Phần 1 của chương trình "Tháng bảy mùa Vu Lan" đến với mái ấm chùa Giác Hoa, Cơ sở tình thương "Suối Tiên", đến với các cụ già như đến với chính cha mẹ của mình. “Thôi kệ” hai tiếng giản đơn là vậy, mộc mạc là vậy, ẩn chứa sự chịu đựng và chấp nhận, chấp nhận để bớt khổ đau hơn, chấp nhận để không còn khổ đau nữa. Hai tiếng thôi kệ đó là cả một sự cảm thông không oán trách, một tình cảm bao la, cao cả, chỉ có thể có bởi người cha, người mẹ dành trọn đời cho con cháu của mình. Nhưng con có biết không mẹ vẫn đau buồn lắm. Mẹ vẫn mong con...
CHIA SẺ YÊU THƯƠNG TẠI HAI MÁI ẤM DƯỠNG LÃO TÌNH THƯƠNG
Trong khuông khổ của chương trình “Tháng bảy mùa Vu Lan”, nhằm chia sẻ yêu thương bằng hành động thiết thực. Ngày 09.8.2014, Thiện nguyện Lá bồ đề đã thực hiện phần 1 của chương trình là đến với mái ấm dưỡng lão tình thương.
Đến thăm, tặng quà cho hai nơi với những phần quà chủ yếu là lương thực, thực phẩm, sữa bồi dưỡng, tiền mặt, bên cạnh đó còn có những phần quà cho riêng các cụ trong đó có bánh, sữa tăng cường calci (hộp 400gr/người) và kem đánh răng P/S (loại 150gr) , đồng thời kết hợp chăm sóc các cụ già tại hai mái ấm tình thương dưỡng lão Giác Hoa tại xã Tam Phước – Biên Hòa (sáng) và Suối Tiên tại xã Cây gáo – Trảng Bom (chiều). Mang những tình cảm từ tấm lòng của những người con góp phần nhỏ bé bù đấp, xoa dịu những nỗi đau thầm kín trong lòng của các cụ vì nhiều lý do, đang phải sống tại hai nơi này. Tổng giá trị kinh phí cho chuyến đi lần này là trên 38.000.000 đ, do nhiều ân nhân, thân hữu gần xa cùng nhau đóng góp bên cạnh sự hỗ trợ vật phẩm của một Công ty. (Phần tài chính đã công khai sơ bộ bằng văn bản trực tiếp trong chuyến đi này. Sau khi thực hiện phần 2 của chương trình là tặng quà cho người nghèo và thăm trại tâm thần tại Mỹ Tho - Tiền Giang ngày 24/8/2014, sẽ công khai toàn bộ đầy đủ theo từng phần bằng văn bản và trên website) (tất cả khoản đóng góp được dùng chung cho toàn bộ chương trình gồm 2 phần và như mọi năm chúng ta vẫn hỗ trợ tặng quà từ thiện cho người nghèo phường 2 quận 8 tổ chức tại Thánh thất Huỳnh Quang Sắc).
Trên đường đi, đoàn đã đến Chùa Tuệ Không, xã Long Đức huyện Long Thành để lễ Phật và cúng dường, Chùa tọa lạc tại vùng đất rừng cao su. Khi đến nơi, tuy không xa lắm so với trục quốc lộ 51, nhưng đã có người nói “chắc ít có ai biết đến nơi này” điều này có lẽ đúng, ngôi chùa tọa lạc như có vẻ ẩn mình giữa những tàng cây mà ngay khi đứng tại cổng Tam quan cũng không thấy ngôi chùa ngay cạnh đấy. Ngôi chùa đã được xây dựng lại năm 1994, giản đơn nhưng trang nghiêm, ánh lên một nét thiền thanh tịnh. Theo Thượng tọa trụ trì nói vui sau đó “Tuệ Không” là không có trí tuệ nên mới về đây, ở đây một nơi mà khi khai sơn năm 1982 chỉ toàn là rừng, thiếu vắng bóng người nhưng thừa rắn, rít độc hại. Thực ra sau đó Thượng tọa đã giải thích ý nghĩa của chữ Tuệ Không rất cao đẹp, chính là trí tuệ Bát-nhã, trí tuệ của bậc xuất thế, giác ngộ.
