Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

Tóm tắt ý nghĩa "AN CƯ KIẾT HẠ"

          TÓM TẮT Ý NGHĨA "AN CƯ KIẾT HẠ"

        Từ “An cư Kiết hạ” xuất phát từ Phạn ngữ , Varsika , Pali ngữ :  Vassa nghĩa là mùa mưa , Vassavàsa nghĩa là an cư mùa mưa . Hán ngữ  : Hạ an cư  ; Vũ an cư ; Tọa lạp ; Kiết hạ ; Nhất hạ cửu tuần ; Cửu tuần cấm túc . . . Theo Tứ Phần Luật Bổ Tùy Cơ Yết Ma số 4 giãi thích nghĩa an cư như sau  : thân tâm đều tĩnh lặng gọi là an , qui định thời gian ở một chổ gọi là cư . 

        Luật Thập Tụng 28 : năm chúng xuất gia : Sadi , Tỳ kheo , Sadi ni , Thức-soa-ma-na ni , Tỳ kheo ni , đều phải an cư theo tăng và theo ni . Không an cư thì phạm tội ác tác (Đột kiết la-Pali ; Dukkata nghĩa là phá an cư) . Theo Kiền độ An cư trong luật tứ phần 37 , Luật Ngũ phần nói về nói về Pháp An cư qui định những nơi bị cấm : nơi không có người để có thể cứu hộ , giửa gò mã , nơi không có tàng cây , chỗ đất trống , nơi không có mái che . . .

        Tuy việc hoằng pháp, từ thiện, lợi tha là sứ mệnh của người xuất gia, nhưng không vì thế mà chư Tăng Ni không chú trọng đến sự nghiệp trí tuệ và mục đích cứu cánh giải thoát (tự độ) của mình. Nếu không có đầy đủ trí tuệ và công đức phước báo thì khó có thể làm nơi nương tựa, làm ngọn đuốc soi đường cho hàng Phật tử tại gia. Vì thế người xuất gia luôn hướng đến sự song hành giữa tự độ và độ tha, giữa tự giác và giác tha để thành tựu giác hạnh viên mãn là đức tính của chư Phật. Việc tùng hạ là điều bắt buộc, Tất cả Chư Tăng, Ni sẽ qui tập về một nơi qui định để "Tịnh nghiệp đạo tràng an cư kiết hạ"

        An cư kiết hạ là pháp tu hành của người xuất gia trong 3 tháng hạ (bắt đầu từ ngày mùng 15/4 ngày Phật đản sinh cho đến ngày 15/7 ngày lễ Vu lan) Đây là truyền thống có giá trị rất thiết yếu trong Phật giáo . Trong 3 tháng ấy tăng chúng , ni chúng tập hợp tại một ngôi chùa chỉ định (bây giờ thì thường tập trung về các trường Phật học dành cho Tăng hoặc dành cho Ni) để chuyên lo tu học và tinh tấn đạo nghiệp , xây dựng tinh thần lục hòa cộng trụ . Người xuất gia phải cấm túc tại một nơi (nếu có duyên sự quan trọng mới được phép rời nơi đang an cư trong vòng không qúa 7 ngày , nếu qua ngày thứ 8 sau khi mặt trời mọc lên mà chưa về thì bị phạm giới vào tội ác tác

       Theo Đại Tạng Kinh , duyên khởi pháp an cư kiết hạ bắt đầu vào mùa hạ , tại Việt Nam  cũng là bắt đầu mùa mưa , đó cũng là mùa sinh sản của các vi sinh vật , loài vật bé nhỏ , sâu bọ . Việc An cư Kiết hạ nhằm để tránh khỏi vô tình dẩm đạp làm tàn hại các loài sinh vật  trái hạnh Từ bi .

        Mùa An cư kiết hạ còn có ý nghĩa để tập hợp tăng chúng , ni chúng  ở một chổ thanh tịnh để tu hành , kiểm điểm hành vi , cử chỉ theo luật Phật mà hành trì . Trong một năm có 9 tháng truyền bá Chánh Pháp , ba tháng còn lại dành cho sự tu học . Kinh Du Hành trong Trường A Hàm 2 , Phật Bản Hạnh tập kinh 39 đã ghi lại các sự tích về Đức Phật và các đệ tử an cư tu hành và Tăng-Già-La-Sát Sở tập kinh , hạ đã liệt kê các địa danh mà Đức Phật đã An cư kiết hạ trong 45 năm .

