Khánh thành bàn giao cầu nông thôn kết hợp đến với bệnh nhân suy thận đang điều trị tại bệnh viện Bạc Liêu (ca ngày chẳn) những người phần đời còn lại của họ phải gắn liền với bệnh viện cùng chiếc máy lọc máu thận với tần suất sẽ tăng dần theo thời gian, đồng nghĩa với sự sống bị rút ngắn...Hỗ trợ đến 25 hộ bị thiên tai lốc xoáy do bão Pabuk vừa qua...Tặng quà hộ nghèo tại ấp 36 xã Minh Diệu.
KHÁNH THÀNH CẦU, ỦY LẠO BỆNH NHÂN, HỘ BỊ THIÊN TAI, TẶNG QUÀ HỘ NGHÈO
Trong một lần vào tháng 8/2018 đến Bạc Liêu thực tế khảo sát (mỗi lần có kế hoạch gì chúng ta đều khảo sát lại thực tế), tình cờ được biết xã Minh Diệu cũng đang cần có một cây cầu (phần này lại ngoài kế hoạch khảo sát), chúng tôi đã đến thực tế theo con đường be tong 1,5m dài khoảng 3km đã hư hỏng nhiều, quanh co để vào dọc kênh “Xuôi”, trước mắt chúng tôi có những người địa phương cả những em thiếu nhi đang phải khó khăn để qua cây cầu khỉ này, có thể nói đây là một cây cầu khỉ khó đi trong những cây cầu mà chúng ta từng thấy vì 2 nhịp cao chênh nhau cả mét.
Tại vị trí này, nếu có cây cầu qua kênh “Xuôi” sẽ tạo thuận tiện cho học sinh qua lại theo đường làng để ra lộ đến trường Minh Diệu (3km). Đồng thời tạo thế nối liền giữa các ấp Cá Rô, 37, 38, 33 để ra Trà Co từ đó ra xã tiện lợi. Chúng ta đã quyết định sớm giúp bà con nơi đây có được một cây cầu bê tông như mơ ước và cố gắng để cầu hoàn thành trước dịp tết cổ truyền xuân Kỷ Hợi.
Trong chương trình đến Bạc Liêu lần này mục đích chính là khánh thành cầu đồng thời kết hợp:
- Ủy lạo đến bệnh nhân suy thận đang điều trị tại bệnh viện Bạc Liêu (lần này là 60 bệnh nhân ca ngày chẳn, lần trước ta đã đến với ca ngày lẻ. Đây là lý do vì sao chúng ta phải đi vào ngày thứ sáu) Chương trình này được hình thành theo ý muốn của nhiều người từ sự cảm thương và thấu hiểu, muốn sẻ chia cùng những người mang căn bệnh nan y “mong là mình có đủ duyên để tiếp tục làm những công việc như hạt muối bỏ xuống biển lớn này”. Bởi với những người mang chứng bệnh nan y có một nét đặc thù chung là nỗi đau, những ước vọng dần bị tước đoạt bởi định mệnh, hủy hoại một cuộc đời kễ cả gia đình họ (khánh kiệt). Nếu như với những căn bệnh nan y khác có thể được chận đứng hay ít ra cũng tạm thời sống hòa bình một thời gian dài, riêng với bệnh suy thận mãn thì phần đời còn lại của họ phải gắn liền với bệnh viện cùng chiếc máy lọc máu thận với tần suất sẽ tăng dần theo thời gian, đồng nghĩa với sự sống bị rút ngắn. Góp phần sẻ chia cùng những khó khăn với người bệnh tật là nghĩa cử của tình người, của tình nhân ái. Hỗ trợ đến với bệnh nhân nghèo mang căn bệnh nan y cũng là sự cần thiết.
- Tặng quà 72 hộ nghèo tại ấp 36 xã Minh Diệu trong đó có 25 hộ thuộc diện nghèo đặc biệt khó khăn. Nếu như Minh Diệu là xã nghèo thì ấp 36 là ấp nghèo trọng điểm của xã, ấp có 269 hộ thì 70% là hộ nghèo và cận nghèo
- Do cơn bão Pabuk xảy ra ngày 01/1/2019 tại Bạc Liêu. Chúng ta làm thêm chương trình đột xuất nhằm hỗ trợ đến 25 hộ bị thiên tai. Dù bão không vào đất liền nhưng đã gây nên những cơn lốc xoáy và lốc xoáy đến đâu thì nơi ấy bị cuốn bay sạch từ nhà cho đến tài sản. Thiệt hại theo số liệu báo cáo thì hơn 140 hộ, tuy nhiên chúng ta chọn 25 hộ nhằm chọn những hộ nghèo bị thiệt hại nặng và đến tận nơi để trao.
