Chào mừng đến với website của Chi Hội Lá Bồ Đề thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM                                                                                            Hạnh phúc là khi biết sẻ chia.                                                                                                    Người trồng cây Hạnh người chơi  -  Ta trồng cây Đức để đời về sau

Tin mới nhất

Thông báo

TẠO GIẾNG NƯỚC NGỌT NƠI VÙNG HẠN MẶN

Trong tháng 3 và 4/2020 Chi hội Lá Bồ Đề đã thực hiện đào 11 giếng nước, khoan 4 giếng sâu tại Bến Tre và Tiền Giang... Từ trăn trở, để giúp bà con thì cần phải làm gì và sẽ làm gì thiết thực...Có giếng nước tại chổ, một hành động nhỏ nhưng lợi ích lớn, thiết thực và bền vững...Nhìn cảnh bà con vui mừng khi đến lấy nước ta cảm nhận được một sự hạnh phúc, một niềm vui không của riêng ai.

LÁ BỒ ĐỀ, TẠO GIẾNG NƯỚC NƠI VÙNG HẠN MẶN

        Trong tháng 3 và 4/2020 Chi hội Lá Bồ Đề đã thực hiện đào 11 giếng nước, khoan 4 giếng sâu với tổng kinh phí là 130 triệu đồng

        - 3 giếng tại ấp An Thạnh, An Nhơn, An Thái xã An Phú Trung.  2 giếng tại ấp An Phú, An Thạnh xã An Ngãi Tây. 1 giếng tại ấp Giồng Quéo xã An Ngãi tây huyện Ba Tri – Bến tre (6 giếng với kinh phí là 42 triệu đồng. 7 triệu đồng/giếng)

        - 3 giếng tại ấp Phú Thạnh, Phú Hưng xã Phú Thuận. 2 giếng tại ấp Hưng Chánh, Hưng Nhơn xã Châu Hưng huyện Bình Đại – Bến tre (5 giếng với kinh phí là 32 triệu đồng. 6,4 triệu đồng/giếng)

        - Khoan 2 cây nước (bộ giếng khoan) tại liên ấp xã Mỹ Hưng huyện thạnh Phú – Bến Tre (với kinh phí chung là 24 triệu đồng bao gồm khoan cây nước, bơm, bồn 2000L, phụ kiện phần điện, phần nước...)(12 triệu/bộ giếng)

        - Khoan 2 cây nước (bộ giếng khoan) tại ấp 3 và 5 xã tân Phước huyện Gò Công Đông – Tiền Giang (với kinh phí chung là 30 triệu đồng bao gồm khoan cây nước, bơm, bồn 2000L, phụ kiện phần điện, phần nước...)(15 triệu/bộ giếng)

        Trước tình hình hạn hán, mặn xâm nhập sâu ảnh hưởng nặng đến người dân địa phương 6 tỉnh miền Tây, gây nên tình trạng nhiều nơi không có nước ngọt và thiếu cả nước nhiểm mặn để sinh hoạt…Cuộc sống người dân bị xáo trộn chỉ vì phải lo tìm nước.

        Nếu trước đây 6 năm, bà con vẫn ung dung dù giữa mùa khô vì tự thích nghi với điều kiện sống trong môi trường tự nhiên (6 tháng mặn, 6 tháng ngọt). Từ khi có sự cải tạo thiên nhiên (tạo đê, đập, cống ngăn mặn) để tạo “vùng ngọt hóa”, phát triển hệ thống nhà máy cung cấp nước ngọt (thông qua đồng hồ). Tuy nhiên chỉ có hiệu quả thời gian đầu do nước không còn luân chuyển thuận thiên. Khi mùa khô sông rạch, ao hồ khô cạn, đất nứt, sụt lún gây rò rỉ xâm mặn nặng hơn (Dự báo trong những năm tới có thể hạn mặn sẽ còn gay gắt hơn). Biến đổi khí hậu càng rõ rệt, nước biển dâng cao, khô hạn kéo dài khắc nghiệt hơn cộng với lưu lượng dòng nước ngọt từ thượng nguồn theo sông Mekong đổ ra biển bị sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến một hệ quả không tránh khỏi. “Vùng ngọt hóa” thất thủ. Từ hệ lụy đó các nhà máy, trạm cấp nước đều bị nhiểm mặn (mùa mưa cũng có độ mặn khoảng 1 - 2‰, mùa khô thì  không dưới 5‰) và việc cung cấp dù là nước mặn nhiều nơi cũng bị gián đoạn. Việc bà con phải dùng nước mặn trong sinh hoạt hàng ngày đã là điều không muốn nhưng phải chấp nhận. Tại Bến Tre và Tiền Giang nhiều vùng thiếu (nếu không muốn nói là không có) nước ngọt để ăn uống mà ngay cả nước để sinh hoạt (là nước mặn) cũng không có.

        Nhìn cảnh bà con rồng rắn xếp hàng bất kễ ngày hay đêm để chờ nhận nước. Được nghe về ước mơ đơn giản 1 lần tắm thoải mái bằng nước ngọt, bất chợt ta cảm thấy chạnh lòng.

