Nơi núi rừng đặc biệt là tại Kon Tum số bệnh nhân phong “cùi” nhiều đến mức không ngờ, hình như trên đất nước Việt Nam chúng ta chưa có nơi nào có nhiều trại nuôi dưỡng người cùi như tại Kon Tum và rất nhiều làng cùi của đồng bào nơi vùng sâu...Những người luôn mặc cảm, tự ti nhưng họ cũng có những khác khao cháy bỏng về tình yêu về một gia đình, về một cuộc sống tốt đẹp, các em vẫn khao khác được đến trường… Nhưng ước mơ cũng chỉ là mơ ước... Tặng 300 phần quà tại Dak Hà và Dak To.
ĐẾN VỚI CAO NGUYÊN KON TUM
Mời các bạn truy cập trang Fanpage : Chi hội Lá Bồ Đề và Facebook cá nhân: Tạ Ngọc Minh Tân để xem đầy đủ hình ảnh sẽ được lần lượt đăng tải.
Nói đến người nghèo, hộ nghèo thì có thể nói là ở đâu cũng có nhưng với nhận định chủ quan thì đồng bào dân tộc nơi Tây nguyên nhất là những vùng xa, vùng sâu thật sự của miền sơn cước thì cuộc sống luôn đối mặt với sự khốn khó nhiều hơn, khắc nghiệt hơn. Bà con dân tộc vẫn sống nặng theo tập tục, dân trí thấp, không tiền vốn, họ chủ yếu sống bám vào sản vật của rừng, mà ngày nay nhiều nơi rừng không còn, đồng nghĩa nguồn sống bị cô lập. Sự khốn khó ngày càng khó hơn. Có những nơi ta có cảm nhận hình như ánh sáng của sự văn minh vẫn chưa chiếu rọi tới.
Bên cạnh đó nơi núi rừng đặc biệt là tại Kon Tum số bệnh nhân phong “cùi” nhiều đến mức không ngờ, hình như trên đất nước Việt Nam chúng ta chưa có nơi nào có nhiều trại nuôi dưỡng người cùi như tại Kon Tum và rất nhiều làng cùi của đồng bào nơi vùng sâu. Những bệnh nhân cùi ngoài nổi đau về thể xác còn có nổi đau về tinh thần, họ luôn mặc cảm, tự ti, bị khinh miệt xa lánh. Ngày nay thế hệ bệnh nhân cùi lớn tuổi cũng đã giảm nhiều (chết) và bệnh cùi đã được ngăn chặn hữu hiệu tuy nhiên thế hệ con cháu của họ đang sống tại các làng hay trại, họ cũng có những khác khao cháy bỏng về tình yêu về một gia đình, về một cuộc sống tốt đẹp, các em vẫn khao khác được đến trường… Nhưng vì có cha mẹ cùi, hay vẫn phải sống trong những làng cùi để rồi cái vòng oan nghiệt bởi mấy chữ “dân làng cùi” vẫn vây lấy họ từ thế này sang thế hệ khác và nghèo càng nghèo khó hơn.
Cũng còn rất may, thường những trại hay làng cùi nơi Tây nguyên tại Gia Lai và KonTum đều có bàn tay chăm sóc, phụng sự của các Soeur, của các Giáo phận. Nhiều nơi bà con được chăm sóc rất tốt, tuy nhiên để cho bà con được no cái bụng, ấm cái thân vẫn còn là việc quá sức của các Soeur.
Chúng tôi đã từng đến những làng do các Soeur nhận sứ mạng phụng sự có thể như là một mô hình kiểu mẫu có đầy đủ cơ sở vật chất để bà con dần tiếp cận với sự văn minh, ngay mô hình các em nếu đi học thì sẽ được ăn cơm hay ăn cháo dinh dưỡng mỗi ngày cũng là động lực tác động các em và ngay cả với cha mẹ các em. Hay như đưa các em thiếu nữ ra nhà của Soeur ở thành phố để được học Trung học cũng là cách giúp cho các em được học thành tài và đặc biệt để các em nhận thức từ đó tránh được tình trạng tảo hôn.
Thấu hiểu để sẻ chia, đó là vì sao Lá Bồ Đề chúng ta vẫn thường đến với những vùng sâu nơi Tây nguyên vì thật sự những nơi đó rất cần, cần lắm những tấm lòng. Lá Bồ Đề xin mãi được làm người lái đò để đưa con thuyền chở nặng những trái tim nhân ái đến đúng bến bờ để được yêu thương người, để người được hạnh phúc bên ta.
Sau khoảng 1 tháng chuẩn bị, ngày 09/11/2018 đoàn lên đường, hướng đến Kon Tum mang theo 300 phần quà với hơn 21 mặt hàng chính, ngoài lương thực, thực phẩm, vật phẩm thiết yếu chúng ta còn chú trọng đến phần quần áo, áo ấm và lần này mỗi phần quà đến 2 áo ấm (chưa kễ phần cho thiếu nhi).