Cùng với tác phẩm người tu sĩ ngồi trầm tư cùng với chữ "mộng" của tác giả Nhuận Thường
Các Thầy cũng đã tâm sự thêm môi trường sống ở đây cũng có những khắc nghiệt, riêng nước sinh hoạt nếu trước đây bị ảnh hưởng bởi chất thải của mủ cao su (gần nông trường cao su Long Thành) điều này đã được khắc phục thì giờ đây hình như lại bị nhiểm chất thải từ trang trại chăn nuôi gần đó. Tuy là ngôi chùa nhỏ ở nơi thanh vắng nhưng đã từng lưu dấu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cố thi sĩ Bùi Giáng, Ni sư Trí Hải, đã từng đến và ở đây.
Sau khi lễ Phật, cúng dường dù chưa chính thức khánh thành nhưng đoàn đã được vào tham quan thưởng lãm không gian "Tuệ Đăng" với những tác phẩm nghệ thuật trong một gian phòng không rộng lắm nhưng đã thể hiện là một phòng trưng bày, triển lãm, tuy không qui mô nhưng đầy chất nghệ thuật, nghệ thuật phật giáo. Là những bức tranh sơn dầu và những tác phẩm nghệ thuật sưu tập và được tạo tác tự nhiên bằng gổ, đá… của Đại đức Nhuận Thường thực hiện trong những năm qua. Nổi bật trong gian phòng là tác phẩm thể hiện sự trầm tư, suy nghiệm của một vị Tăng sĩ áo nâu sồng, nhìn cuộc đời bằng mắt thương yêu, tuệ đăng sáng chiếu. Bức tranh phảng phất hình dáng và sự trầm tư của các vị A-la-hán, một bậc đã đoạn tận phiền não với công năng tu tập, hành trì giáo pháp, thoát khỏi trần lao, một hình ảnh rất khác so với thường thấy về sự hoan hĩ, sáng ngời trong các tác phẩm Phật giáo.
Qua những câu chuyện bên bàn trà đạo mọi người đã dần hiểu về ý nghĩa của bức tranh này, bức tranh kia, rồi lại “sao bức tranh này chỉ có một con chim”… Thầy Nhuận Thường đã giải thích, một lời giải thích rất vui “vẽ vậy để ai thích thì vẽ thêm những con chim khác vào”. Có người đã thắc mắc hình như treo góc kia là giống như hình một con chim. Đúng rồi, “một miếng gỗ Thầy lượm được có tượng hình như một con chim Thầy đã ghép vào một miếng gỗ mục khác thành ra là một tác phẩm thôi”, “con chim gõ kiến vì nó gõ hoài nên đàn kiến đi hết qua bên kia kìa” lúc đó mọi người mới vỡ òa, a thì ra vậy “hèn chi có mấy con kiến nằm ở đây (kiến được lắp ghép từ mắc tre)”, à nó có liên quan với nhau đó chứ bộ. Nhiều người đã lấy làm tiếc “sao phòng nghệ thuật này không lập ở gần thành phố thì sẽ hay biết mấy” Thầy Nhuận Thường đã tâm sự “Tôi chỉ muốn đây là không gian của riêng tôi, của ngôi chùa mà Thầy Bổn sư của tôi sáng lập, tôi không muốn để cho kinh tế thị trường chi phối, nhưng nếu ai mua tôi cũng bán, bán để có tiền tái tạo tác phẩm khác, bán để có tiền làm những việc có ích” Những câu chuyện ấm tình Thầy trò rất vui cuốn hút như quên cả thời gian, nhưng rồi cũng phải tạm chia tay các Thầy để đến với mái ấm chùa Giác Hoa, nơi nuôi dưỡng 52 cụ già trong đó có 23 nam và 29 nữ (ấp Long Đức xã Tam Phước Tp.Biên Hòa), (ngã ba Thái Lan đi vào 3,5km đến chợ thấy cổng ấp văn hóa Long đức vào 700m, cạnh chùa Long Vân. Chùa Giác Hoa do Thượng tọa Hiển Đức 0903 381353, Trụ trì chùa An Phú đường Nguyễn Tri Phương Q.8 đồng trụ trì).
