Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

Chùa bằng vàng, tượng Phật bằng vàng

Là những công trình bằng vàng ròng được chế tác tinh xảo, công phu. Những kiệt tác độc đáo, nổi tiếng này được gắn liền với văn hóa và lịch sử của từng quốc gia qua từng thời kỳ. Đây không chỉ là những báu vật tại Đông nam – Châu á mà còn là những kiệt tác, báu vật của thế giới.

         CHÙA THÁP SHWEDAGON

        Dù là ban ngày dưới ánh nắng mặt trời hay khi đêm xuống dưới ánh đèn rực sáng, toàn bộ khuôn viên Chùa và đặc biệt là ngọn Tháp Vàng luôn bật lên một thứ ánh sáng uy nghi, rực rỡ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của phần lớn người dân Myanmar thời điểm chiêm ngưỡng Shwedagon tuyệt nhất là vào lúc chiều tà, trên nên trời xanh thẫm.

        Công trình Stupa dát vàng uy nghi, tráng lệ là niềm kiêu hãnh của xứ sở đá Ruby, những công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo và được đánh giá là một trong những kiệt tác của thế giới, do Vua Okkalapa thiết kế. Chùa Shwedagon tức Chùa Vàng cao 98m (tính đến mái cao 105m, tính đến đỉnh cột thu lôi cao 112,2m) tòa tháp vàng khổng lồ này chính là tâm điểm của quần thể Chùa trên đỉnh đồi Singuttara, phía bắc hồ Kandawgyi ở Yangon -  Myanmar.  Với quần thể gồm 64 tháp chùa nhỏ và 4 chùa lớn hơn phân bố đều hai bên ngôi chùa trung tâm. Tại đây có lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với tín đồ Phật giáo đó là: 8 sợi tóc của Phật Thích Ca, gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp.

        Toàn bộ tháp đều được dát một lớp vàng ròng ở bên ngoài, mỗi lá vàng kích thước khoảng 20 x 20cm gắn vào thân tháp bằng đinh tán. Theo thống kê, nửa dưới của ngọn tháp được dát 8.688 lá vàng, còn nửa trên là 13.153 lá, tổng cộng ước tính khoảng 60 tấn vàng. Để có số vàng khổng lồ dát chùa, dân chúng Myanmar đã đồng tâm đóng góp. Mỗi người dân dù nghèo khổ cũng dành dụm tiền, mua những lá vàng mỏng tiến vào nhà chùa. Vàng dát quanh tháp là những tấm vàng dát mỏng được các thợ thủ công chế tác bằng kỹ thuật truyền thống. Việc dân vàng dát này bắt đầu có từ thời Hoàng hậu Shin Sawbu (1453–1472).

        Từ chân đồi có 4 lối leo lên chùa, mỗi lối đều có cặp tượng thần chinthe (sư tử thần) canh gác. Đế tháp bằng gạch, dát bên ngoài là những tấm vàng. Trên đế tháp là sân hiên tiếp theo là phần hình chuông của tháp, rồi đến mũ tháp. Trên mũ tháp thiết kế giống như các cánh sen, tiếp phần có hình hoa chuối, và trên cùng là phần hình vương miện. Phần vương miện còn được gọi “lọng” có nạm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên ruby hồng ngọc, sapphire, trên cánh lá cờ đỉnh tháp gắn một viên kim cương 76 carat (15 gram). Ngoài ra, còn có 1.065 chiếc chuông bằng vàng và bạc luôn ngân nga trong gió.

        Các chi tiết kiến trúc của Chùa được chế tác rất tinh xảo. Nội thất và các bức tượng bên trong chùa cũng được dát vàng lộng lẫy và tượng Phật bằng ngọc bích nguyên khối nạm hồng ngọc. Từ lâu chùa Shwedagon trở thành nơi hành hương của các tín đồ Phật giáo Myanma. Theo quy định, khi vào chùa phải cởi giày dép. Người Myanmar thường đi vòng quanh tháp theo chiều quay của kim đồng hồ. Trong chùa có 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và với 7 ngày trong tuần. Đó là nơi những người có sinh nhật trùng vào ngày đó tới tưới nước tắm cho tượng Phật. Lễ hội tắm Phật (đổ nước thơm từ trên xuống di tượng Phật Thích Ca) và cầu nguyện tại sân chùa Shwedagon được tổ chức vào ngày trăng tròn Taung (ngày rằm 15 tháng 2, năm nay là ngày 15-3-2014) hàng năm để tỏ lòng tôn kính Tam bảo. Người dân Myanmar, những Phật tử thuần thành trong nước xem đây là lễ hội quan trọng chuẩn bị đón Tết truyền thống có tên gọi là tết Thingyan trùng vào dịp lễ Phục Sinh của Kitô giáo, Thingyan là thời điểm của ngày Bố Tát (hay Trai Giới), tương tự như ngày Sabbath (ngày Yên Nghỉ) của đạo Công giáo.

