy bỏng về tình yêu đôi lứa, một mái ấm gia đình hạnh phúc, một công việc làm, những ước mơ về một tương lai, một cuộc sống sung túc nhưng từ thế hệ này sang thế hệ khác họ vẫn chưa thoát ra khỏi mấy chữ “dân làng cùi”, họ vẫn phải sống trong mặc cảm, tự ti bởi trong xã hội đâu đó vẫn tồn tại sự ghê sợ, xa lánh. Trại phong Di Linh cũng như những làng cùi khác ở khắp nơi những ước mơ giản đơn của những người bệnh cùi và con cháu của họ những người hoàn toàn khỏe mạnh mãi cũng chỉ là ước mơ mà thôi. Có những em con cháu bệnh nhân được các Soeur lo cho học đến thành tài nhưng rồi cuối cùng cũng chỉ quay về phục vụ lại cho người bệnh phong, đơn giản và dễ hiểu vì khó hòa nhập được với cộng đồng khi mà bản lý lịch vẫn còn đó địa chỉ  “dân làng cùi”.

        Qua đây cũng cảm ơn tất cả thành viên Lá Bồ Đề, không riêng gì tại Di Linh mà tại tất cả các trại, các làng cùi khắp nơi, các bạn đã đến với bà con bằng sự chân thành, không e ngại, không có khoảng cách, đây cũng là nhận xét của những người phụ trách và nói thêm không phải đoàn nào đến với người bệnh cũng thân thiện, hòa nhập như các bạn.

        Rời Di Linh. Đoàn tiếp tục hành trình đến Đức Trọng

        3)    Người mù huyện Đức Trọng

        Mặc dù chúng ta đến sớm hơn dự kiến nhưng đã thấy bà con có mặt đông đủ chờ đoàn. Lại thêm một thoáng bối rối vì phần gian phòng lớn đã dành cho bà con ngồi sinh hoạt chờ đoàn đến, nơi dành cho đoàn làm việc là một gian phòng nhỏ có thể nói là quá nhỏ. Lại ứng biến tận dụng gian phòng nhỏ này rồi dùng luôn khoảng sân ngoài trời và bà con sẽ đi từ phòng lớn qua cánh cửa nhỏ từ phòng nhỏ rồi ra sân, nói một cách khác là chúng ta làm việc ngay trên lề đường Thống Nhất (đường thác Gougah, một thác nước đẹp đã đi vào quên lãng) thị trấn Liên Nghĩa. Ngoài những thành viên tại phần quà, các tình nguyện viên phụ nhận quà cho bà con, chúng ta còn bố trí người đứng ngay ngạch cửa để nhắc và dìu bà con khi đi qua, rồi bố trí người sắp xếp hàng hóa gọn vào bao rồi người đưa bà con sang đường. Mọi người làm việc thật nhịp nhàng, thật vui. Thương cho bà con quá, những người mù trong một khoảng không gian chật hẹp, đông người hình như bà con có phần bối rối vì khó nhận định.

Đáp từ sau lời cảm ơn của người đại diện (áo trắng). Đến lúc chia tay anh đến chào, thật bất ngờ mới biết anh cũng mù (trông khi nhìn anh thì như bình thường). Chúng ta đã xác định mình chỉ là những người thầm lặng khi làm việc thiện, không cần và không bao giờ trương những băng rôn, bích chương, quảng bá nhưng với tấm bảng ghi mấy dòng chữ viết tay chào mừng (như trong ảnh), chúng ta thật sự xúc động vì sự mộc mạc và chân thành

        Cũng xin nói thêm ngoài người mù, tại đây chúng ta còn mở rộng tặng quà đến những người dân tộc nghèo nơi các thôn xã xa như Đạ Quyn, Kom Butte, Kà Ram, R’Lơm (thay cho danh sách những người mù đã mất hoặc chưa đúng đối tượng) và một thiện nguyện viên tại Đức Trọng đã thuê xe đưa bà con đến để nhận quà.