        Tuy nhiên thời điểm An cư  Kiết hạ cũng có khác nhau : cụ thể như

  • Theo truyền thống Phật giáo Bắc Tông bắt đầu là ngày 15 tháng 4 âm lịch và kết thúc vào ngày 15 tháng 7 âm lịch. Tuy nhiên ngày rằm tháng 7 là ngày Vu lan thắng hội, ngày Phật Hoan hĩ, và cũng là ngày “ tự tứ“ do vậy phải an cư kiết hạ vào ngày 16 tháng 4 để kết thúc vào ngày 16 tháng 7 âm lịch .Sau ba tháng, lễ Giải hạ Tự - Tứ của Đại đức Chúng Tăng đúng nhằm vào ngày Rằm tháng bảy. Tự là mình, Tứ là nêu lên. Là tự mình khẩn thiết đối trước một người nào đó để nêu lên một vấn đề. Ở đây, người tu sĩ sau ba tháng thúc liễm tu tập, biết là có tinh chuyên nhưng không thể không có những giải đãi vụng về hay yếu kém lỗi lầm trong con đường hành đạo. Vì vậy vấn đề được nêu lên ở đây là xin người khác chỉ cho mình những lỗi lầm mà mình đã có trên đường tu tập để ta có thể sửa đổi tiến bộ nhanh hơn.Một vị tu sĩ thực hành trong lễ Tự Tứ, là quỳ xuống trước một vị khác, chắp tay thành kính hướng về vị đó, cầu xin vị đó vì thương xót mà chỉ cho mình những lỗi lầm có thể mình đã phạm vào mà không hay biết. Đó là thái độ thành thật cầu tiến trên đường tu của vị Tu sĩ thực hành lời Bụt dạy.
  • Theo truyền thống Phật giáo Nam Tông ngày mùng 1 trăng tròn của tháng Asalha chính là ngày 16 tháng 6 âm lịch và kết thúc vào ngày 16 tháng 9 âm lịch

        Sự khác nhau về thời điểm của hai truyền thống nầy là do có sự khác biệt về khí hậu thời tiết của từng vùng lãnh thổ và xuất phát từ sự phát triển của Phật giáo , từ An Độ phát triển về phía Bắc và về phía Nam...

       Nếu xác định mục đích chính yếu của An cư Kiết hạ là để dưỡng Đạo tâm , trau giồi Giới , Định và Tuệ thì thời điểm an cư theo truyền thống nào không là vấn đề quan trọng  . Cốt lỏi là để giữ hạnh từ bi và phát triển trí huệ , đời sống tâm linh , xây dựng mối hòa hiệp giữa các thành viên Tăng Già

       Trong Đạo Phật , Tăng chúng , Ni chúng sau mỗi năm an cư - kiết hạ sẽ được thêm một tuổ đạo "tuổi hạ lạp", một người chưa Kiết hạ là xem như chưa sinh ra , chưa có tuổi nào , ngày giảng hạ là ngày nhận thọ tuổi đạo của người xuất gia. 

       Đức Phật dạy rằng , là người xuất gia mỗi năm phải An cư Kiết hạ một lần , dù 60 tuổi cũng phải An cư Kiết hạ , điều đó nêu rõ Đức Phật rất chú trọng đến sự thanh tịnh tu hành , hành trì giới luật một cách triệt để

        Ba tháng an cư kiết hạ có ý nghĩa rất lớn đối với hàng xuất gia lẫn tại gia. Đó là thời điểm chư Tăng Ni dành trọn thời gian cho việc tu học, thúc liễm thân tâm, trau giồi Giới Định Tuệ, đồng thời cũng là cơ hội cho hàng Phật tử tại gia phát tâm gieo trồng ruộng phước thông qua việc cúng dường, ngoại hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng Tăng an cư tu học. 

        Là Phật tử tại gia , việc cúng dường hộ Chư Tăng , Chư Ni nhân mùa An cư Kiết hạ để tu tập cũng là bổn phận của Phật tử chúng ta, nhằm tu tạo phước điền , hộ trì Chánh Pháp .

         CHÁNH TÂM

 

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 17
Lượt truy cập: 9533469