        Chùa Shwedagon ban đầu, tòa tháp được xây bằng gạch và chỉ cao khoảng hơn 8m được Vua Binnaya U xứ Hanthawaddy sửa lại nâng lên hơn 20 m. Hoàng hậu Shinsawbu đã sửa chữa và nâng lên thành 40m được trùng tu nhiều lần bởi ảnh hưởng của những lần thiên tai, động đất. Đặc biệt sau cơn địa chấn năm 1768 từng khiến nửa trên của chùa sụp xuống. Vua Hsinbyushin đã cho sửa chữa lại tòa tháp và liên tục được xây bổ sung nâng nó lên chiều cao 98m và có hình dáng như hiện tại.

 

        Năm 1608, một toán quân Bồ Đào Nha do Philip de Britoe Nicote  đã cướp phá chùa. Đã cướp đi quả chuông lớn Dhammazedi do Vua Dhammazedi lãnh đạo người Mon ở miền Đông Myanmar, là vị vua thứ 16 của Vương quốc Hanthawaddy thủ đô tại Pegu (thành phố Bago ngày nay) đúc vào ngày 5/2/1484 sau đó quả chuông được tặng cho chùa Shwedagon ở thủ đô Rangoon (nay là Yangon của Myanmar). Quả chuông đúc bằng đồng, vàng, bạc và hợp kim được miêu tả là nặng 270 tấn, cao chừng 5 - 6m và rộng khoảng 3 - 4m. Vua Dhammazedi (1409-1492), vốn là một Tăng sĩ Phật giáo. Ông làm cố vấn cho triều đình và theo lời mời của hoàng hậu Shin Sawbu, ông hoàn tục, được hoàng hậu gã công chúa và truyền ngôi vua vào năm 1471. Sĩ quan Philip de Brito e Nicote định định mang về căn cứ nấu chảy quả chuông để đúc đại bác. Nhưng khi chở qua song Bago, chuông bị chìm kéo theo sà lan và chiếc tàu chiến của Bồ Đào Nha chìm xuống đáy sông Rangoon. Đến cuối thế kỷ 19, nhiều người vẫn cho rằng có nhìn thấy đỉnh của quả chuông mỗi khi thủy triềuxuống thấp. Nỗ lực đầu tiên tìm kiếm dấu vết quả chuông Dhammazedi bắt đầu diễn ra vào tháng 2-1987, trãi qua nhiều đợt tìm xác định vị trí quả chuông với những toán lặn hung hậu của Mỹ, Úc cùng những thiết bị hiện đại nhưng đến nay vẫn chưa được tìm ra. Một niềm tin cho rằngcó lời nguyền và chuông  được các Thần Linh bảo vệ. Tháng 6 năm 2012 kế hoạch tìm kiếm được khởi động lại do ông Khin Shwe một doanh nhân kiêm chính khách hàng đầu của Myanmar có kế hoạch tài trợ cho dự án săn tìm quả chuông với số tiền lên đến hơn 10 triệu USD để trao trả về cho chùa Shwedagon, kế hoạch được các nhà lãnh đạo của cộng đồng người Mon (สรสต้ ครบ) (một tộc người thiểu số tại Myanmar dân số trên 8 triệu người, theo tín ngưỡng Thượng Tọa Bộ còn gọi là Trưởng lão bộ hay Phật giáo Nguyên thủy, Theravàda (གནས་བརྟན་སྡེ་པ ) và trong qúa khứ từng có quốc gia riêng)  lên tiếng muốn tham gia vào dự án “Chúng tôi muốn mọi người gọi đó là Đại hồng chung Mon Dhammazedi vì nó được đúc và cúng bởi vua Dhammazedi, người Mon”.Tuy nhiên cộng đồng người Mon vẫn không có ý định đưa về Bago mà sẽ đặt lại tại chùa nơi nó đã bị đánh cắp. (cập nhật thêm: theo thông tin trên phương tiện truyền thông thời điểm cuối tháng 8 năm 2014, được biết quả chuông này đã được tìm thấy trên sông Rangoon và hiện đang tiến hành trục vớt)

