350 phần quà đến với những bệnh nhân phong, người mù, khuyết tật tại Di Linh và Đức Trọng. Tặng giếng nước, xe lăn...Thời điểm ta đến là khoảng thời gian thiếu kém nhất so với trước tết hơn nữa là vào cuối mùa giáp hạt nên sự thiếu kém càng lớn hơn...Với họ ước mơ chỉ mãi là mơ ước vô vọng, thương lắm cho một phận đời.
HÀNH TRÌNH CHIA SẺ YÊU THƯƠNG 2019
(nhiều hình ảnh đã được post trên trang Fanpage: Chi hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM và trang Facebook : Tạ Ngọc Minh Tân)
Là một chương trình cố định hàng năm, thường được thực hiện trong mùa lễ Phục Sinh và trong tháng 4 có “ngày người khuyết tật Vn”. Với ý nghĩa mang nhân ái yêu thương chia sẻ đến với những người mù, người bệnh phong (cùi), khuyết tật không may mắn phải sống đời bệnh tật, bất hạnh, những nơi mà cuộc sống còn có nhiều khó khăn, cùng các trẻ bị bỏ rơi, mồ côi đang sống nơi các mái ấm tình thương. Chi hội Lá Bồ Đề tổ chức cùng những tấm lòng nhân ái chung tay thực hiện chương trình.
Lần này chúng ta thực hiện tại tỉnh Lâm Đồng:
Với 350 phần quà tại Di Linh và Đức Trọng. Mỗi phần quà trị giá trên 650 ngàn đồng cùng tiền mặt là 200 ngàn đồng. Bên cạnh còn có những thành viên tặng thêm tiền mặt trực tiếp đến bà con. Ngoài ra chúng ta còn tặng một giếng nước đến nhà bán trú trường tiểu học Chơ Ré và từ nguồn kinh phí của chương trình đã tặng 4 xe lăn (Gia Lai 1 – Hải Phòng 1 – Đức Trọng 2). Cùng thăm tặng quà hỗ trợ cùng mái ấm cô nhi Lục Hòa.
Xin nói thêm thời điểm ta đến là khoảng thời gian thiếu kém nhất so với trước tết hơn nữa là vào cuối mùa giáp hạt nên sự thiếu kém càng lớn hơn.
Tham khảo thêm phần công khai tài chính, phân bổ vật phẩm (mục tài chính của trang Web)
Qua đây chân thành cảm ơn tất cả những tấm lòng nhân ái đã cùng chung tay để sẻ chia những yêu thương đến những người bất hạnh và cũng xin cảm ơn bạn Quyên và Trân đã tạo điều kiện cho đoàn có những con cá tươi to ngon, rẻ bảo quản tốt để mang đến tặng bà con.
Ngày 12/4/2019 đoàn khởi hành theo QL 20 hướng đến tỉnh Lâm Đồng
Điểm đến đầu tiên là tại Trung tâm điều trị bệnh phong Di Linh (Trại 1, có 86 bệnh nhân) là trại những bệnh nhân nặng không tự lao động được và vẫn cần duy trì điều trị, bệnh nhân chủ yếu là đồng bào dân tộc. Riêng Trại 2 (có 64 bệnh nhân) là trại dành những gia đình bệnh nhân nhẹ có thể tự lao động và được Giáo xứ cấp đất để tự canh tác, tuy nhiên lần này do đề xuất xin của Soeur phụ trách nên chúng ta sẽ tặng quà luôn cho cả trại 2 và tổ chức đưa bà con sang trại 1 để tập trung nhận quà .
Thời điểm giữa trưa, nơi duy nhất có bóng mát lại nhỏ hẹp và để đở mất công phải di chuyển hàng hóa vật phẩm, anh chị em đã nhất trí làm việc luôn dưới trời nắng nóng (một điều mà BTC rất ái ngại nhưng không thể khác hơn được). Sự nhiệt tình, trân trọng và mẫn cán từ tấm lòng đến để được sẻ chia dù nắng nóng, dù mệt nhưng mọi người luôn nở nụ cười trên môi cùng sự thân thiện, ân cần của các thành viên đã tạo nên một hình ảnh đẹp, rất đẹp đặc biệt là với những người cùi, đó là những cái mà bà con cần, nó có giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị vật chất mà ta mang đến tặng bà con.
Giúp bà con nhận quà rồi sắp xếp gọn vào bao cho bà con tiện mang về
Chúng ta đã từng đến với những người cùi, những người luôn mặc cảm tự ti bởi ấn tượng bị xa lánh, kỳ thị và đã hiểu được những khốn khó của bà con. Trợ cấp của chính phủ thì quá khiêm tốn không đủ vào đâu so với chi phí cho nhu cầu tối thiểu của một gia đình, ngay cả chi phí cho con em đi học đã là một gánh nặng thật sự nên đã phải nhờ đến sự vận động của các Soeur.