        Trăn trở, để giúp bà con thì cần phải làm gì và sẽ làm gì thiết thực : đầu tư bồn bể thuê xe chở nước đến (nhiều nơi lấy từ nước sông để giảm chi phí) với chi phí mỗi lần không nhỏ và khó duy trì được thường xuyên, mà cũng khó đáp ứng đủ yêu cầu cần dùng… ?  Tặng bồn, bể, thùng chứa nước  ?  chỉ hữu dụng khi mùa mưa trong khi bà con đang cần nước, mà chứa nước thì rồi sẽ dùng được bao lâu ?  Nhu cầu quá lớn, cung ứng thì quá hạn chế, mang bồn, thùng đến thì ai có, ai không…. ? Dàn “lọc nước mặn ra nước ngọt” thực chất là dàn lọc thông thường công nghệ RO (mà ta đã từng dùng) có gắn thêm ống giảm bớt độ mặn (trong ống có hóa chất ???), dàn lọc có thể hiệu quả nhất định nếu nước đầu vào mặn dưới 4‰ (trong khi nguồn nước máy tại chổ cũng trên 6‰ nên nói lọc bỏ nước mặn cơ bản là lý thuyết). Độ bền ống giảm mặn vẫn còn là câu hỏi lớn (thực tế những nơi đã dùng cho thấydàn hoạt động chỉ tính được theo ngày). Hơn nữa nhiều nơi không có nguồn nước để cấp đầu vào.

        Được biết ngay cả dàn lọc chuyên dụng (có thể gọi là nhà máy) của Denmark mang sang lắp đặt viện trợ dùng lọc nước tại hồ chứa kênh Lấp (Tân Xuân, An Phú Trung. Ba Tri) hoạt động được một thời gian ngắn cũng chào thua (vì nước quá mặn).

        Trung tuần tháng 03/2020, Chi hội Lá Bồ Đề, thuộc Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Tp.HCM đã đến thực tế nhiều nơi để tìm hiểu, lắng nghe từ những kinh nghiệm của người dân địa phương để tìm phương án thiết thực mang tính lợi ích lâu dài bền vững. Từ đó phương án tìm nguồn nước ngọt tại chổ là vẫn khả thi .

        Được nghe một Bí thư xã nói “trước tình cảnh nước mặn, ngọt gì cũng không có, bên Môi trường không cho tui cũng khoan để có nước sinh hoạt cho bà con”. Rồi một Chủ tịch xã nói “có được nước ngọt tại chổ cho bà con sẽ mừng lắm, lợi ích thiết thực, điều đó giống như vừa có được con cá mà còn có thêm cả cần câu…”. Nghe những lời tâm sự ấy càng thương và quyết tâm hơn. Vững tin về định hướng và đã mạnh dạng cho đào giếng với hy vọng tận dụng được nước nguồn mạch ngang (mạch khơi, thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương) và khoan giếng (những nơi địa phương đồng ý và cần khoan) để lấy trữ lượng nhiều. Tuy nhiên với phương án tìm nước tại chổ này trước mắt phải chấp nhận thách thức lớn của sự may rủi.

        Giếng nước thí điểm đã được triển khai rộng 1,4m tại ấp An Thạnh xã An Phú Trung huyện Ba Tri hoàn thành, nước trong, ngọt hoàn toàn, với trữ lượng trung bình thường xuyên khoảng gần 2 khối nước và như vậy nếu tuần tự múc thì giếng không hết nước. Một niềm vui dâng tràn,  từ đó mạnh dạng hơn cho triển khai tiếp và giếng thứ 2 ấp An Thái và thứ 3 tại ấp An Nhơn cũng cho kết quả nước rất tốt, nước ngọt và nước nhiều. Theo bà con cho biết “ có nước mừng quá, cần thì ra múc về xài sướng gì đâu (không còn cảnh phải xếp hàng), chứ cứ ngồi chờ có ai đến cho nước, có cho 1 – 2 cal, tiết kiệm cũng chỉ ăn uống được 1 – 2 ngày, mà cũng đâu có cho thường, ở trong sâu này thì lại ít có”.

        Qua thông tin truyền lan việc đào có nước ngọt, từ đó đã tạo nên phong trào nhiều người dân địa phương chủ động tự đào tìm nguồn nước ngọt, qua đó cũng chi phối thợ, rồi tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng công trình của chúng ta cũng bị chậm lại.

        Song song với việc tiếp tục thực hiện thêm 2 giếng đào tại xã An Bình Tây và 1 giếng tại xã An Ngãi Tây huyện Ba Tri (cũng cho kết quả nước ngọt). Anh Sáu Thiện người phụ trách đào giếng nói “tui đào, tui biết,không phải chổ nào cũng có nước ngọt, cũng lạ mấy cái giếng này sao nước nhiều, nước ngọt như nước mưa, cái giếng của cái tâm thì nó phải khác, phải tốt hơn”. ….