Hình vẽ quả chuông Dhammazedi (xa) so với chuông Singu Min

        Năm 1779, Vua Singu Min cho đúc và dâng nhà chùa một quả chuông, gọi là chuông Maha Gandha "âm thanh tuyệt diệu" nhưng dân gian vẫn gọi là chuông Singu Min. Tháng 5 năm 1824, quân Anh đổ bộ vào xâm lược Myanma. Chúng lập tức chiếm đóng ngôi chùa và biến đây thành một pháo đài tới mãi hai năm sau mới rút đi. Quân Anh lấy quả chuông Singu Min định đem tới Kolkatacũng là thuộc địa của Anh lúc bấy giờ (nay là Calcuta bang Tây Bengal – India), nhưng nó cũng bị chìm xuống sông như chuông Dhammazedi. Quân Anh cố tìm mà không thấy. Người Myanma liền đề nghị để họ giúp tìm với điều kiện họ được đem quả chuông trở về chùa. Tưởng người Myanma không vớt nổi, quân Anh đồng ý. Các thợ lặn Myanma đã lặn xuống và buộc quanh quả chuông hàng trăm cây tre, nhờ đó quả chuông được kéo nổi lên và hiện vẫn đặt trang trọng trong Chùa Shwedagon.

chuông Singu Min

        Năm 1827, trung tá J.E. Alexander cho đúc và tặng chùa một quả chuông tương tự chuông Singu Min. Hiện chuông này treo trong lầu chuông ở góc tây bắc sân chùa.

        Năm 1841, Vua Tharrawaddy sai đúc một quả chuông nặng 42 tấn bằng đồng và dát vàng (khoảng 20 kg vàng), đặt tên là chuông Maha Tissada "ba âm thanh". Chuông này treo trong lầu chuông ở phía đông bắc tòa tháp.

        Năm 1871, Vua Mindon Min cho dựng thêm một cái lọng ở chùa. Trận động đất năm 1970 làm cái cán lọng rời ra, khiến Chính phủ phải tiến hành sửa chữa.

        Theo truyền thuyết, hai anh em thương gia người Myanmar là Taphussa và Bhallika sang India buôn bán và đã được ĐứcThế Tôn giác ngộ. Khi trở về quê hương, họ mang theo bảo vật là 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sau đó với sự giúp đỡ của vị vua thời bấy giờ của Myanmar là Okkalapa, hai anh em đã xây ngôi chùa Shwedagon để lưu giữ những sợi tóc đó của Đức Phật. Theo truyền thuyết ấy thì chùa Shwedagon có lịch sử khoảng hơn 2.500 năm (trước khi Đức Phật nhập diệt). Riêng các nhà khảo cổ cho rằng chùa được xây dựng trong khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ 10. Có tài liệu thì cho rằng ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ 11.

         So với tượng Phật bằng vàng tại Wat Traimit, ThaiLand thì trọng lượng vàng phủ tháp Chùa Shwedagon nặng hơn gấp 11 lần, sự so sánh này chưa tính đến khối lượng vàng bên trong toàn bộ khu Chùa.   

        Tại đất nước của những nụ cười và sự hiền hòa. Thailand cũng tự hào với những công trình gắn liền với lịch sử và được tạo tác bằng vàng.

