Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

HÀNH TRÌNH CHIA SẺ YÊU THƯƠNG 2016 TẠI LÂM ĐỒNG

Tặng học bổng tại xã Trà Cổ... Thăm mái ấm Tín Thác... Tặng quà cho người nghèo là dân tộc K'Ho... Tặng quà tại trại phong...Thăm mái ấm Lục Hòa... Tại Tín Thác những câu chuyện mà trước đây bản thân chúng tôi cũng không ngăn được những dòng nước mắt, chúng tôi đã khóc và các Dì cũng đã khóc, khóc cho những phận đời đang hiển hiện hồn nhiên trước mắt mình... Những người mẹ nhẫn tâm, tội ác đó không thể tha thứ được dù là như thế nào chăng nữa... Người K'Ho tại Di linh là hậu duệ của thế hệ những phu đồn điền thời Pháp ngày xưa cuộc sống của bà con luôn cận kế với những khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc...

HÀNH TRÌNH CHIA SẺ YÊU THƯƠNG 2016

          Vào You Tube : từ khóa : Chi hội Lá Bồ Đề , có đăng tải 2 clip video toàn bộ hình ảnh chụp trong chuyến đi hành trình chia sẻ yêu thương 2016 (phần 1 và phần 2) 

         Là một trong những chương trình cố định hàng năm. Với ý nghĩa mang nhân ái yêu thương chia sẻ đến với các trẻ mồ côi, trẻ em nghèo những nơi mà cuộc sống có nhiều khó khăn cùng những người phải sống đời bệnh tật, bất hạnh.

        Ngày 01 – 03/4/2016, Chi hội Lá Bồ Đề đã đến 5 nơi tại tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng:

        -       Tặng 34 suất học bổng (30 + 4) cho các em học sinh nghèo tại trường cấp 1 Lê Văn Tám và trường cấp 2 Trà Cổ tại xã Trà Cổ huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai

        -       Đến thăm và tặng quà tại mái ấm Tín Thác tại Bảo Lộc – Lâm Đồng

        -       Đến tặng 300 phần quà cho người dân tộc K’Ho là những hộ nghèo thuộc đạo tràng chùa Pháp Hoa (còn được gọi là chùa Hai Cô hay chùa muỗng dùa)

        -       Đến tặng 100 phần quà cho gia đình người bệnh tại Khu điều trị bệnh phong Di Linh – Lâm Đồng (Trại 1)

        -       Đến thăm và tặng quà tại mái ấm Lục Hòa (Ni viện Nguyên Không , Đức Trọng – Lâm Đồng).

        Qua đây cũng xin chân thành tri ân đến tất cả các ân nhân và đặc biệt là gia đình anh Lin Yu Min - Ngọc Nga, cùng gia đình chị Tuyết Lan, đã nhiệt tâm mở rộng vòng tay nhân ái cùng chung tay góp sức để cùng chia sẻ yêu thương, đến với các em nhỏ kém may mắn, bất hạnh, những người bệnh tật, nghèo khó, … Giúp cho chương trình được thành hiện thực, đầy đủ.

        Tổng kinh phí của chương trình lần này là hơn 170 triệu đồng bao gồm hiện kim và hiện vật do các ân nhân gần xa cùng nhau đóng góp thực hiện.

(Xem thêm phần công khai tài chính và phân bố vật phẩm tại mục tài chính)

        Ngoài ra bà Vũ Phi Diệp (USA) cũng đã gửi ủng hộ trực tiếp tặng thêm 4 suất học bổng, mái ấm Tín Thác, Trại phong, mái ấm Lục Hòa với số tiền là 8 triệu đồng và cùng với cô Nguyễn Thị Bích Thủy cúng dường Tam Bảo tại chùa Pháp Hoa số tiền là 200usd (ngoài phần tài chính của đoàn ghi trong bảng công khai). Bên cạnh đó gia đình cô Ngọc Minh (bạn của Oanh Phạm Cty DHL) cũng đã gửi tặng trực tiếp thêm khoảng 150 cái ba lô gấu bông ước trị giá hơn 12 triệu đồng, cùng 300 bao lì xì cho các em. (riêng phần ba lô gấu bông này suýt nữa là không mang đi một cách oan uổng trong khi trước đó khi chưa có đồ chơi do ân nhân ủng hộ, ta phải tận dụng từng món đồ chơi cho các em, 2 bao hàng đột xuất này dự định sẽ để lại dùng cho những lần sau chỉ vì trong lúc tất bật đưa hàng lên xe lại nhận nhầm thông tin đó là “quần áo cũ mang theo cho thêm trực tiếp”. Bởi quần áo cũ trước khi cho vào từng phần tặng bà con bao giờ chúng ta cũng chọn lọc, kễ cả pha trộn đều sự mới cũ, màu sắc, số lượng. Sorry Minh nhé).

        Hơn 5 giờ sáng ngày 01/4/2016, hai xe của đoàn khởi hành thẳng hướng theo QL 20 đi Lâm Đồng.