Tại mỗi nơi sau khi tặng quà còn có chương trình phục vụ cắt tóc, cắt móng tay, chân, gội đầu khô cùng tắm khô cho những cụ sức khỏe kém, cả massage, cạo râu, lấy rái tai cho các cụ. Kết hợp thăm hỏi, tâm tình, nói chuyện vui, động viên các cụ. Trong thời gian đó có một bộ phận phụ trách việc nấu ăn, một bộ phận phục vụ văn nghệ tại chổ, cùng ca hát với các cụ. Cùng cho các cụ ăn. Ngoài món ăn chính là lagu, bánh mì (tại chùa Giác Hoa lá lagu chay, tại “Suối tiên là lagu gà) còn có những ly chè "sâm bổ lượng" cho mỗi cụ (chè do chị Hải ủng hộ thêm và tất cả do đoàn chuẩn bị, nấu và phục vụ).
Dù có sự chuẩn bị nhưng khá bất ngờ vì có rất nhiều cụ có yêu cầu được cắt tóc, được chăm sóc, kể cả những yêu cầu ngoài dự kiến là muốn được cạo râu, muốn được lấy rái tai, muốn được cắt tóc kiểu… Vâng! tất cả đều được đáp ứng, từ việc chuẩn bị chỉ có 4 thợ cắt tóc trong đó có một nam và ba nữ, trong đoàn đã bất ngờ xuất hiện thêm mấy tay thợ không chuyên nữa, cũng may là chương trình có chuẩn bị sẳn dụng cụ dự phòng. Trước nhu cầu khá lớn, đa dạng, anh chị em đã tự linh động ứng biến thực hiện theo dây chuyền từng công đoạn, người cắt, người cạo, người quét tóc còn sót, người thì lo gội đầu cho cụ này, cho cụ kia, bên này thì lo tắm cho một số cụ nọ (dầu gội, sữa tắm là loại không cần dùng nước do đoàn chuẩn bị), người thì làm massage, người thì quét dọn tóc dưới sàn, vệ sinh, người thì phục vụ nước uống cho đồng đội tại chổ. Những chiếc áo ướt đẩm mồ hôi, những cánh tay hoạt động chăm chỉ liên tục không ngừng. Những tiếng hát cây nhà lá vườn rộn ràng liên tục, người này mệt ra, người khác vào hát tiếp, có thể nói nếu như không phải là “tiếng hát chia sẻ yêu thương” thì chắc khó có thể huy động một lực lượng liên tục hăng say hát như chưa bao giờ được hát, những tiếng hát bằng tấm lòng.
Một không khí thật vui, các cụ vui và chúng ta cũng cùng vui, thật khẩn trương vì còn cho các cụ ăn. Thật cảm động và thật đẹp biết bao những hình ảnh người thì chăm sóc, còn người thì cho cụ ăn. Với những cụ bị liệt thì phải hai ba người phụ cho một người làm, làm sao để thực hiện được theo yêu cầu của các cụ, không để tóc rơi xuống giường chiếu, không để các cụ bị đau. Riêng có một cụ khi được lấy ráy tai thật khá bất ngờ một cục ráy tai được lấy ra có thể nói là to chưa từng thấy, to như không thể to hơn được trong khoang tai. Nếu như những bạn trẻ chăm sóc cho các cụ như con chăm sóc cha mẹ của mình, điều đó có vẻ là bình thường, nhưng song hành đó còn có những hình ảnh người già chăm cho người già, cụ bà chăm cho cụ ông. Đẹp biết bao, làm sao có thể nói hết được những hình ảnh đẹp này. Vâng tất cả chỉ có và chỉ xuất phát từ một tấm lòng hạnh phúc là khi biết sẻ chia.
Ngồi được tại chổ với cụ là đã cố gắng lắm rồi. Cắt tới đâu, hứng lấy tới đó, không để tóc rơi xuống giường chiếu sẽ làm cho cụ bị xót ngứa.
Cũng như những lần đến với các mái ấm tình thương dưỡng lão, bao giờ chúng ta cũng luôn cố tạo nên những tiếng cười, những niềm vui nhưng bao giờ cũng có những giọt nước mắt. Những hình ảnh thật dễ thương, cảm động nhiều bạn săn sóc cho các cụ trong ánh mắt đỏ hoe, cả những giọt nước mắt lăn dài trên má, thương cụ quá cụ ơi ! Làm sao không khóc, khi mà các cụ đang khóc, những giọt nước mắt lặng lẽ và cũng có những tiếng khóc bật lên như không còn kiềm nén được, dù không ai nói lời nào. Tiếng khóc của ký ức buồn đau, tiếng khóc của hạnh phúc đang đón nhận.