        Một lần nữa công việc đã được hoàn thành nhanh chóng, dù còn sớm nhưng do đã đặt sẳn cơm cho đoàn nên cũng đã đến dùng bửa chiều (Do bên Ni viện nhiều Cô đi học, thiếu người nên không thể phục vụ cơm cho đoàn như mọi khi). Sau khi dùng cơm, đoàn tiếp tục di chuyển đến xã Hiệp An

        4)    Mái ấm cô nhi Lục Hòa.

        Khi đến nơi, Ni sư Tâm Hạnh đã có mặt tại khuông viên mái ấm đón đoàn. Có thể nói đây là lần đầu tiên trong những chuyến hành trình chúng ta đến Ni viện Nguyên Không khi trời vẫn còn sáng và cũng như những lần trước từ xa đã thấy các em ríu rít như những chú chim non với một phong cách tự nhiên của trẻ thơ, lễ phép chạy ra đón đoàn, đây cũng là một  đặc điểm được đáng giá tốt bởi sự hồn nhiên của đứa trẻ thơ, nó khác với những bản photocopy, một kịch bản được soạn sẳn cho các em đứng đón đoàn mà ta có thể thấy ở nhiều nơi.

        Trong mái ấm, có nhiều những câu chuyện đau lòng, có những cháu chưa một lần được tận hưởng hương vị ngọt ngào của dòng sữa mẹ, chưa một lần được hạnh phúc trong vòng tay mẹ đã cưu mang. Có cháu khi mới chào đời đã bị bỏ rơi trước cổng Chùa giữa đêm đông lạnh giá của vùng cao nguyên, có cháu may mắn được người phát hiện bị bỏ lại ven rừng hoang vắng đã 3 ngày với cái lạnh ở độ cao 1050m. Chúng ta từng rất tâm đắc với tâm sự của Ni sư “Các con đã bất hạnh, mình phải bù đắp để các con được hạnh phúc. Nuôi không phải chỉ cho ăn, phải định hướng tương lai cho các con sau này thành người trưởng thành thật sự, hữu ích cho đời, muốn vậy thì phải chăm sóc nuôi dạy thật tốt ngay từ bây giờ, Cô không nhận nhiều là vì vậy. Ở đây là một gia đình, nuôi nhiều mà chăm không tốt thì chính mình có lỗi”.

        Vâng, đúng như những gì ta được nghe, được thấy, đây là một mái ấm đúng nghĩa nghiêm túc, có tâm huyết, có năng lực và có định hướng cùng sự chăm sóc tốt với cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang. Hàng ngày các Sư cô trẻ phân công cụ thể đưa đón các em đi học bằng đủ loại phương tiện như cha mẹ chăm cho con (một Cô phụ trách toàn diện cho hai hoặc ba em) đối với các em nhỏ sơ sinh các Cô trở thành những bảo mẫu. Nhìn cháu nào cũng hồn nhiên, đầy đặn, hồng hào, xinh xắn, sạch sẽ, ngoan, lễ phép tự nhiên đã có thể nói lên được tất cả mọi điều và các em đều là con theo họ thế tục của Ni sư (có khai sinh)

        Đây cũng là quan điểm ủng hộ của chúng ta bởi nếu những nơi  không có năng lực, không có khả năng, không đủ cơ sở vật chất… thì đừng nên làm vì như thế các em đã bất hạnh giờ lại bất hạnh hơn, để cho các em nhếch nhát, thiếu áo, thiếu cơm vậy mục đích nuôi các em những nơi đó để làm gì ??? phải chăng để đánh động vào tâm lý. Cũng xin nói thêm trước đây Ni viện Nguyên Không cũng từ làng Vạn Hạnh (Tân Thành, BRVT) dời lên đây vì muốn có một sự riêng biệt với một môi trường tốt cho các em.