        Trên đường đi, đoàn đã ghé qua mái ấm Bạch Lâm tại xã Gia Tân 2 huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai, chuyển giao gần 2.000 viên thuốc đặc trị bệnh tâm thần mà một ân nhân gửi riêng cho đoàn để dành tặng đúng nơi cần thiết. Ông Phạm Văn Ngữ giám đốc trung tâm BTXH Bạch Lâm đã trực tiếp nhận. Mái ấm Bạch Lâm là nơi mà đoàn chúng ta từng đến, nuôi dưỡng những cụ già, trẻ mồ côi và đặc biệt là những người tâm thần các mức độ.

        Sau đó hành trình tiếp đến xã Trà Cổ huyện Tân Phú - Đồng Nai. Tại trường cấp 1 Lê Văn Tám đoàn đã đại diện gửi tặng 30 suất học bổng khuyến trong đó có 10 suất dành cho trường cấp 2 Trà Cổ. Những suất học bổng này do nhóm từ thiện ShanShan thực hiện với sự tài trợ của Hội từ thiện đồng hương Việt – Đài. Đây là những suất học bổng khuyến học dành cho những học sinh nghèo với tổng giá trị là 15 triệu đồng. Cũng tại đây chị Bích Thủy đã đại diện cho bà Phi Diệp trao tặng thêm 4 suất học bổng nữa cho trường Lê Văn Tám trị giá 2 triệu đồng.

        Từ đây đoàn tiếp tục đi Bảo Lộc, đến mái ấm Tín Thác tại phường Thanh Xuân 1. Mái ấm tọa lạc như ẩn mình khuất sâu trong một khu dân cư thưa thớt, tỉnh lặng, do Soeur Thụy Hường thuộc dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt đề xuất sáng lập và được Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chấp thuận tạo điều kiện mở mái ấm vào dịp Noel năm 2009 và đặt tên là Tín Thác với niềm xác tín phó thác vào sự phù trợ của Thiên Chúa. Hiện Soeur Thụy Hường đang tiếp tục phụ trách mái ấm nơi nuôi dưỡng 78 em từ 1 tuần tuổi đến 7 tuổi (dưới 12 tháng  có 10 em) hầu hết trẻ đang sống tại đây đều thuộc diện bị bỏ rơi. Nhiều em hiện vẫn không phát âm rõ, hoặc có dạng như thiểu năng, cũng như biểu hiện của bệnh tật.

        Trong mái ấm chúng ta có thể nhận thấy những dòng chữ như nhắc mọi người đừng gieo thêm điều ác mà khi đọc cảm thấy đau nhói lòng “hãy cho đời bé câu chào mẹ, đừng cướp thân em tiếng gọi ba” “Mẹ ơi con muốn làm người!.. Đừng giết con”  và qua câu chuyện với Soeur Thụy Hường phụ trách mái ấm ta được nghe có quá nhiều điều đau buồn đến phẩn uất. Trong một đêm các Soeur nghe có tiếng nói như gọi vọng vào “có em bé ngoài cổng có ai không ra nhận nè” và đúng vậy một bé còn non ngày trong chiếc khăn cũ rách đang nằm ngoài cổng mà không có một miếng giấy hay thông tin gì. Trên đời này sao lại có những người nhẩn tâm đến thế, họ có thể vướt bỏ đứa con mà chính mình tạo ra, mang nặng đẻ đau như vứt đi một món đồ vật không còn cần thiết một cách bình thản vô tâm đến như vậy.

        Trước mặt chúng ta là những đứa trẻ hồn nhiên với nhiều biểu cảm khác nhau trong đó cũng dễ dàng nhận biết những em có di chứng của bệnh tật, dễ mất tinh thần, bất chợt sợ hãi. Nhiều em bị bỏ rơi khi mới vài ngày tuổi vẫn còn đỏ hỏn, khô cả vì thiếu sữa và thiếu nước, có em thì được quấn trong cái nùi giẻ, quấn trong quần áo cũ, trong túi nylon, chậu nhựa, thùng giấy bỏ lại trên nắp cống, lùm cây, trong rừng, trước cổng nhà thờ … Nhiều em khi được phát hiện đang trong tình trạng tím tái, ngạt thở thậm chí bị côn trùng tấn công khiến não bị tổn thương nên việc đầu tiên là đưa bé vào bệnh viện và có những em phải ở trong bệnh viện suốt nhiều tháng mới tạm ổn.

        Những câu chuyện mà trước đây bản thân chúng tôi cũng không ngăn được những dòng nước mắt, chúng tôi đã khóc và các Dì cũng đã khóc, khóc cho những phận đời đang hiển hiện hồn nhiên trước mắt mình. Những người mẹ nhẫn tâm, tội ác đó không thể tha thứ được dù là như thế nào chăng nữa, có thể có người cho là lên án như vậy là thiếu cảm thông, là cực đoan, có thể là như vậy nhưng nếu như trong sự lỡ lầm hay vì nghịch cảnh và người mẹ mang đứa con của mình tạo ra đến trao tận tay cho các mái ấm thì như thế sẽ tốt hơn. Một đứa trẻ khi sinh ra có thể hoàn toàn khỏe mạnh nhưng do bị tác hại bởi thiên nhiên, thời tiết, côn trùng hơn nữa do vì bị cắt nguồn dinh dưỡng quá sớm, nên trẻ gần như không có khả năng đề kháng và nhiều em đã không qua khỏi, những em vượt qua được thì thường không khỏe, dễ bệnh, chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường.