Tổng kinh phí cho 3 chương trình đến Bạc Liêu lần này là trên 200 triệu đồng (trong đó riêng gia đình chị Tuyết Lan hỗ trợ bệnh nhân 45 triệu đồng và gia đình Nhật Tuấn đã tặng thêm trực tiếp đến bệnh nhân và hộ bị thiên tai số tiền trên 40 triệu đồng)
Tham khảo thêm bản công khai tài chính đến từng chi tiết nơi mục tài chính của trang Web (bản công khai cũng đã in thành văn bản gửi đến mọi người trong chuyến đi)
Qua đây cũng xin chân thành tri ân đến tất cả các ân nhân gần xa đã ủng hộ, cùng chung tay để làm nên chương trình.
Ngày 11/1/2019, đoàn khởi hành thẳng hướng Bạc Liêu. Đầu giờ trưa theo lịch hẹn, tại bệnh viện các thành viên của đoàn đã nhanh chóng triển khai vật phẩm vào từng phần quà sẳn sàng tặng cho bệnh nhân. Về vật phẩm mang tính tượng trưng phù hợp với đời sống trong bệnh viện như: thau nhựa, hộp đựng thức ăn, kem đánh răng, bàn chải răng, xà phòng, khăn mặt, dầu gió, sữa, bánh biscuit, cùng túi xách du lịch lớn và quyển lịch, trọng tâm là tiền mặt với mỗi bao lì xì là 1 triệu đồng. Tại đây còn có gia đình Nhật Tuấn tặng thêm trực tiếp mỗi bệnh nhân 500.000đ cùng một số thành viên khác có tặng thêm trực tiếp với những hoàn cảnh thương tâm. Cùng tặng thẻ BHYT đến bệnh nhân.
Bs Lan Phương (người đang viết)
Lần này phòng Xã hội bệnh viện bố trí cho đoàn làm việc trong hội trường vừa mới hoàn thành ngay cạnh khoa thận, sau khi tặng trực tiếp đến những bệnh nhân đã hoặc chờ đến phiên của mình điều trị trong ngày, đoàn đã tuần tự vào khu điều trị đến tặng quà cho bệnh nhân ngay tại giường điều bệnh. Thương làm sao những ánh mắt u buồn với gương mặt tiều tụy đen sạm, những nốt phù trên người do di chứng của bệnh và do nông mạch để lọc thận. Những người dù nghèo đến đâu cũng phải có tiền hàng ngày, hàng tuần để duy trì sự sống trong tuyệt vọng (dù hiện BHYT đã chi 85% đến 100% chi phí cơ bản nhưng bệnh nhân cũng phải chi những khoản khác hàng kỳ, hàng tuần như thuốc tạo máu, truyền thêm đạm để chống nôn, mệt, run, rồi chi phí đi lại, ăn ở…).
Chị Cúc (Phòng xã hội Bv) đã từng đánh giá cao về chúng ta thì lần này chị rất mừng khi biết đoàn sẽ lại đến và chị cũng bất ngờ khi chúng ta còn tặng nhiều hơn, tốt hơn lần trước và mong rằng chúng ta tiếp tục đến với BL đến với những khoa khác.
Là lần thứ 2 chúng ta đến với khoa thận bệnh viện Bạc Liêu, cả 2 lần gần như tất cả thành viên trong đoàn đều có chung nhận xét là bệnh viện đã tạo điều kiện rất tốt cho đoàn làm việc, với nhân viên của khoa thận đặc biệt là cá nhân Bs Lan Phương những người hết lòng với bệnh nhân, gắn bó thương yêu bệnh nhân như người trong gia đình. Có thể những sự chân tình ấy đã để lại cho chúng ta những tình cảm về khoa thận nói riêng và bệnh viện Bạc Liêu nói chung.