        WAT TRAIMIT  (วัดไตรมิตร)

       Chùa Traimit còn có tên là Chùa Phật Vàng, là một ngôi chùa nổi tiếng tọa lạc tại cuối đường Yaowarat ở khu phố người hoa Chinatown, cạnh Nhà ga tàu hỏa Hualampong thuộc quận Samphanthawong, BangKok – Thailand, với vẻ đẹp độc đáo và lịch sử của tượng Phật bằng vàng nguyên khối. Cũng như Chùa Shwedagon tại Myanmar, Wat Traimit cũng có các Sư trong Chùa và không có sự cản trở nào đối với người vào lễ Phật, tham quan và tự do khi tiếp cận với những báu vật bằng vàng. Tuy nhiên những yêu cầu về sự tôn nghiêm là qui định bắt buộc. Trong những lần đến, người viết đã có lần một mình cùng với một Nhà Sư, ngoài ra không có ai khác trong ngôi chánh điện có tượng Phật bằng vàng ròng có giá trị lên đến hơn 250 triệu usd.

Wat TraiMit hiện nay (sau khi trùng tu)

        Tượng Phật Vàng là bức tượng Phật Thích Ca ngồi, cao 3 m, nặng 5,5 tấn bằng vàng khối, là pho tượng cổ bằng vàng lớn nhất thế giới đã được xác lập kỷ lục Guinness thế giới năm 2008. Người địa phương cho rằng bức tượng lớn nhất thế giới này biểu thị cho sự thịnh vượng và thuần khiết cũng như sức mạnh và quyền năng. So với tượng Phật Emerald tại Wat Phra Kaew đến tượng Phật nằm tại Wat Pho, thì tượng Phật Vàng là một trong những bức tượng xinh đẹp nhất.

        Tượng Phật Vàng được xác định là chế tác trong thời đại Sukhothai (khoảng thế kỷ 13-15), một trong những giai đoạn nổi tiếng nhất của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo của Thailand, tượng đặt trong một ngôi chùa ở thủ đô cổ Ayutthaya (cách Bangkok về phía Bắc khoảng 1 giờ đồng hồ đi xe). Khi quân Burma (Miến Điện) cướp phá thủ đô, để tránh sự xâm hại của quân xâm lược, tượng được phủ một lớp bê tông và được giữ bí mật tuyệt đối vì những người chịu trách nhiệm ngụy trang bức tượng này bị giết ngay sau khi hoàn tất công việc. Sau đó, tượng được đóng thùng chuyển về Bangkok và đặt tại chính điện của chùa Choti-Naram (là  Wat Phrayakrai hiện nay) dưới thời vua Rama 3 (1824 - 1851). Năm 1931, ngôi chùa này bị bỏ hoang và một lần nữa bức tượng phủ bê tông này được chuyển đến một nơi tạm thời khác và chẳng mấy ai quan tâm trong suốt hai thế kỷ. Thập niên 1950, khi di chuyển tượng đến một ngôi chùa mới ở Bangkok, tượng bị tuột khỏi cần cẩu, rơi xuống hố bùn. Cũng chẳng ai buồn trục tượng lên. Người dân địa phương kể rằng có một nhà sư được Đức Phật báo mộng nên đi tìm và kéo tượng lên. Trong lúc trục tượng lên một lớp bê tong ở phần đầu tượng bị vỡ ra để lộ bên trong là một màu vàng rực rỡ và Phật Vàng được “tái sinh” tượng được đưa về Wat Traimit đến nay.

         PHRA BUDDHA MAHA WACHIRA UTTAMOPAS SASADA

        Tại Thailand còn có công trình:  Phra Buddha Maha Wachira Uttamopas Sasada. Hình phật dát vàng được khắc bằng laser (laser Buddha) trên núi Khao Chee Chan, mà chúng ta vẫn thường gọi là “Trân Phật Bảo Sơn”. Khao Chee Chan thuộc quận Sattahip ( สัตหีบ ) nằm ở mũi phía nam của tỉnh Chon Buri nơi có căn cứ Hải quân, Không quân lớn nhất của ThaiLand, cách thành phố Pattaya 20 km về phía Nam.