        Trong mái ấm các em đều được làm khai sinh mang họ và con của Soeur Hường, được đặt tên thường có chữ Ân (Thiên Ân, Minh Ân, Thảo Ân…) như là ân phúc của Chúa ban cho và để dễ nhớ nên các em được đặt thêm tên cúng cơm là ớt, cà, bắp, mía, café, sầu riêng, chuối… Gấu, hổ, bò, trâu, mèo, chuột, cù lần…. Theo như lời Soeur Hường nói vui việc đặt tên này hoàn toàn tình cờ chủ yếu là để không trùng với nhau, dễ nhớ, dễ gọi nhưng cũng lạ thật, càng lớn em càng có biểu hiện giống như tên con vật đã đặt cho em, như thằng Bò là luôn kêu bạn lên lưng để cho nó cỏng, thằng Gấu, Hổ thì hung dử, thằng Mèo thì chuyên ăn vụn, thằng Cù lần thì lúc nào cũng cú rũ…

        Cách mái ấm khoảng hơn km, đầu năm 2010 Soeur Hường đã thành lập và cùng các Soeur quản lý có một nghĩa trang đồng nhi  “những thiên thần vô danh” là nơi an nghỉ của hàng ngàn hài nhi bất hạnh cùng chung nỗi đau vì lý do nào đó đã bị tước bỏ quyền được sống từ khi còn trong bụng mẹ hay mới cất tiếng khóc chào đời. Các sinh linh này được nhặt từ trong rừng, bụi cây, thùng rác… Có nhiều xác khi phát hiện đã trong giai đọạn phân hủy nặng, từ các nơi mang về vệ sinh và an táng. Một công việc không dành cho người yếu tim mà đội mai táng của nghĩa trang vẫn lặng thầm thực hiện. Thật không ngờ chỉ sau hơn 2 năm nghĩa trang được thành lập đã có đến con số 4.000 mộ và đến nay con số này đã là hơn 6.000 mộ. Theo các Soeur, nguyện sẽ chăm sóc tốt các phần mộ bất hạnh đang ở đây nhưng không bao giờ muốn nó phát triển, không mở rộng thêm nữa, bởi nghĩa trang càng rộng thì nỗi đau càng lớn, tội lỗi thế gian càng nhiều. Vâng quá đau lòng, nhưng khi mà dân trí đang chưa được nâng đúng mực, đạo đức không được coi trọng thì khó mà ngăn chặn được tội ác, bên cạnh đó trên truyền thông họ chú trọng nhiều vào kinh doanh hơn là hệ quả những gì họ đưa ra công chúng nhan nhãn đến khủng hoảng thừa, rồi cùng nhau “ăn theo” trong khi nhiều người cảm thụ lại quên một điều tối quan trọng là “đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng” đã vô tình ngộ nhận về đạo đức, sự chuẩn mực, hình mẫu, kiểu mẫu, tính cách sống thời đại…

        Soeur cho biết thỉnh thoảng có một hai cô gái còn non choẹt đến thắp nhang chung rồi ôm mặt khóc, có lẽ cô đang ăn năn sám hối vì tội lỗi của mình, cũng thật đau lòng bởi cũng không thể biết phần mộ con mình ở đâu, do tất cả đều không có tên tuổi, chỉ có số, cùng tên Thánh và ngày được nhặt về ghi trên phiến đá hoa cương nhỏ.

        Đến Tín Thác lần này ngoài lương thực, vật phẩm, đồ chơi, thuốc tân dược, tiền mặt gửi tặng mái ấm (xem thêm bảng phân bổ vật phẩm trong phần công khai tài chính) còn có 1 xe lăn chuyên dụng cho thiếu nhi, riêng quần áo cũ thiếu nhi là những cái ta chọn lọc từ các thùng hàng Taiwan gửi về trước đây. 

        Rời mái ấm Tín Thác, ta không khỏi suy tư, trăn trở về thực trạng trẻ bị bỏ rơi, hoặc vô tình hay cố ý tự hoại chính giọt máu của mình, thầm mong và cầu nguyện điều đó sẽ dần không còn và mỗi một sinh linh được hình thành dù là kết quả của tình yêu hay một phút vui bốc đồng đều được đón nhận sự chào đời bằng tình yêu thương, được sống trong vòng tay của mẹ, sự chăm sóc của cha.

        Điểm đến tiếp theo của chương trình là tại Chùa Pháp Hoa thị trấn Di Linh – Lâm Đồng, (Di Linh được phiên âm từ Djiring là tiếng của dân tộc K’Ho) (địa phương thường gọi là chùa Hai Cô còn với các nơi khác đặc biệt là tại Tp.HCM vẫn thường gọi là chùa muỗng dùa).