Người bệnh sống trong trại 1 cũng như trại 2, đã dần hình thành nên những gia đình với thế hệ con cháu hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. Trong trại mỗi hộ được dòng Nữ tử Bác ái Vinh sơn cấp nhà để ở riêng biệt, tất cả cư dân trong trại sống chủ yếu bằng sự chăm lo của các Soeur và tình thương của các ân nhân. Cuộc sống của bà con những người khỏe mạnh chủ yếu cũng chỉ là đi làm thuê (có người chịu thuê đã là tốt lắm rồi) và ngay cả chuyện tình yêu đôi lứa rồi cũng chỉ quanh quẩn những gia đình cùi với nhau, ngay cả có những em được Soeur chăm lo cho học đến thành tài nhưng rồi cũng rất khó để hòa nhập thật sự với cộng đồng để có thể thoát ra, để vượt qua được số phận, cuối cùng cũng chỉ về phục vụ lại cho người bệnh cùi bởi trong xã hội định kiến về người cùi, người làng cùi, sự e dè, sợ sệt vẫn còn hiện hữu mặc dù thế hệ con cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Ai trong đời ít ra cũng một lần có những mơ ước, cũng có những ước mơ đã thành hiện thực, nhưng với người cùi cùng thế hệ con cháu của họ ước mơ chỉ mãi là mơ ước vô vọng, thương lắm cho một phận đời.
150 phần quà (2 trại), gồm lương thực, quần áo, áo ấm, mền, vật phẩm khác, tiền mặt đặc biệt còn có những con cá Sapa tươi to ngon nhập khẩu . Nhiều người mới tham gia đoàn tỏ ra khá ngạc nhiên về việc có tặng cá tươi và khi những thùng cá được mở ra để chia phần cho bà con sự ngạc nhiên càng lớn hơn “Ô cá to quá, ngon quá…” “nói cá cứ nghỉ là cá tạp, cá nhỏ không nghỉ là cá này” “ cá này là cá trong nhà hàng đó…”
Có lần được bà con tâm sự, thèm được ăn cá tươi, ăn muối với cá khô hoài sợ quá, chúng ta đã đặc biệt chú ý và luôn thực hiện điều này. Theo lời Soeur phụ trách, nói đến đoàn Lá Bồ Đề bà con không biết nhưng nói đến đoàn có cho cá là bà con biết ngay đoàn áo xanh. Cũng theo lời Soeur phụ trách “hôm nào đoàn đến, chiều đó trong làng vui lắm, bà con nướng cá thơm lừng, uống rượu nữa, vui lắm giống như ngày hội”. Hạnh phúc đôi khi đôi khi chỉ từ những điều giản đơn nhất.
Xong việc, đoàn dùng cơm trưa trên đường (đặt sẳn). Sau đó tiếp tục hành trình hướng Đức Trọng.
Nói đến Lâm Đồng mọi người thường nghe và biết địa danh Đa Hoai nhưng Đa Quyn thì có lẽ khá xa lạ với nhiều người. Từ QL 20 để vào xã Tà Năng và Đa Quyn đoàn đã vào sâu thêm hơn 45km theo QL 28B. Trên đường đi cũng đã có những câu hỏi “đi đâu mà biết mà biết tuốt ở trong này”
Là 2 xã vùng sâu và nghèo nhất của huyện Đức Trọng, trong đó Tà Năng một xã vùng sâu giáp với tỉnh Bình Thuận. Đồng bào dân tộc chủ yếu là người K’Ho, Churu, Cil, Mạ ngoài ra còn có đồng bào di cư từ phía Bắc như dân tộc Tày, Nùng, Thái…. Tuy gần mà xa, do địa thế nên hầu như ít được biết đến.
Chúng tôi đã đến thực tế tại Tà Năng, Đa Quynh. Thoáng nhìn có cảm nhận thì đây có sự phát triển, nói một cách khác thì vùng này không nghèo. Tuy nhiên có đi mới thấy, có đến mới biết, khi vào sâu bên trong đến các làng là một hình ảnh trái ngược. Cuộc sống của một bộ phận bà con vẫn có nhiều khó khăn (không có đất, không có tiền đầu tư hoặc có ít đất nên không đủ thu nhập cho gia đình), với những người hay gia đình có người tàn tật, bệnh tật thì sự khốn khó càng lớn hơn. Có những hoàn cảnh nghèo mà có tới 2 – 3 người bệnh. Rồi cả 2 người lao động chính trong gia đình đều thiểu năng với thu nhập từ việc đi chăn bó thuê một năm chỉ được trả 2,5 triệu đồng. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, một người chị trẻ phải gồng gánh chăm lo nuôi 2 đứa em tật nguyền…
Sau khi khảo sát, chọn lọc, chúng ta dành 200 phần quà đến với đối tượng là người mù, bệnh tật, khuyết tật thuộc 16 thôn là Toa Cát, Chơ Ré, Tân Hạ, Tơmrang, Makir, K67, Ma Bó (xã Đa Quyn). Thôn Khăm Prong, Bản Cà, Tà Nhiên, Cha Rang Hao, Klong Bong, Tou Neh, Chiếu Krom, Tà Sơn, Blá (xã Tà Năng). Tuy 2 xã giáp nhau nhưng cũng khá xa (chúng tôi đã đi qua thực tế) nên ta chọn điểm một điểm trung gian để tập trung là tại Chơ Ré.