        Khi giếng khoan sâu thứ 1 tại xã Mỹ Hưng huyện Thạnh Phú đạt yêu cầu, nước được kiểm định quan trắc theo phương pháp đọc đường đẳng mặn ISOhaline, với kết quả độ mặn S (Salinity) = 0,8ppt (chưa tới 1‰). Bất ngờ, quá bất ngờ với tất cả mọi người. Với kết quả này, nước còn tốt hơn nước sau khi đã qua dàn lọc tại nhiều nơi (thường nước sau dàn lọc giảm mặn cũng còn khoảng từ trên 1 đến 2‰). Nếu hy vọng ban đầu mong có nước để sinh hoạt (nước mặn) đã là tốt, thì giờ đây bà con có thể dùng trực tiếp để nấu ăn và trữ lượng thì phong phú (hoàn thiện kèm bơm, bồn chứa, hệ ống vòi xã… để cấp nước cho bà con).  

        Rồi cây nước khoan sâu thứ 2 cũng tại Mỹ Hưng cho kết quả đo độ mặn S trong nước cũng chỉ =1ppt (‰). Theo tính toán, mỗi giờ chỉ cần bơm 1 lần vào bồn chứa 2.000L, thì trong ngày mỗi giếng có thể cung cấp 20 khối nước.  Có thể tự tin rằng chỉ với 2 giếng này thì bà con của 3 ấp tại chổ sẽ không còn phải khổ về vấn đề nước kể cả trong những năm sau. Một thành công ngoài mong đợi . Từ thành công này, địa phương đã lập thành trạm cấp nước phục vụ bà con địa phương hoạt động 12 tiếng mỗi ngày.

        Tại ấp 3 và ấp 5, xã Tân Phước huyện Gò Công Đông - Tiền Giang, dù khẳng định là nước sẽ bị phèn và mặn, nhưng đó cũng là ước mơ của bà con địa phương cần có nước để sinh hoạt. Tuy nhiên từ kết quả nước tại ấp 3 có độ mặn là dưới 4‰ và giếng tại ấp 5 có độ mặn chỉ 2‰, có thể nói với kết quả này là một bất ngờ đến khó tin, từ đó đã mở ra cho địa phương hướng mới so với yêu cầu ban đầu, tận dụng dàn lọc sẳn có dư dùng (vì không có nước cấp đầu vào) để tạo thành hệ thống cấp nước hổn hợp vừa cấp nước sinh hoạt, vừa cấp nước uống


        Cũng nói thêm, chúng ta cũng triển khai 2 giếng tại xã Phước Trung, Gò Công Đông nhưng không hiểu sao địa phương báo chỉ đào giếng đường kính 0,9m (nhỏ hơn cả giếng gia đình) với lý do không mua được ống lớn. Do không thể đáp ứng tiêu chí cộng đồng mà giá thành thì cao hơn những nơi khác. Nên sau khi thảo luận cùng thống nhất không thực hiện.

        Tại Phú Thuận và Châu Hưng huyện Bình Đại, được triển khai từ sớm nhưng rồi phải đình lại dù đã ứng tiền trước do người nhận thi công lại nói khác, chúng ta cùng chính quyền địa phương thống nhất tạm dừng vì nếu không sẽ trở thành lãng phí vô ích. Dù rất quyết tâm, sau những cố gắng mọi cách không thành tưởng chừng như phải tạm gát lại thì thật may mắn ta đã có thợ đào mới với giá rẻ hơn nữa và 3 giếng đào tại xã Phú Thuận huyện Bình Đại cũng cho kết quả nước ngọt với trữ lượng thường xuyên trên 1 khối. Riêng 2 giếng tại xã Châu Hưng kết quả không khả quan tuy nước ngọt nhưng lại có phèn. Được biết tại Phú Thuận khi đã có nước, người dân tại đó tự nguyện mang lu ra để sẳn, cho lắp bơm để tự bơm nước lên cho bà con đến lấy, không phải xách.

        Việc đào, khoan giếng nơi vùng đất khô, phèn mặn với nhiều may rủi. Cũng có những trở ngại nhưng với một ý thiện, bằng trái tim thiện của tấm lòng thành trong sáng thì điều lành không bao giờ xa lánh chúng ta và sự may mắn đã đến với toàn bộ kết quả nước đều tốt hơn mong đợi . Một hành động nhỏ nhưng lợi ích lớn, thiết thực và bền vững. Từ nay bà con tại chổ và vùng lân cận không còn cảnh phải ngồi chờ có ai đến cho nước không, hay phải tất tả ngược xuôi cả ngày đi tìm nước. Không buộc phải mua khối nước với giá hơn 200k (để mang về dùng mà nước không hoàn toàn ngọt). Từ nay cứ cần là ra lấy, cần thì ra múc về dùng thoải mái. Nhìn cảnh bà con vui mừng khi đến lấy nước ta cảm nhận được một sự hạnh phúc, một niềm vui không của riêng ai.

         Chi hội lá Bồ Đề

CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ

Copyright © 2013 CHI HỘI LÁ BỒ ĐỀ.
Email : labode.tt@gmail.com
CellPhone: 0903.772426 (Liên hệ từ thiện)
Hoặc 0903.741788 (Liên hệ về Website).
FAX : (08)39203437 (Vui lòng liên hệ trước khi Fax).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 83
Lượt truy cập: 9546974