Cũng xin nói thêm, thật tình chúng tôi cũng đã từng trăn trở vì ngại có sự hiểu lầm đây là quê hương của ai đó trong BCH, xin thưa hoàn toàn không là quê hương của ai cả.. Chúng ta thường đến Bạc Liêu làm cầu, làm nhà tình thương, đơn giản vì sự chính xác nếu không muốn nói là 100%, đảm bảo tiêu chí đúng người, đúng nơi đang cần, cùng sự nhiệt tình, trách nhiệm. Việc làm cầu nông thôn theo nhận định của nhiều người đã từng làm cầu thì chỉ có Bạc Liêu là có giá hợp lý mà vẫn đảm bảo chất lượng (nhiều nơi ta cứ phải mặc cả và rồi không thực hiện được cũng chỉ vì giá không hợp lý). Ngay cả khi tiếp xúc với cán bộ những địa phương tại Bạc Liêu cũng đã để lại trong ta sự dễ chịu, sự thiện cảm bởi ta cảm nhận có sự hiện diện của tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng vì lợi ích của người dân địa phương. Ngay cả như tại bệnh viện ta cũng có thể so sánh giữa Bạc Liêu và Cà Mau, 2 tỉnh giáp nhau nhưng cung cách làm việc hoàn toàn khác nhau (1 bên là vì bệnh nhân còn 1 bên là vì họ). Đó là những gì mà vì sao chúng ta thường đến với Bạc Liêu.
Sau khi hoàn thành việc tặng quà ủy lạo bệnh nhân nghèo, từ bệnh viện chúng ta đã tách đoàn thành 2 nhóm chính để đến thăm và hỗ trợ 25 hộ bị thiệt hại do thiên tai. 1 nhóm đi phường 2 Tp.Bạc Liêu (5 hộ) một nhóm đi xã Long Điền Đông huyện Đông Hải (20 hộ). Tại Long Điền Đông chúng ta chia thành 3 nhóm nhỏ để đến từng nhà bị thiệt hại. Khi xây dựng nên chương trình đột xuất này là một sự kết hợp kịp thời và cần thiết, ban đầu chúng ta chuẩn bị tặng mỗi hộ là 1 triệu đồng (= 25 triệu), do nguồn tài chính phong phú hơn vào thời điểm giáp với ngày khởi hành nên đã có phương án có thể tặng thêm hoặc không tặng tùy theo thực tế chứng kiến hoàn cảnh. Được đến tận nơi, trước những gì được chứng kiến thì 23 hộ nói chung đều bị thiệt hại nặng mất nhà, mất hoặc hư hại tài sản hoàn toàn (có 2 hộ tại phường 2 bị tốc mái). Bằng sự mộc mạc chất phát của người Tây Nam bộ, bà con cho biết “đang mưa tự nhiên ổng tới (lốc xoáy) nghe ào ào bứng cái nhà mất tiêu, chưa kịp la thì ổng hốt đồ đạc bay loạn xạ, rồi hốt ổng (ông chồng) quăn ra ngoài đìa”. Qua những thực tế chứng kiến với những hộ nghèo, có hoàn cảnh, bệnh tật… 4 nhóm trong 25 hộ đã tặng bà con thêm là 12.500.000đ . Tổng cộng 25 hộ bị thiên tai bà con nhận được là 37.500.000đ. Ngoài ra gia đình Nhật Tuấn còn tặng thêm trực tiếp đến mỗi hộ là 500.000đ. Như vậy có hộ được hỗ trợ 1,5 triệu có hộ là 3 triệu.
Cũng xin nói thêm khi lập kế hoạch, ta được giới thiệu đến phường 2 và phường Nhà Mát, tuy nhiên một cảm nhận hình như có sự chưa đúng tiêu chí tại phường Nhà Mát và cảm nhận đó không sai (cảm ơn cô Lý đã giúp xác minh lại). Khi xe của đoàn đã vào đến địa phận Bạc Liêu chúng ta quyết định thay đổi và thực hiện theo phương án dự phòng là đến Long Điền Đông huyện Đông Hải và một lần nữa chúng ta đã chọn đúng nơi.
Để vào Long Điền Đông là con đường chỉ vừa đủ 1 xe 12 chổ ngày xưa, phải qua những đoạn đau khổ và để đến được từng nhà của bà con mỗi nhóm phải đi trên những đường làng ghồ ghề, nhỏ hẹp, dằn xốc, ngày hôm sao “ê cái hông, đau cái mông” nhưng hạnh phúc khi ta đến được với bà con trong những nơi sâu như thăm thẳm thế này. Tinh thần tương thân tương ái mãi luôn là sự cần thiết để cùng sẻ chia yêu thương.
Ngày hôm sau 12/1/2019, đoàn đã đến ấp 36 xã Minh Diệu để làm lễ khánh thành và bàn giao lại cho bà con, cây cầu vừa mới hoàn thành được 3 ngày.