        Năm 1970 hai Sư cô là Thích nữ Huệ Đức, quê ở Bạc Liêu và Sư cô Thích Nữ Minh Hiền, quê ở Cây Lạy Tiền Giang đã hạnh nguyện dấn thân về vùng đất rừng hoang hóa, hẻo lánh, đồi dốc làm chổ tịnh tu. Trãi qua 45 năm, từ thảo am đơn sơ cho đến như hiện nay ngôi chùa chỉ có hai Ni sư. Chùa Pháp Hoa do Ni sư Minh Hiền, Phó ban Trị sự GHPGVN thị trấn Di Linh trụ trì bổn tự (Ni sư tiếp đoàn chúng ta hôm nay. Ni sư mới xuất viện do có vấn đề về tim).

        Ni sư Huệ Đức được GHPGVN tấn phong Giáo phẩm lên hàng Ni trưởng năm 2007 (hiện Ni sư đang nằm viện do tai biến). Ni sư Minh Hiền được GHPGVN tấn phong Giáo phẩm lên hàng Ni trưởng năm 2012. Một ngôi chùa có hai Ni trưởng nên những ngày Bố tát, tất cả Ni chúng tại Di Linh đều tề tựu về đây.

        Từ những ngày đầu khai sơn, như một nhân duyên, hai Cô đã khai sáng và dẫn dắt bà con dân tộc K’Ho tại khu vực địa phương dần cùng hướng về Phật pháp, người Phật tử đầu tiên đến Chùa là ông K’Briu hay còn gọi là K’Lang (người của ấp K’Long Trao, hiện ông đã trên 70 tuổi, vẫn khỏe mạnh, là một già làng uy tín). Tuy nhiên người chính thức quy y đầu tiên là ông K’Bíu (Đíu) có Pháp danh là Thiện Chiếu, nay đã 60 tuổi và cũng từ đó ông đảm nhiệm là thư ký quản tự phụ giúp cho hai Cô đến ngày nay. Số lượng người chính thức qui y Tam Bảo ngày càng nhiều hơn theo hàng năm, đến nay với 300 hộ, thuộc các ấp Tân Châu, Djiring thượng, Bảo Tuân, Hàng Làng, Lăng Cá, xã Gung Ré đã có 1.040 Phật tử đều là người dân tộc K’Ho thọ giới quy y tại Chùa, trong đó ấp Tân Châu (Klong Trao) đã quy y hầu hết.

        Từ những ngày đầu việc tập hợp và hướng dẫn cho bà con cùng nhau niệm Phật đã là quá khó bởi vấn đề ngôn ngữ và Ni sư Minh Hiền đã có đề xuất Giáo hội dịch kinh sang tiến K’Ho. Do lượng trẻ em cùng theo cha mẹ đến Chùa nhiều nên Ni sư đã tổ chức dạy riêng cho các em cùng tu và sáng kiến dùng muỗng dùa tạo nên tiếng gỏ làm cho các em vui tai, kích thích các em nhưng cái chính yếu là để cho các em cùng niệm Phật đồng nhịp, dần dần tiếng về đạo tràng muỗng dùa được lan xa. Ngày nay điều kiện tốt hơn, những chiếc muỗng dùa trở thành là vật kỹ niệm vẫn còn lưu giữ.

        Đạo tràng người dân tộc chùa Pháp Hoa luôn duy trì việc sinh hoạt đều đặn, tu một ngày, Bát Quan trai… Là đạo tràng lớn nhất của thị trấn Di Linh nói riêng và của tỉnh Lâm Đồng nói chung (riêng Lâm Đồng có 3 đạo tràng người dân tộc). Đến đây vào ngày chủ nhật ta sẽ thấy riêng các em về tu học cũng có khoảng 300 em.

        Thật vậy cảm nhận của chúng ta tại đây cũng như các vùng dân tộc nói chung, tỷ lệ sinh sản phát triển mạnh, riêng năm nay đến Pháp Hoa thấy hình như lượng các em được đeo trên người của mẹ lúc đi kinh hành nhiều hơn năm vừa rồi. Ở tại đây có bao nhiêu đồ chơi, bánh kẹo, sữa đều có thể tiêu thụ được hết. Theo lời Ni sư Minh Hiền nói “sanh cái gì mà quá chừng, con biết không, tết cầm 2 triệu, lì xì 1.000đ/người đứng phát mà mỏi tay, mệt luôn đó”.

        Chứng kiến một đạo tràng từ người già đến trẻ em niệm kinh hồi hướng công đức đối với những người đến giúp cho mình và đi kinh hành, nhiều người đã hỏi sao chỉ có hai Cô mà xây dựng và hướng dẫn được một lượng người lớn như thế, đẹp quá, đều và nhịp nhàng quá, điều đó nói lên tinh thần hoằng dương đạo pháp, công sức, sự khó nhọc trong suốt mấy mươi năm. Hiện nay sức khỏe của cả hai Cô đã giảm nhiều (sau khi tiếp chúng ta Ni sư đã phải vào nằm nghỉ vì mệt). Hiện Sư cô Tín Huệ từ chùa Kim Liên (Đại Ninh) về đây trợ giúp cho hai Cô.

