Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

Khám bệnh tại vùng sông nước Cà Mau

Ngồi trên xuồng, đi ngang qua chợ Cái Nước rồi quanh quẹo dưới ánh bình minh chúng tôi có cảm giác rất giống với đường sông vào chợ nổi Dumnoen Saduak thuộc tỉnh Ratchaburi – Thailand Trong dân gian thường nói “sông nước Cà Mau”. Có đi mới biết, có đến mới thấy thiên nhiên và sức lực của con người đã tạo nên một bức tranh sông nước hùng vĩ, góp phần không nhỏ trong việc xả mặn góp phần cải tạo cho đất.

KHÁM BỆNH GIỮA VÙNG SÔNG NƯỚC CÀ MAU

        Ngày 17.8.2014, nhân mùa Vu lan, theo lời mời của Đại đức T.Thiện Nguyên, Trụ trì chùa Thiền Tôn tại ấp Bến Bào, xã Quách Phẩm Bắc huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau. Đoàn y tế từ thiện Chi hội Chí Tâm thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tp.HCM đã đến bổn tự tọa lạc giữa vùng sông nước thuộc kênh Bảy Háp để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 300 bệnh nhân là cư dân địa phương trong đó có một số thuộc các địa phương lân cận biết tin cũng đã đi xuồng đến xin khám bệnh.

        Chùa Thiền tôn tọa lạc đoạn ngã ba sông Cửa Lớn (đây là đoạn sông chảy thẳng ra cửa Bảy Háp đổ ra cửa vịnh Thailand), để vào đến nơi xe của đoàn đã phải dừng tại cầu Tài Chính, từ đây đi xuồng “tắc ráng” vào (cách thị trấn Cái Nước 40 phút đường sông). Tắc ráng hay còn gọi là vỏ lãi hay vỏ vọt, tắc ráng vốn là tên của một con rạch nhỏ nằm ở phía Đông Nam thị xã Rạch Giá. Ngày nay, kênh ấy đã được cải tạo thành một kênh đào lớn và được gọi là Kinh Xáng Mới. Tên gọi tắc ráng đã được dùng làm tên gọi cho chiếc xuồng thon dài, gắn máy đuôi tôm đầu tiên xuất hiện tại các tỉnh phía nam của miền nam vào năm 1960. Vỏ xuồng ngày nay kết cấu bằng Composite sáng đẹp, bền chắc thay cho vỏ gỗ truyền thống, nếu trước đây chủ yếu dùng mày Kholer 7 ngày nay đã dùng động cơ máy dầu Yanmar có công suất lớn hơn, hoặc máy Diesel của China, hay Yamaha, Honda của Japan, cả máy GMC của USA  tùy theo xuồng lớn hay nhỏ... tốc độ có thể đạt đến 60 km/h.

        Ngồi trên xuồng, đi ngang qua chợ Cái Nước rồi quanh quẹo dưới ánh bình minh bất chợt có cảm giác rất giống với đường để đi vào chợ nổi Dumnoen Saduak thuộc tỉnh Ratchaburi – Thailand cách Bangkok 100km (cũng quang cảnh hai bên bờ kênh, cũng tắc ráng nhưng dùng máy xe Desoto khởi động bằng accu, truyền động bằng hôp số). Băng qua cống hộp rồi băng nhiều cây cầu trong đó có những cầu thấp như không thể thấp hơn nửa, mọi người trên đò đều phải cúi rạp người xuống mỗi khi đi qua. Trong dân gian thường nói “sông nước Cà Mau”  thể hiện một vùng sông nước đặc thù với hệ thống kênh rạch tự nhiên, cùng sự khơi mở của con người đã tạo nên vùng mênh mông sông nước ngang dọc chằng chịt, đan xen lẫn nhau. Vâng ! Có đi mới biết, có đến mới thấy thiên nhiên và công sức của ông cha ta đã tạo nên một bức tranh sông nước hùng vĩ, góp phần không nhỏ trong việc xả mặn cải tạo cho đất. 