Vô tình khi biết câu chuyện về một cụ khi bị tai biến để lại di chứng, đã bị con đưa vào bỏ ở đây. Chúng tôi có nói cho nhau nghe thì một bạn đã quá bức xúc “con gì mà khốn nạn”, thật bất ngờ cụ bật khóc to lên, làm cho mọi người lung túng nhưng rồi mọi việc cũng nhẹ nhàng qua đi. Không hiểu cụ đang khóc buồn tủi cho phận mình hay cụ đang khóc vì ai đó dám đụng đến con của cụ.
Cảm động biết bao, một cụ nói lời không trọn vẹn, cụ cứ lập lại mỗi khi có người đứng gần “vu óa…vu óa..” (vui quá). Cũng tại Giác Hoa một hình ảnh đẹp, rất đẹp về một bạn đã kiên nhẩn, chăm chỉ, tận tụy bón cho một cụ ông ăn từng muỗng nhỏ trong suốt hàng giờ, kễ cả khi các thành viên trong đoàn đang ăn trưa (sau đó có người thay cho bạn ăn trưa sau). Một kịch bản tốt nhưng không có diễn viên tốt, năng động thì cũng khó thành công. Vâng! các thành viên trong ngày hôm nay đã làm rất tốt, tốt đến không ngờ. Xin cảm ơn đời, xin cảm ơn các bạn, cảm ơn những tấm lòng vô ngã vị tha, từ tâm quán định.
Sau khi hoàn tất những công việc trong buổi sáng chúng tôi đã phải tạm chia tay các cụ để còn tranh thủ đến cơ sở tình thương “Suối Tiên” lúc đó cũng đã hơn 13 giờ. Trong lúc chia tay, một cụ đã nắm tay một thành viên trong đoàn, cụ nói "đừng có về, tối nay ngủ lại đây một bữa đi" "dạ , không được đâu, tụi con phải về vì còn đến một nơi khác nữa" "về hả, mấy cô về tui buồn quá". Thật cảm động, cụ nói chân thành trong rơm rướm nước mắt.
Nếu như trước khi đến “Suối Tiên” (tại cầu 10, ấp Suối tiên xã Cây gáo huyện Trảng Bom, Soeur Isabelle Kim Hường OP - 0907 387932), soeur phụ trách có nói “các bà khi nghe nói đoàn của anh đến mừng lắm và đang chờ”, thú thật chúng tôi có nghĩ đó như là những lời nói ngoại giao. Nhưng khi đến nơi thì đó là sự thật, bởi từ các bà nói ra và có điều đặc biệt làm cho chúng tôi khá bất ngờ là có rất nhiều cụ bà chờ, yêu cầu được cắt tóc. Nếu lần trước mời ra cắt tóc mà còn phải năn nỉ và khi chịu cho cắt tóc còn đặt ra nhiều yêu cầu và thừ thách, thì giờ đây các cụ đã sẳn sàng chờ chúng ta, chứng tỏ là ta đã để lại trong lòng các cụ sự tin tưởng nhất định nào đó. Trong lần trở lại này nhận thấy có nhiều người mới và được biết cũng có nhiều cụ đã trở về với Chúa, đặt dấu chấm hết cho một quảng đời buồn nhiều hơn vui.
Cũng ngày hôm nay chúng tôi đã gặp lại một người, tuổi độ 60, trông không khác gì so với trước đây, cũng gương mặt ấy, ánh mắt xa xăm, lạnh lùng như vô hồn ấy, ẩn chứa một sự khắc khoải nào đó. Một câu chuyện mà chúng tôi đã có nói trước đây, một bà cứ yêu cầu chụp hình cho bà “tui ngồi ngay ngắn nè, chụp hình cho tui đi, chụp mấy tấm nhe, chụp hình nhớ đăng lên báo nhe”, chúng tôi chợt nhận ra hình như bà muốn ai đó nhìn thấy và biết bà đang ở đây và điều đó có lẽ đúng. Trong phạm vi nhất định của mình, chúng tôi cũng đã làm theo ý của bà. Không rõ rồi có ai nhìn thấy ảnh của bà không?, bất chợt nhớ lại, hôm nay bà có nhận ra chúng tôi không? nhưng trong lòng vẫn tự cảm thấy hình như mình cũng đang có lỗi với bà, vì bà vẫn đang ở đây.