        Riêng các Phật tử người dân tộc tại đây, họ là hậu duệ của thế hệ những phu đồn điền thời Pháp ngày xưa (hiện ta vẫn có nhận thấy một số người có nét lai), cuộc sống của bà con gắn liền với nương rẫy phụ thuộc vào thời tiết, giá cả thương lái, mùa vụ và cũng không phải nhà nào cũng có đất canh tác, nếu có thì không nhiều, nguồn sống chính vẫn dựa vào việc đi làm thuê cho những vườn café trong địa phương (chúng ta thấy chung quanh khu vực có những vườn café trong đó không có vườn nào thuộc sở hữu của bà con dân tộc địa phương). Cho nên cuộc sống của bà con luôn cận kế với những khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc.

        Nhớ lại lời của Ni sư Nhật Khương, Trưởng ban Ni giới tỉnh Bình Phước đã có lần nói với chúng ta “Việc quý vị đến với bà con Phật tử người dân tộc không đơn thuần là việc làm từ thiện mà chính quý vị đang làm công việc hộ trì cho Tam bảo”.

        Bà Phi Diệp (USA) khi gửi tiền về theo chương trình ủng hộ đến các nơi trong đó có cúng dường riêng cho chùa Pháp Hoa mà trực tiếp là Ni sư Minh Hiền, bà không biết kế hoạch chúng ta cũng có đến đây (bà nhờ khi ta đến Di Linh gọi điện Ni sư ra nhận). Tại chùa Pháp Hoa, Ni sư Minh Hiền cũng đã nói chuyện trực tiếp với bà Phi Diệp và bà cùng với cô Bích Thủy đã cúng dường thêm số tiền là 200usd.

        Sau khi dùng cơm trưa, đoàn tiếp tục hành trình đến Khu điều trị bệnh phong Di Linh (trại phong 1) tại xã Bảo Thuận. Tại đây Soeur Bảo Tịnh đã tiếp đoàn thay cho Soeur Thụy (Soeur Bảo Tịnh trưởng cộng đoàn thay cho Soeur Tú về hưu, Soeur Thụy giám đốc thay cho Soeur Bình Minh về Hưu) và bà con cũng đang chờ đoàn. Sau khi nhanh chóng triển khai vật phẩm, tiến hành tặng 95 phần quà cho bà con là những hộ gia đình bệnh nhân trong trại, quà tặng bà con lần này ngoài lương thực, vật phẩm chúng ta có thêm phần cá tươi là những con cá Sapa Fujijama nhập khẩu từ Japan. Qua đây cũng chân thành tri ân đến Cty Song Trang đặc biệt là cô Quyên đã hỗ trợ mua giúp với giá nhập và còn tặng thêm cho bà con. Nhớ lại trong một lần vào nhà bệnh nhân và nghe họ tâm sự “ở đây Soeur lo cho, không có đói, nhưng không có thịt cá ăn, ăn khô hoài sợ quá” và cũng từ đó chúng tôi luôn chú ý điều này những khi đến với người dân tộc trong các trại phong. Việc ta chọn thời điểm này để đến với bà con cũng là hợp lý bởi “trước tết thường có nhiều đoàn đến cho ăn không hết, qua tết trong mùa giáp hạt thì thường không có gì ăn” đó là lời Soeur Tú trước đây nói với chúng tôi.

        Trong trại phong 1 là những bệnh nhân nặng, dù bệnh đã được ngăn chặn nhưng di chứng là không tránh khỏi và họ hoàn toàn mất khả năng lao động, một số trong đó theo quy luật tạo hóa đã cùng se duyên tạo nên một thế hệ mới hoàn toàn khỏe mạnh, tuy nhiên như cái vòng tròn oan nghiệt họ khó có thể thoát khỏi mấy chữ “người trại cùi”, luôn phải chịu sự kỳ thị, xa lánh, cuộc sống có được là những công việc làm thuê công nhật, không ổn định cũng chỉ bởi tại là dân làng cùi nên gia đình luôn gắn liền với nghèo khó, bỏ xứ đi xa thì không có nghề, không có tiền, không có kiến thức (ngày nay các em là thế hệ con cháu đã được đi học bằng nguồn kinh phí do các Soeur và hội dòng vận động tài trợ).

        Sau khi tặng quà cho bà con xong, đoàn cũng đã vào khu điều trị thăm và tặng quà bánh, sữa đặc, sữa nước riêng cho những bệnh nhân đang điều trị trên giường bệnh. Tại đây bất ngờ gặp một anh mà chúng tôi có biết (đã cắt mất bàn chân), anh ở trại 2 là trại của những người lành hơn, khỏe mạnh có thể lao động được, “ơ sao anh lại về đây rồi” “đau quá, nó đau trong xương chịu không nỗi”, “anh có biết Bác sĩ Đại chết rồi không” anh nói mà giọng run run, nhìn qua cửa sổ như cố dấu sự xúc động Bác sĩ Đại chết hồi nào vậy, ân nhân của tui đó”. Vâng ! Bác sĩ Huỳnh Đình Đại một người anh, một người bạn, một vị Bác sĩ luôn để lại trong lòng mọi người sự yêu mến và kính trọng.