Bằng tình cảm yêu thương từ những tấm lòng nhân ái chung tay, chung sức để cùng nhau làm nên chương trình sẻ chia yêu thương với tổng giá trị hiện vật và hiện kim khoảng trên 290 triệu đồng, có thể nói đây là một chương trình khá sung túc đến đồng bào dân tộc Banar, Bơ Nâm, Rơ Ngao, Xê Đăng là những hộ bệnh nhân phong “cùi” cùng các hộ nghèo thuộc thế hệ con cháu của của làng cùi đang sống nơi miền sơn cước cao nguyên.
Xem thêm phần công khai tài chính (mục tài chính của trang web) Folder: TC đến Kon Tum (có khác đôi chút so với văn bản công khai gửi đến mọi người trong chuyến đi vì có thu thêm và phát sinh chi thêm)
Cũng như những lần đến với Tây nguyên, chúng ta không bao giờ thiếu phần bánh kẹo, sữa, đồ chơi dành cho các em thiếu nhi và lần này cũng không ngoại lệ, tuy nhiên lần này phần bánh kẹo, sữa dành cho thiếu nhi cùng đồ chơi có thể nói tràn ngập và không phải 1 mà là 2 phần to (ngoài 300 phần thiếu nhi từ qũy từ thiện của tiệm cơm chay Minh Anh (Quận 5), đoàn chuẩn bị thêm 400 phần cộng với của nhiều thành viên mang theo cho các em (nhập vào phần của đoàn).
Một đêm trên đường, sáng ngày 10/11 đoàn đến Kon Tum, sau khi vệ sinh, ăn sáng, đoàn tiếp tục lên đường đến điểm đầu tiên tại huyện Dak Hà.
Tại làng Kon H’nongpeng xã Dak Ma chúng ta tặng 165 phần quà đến bà con dân tộc thuộc 8 làng là Turia 1 - Dak H’ring - Dakkangpeng – Kon H’nongpeng – Kon Mong – Konkolôc – Kongung – Dakangyôp. Thật thương có những làng cách xa nơi nhận quà không dưới 18km, biết vậy nhưng để đến được từng nơi là một phương án bất khả thi do điều kiện về thời gian không cho phép, đối tượng nhận quà thì làng nhiều, làng ít và hơn nữa không phải nơi nào xe của đoàn cũng có thể vào đến nơi được bên cạnh đó nếu gần nơi này thì lại xa nơi kia, thương bà con nhưng biết làm sao hơn.
Tại đây ngoài tiền mặt tặng theo phần, Chúng ta còn tặng thêm (phát sinh) cho 12 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt mỗi hộ 500 ngàn và tặng 2 triệu cho nhà nuôi trẻ của Soeur dòng Ảnh phép lạ nhận sứ mạng phụng sự tại làng Kon H’ring. Thật thương khi đoàn chia tay để tiếp tục hành trình Soeur Mót đến nói lời cảm ơn đoàn đã tặng cho nhà con 2 triệu “nhà Soeur nuôi trẻ cũng vừa hết gạo vậy là có tiền mua gạo cho các em rồi”
Tại Kon H’nongpeng, nơi ta chọn là sân nhà rông, tuy nhiên hiện đang xây sân rào nên phải dời vào khoảng đất tróng bên trong, dù không đủ rộng cho chúng ta làm việc nhưng lại có được bóng mát và phương án triển khai thành 2 bên là tình huống bắt buộc vì nó sẽ trông như rối rối, tuy nhiên việc phụ và hướng dẫn bà con nhận quà vẫn nhịp nhàng, đúng tiến độ.
Sau đó đoàn cũng nhanh chóng tiếp tục lên đường đến Dak To, lúc này đã giữa trưa, thay vì ghé thị trấn Dak To dùng cơm trưa, các thành viên bằng tinh thần thiện nguyện đã nhất trí chấp nhận ăn cơm muộn vì không muốn để bà con chờ đợi đoàn lâu hơn.
Làng Dak Dring xã Dak Trăm (một nơi giáp với huyện Tu Mơ Rong và bên kia của Tu Mơ Rong là địa phận của Nam Trà Mi tỉnh Quảng Nam), điểm tặng quà thứ 2 trong chương trình đến với Kon Tum. Tại đây ta tặng 135 phần quà đến đồng bào thuộc làng Dak Dring và Dak Na.
Nơi đây, điều kiện khoảng tróng dành triển khai hàng hóa để tặng cho bà con còn khắc nghiệt hơn, nhỏ hẹp hơn cả tại Kon H’nongpeng bởi không thể nào khác hơn được mà ngay trong lần đến khảo sát chúng tôi cũng chỉ hướng đến nơi này vì nhà rông bên ngoài thì rộng và rất tiện cho đoàn nhưng nắng 100% từ sáng đến chiều. Các mặt hàng cũng triển khai thành 2 bên và hàng hóa thì san sát chồng lấn với nhau và vì thế nên nhìn thoáng qua thấy như hổn độn, không trật tự nhưng thực tế vẫn theo trình tự, nhịp nhàng và chúng ta giải quyết 135 phần quà chỉ trong thời gian ngắn. Tại đây cũng như tại Kon H’nongpeng còn có nhiều thành viên tặng thêm tiền trực tiếp cho bà con cũng như các em thiếu nhi
Cũng tại đây toàn bộ hàng tự chọn mà ta gọi vui là “gian hàng không đồng” được đưa hết xuống và vì quá đa dạng lại rất nhiều nên thay vì chỉ mấy bạn phụ trách giờ phải tăng cường lực lượng hùng hậu vào mới đủ người để phục vụ cho bà con, cũng như các em.