        Ngoài tiền mặt của đoàn và vật thực hỗ trợ chung tay cùng mái ấm, còn có nhiều thành viên đóng góp thêm tiền mặt để gửi cho mái ấm và cái không thể thiếu là bánh kẹo, đồ chơi dành cho các em.

        Hoàn thành nhiệm vụ của “Hành trình chia sẻ yêu thương”, đoàn hướng lên Đà Lạt, với 2 đêm lưu trú tại khách sạn Lá Xanh được gắn tiêu chuẩn 3 sao trên đường 3/2 rất gần chợ .

        Hôm sau dành trọn 1 ngày để tham quan tại Đà Lạt, trong đó tiêu điểm là khu du lịch Lá Phong, dù không rộng lắm nhưng rất đẹp, một nơi còn khá mới mà nhiều người còn chưa biết với những cây lá phong, cây tùng bút, đặc biệt là cây lá kim cực hiếm tại Đà Lạt. Làng hoa Vạn Thành, một nơi hội đủ kỳ hoa dạ thảo, rau trái lạ… Giao lưu văn hóa dân tộc cồng chiêng với đoàn ca múa dân tộc K’Ho. Ăn trưa lẫu rau, hải sản tại nhà hàng Premium (4 sao), ăn chiều (set menu 7 món chính) tại nhà hàng Hạnh Phúc. Buổi tối tự do dạo phố chợ

        Như một sự động viên, nhiều anh chị em đã bất ngờ khi bước vào những nơi bố trí ăn ở của đoàn, “mình ở đây hả” “mình ăn ở đây hả” “ sao giống ăn đám cưới vậy nè” “đoàn từ thiện mà chơi shock quá”. Những người thực hiện chương trình chúng tôi cũng cảm thấy vui vì mọi người được hài lòng. Cũng xin nói thêm, BTC không phải là những người kinh doanh du lịch nhưng có sự tính toán hợp lý và trong khả năng nhất định bằng sự quen biết cá nhân đã cố gắng sao cho đoàn có được những gì tốt nhất nhưng giá rẻ (không phải nơi đâu cũng được như thế) trong kế hoạch nghỉ dưỡng, tham quan, dù chỉ hai đêm, một ngày tại Đà Lạt tuy ngắn nhưng thật vui, thật nhiều kỹ niệm đẹp.

        Sáng ngày 08/4 tạm biệt Đà Lạt khởi hành về lại Sài Gòn, đoàn đã ghé khu chợ nông sản tại thác Preen và đến tham quan thác Pongour một thác nước 7 tầng hùng vĩ ngày nào của Lâm Đồng nói riêng và của Tây nguyên nói chung nhưng ngày nay hình như phong trào nơi nơi làm thủy điện đã tạo cho thác nước này một diện mạo mới làm chán lòng người.

        18 giờ đoàn về đến nơi, một chuyến từ thiện kết hợp tham quan đã hoàn thành, có thể nói Trong các chuyến “Hành trình chia sẻ yêu thương” thì lần này là ít khiếm khuyết nhất, vui nhất và có đến hai buổi sinh nhật của thành viên trong đoàn.

        Một lần nữa chân thành tri ân đến các ân nhân gần xa đã cùng làm nên chương trình nhân ái sẻ chia yêu thương, cảm ơn sự nhiệt tình của các thành viên tham gia đoàn đặc biệt là các bạn trẻ, những người làm việc thì hết mình còn khi chơi thì cũng hết mình luôn, hẹn gặp lại tất cả các anh chị,  bạn trong chuyến từ thiện sắp tới

           Chi hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Lá Bồ Đề

          Tin về chuyến đi cũng được đăng tải trên báo Giác Ngộ, báo Tình Thương Việt và trang truyền thông Phật giáo Việt Nam (phatgiao.org.vn) ngày 10/4/2018.

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 23
Lượt truy cập: 9533430