Từ sự phát sinh đóng góp thêm sau khi văn bản công khai tài chính đã được phát hành cũng như trước những thực tế chứng kiến, gia đình Nhật Tuấn đã ủng hộ thêm 10 triệu tiền mặt. Chúng ta đã lập thành 20 phần tiền mặt tặng thêm (ngoài phần vật phẩm và tiền mặt theo phần quà) đến 20 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, mỗi hộ 1.350k .
Tại Đa Quyn, chúng ta còn tặng và chính thức bàn giao 1 giếng nước (cùng bơm + phần thiết bị điện bơm nước) đến nhà bán trú của trường tiểu học Chơ Ré. Nói là nhà bán trú nhưng không có người chăm sóc, các em phải tự thân lo cho mình từ ăn, ở tắm giặt, sinh hoạt… (mùa mưa thì các em ở lại nội trú luôn) vì từ nhà đến trường rất xa, có khi anh chị thì học sáng còn em học chiều và ngược lại nên sáng phải đi chung rồi chiều về chung. Việc mỗi ngày các em đi và về không dưới 15km là chuyện bình thường. Để có cái chữ với các em sao quá gian nan.
Thực hiện giếng nước tại đây, chúng ta không chỉ phục vụ cho các em mà cả những giáo viên ở lại tập thể cũng dùng chung. Cũng nói thêm, nhà tạm trú cũ dành cho các em bằng gỗ, lá trơ trọi giữa nắng nóng, đã xuống cấp (ta vẫn còn thấy khi đến bàn giao giếng). Bức xúc và để tạo điều kiện cho việc học tập của các em, Bí thư xã đã tự thân vận động xây nên khu 2 phòng tập thể, có nhà bếp, nhà vệ sinh khang trang, xin được giường tầng. Thời điểm ta đến Đa Quyn, khu nhà này vẫn đang cần nước và chúng ta đã tài trợ tạo lập giếng nước kịp trước khi nhà bán trú mới đưa vào hoạt động.
Cũng tại Đa Quyn, chúng ta còn tặng 2 xe lăn đến em Rô Tê Ny (1999) em rất ham thích được đi học người cha phải chế cái xe để hàng ngày đẩy em đi học, đã 20 tuổi nhưng em mới học đến lớp 6. Cha mẹ bệnh ung thư chết người chị phải gồng gánh làm thuê cuốc mướn để lo cho gia đình, đứa em thì bị mù lại còn thiểu năng nên suốt ngày nằm một chổ, trước tình cảnh ấy ta đã tặng cho em Cil Yu K.Ân (2001) xe lăn, hy vọng có xe em sẽ được ngồi để ra ngoài trời... Ngoài ra từ nguồn kinh phí của chương trình chúng ta cũng đã gửi tặng 1 xe lăn đến ông Mai Văn Phú, thôn 8 xã Ia Kring, Pleiku (Gia Lai) và 1 xe lăn gửi đến Hải Phòng để tặng người em Sai (khuyết tật đi như lếch) tạo điều kiện để em được vào làm việc tại Cty Chilisin làm việc.
Hoàn thành công việc tại đây, trên đường đoàn cũng đã đến tham quan thác Bảo Đại nơi mà ngày xưa mỗi lần đi săn, vua Bảo Đại thường đến đây lập trại nghỉ ngơi và dần thác Jráiblian theo tiếng của đồng bào Churu có nghĩa là thác đá cao được gọi là thác Bảo Đại, một thác nước còn khá xa lạ với nhiều du khách bởi vị trí của nó. Một thác nước hùng vĩ ngày nào giờ trở nên lặng lẽ như nhiều thác nước trên Tây nguyên do bàn tay của thủy điện.