        Tên gọi Cà Mau (theo lối gọi xưa là Cà-mâu), riêng người Khmer gọi tên vùng đất này là "Tưk Kha-mau" có nghĩa là nước đen. Do màu nước đặc trưng bởi lá tràm của thảm rừng tràm U minh bạt ngàn rụng xuống kết hợp với nước mặn đã làm đổi màu nước. Ngày xưa Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên, hoang dã. Chính vì lẽ đó từ thuở xưa đã có câu ca dao : "Cà mau là xứ quê mùa, muỗi bằng gà mái, cọp tựa bằng trâu". Cũng xuất phát từ đời sống và sinh hoạt của người dân gắn liền với sông nước, kiếm sống giữa môi trường thiên nhiên: cắt cây lác chế biến thành sản phẩm bán cho thương buôn, bắt cá, tôm đặc biệt là con cua và cũng chính vì thế phong trào đờn ca tài tử cũng phát triển mạnh, những tiếng hát giải khuây trở thành nếp sinh hoạt văn nghệ phổ biến trong nhân dân, trên dòng sông hay trong đầm lầy, giữa trời nắng gió, cùng truyện cười dân gian của "Bác Ba Phi"  đầy huyền thoại. Bài hát vọng cổ "Tình anh bán chiếu" đã gián tiếp khẳng định rằng chiếu làm bằng cọng lác của Cà mau là một sản phẩm đặc sắc thời bấy giờ. Ngoài ra còn có những đặc sản khá nổi tiếng như mắm lóc U Minh, ba khía Rạch Gốc, sò huyết bãi Bồi, tôm khô bãi Háp... Ngày nay Cà mau đã thay da đổi thịt rất nhiều, giao thông thuận lợi, phố thị phát triển, đã có những chuyến canoe cao tốc "bus boat" thường xuyên nối liền các địa phương và thay vì đánh bắt tự nhiên người dân đã có những vùng nuôi trồng thủy sản  trù phú và thủy sản là thế mạnh của Cà mau.

         "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lền tựa bánh canh", không biết có phải vì câu ca dao bao đời nay gắn liền với vùng đất Cà mau hay không, và tuy không phải là lần đầu tiên về Cà mau để khám bệnh cho bà con nhưng trước khi đi ai cũng nhắc nhau là nhớ mang theo dung dịch chống muỗi. Mang theo thế chứ có ai dùng đâu, xin mạn phép sáng tác câu ca dao lại cho hợp với thực tế "muỗi còn nhưng chỉ vi vu, đỉa thì lác đát khi vô đầm lầy". Cũng xin nói thêm, khi đến nơi do trời tối, thiếu phương tiện nên chỉ có một số vào trước ngủ trong và ngoài sân chùa, số còn lại thuê nhà trọ ngủ lại sáng sớm hôm sau mới vào.

        Chương trình khám bệnh lần này bao gồm chẩn đoán lâm sàng cùng kết hợp tầm soát tiểu đường và tim mạch (vì nơi đây phải dùng máy phát điện riêng nên không thể sử dụng thiết bị chẩn đoán bằng hình ảnh). Việc ngồi khám bệnh bên cạnh tiếng động cơ của máy phát điện đúng là một thử thách màng nhĩ, nhưng biết sao được. Qua khám bệnh đã truyền đạt kiến thức trang bị cho bà con hiểu biết thêm về việc phòng tránh bệnh, đặc biệt là bệnh ngoài da, huyết áp cùng tai biến và bệnh lý về xương khớp đồng thời chỉ định cần thiết lên tuyến trên tiếp tục điều trị đối với một số trường hợp. Toàn bộ kinh phí cùng thuốc trị bệnh do Chi hội Chí Tâm tài trợ.

          Chánh Tâm

Hoạt động này cũng đã đăng tải trên báo Phật giáo và Doanh nhân ngày 18.8.2014 “khám bệnh tại vùng sông nước Cà mau”.  Báo Giác Ngộ và trang truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày 19.8.2014 

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 12
Lượt truy cập: 9519678