        Rời trại 1, đoàn sang trại 2 tại xã Gia Hiệp, đến thăm viếng Dì Tư người kế thừa sự nghiệp cao quý của đức cha Jean Cassaigne (1895 -1973) để lại và là người có công lớn trong việc tạo lập khu đất hơn 40 hecta (giá 200 ngàn vào năm 1972 do một người Pháp mang bệnh, nhớ ơn chăm sóc điều trị, ông đã bán lại giá này cho Soeur Mậu) lập nên trại 2 vào thời điểm năm 1972. Soeur Josephine Mai Thị Mậu, năm nay Soeur đã 76 tuổi (sinh năm 1941, Hải Hậu- Nam Định), nhưng vẫn khỏe, hoạt bát, hiện chăm sóc tại trại 2. Người nữ tu trọn đời hiến dâng phục vụ cho người bệnh phong bằng tấm lòng bác ái, tấm lòng của người mẹ, theo lời dạy của Chúa Jésus yêu tha nhân là là yêu Chúa, đến với tha nhân là đến với Chúa. Soeur bảo rằng thời trẻ bà đến Di Linh như thế nào thì mai này khi ra đi cũng như thế ấy, tình yêu thương những con người bất hạnh là cái duy nhất bà cần. Là một nữ tu, là nhà quản lý, là cán bộ y tế nhưng trước hết Soeur là một phụ nữ mà lòng nhân hậu và những việc làm nhân từ của Soeur khó có bút mực nào tả hết. Mơi Mậu (có nghĩa là mẹ Mậu) là cái tên gọi trìu mến mà tất cả bệnh nhân đều gọi Soeur như thế. 

        Sau khi tốt nghiệp Y tá  tại Sài Gòn năm 1968, Soeur tình nguyện và được đưa về đây. Đến nay Soeur đã có thâm niên 45 năm gắn bó với các thế hệ người cùi tại Di Linh (từ trong trại hay lặn lội vào tận chốn rừng sâu) và gần 5 năm trên Tây nguyên. Người nữ tu đầu tiên và duy nhất đến nay được phong danh hiệu anh hùng mà trong một lần cựu Tổng Bí thư Đảng CSVN Lê Khả Phiêu đến thăm trại phong đã nói Với những việc làm và hành động của dì, như dì thì phải ba lần phong anh hùng mới xứng đáng” và năm đó (2006) Soeur đã được chính phủ phong tặng danh hiệu anh hùng lao động. Tháng 6/2006 Soeur được tôn vinh là "10 phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam" do Liên hiệp Phụ nữ, Thời báo Kinh tế, Đài truyền hình Vn tổ chức. Soeur cũng được tặng huân chương Lao động hạng 3 năm 2001

Lưu niệm cùng với dì Tư, Soeur Mai Thị Mậu người nữ tu cả đời hy sinh chăm sóc cho người bệnh phong

        Thương Soeur quá, khi chúng ta trao quà cho Soeur cùng với cá Sapa gửi cho các Soeur dùng thì lập tức Soeur nói ngay đến cái này cho lại ai, cá này gọi mọi người lên mang về dùng, chúng ta phải cố thuyết phục đây là quà riêng cho các Soeur vì biết các Soeur cũng sống rất kham khổ. Vâng ! người tu chân chính là thế, chỉ nghỉ đến mọi người. 

        Những lời thăm hỏi, những nụ cười, những tình cảm yêu thương như người thân lâu ngày gặp lại, tuy nhiên thời gian không cho phép vì còn tiếp tục hành trình, trước khi chia tay Soeur đã ngỏ ý muốn có chiếc áo xanh của đoàn chúng ta và Soeur đã rất vui mặc ngay chiếc áo và nói “Soeur cũng là người của Lá Bồ Đề đấy nhé” .

Dì Tư, trong chiếc áo xanh của Lá Bồ Đề

        Từ đây đoàn tiếp tục lên Đức Trọng đến với mái ấm Lục Hòa trong Ni viện Nguyên Không tại xã Hiệp An, đến đây thì trời cũng đã tối, tuy nhiên lần này ta đến có sớm hơn do đường giao thông thuận tiện. Mái ấm Lục Hòa là một trong những mái ấm mà nhiều người nhận xét và đánh giá cao, là một mái ấm có đủ cơ sở vật chất, có năng lực, có định hướng, các em được chăm sóc yêu thương thật sự bằng tấm lòng của người mẹ. Theo lời Ni sư Tâm Hạnh nói “Cô muốn mấy em nó sau này thành người trưởng thành thật sự, hữu ích cho đời, muốn vậy thì phải chăm sóc nuôi dạy thật tốt ngay từ bây giờ, nên Cô không muốn nhận thêm là vậy, ở đây là một gia đình, nuôi nhiều mà chăm không tốt thì chính mình sẽ có lỗi”. Tại đây 2 Cô được phân công trực tiếp chăm sóc toàn diện cho 5 em bên cạnh sự hỗ trợ tự nguyện của các Cô khác, với các Cô trẻ thì như là chị em, các Cô lớn thì như mẹ hiền một điều đơn giản nhưng ít thấy ở những nơi khác. Chúng ta đã từng nói với nhau, chỉ cần nhìn các em tự do, vô tư hồn nhiên thật sự của một trẻ thơ, em nào cũng tròn trịa, hồng hào điều đó đã đủ nói lên tất cả.