Thật cảm động, nhiều anh chị phải đứng ngoài nắng, còn anh chị đứng phần hàng bên trong thì chịu nóng. Các bạn tình nguyện viên phải làm cật lực, phần hàng của bà con khá nặng, đường ra lại dốc nên tại khâu cuối phải cần đến 2 tình nguyện viên để phục vụ cho một người đi nhận quà. Sau một đêm trên xe, tiếp tục di chuyển đường dài, làm việc với cường độ cao dưới cái nắng nóng nhưng ai cũng vui, vui cùng niềm vui của bà con được thể hiện rõ trên nét mặt, đặc biệt là ánh mắt, nụ cười, sự thích thú đến say mê của các em thiếu nhi trước những phần bánh kẹo, đồ chơi. Có gì vui sướng cho bằng khi chính các em được tự chọn cho mình cái mà mình ưa thích, có gì sung sướng bằng khi trong tay hôm nay các em có được nhiều bánh kẹo, sữa như vầy, một sự sung sướng mà bây giờ mấy em mới được tận hưởng. Vâng hạnh phúc cũng có thể từ những điều giản đơn nhất. Vì sao chúng ta nói mạnh như vậy, bởi lời của anh Lưu người dẫn đường cho chúng ta, người có hơn 20 năm gắn bó các làng cùi tại Dak Hà và Dak To, anh nói như nhấn mạnh, như sự vui mừng của chính anh “từ trước tới giờ thỉnh thoảng bà con cũng có được nhận quà nhưng không quá 200 ngàn”, còn theo ông Trưởng làng Dak Dring “hôm nay bà con vui lắm, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn đoàn”. Ngay cả như Soeur dòng Phaolô thành Chartres phụng sự cho các làng cùi tại Dak To và Dak Hà, mặc dù phương án làm việc đã trao đổi cùng nhau trước nhưng khi thấy đoàn chuyển hàng xuống Soeur cũng bị rối “bất ngờ vì không nghĩ quà nhiều như vậy”.
Thật cảm động, suốt dọc đường trở ra xe, ngay cả khi xe của đoàn đi ngang qua, bà con liên tục vẫy tay chào mọi người kèm theo nụ cười như thay cho lời cảm ơn.
Một lần nữa càng khẳng định rằng dù 1 gói mì, 1 cái áo nếu ta mang được đến đúng nơi, đúng chổ thì nó sẽ có giá trị bội phần chứ không đơn thuần là giá trị vật chất.
Như một lời động viên, ông Bernard tham gia đoàn có nói với chúng tôi với ý nghĩa “đường đi rất xa, tôi không thể hiểu được tại sao các bạn lại biết được những nơi này”. Vâng bất luận xa như thế nào, vất vả ra sao nhưng với những nơi còn cần tấm những tấm lòng đúng nghĩa thì chúng ta sẽ tự tìm đến.
Rời Dak Trâm về lại Dak To dùng cơm trưa xong lúc này đã hơn 15 giờ 30. Nhân tiện, đoàn đi vào Ngọc Hồi đến cửa khẩu Bờ Y, tham quan chụp ảnh lưu niệm nơi cột mốc biên giới 3 nước mà nhiều người vẫn gọi là ngả ba Đông Dương và được ví von nơi mà “con gà gáy cả 3 nước nghe”. Việc tham quan này cũng khá mất thời gian nên khi quay về Pleiku dùng cơm thì đã quá 20 giờ và cũng từ đó nên trên đường cũng không thể ghé qua khu tưởng niệm tại điểm cao mà người dân gọi là “đồi đầu lâu” hay nơi mà văn chương nhắc đến “xương trắng phủ cả núi đồi” bởi nơi đây gắn liền với những trận đánh ác liệt trong thời chiến tranh mà sau đó bài hát “người ở lại Charlie” ra đời.
Bửa cơm tối mang đậm chất Tây nguyên cùng ánh lửa bập bùng bên tiếng cồng chiêng tạo sự hưng phấn, phần nào bù lại cho sự vất vả sau một ngày thiện nguyện.
Sáng ngày 11/11 từ Pleiku khởi hành hướng thẳng Sài Gòn. 21 giờ 40 thì về đến nơi xuất phát. Một chuyến thiện nguyện đã hoàn thành đúng ý nghĩa.
Hẹn gặp lại các bạn trong những chương trình sắp tới
Chi hội Lá Bồ Đề
Tin về chuyến từ thiện cũng được đăng tải trên trang Truyền thông PGVN ngày 13/11/2018 và trên Báo Giác ngộ ngày 14/11/2018