Xã Minh Diệu được chính phủ xếp loại xã nghèo đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 – 2020. Chúng tôi cũng đã từng thắc mắc “lúa ruộng như thế này mà lại là xã nghèo, là sao ???”. Từ những lời giải đáp gần giống như nhau và cảm thấy thật buồn : Hiện nay 1 hecta mỗi mùa vụ 3 tháng bà con thu lợi khoảng 15 triệu (5 công nhà, lấy công làm lời) đó là làm giống lúa ST 24, TVT, Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, là những giống lúa cao sản. Tuy nhiên những giống lúa này khó làm, dễ dịch bệnh và dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố, nước, nắng mưa, thời tiết…dễ dẫn đến tình trạng “lúa lép” và như thế bà con sẽ dùng thuốc phòng trừ sâu bệnh nhiều hơn. Nếu làm lúa thường thì thu nhập sẽ kém hơn nhiều. Trước tình hình như thế thì rồi tương lai cây lúa có còn tồn tại. Thật buồn hơn khi nghe “ở đây không ai mua đất chứ có mua là tui bán luôn rồi chứ làm hỏng có dư”, bên cạnh đó con em nông dân ngày nay đã tự tìm cho mình hướng đi riêng, không còn bám đồng ruộng, mang những kiến thức được học để về phục vụ cho nông nghiệp.
Từ đường con đường lộ liên xã, để vào đến ấp 36 chúng ta phải dùng phương tiện đò, từng chuyến nên cũng khá mất thời gian, những người vào trước tranh thủ lúc chờ đợi làm những công việc chuẩn bị phần quà mà ta mang tới thêm trong đó có cặp nước ngọt, thùng bánh dành cho bà con vui đón tết. Nhiều người trầm trồ thích thú “tui bây ơi coi nè, đẹp lắm tui bây ơi” (ý nói những bộ quần áo thêu), có đồ ăn tết nữa nè”. Nhiều người đã tâm sự “lâu rồi tôi đâu dám đi qua cầu đó đâu (cầu khỉ) muốn qua bên kia phải đi vòng xa lắm”
Có điều khá vui và bất ngờ là có nhiều em thiếu nhi trong những bộ quần áo đẹp cũng đến đây vô tư chơi đùa qua lại trên cầu trong khi chờ buổi lễ bắt đầu, góp phần làm cho buổi lễ thêm trang trọng, được biết do bà con tự bảo con em mình phải như thế, qua đó đã nói lên sự vui mừng của bà con địa phương khi có được cây cầu như mơ ước. Do bất ngờ vì không có sự chuẩn bị quà bánh cho các em nên mấy chị đã gợi ý góp lại tiền để tặng cho các em đã làm bầu không khí đang vui thêm phần náo động.
Sau lễ khánh thành được tổ chức gọn nhẹ, chúng ta tiến hành tặng 72 phần quà đến bà con nghèo tại địa phương trong đó có 25 phần là hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn (quà hiện vật như nhau, riêng 25 hộ đặc biệt thì tiền mặt là 500.000đ so với hộ bình thường là 200.000 đ)
Do lương thực (gạo, mì, nước mắm, nước tương, đường, dầu ăn) được chuyển đến xã trước và do chưa nắm rõ cách thực hiện của chúng ta nên bà con đã làm sẳn thành từng phần, để ứng biến theo thực tế nên các thành viên nam khá vất vả khi phụ bà con nhận quà.
Công trình đã được bàn giao trong những ngày giáp tết, mang lợi ích dân sinh thật vui và hạnh phúc, hạnh phúc của người và hạnh phúc của chính chúng ta.
Trong kế hoạch lễ khánh thành, ta sẽ tổ chức thả cá phóng sinh nhằm gieo duyên cùng cây cầu mới đồng thời góp phần nâng cao môi trường sống trên dòng kênh “Xuôi” này, tuy nhiên đã không thực hiện vì theo chính quyền cũng như bà con địa phương cho biết “ở đây làm lúa nên người ta dùng thuốc trừ sâu nhiều lắm nên dưới kênh cũng bị ảnh hưởng thả cá xuống khó mà sống được".
Hoàn thành các công việc của chương trình, đoàn rời Bạc Liêu hành trình về lại Tp.HCM. Một chuyến đi đã hoàn thành mỹ mãn, thành công hơn sự mong đợi. Một chuyến đi trọn vẹn những niềm vui và hạnh phúc. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn đến tất cả tấm lòng nhân ái đã sẻ chia cùng chương trình đến với những người kém may mắn, bệnh tật, nghèo khó.
Chi hội Lá Bồ Đề
Tin về chuyến đi cũng được đăng tải trên báo Giác ngộ ngày 13 và 14/1 , trang tin Phật giáo Vn ngày 13/1 và trên báo Tình thương việt ngày 14/1.