Thác Jráiblian (thác Bảo Đại)
Sau khi dùng cơm chiều tại tiệm cơm Trọng Đức, đoàn đã đến với mái ấm Lục Hòa, thuộc Ni viện Nguyên Không tại xã Hiệp An, Đức Trọng – Lâm Đồng nơi nuôi dưỡng hơn 43 em nữ (từ 2 tuổi, đến Đại học và trên Đại học, tất cả là trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi). Theo Ni sư Tâm Hạnh “nuôi không có nghĩa chỉ cho ăn, nuôi phải dạy cho tốt, phải có định hướng giúp các con nên người, nên Cô không nhận thêm nữa, nhận nhiều mà nuôi dưỡng không tốt, các con không có một tương lai thì chính mình sẽ có lỗi trước tiên” “Các con sinh ra vốn đã bất hạnh, mình phải bù đắp lại những bất hạnh ấy, nếu nhận nuôi mà lại để các con phải thêm bất hạnh thì tốt nhất là không nên làm”. Chúng ta rất tâm đắc về quan điểm này.
Susi có lẽ là tâm điểm chú ý của mọi người bởi sức sống của em là điều kỳ diệu (phát hiện bị bỏ trong núi rừng, kiến bu, đói khát trong cái lạnh mùa đông Lâm Đồng. Susi đã 11 tuổi rất xinh nhưng tội trí não của em như trẻ lên 6.
Thương quá, khi thấy máy chụp hình, em đưa tay làm dáng
Bao thư đoàn chuẩn bị 11.000k + 3.500k (từ 16 phần quà còn lại) = 14.500k
Chúng ta cũng đã từng đến mái ấm này, đây là một mái ấm nghiêm túc, có năng lực và có định hướng cùng sự chăm sóc tốt với cơ sở vật chất khang trang. Hàng ngày các Sư cô trẻ phân công cụ thể đưa đón các em đi học bằng đủ loại phương tiện như cha mẹ chăm cho con (một Cô phụ trách toàn diện cho hai hoặc ba em) đối với các em nhỏ sơ sinh các Cô trở thành những bảo mẫu. Nhìn cháu nào cũng đầy đặn, hồng hào, xinh xắn, ngoan hiền, hồn nhiên của trẻ thơ đã có thể nói lên được tất cả mọi điều.
Ngoài lương thực chúng ta còn có nhiều bánh kẹo, đồ chơi dành riêng tặng các em cùng số tiền mặt là 14.500k hỗ trợ chung tay cùng mái ấm.
Xin nói thêm tại Chơ Ré sau cùng còn lại 16 phần quà chưa có người nhận, chúng ta quyết định mang về (vì đã hơn 4 tiếng so với lịch hẹn). 12 phần quà hiện vật chuyển hết đến mái ấm Lục Hòa cùng số tiền mặt 3.500k (bao lì xì theo phần quà), còn 4 phần quà hiện vật chuyển gửi tặng 4 gia đình bệnh tật khó khăn tại xã Đồng Đò huyện Di Linh.
Rời mái ấm khi trời đã tối, từ đây đoàn lên Đà Lạt nghỉ đêm và ở lại 2 ngày để tham quan và nghỉ dưỡng (nhân có thêm ngày nghỉ lễ). Bằng những cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho cho lịch trình của đoàn từ ăn, ở, tham quan với trãi nghiệm mới . Có thể chương trình còn khá đơn điệu nhưng BTC cũng vui khi nhận được động viên “không thua gì Cty Tour du lịch đâu nhe”.
Lẫu rau cùng thịt tổng hợp có cả bò Nhật tại nhà hàng TTC Premium
Tại nhà hàng Ks Rum Vàng
Đường hầm điêu khắc
Lửa trại cồng chiên, rượu cần, thịt nướng tại Langbiang (riêng của đoàn)
Bảo tháp Tì Lô Giá Na Phật
Trên đường về lại Tp.HCM, đoàn cũng đã đến viếng tham quan Bảo tháp Tì Lô Giá Na Phật với chiều cao chỉ 65m nhưng có diện tich rộng với 4 tháp Kinh Luân chung quanh và hiện là Bảo tháp lớn nhất Asian. Tháp chỉ dành hành lễ, chưa cho tham quan bên trong nhưng đoàn chúng ta là một ngoại lệ.
17 giờ thì đoàn về lại nơi xuất phát, hoàn thành chuyến từ thiện nhân ái có kết hợp tham quan nghỉ dưỡng. Một lần nữa chân thành cảm ơn đến tất cả tấm lòng đã cùng chung tay để cùng sẻ chia yêu thương. Hẹn cùng nhau đến với Ia Pior huyện Chư Prong- Gia Lai (tặng giếng nước và đến với đồng bào vùng sâu) cùng đến với Bạc Liêu (tặng thẻ BHYT đến người nghèo, bệnh tật)…
Chi hội Lá Bồ Đề
Tin về chuyến từ thiện cũng được đăng tải trên báo Giác Ngộ, báo Tình thương Việt và trang tin Phật giáo VN ngày 19/4/2019