Qua những câu chuyện được biết mỗi người là một hoàn cảnh khác nhau có người thì cả đời cô độc, có người thì vì nghèo nên đưa vào cảnh khốn khó, có người thì bị con cháu hắt hủi, tìm mọi cách để đẩy cụ ra đường, cũng có người một thời oanh liệt sống trong giàu sang, kẻ đưa người đón rồi vì nghịch cảnh đã trở nên cô độc giữa trần gian. Soeur Hường đã tâm sự có một điều đáng tiếc là nhiều cụ khi được đưa về đây đang trong tình trạng bệnh nặng hoặc liệt chi hay không thể nói được thành lời dù vẫn biết có người thì gần như không còn trí nhớ ngay cả ra dấu bằng tay bao nhiêu tuổi cũng không thực hiện được trọn vẹn. Soeur cũng tâm sự thêm, vừa rồi nhận được thông tin nhưng khi đến bệnh viện nhận bà cụ để đưa về chăm sóc nhưng khi đến nơi thì cụ đã qua đời. Một lần nữa chúng ta mong rằng một ngày không xa, cơ sở "Suối Tiên" sẽ không còn có tên gọi bên ngoài mà nhiều người vẫn thường gọi là nơi nuôi dưỡng các cụ bà chờ chết từ ...các nơi đưa về. Sự cầu mong như thế cũng có nghĩa là trên cỏi đời này, xã hội, gia đình sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn.
Trở lại “Suối Tiên” lần này nhận thấy cơ sở đã khang trang nay càng khang trang hơn, đã có thêm nhiều phòng dành cho những cụ yếu, bệnh nặng, nằm tại chổ. Cũng tình cờ hôm nay chúng ta được chứng kiến một đám tang của một cụ bà vừa qua đời, mới thấy hết sự tận tâm chăm lo của các Soeur từ lúc sống cho đến khi chết. Hết lòng phục vụ cho những người khổ đau, bệnh tật cũng chính là phục vụ cho Chúa vậy.
Cũng tại “Suối Tiên” tranh thủ thời gian, đoàn đã đến thăm, tặng quà tại mái ấm phụ sản dành cho các sản phụ cơ nhỡ. Mái ấm đủ rộng cho khoảng hơn 20 người, rất khang trang, vệ sinh, tiện nghi và đầy tình người do các Soeur thuộc cơ sở “Suối Tiên” đồng phụ trách với sự hỗ trợ của tổ chức Caritas (một tổ chức bác ái, từ thiện của Giáo hội Công giáo trên mỗi quốc gia). Cũng tại đây chúng ta cùng được hiểu về ý nghĩa trắng hoặc đen chứ không thể lẫn lộn của logo “chân lý – Vérité” logo của Dòng anh em giãng thuyết hay còn gọi là Đa Minh (Order of Preachers), dòng được chính thức thành lập năm 1216 tại Italia với châm ngôn: chiêm nghiệm và truyền thông chân lý. Tại Việt Nam năm 1967 Linh mục bề trên Tổng quyền Aniceto Fernandez đã tuyên bố chính thức thành lập Tỉnh Dòng Anh Em Giãng Thuyết riêng biệt với danh hiệu Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo sau khi được tách ra từ Philippine
Người đời thường nói “cái nghèo nó có thể làm thay đổi nhiều thứ, mất đi đạo đức, làm thay đổi cả một con người” nhưng cũng có khi sự giàu sang cũng làm mất đi đạo đức, nhân cách làm thay đổi một con người, đặc biệt là những người con đối xử tệ bạc với cha mẹ của mình. Nếu vì quá nghèo điều đó mặc nào đó còn có thể cảm thông, nhưng sống trong kim tiền mà lại hành xử tệ bạc với đấng sinh thành, vì những điều hẹp hòi, muốn rảnh nợ để hưởng thụ thì không thể tha thứ được. Sự đời cũng có nhiều nghịch cảnh trớ trêu, mỗi cụ khi buộc phải sống trong những mái ấm tình thương, mỗi cụ là một hoàn cảnh khác nhau.
Thật đáng thương tâm có những người mẹ, người cha, suốt cuộc đời lam lũ, sống như chưa được sống, chưa có được một ngày hạnh phúc trọn vẹn, vì quá nghèo nên cũng không dám mơ đến một gia đình riêng, không con cháu nên về già chỉ phải nương nhờ vào mái ấm, “thôi kệ”.