        Công trình bắt đầu từ năm 1996 do thái tử Maha Vajiralongkorn sinh năm 1952, tước hiệu là “Chánh thất Hoàng gia”, cho người vạt, bạt cả nửa quả núi đá và phải làm bằng thủ công để tạo độ nghiêng, phẳng đều (không dùng máy hay chất nổ vì như thế dễ tạo nên những vết nứt)  sau đó bằng công nghệ laser khắc nổi vàng ròng 24 carat lên vách núi giữa trời một hình tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền, mẫu tượng theo phong cách Sukhothai, truyền thống của người Thailand,  cao 130 mét rộng 70 mét. Hoàn thành vào năm 2000, đây là công trình mà Thái tử dành tặng nhằm hồi hướng cho vua cha, Quốc vương Bhumibol Adulyadei (Vua RaMa IX) nhân dịp Quốc Vương ông tròn 72 tuổi và 50 năm trị vì vương quốc Thailand (đăng quang ngày 06.5.1950) với tổng chí phí xây dựng là 161,7 triệu Bath (tương đương khoảng 5,2 triệu usd). Hiện chưa có tài liệu nào công bố chính thức trọng lượng vàng của hình tượng Phật này, tuy nhiên theo nhiều sự phán đoán trọng lượng vàng ước khoảng trên 50 kg. Hiện toàn bộ khu Khao Chee Chan vẫn được sự chăm sóc và bảo quản của quân đội hoàng gia Thailand cùng những trung đội quân khuyển. Tuy nhiên không một kẻ gian nào dám động chạm đến, bởi ở Thailand, kẻ cướp có thể dùng súng cướp ngân hàng, nhưng tượng Phật bằng vàng dù giữa trời xanh, thì đến lòng tham cũng phải cúi đầu.

        Ngoài ra chùa Wat Phra Kaew (Chùa Phật Ngọc), trong khuôn viên Grand Palace Hoàng gia Thailand còn có Tượng Phật nổi tiếng và giá trị bằng ngọc lục bảo nguyên khối (Emerald Buddha). Mỗi năm có 3 lần thay đổi với 3 mẫu khác nhau, trong đó ngày đầu năm mới, Nhà Vua sẽ chủ tọa việc thay đổi chiếc áo khoác bên ngoài tượng Phật Ngọc Lục Bảo. Tất cả áo khoác trên tượng Phật Ngọc đều được chế tác bằng vàng nguyên chất có đính kim cương.

          PREAH MORAKAT

        Tại đất nước Chùa Tháp Cambodia, trong quần thể Hoàng Cung tại thủ đô Phnom Penh, Wat Preah Morakat được xây dựng năm 1962, còn được gọi là Chùa Bạc, cũng có khi được gọi là Chùa Vàng Chùa Bạc hay Chùa Phật Ngọc Lục Bảo.

        Trọng tâm nổi bậc của Chùa  Preah Morakat là tượng Phật Di-Lặc đứng được đúc bằng vàng ròng nặng 90Kg  có  gắn 2086 viên kim cương, trong đó có viên kim cương 25 carat trên vương miện và viên kim cương 20 carat gắn ở ngực. Phía sau trên cao là tượng Phật ngồi bằng Ngọc Lục Bảo có kích thước nhỏ hơn và “gạch” lát trên nền Chùa là 5329 miếng Bạc, mỗi miếng được làm thủ công có trọng lượng là 1kg 125g.

Tượng Phật Di Lặc đứng 90kg vàng (trong tử kính), phía sau trên cao là tượng Phật Thích ca Mâu ni bằng ngọc bích

        Ngoài ra còn có bức tượng Phật xá lị ngồi trong một tháp nhỏ bằng vàng và bạc, các bảo vật của hoàng hậu Kossomak Nearirith, bảo vật đóng góp của các dòng họ quý tộc và Hoàng gia. Chùa là nơi lưu trữ nhiều báo vật với hơn 1650 đồ vật có giá trị.

       Gọi là Chùa nhưng thực chất đây như là một bảo tàng Hoàng gia thì đúng hơn vì không có Sư và được canh phòng cẩn thận trong, ngoài. Tại đây các hiện vật đều đặt trong tủ kính, cấm chụp ảnh bên trong, kể cả  đứng từ ngoài hướng máy ảnh vào trong và lực lượng bảo vệ rất nghiêm khắc, cứng rắn đối với những trường hợp vi phạm, bức ảnh trên là một bức ảnh hiếm hoi về ngôi Chùa này. 

              Chánh Tâm

              (trong bài có sử dụng nhiều nguồn tư liệu, nguồn ảnh một phần từ internet)

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 27
Lượt truy cập: 9532284