        Một em năm nay đã 7 tuổi, rất xinh, khi được biết về quá khứ do chúng tôi nói lại em từng bị bỏ trong rừng 5 ngày giữa trời giá lạnh “em vẫn còn sống là điều kỳ lạ”, và em đã trở thành tâm điểm, rất nhiều thành viên ôm em vào lòng trìu mến, cùng chụp ảnh với em, “thôi đừng chụp nữa mà”, thương em quá, em đang ham chơi đồ chơi mà và thật quá dễ thương, vừa ẳm búp bê vừa ru, vừa quạt cho búp bê ngủ.

        Do có một số ân nhân gửi đóng góp thêm ngay trong chuyến đi, qua đó đã tăng thêm phần tiền mặt gửi tặng mái ấm thành 10 triệu đồng thay vì 8 triệu như kế hoạch trong bảng công khai (Cũng xin nói thêm tại đây số tiền mặt của đoàn là 10 triệu + cúng dường 2 triệu + bà Phi Diệp gửi tặng thêm 2 triệu = 14 triệu đồng. Riêng số tiền của đoàn còn lại hơn 2 triệu sẽ tiếp tục công khai trong chuyến tới). Ngoài Lương thực, vật phẩm, quần áo, thuốc tân dược… gửi cho mái ấm và cúng dường cho Chùa. Phần đồ chơi, bánh kẹo được mang lên phân phát và các thành viên, đặc biệt là các bạn trẻ đã cùng chơi với các em. Sau đó đoàn đã dùng cơm tại đây, bửa cơm đơn giản nhưng ngon miệng và như mọi lần món salad trộn bao giờ cũng được chấm điểm 10, nhanh tay còn chậm tay hết.

        Chào tạm biệt Ni sư Tâm Hạnh cùng các em, một chuyến hành trình “Chia sẻ yêu thương” đã hoàn thành. Cảm ơn tất cả các thành viên của đoàn đã cùng hỗ trợ cho nhau, cùng làm việc nhiệt tình, hăng say đặc biệt là các bạn trẻ luôn năng động, hòa mình bằng sự chân thành để cùng mang những tình cảm yêu thương sẻ chia với người nghèo, người bệnh và với các em những thiên thần nhỏ đang vươn lên trong cuộc đời mới, đang đón nhận hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của những mẹ hiền.

         Từ đây đoàn lên Đà Lạt, đến khách sạn Le Petit Paris nhận phòng nghỉ đêm.

         Ngày hôm sau 02/4/2016, theo kế hoạch, đoàn dành 1 ngày để tham quan. Buổi sáng đến tham quan làng Cù lần tại xã Lát huyện Lạc Dương, tuy hơi xa nhưng bù lại đây là điểm còn mới lạ và quang cảnh trên đường đẹp. Tên là Cù Lần, theo bà con dân tộc vì trước đây là nơi có rất nhiều con cù lần sinh sống, còn bây giờ muốn thấy con cù lần thì vào google xem nhé (nhưng theo khu du lịch thì nơi đây gắn liền với chuyện tình của thằng bị cho là cù lần quá). Tại đây cũng có nhiều cây cu li (dạng giống như cây thiên tuế), tận dụng nhúm lông trên đầu cây, người dân tộc chế tác thành những con cù lần mang đi bán (những con cu li bán ngoài chợ, nghe nói có tác dụng cầm máu ? thực chất là sản phẩm chế tác chứ không phải nguyên khúc gổ có 4 chân như ta thấy)

Hoa loa kèn quá đẹp nhưng cũng quá độc bởi hoa có chứa chất gây ảo giác Scopolamine hay còn gọi là hơi thở của quỷ. Kẽ gian đã lợi dụng chất này để cướp tài sản mà nhiều người cho là bị bỏ bùa nên mê mẩn không biết gì

        Buổi chiều đến tham quan Bảo tàng Lâm Đồng. Sau đó tham quan dinh Nam Phương Hoàng Hậu, đây là dinh do đại điền chủ đất Gò Công giàu có nổi tiếng xứ Nam kỳ thời bấy giờ mua và tặng riêng cho con gái là bà Marie Thérèse Nguyễn Thị Lan. Vua Bảo Đại cưới bà vào năm 1934 và tấn phong bà làm Nam Phương Hòang Hậu. Đây là một quyết định phá lệ đối với vua triều Nguyễn bởi trước đó, vợ vua triều Nguyễn chỉ được gọi là hoàng phi, đến khi mất mới được truy phong hoàng hậu. Bà Lan lại là người Công giáo và mang quốc tịch Pháp. “Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng… Trước kia đức Thế Tổ Cao Hoàng đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn” do Bảo Đại viết trong quyển “Con rồng Việt Nam”. Phải chăng đó chính là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam.

        Tham quan Dinh Bảo Đại (dinh 3). Sau khi người Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền từ 1948 rồi thành lập “Hoàng triều cương thổ” vào 1950, nơi đây còn được gọi là biệt điện Quốc trưởng, hay biệt điện mùa hè của vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn. Trong những năm 1980, người viết đã có dịp vào đây lúc đó chưa có bóng dáng của du lịch và dinh do Công an quản lý bên ngoài và bên trong do người quản gia của vua Bảo Đại vẫn còn tiếp tục tự nguyện làm việc chăm sóc tài sản ở đây dù đã trải qua bao thời kỳ. Lâu lắm rồi mới có dịp trở lại nhận thấy vật dụng còn lại quá ít và không còn nguyên bản. Sau đó cũng ghé qua nơi bán các sản phẩm đặc trưng của Đà lạt góp phần giúp các thành viên trong đoàn tiêu bớt tiền ấy mà.