Rồi cũng có những cụ có gia đình đàng hoàng như mọi người, cũng bởi vì bệnh tật và cũng bởi tại chữ “nghèo” luôn đeo bám gia đình như một thử thách nghiệt ngã, đã xô ngã tất cả dù chẳng ai muốn bao giờ nhưng cũng đành chấp nhận số phận, những người con đã cắn răng chịu đựng búa rìu dư luận để đưa cha mẹ mình vào sống nhờ tình thương nơi mái ấm. Cũng có những cụ xót thương cho nghịch cảnh khốn khó của con cháu đã lặng lẽ bỏ đi để rồi về với mái ấm nào đó, “thôi kệ”.
Nhưng cũng không thiếu những người con nhẫn tâm đẩy cha mẹ mình ra ngoài đường để nhanh chóng được hưởng trọn cái gia sản bằng chính nước mắt, mồ hôi, sự chắt chiu cùng tình cảm yêu thương nuôi dạy mình từ khi chỉ là một hòn máu trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành, rồi bằng những tấm lòng nhân hậu đã đưa cụ về sống nơi mái ấm, “thôi kệ”.
Sống trong giàu sang, danh phận lại cũng đẩy cha mẹ mình vào sống trong những mái ấm vì một lý do phi lý “bận quá, công việc làm ăn nhiều quá, bà bệnh tật hoài, khó tính quá nên không thể chăm sóc được”, đẩy cha mẹ mình vào những mái ấm tình thương như đẩy bỏ đi một gánh nặng, tệ hại hơn nữa, cả năm cũng chưa một lần đến thăm một lần, “thôi kệ” .
“Thôi kệ” hai tiếng giản đơn là vậy, mộc mạc là vậy, ẩn chứa sự chịu đựng và chấp nhận, chấp nhận để bớt khổ đau hơn, chấp nhận để không còn đau khổ nữa. Hai tiếng "thôi kệ" đó là cả một sự cảm thông không oán trách, một tình cảm bao la, cao cả, chỉ có thể có bởi người cha, người mẹ hy sinh dành trọn cuộc đời cho con cháu của mình, “nước mắt không bao giờ chảy ngược”. Nhưng thật sự trong tận đáy lòng của các cụ với cuộc đời còn lại đó chính là sự cố nén chịu đựng, khắc khoải, thổn thức, buồn đau, khác hẳn với lời nói “thôi kệ” ấy.
Thời gian đang đếm dần với tuổi đời và sức khỏe của mẹ, của cha. Suốt cuộc đời cha mẹ chỉ hi sinh vì con, luôn bên con dù con có như thế nào. Xin đừng để buồn vươn lên mắt mẹ nữa ai ơi...! Đừng để những giọt nước mắt lặng thầm xé nát lòng cha mẹ, đừng để trái tim mẹ phải rỉ máu vì uất nghẹn.
Hởi những trái tim vô cảm lở lầm, hãy biết “quay đầu là bờ”, quay đầu ngoảnh lại, nhìn lại mình đi kẻo muộn. Hãy học thuộc ba chữ dù đã muộn nhưng còn hơn không và hãy nói lên rằng “con yêu mẹ”, phải học cách sống sao cho cha mẹ mình không còn phải thất vọng vì mình. Xin mượn lời bài hát để để thay lời kết “đang còn mẹ để đời vui sướng hơn… Nếu mai này mẹ hiền mất đi… như trẻ thơ không nụ cười… như bầu trời thiếu ánh sao đêm…Mẹ là dòng suối dịu hiền, mẹ là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối…”.
Thiện nguyện Lá bồ đề
Tin về hoạt động này, ngày 11/8/2014 đã được đăng tải trên :
- Báo Giác Ngộ, sau đó tiếp tục đăng tải trên trang tin Phật giáo Việt Nam (pgvn.com) mục xã hội với đề tựa chung "Các chùa, nhóm thiện nguyện tặng quà Vu lan" - đề tựa bên trong "Thiện nguyện Lá bồ đề chăm sóc người già neo đơn".
- Trang truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam (phatgiao.org) với đề tựa "Thiện nguyện Lá bồ đề chia sẻ yêu thương".
- Báo Phật giáo và Doanh nhân với đề tựa "Thiện nguyện Lá bồ đề thăm hai mái ấm tình thương dưỡng lão tại Đồng Nai".