        Buổi chiều đoàn dùng cơm tại nhà hàng Golf 1 (đồi Cù) với set menu 6 món chính, có thể nói bửa cơm khá chất lượng, ngon, phục vụ tốt, đây là nhận xét của hầu hết mọi người trong đoàn. Xin cảm ơn Khánh Vân, người luôn nhiệt tình hỗ trợ cho đoàn chúng ta mỗi khi ta đến Đà Lạt.

          Buổi tối mọi người tự do đi chợ, dạo phố, café, tha hồ khám nhưng không dám phá.

        Ngày hôm sau 03/4/2016, khởi hành về Sài Gòn, trước khi tạm biệt Đà Lạt đã vào tham quan thác Datanla một thác nước hiếm hoi vẫn còn có nhiều nước. Theo kế hoạch đoàn sẽ về tham quan thác Bảo Đại tức thác Jráiblian (thác đá cao), thác được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia tại huyện Đức Trọng, một nơi có lẽ mới lạ với nhiều người nhưng rất tiếc đến trước 1 tuần, anh Phương, giám đốc gọi bảo rằng thác không có nước rồi, thế là ta đành hủy kế hoạch tại đây và  thay vào đó là thác Datanla và phương tiện để lên xuống thác mà nhiều người chọn đó là đi máng trượt tha hồ la ó, tha hồ sợ nhất là với người lần đầu dùng loại phương tiện vui chơi này, thử sức xem tim có còn hoạt động tốt hay không ấy mà. Sau đó trên đường cũng đã dừng tại khu chợ trước thác Preen để mọi người một lần nữa tiêu cho hết tiền.

        Trong kế hoạch tham quan, BTC không phải là những người làm du lịch nhưng trong khả năng nhất định đã cố gắng sao cho đoàn có những gì tốt nhất. Tuy nhiên lần này rất tiếc là ta chưa đến được vườn trái lạ, rất lạ đúng tên gọi của nó (có thể nói theo kế hoạch đây là trọng tâm của chuyến tham quan lần này), để mọi người thưởng lảm, đây là vườn sản xuất, ta đã được sự đồng ý của chủ vườn nhưng do không đúng thời điểm bởi đang mùa giáp hạt nên đành hẹn vào dịp khác. Do muốn có những thay đổi mới trong chương trình tham quan nhưng thật sự cũng tiếc, lần này ta không tham gia giao lưu cồng chiêng để hòa cùng những điệu múa, nghe những giọng hát mà chúng ta đã so sánh là hơn hẳn các ca sĩ Vpop hiện nay.

        Việc 2 xe của đoàn lần này chất lượng có khác nhau (2 hảng xe) mong mọi người thông cảm, đây cũng là điều bất ngờ, nhưng cũng còn kịp khắc phục vào phút 89 sau cú điện thoại vô tình của anh H nhà xe gọi để nói chuyện phiếm 1 ngày trước khi ta khởi hành, khi tình cờ chúng tôi hỏi ngày mai tài xế nào đi vậy thế là anh và chúng tôi đều đứng hình vì hết xe (anh đã cố sắp xếp và buộc phải gọi thêm xe ngoài), do anh nhầm ngày 11/4 ta mới đi ? cú nhầm chết người, cũng còn mai chứ nếu hôm ta đi mà không có xe chỉ có nước cắn lưỡi. Về xe trong những chuyến đi xa, BTC luôn chú trọng dùng xe tốt với hảng xe lớn dù có cao giá hơn một chút. 

        Riêng vấn đề khách sạn mang phong cách của Pháp. Nhìn chung mọi người đều hài lòng về nơi này nhưng việc bị cắt phần chai nước uống (free) theo số khách của mỗi phòng là điều tệ nhất và khá là bất ngờ, một điều lẽ ra không đáng có với một khách sạn vừa có tầm, vừa có sao. Giải thích lý do là do đoàn được ưu đãi về giá nên không có chai nước uống xem ra không thuyết phục (ngay cả khi trao đổi nhiều lần với nhau, chúng ta cũng không được biết về điều này) và ngay cả tủ lạnh tróng không cũng là điều lạ, phải chăng khách ở giá rẻ nên không có tiền ?

        Tất cả là chuyện nhỏ phải không các bạn, cái chính là ta đã có một chuyến đi thật ý nghĩa và 1 ngày tại Đà Lạt thật vui.

        17 giờ 30 đoàn về đến nơi, một chuyến từ thiện kết hợp tham quan đã hoàn thành, một lần nữa chân thành tri ân đến tất cả tấm lòng cùng sẻ chia yêu thương. Hẹn cùng nhau trên bước đường hành thiện từ tâm sắp tới.

        Chi hội Lá Bồ Đề

         Tin về chuyến đi cũng được đăng tải trên trang truyền thông Phật giáo Việt Nam (phatgiao.org.vn) ngày 04/4/2016

         

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 78
Lượt truy cập: 9525996